TCCSĐT - Trên cơ sở đặc điểm, thế mạnh của địa phương gắn với những định hướng, giải pháp hợp lý, thời gian gần đây, ngành du lịch của tỉnh miền núi Tuyên Quang đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; bổ sung thêm nguồn thu ngân sách, hoạt động du lịch còn trực tiếp tạo ra thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn.

Những bước đi vững chắc từ tiềm năng đa dạng

Với vị trí nằm cách Thủ đô Hà Nội 165km, giáp với 6 tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang được biết tới như là một trong những tỉnh có nhiều “thế mạnh” nổi bật về các loại hình du lịch, như văn hóa lịch sử, văn hóa cộng đồng, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng. Không khó để kể ra những địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang dần có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước cũng như quốc tế. Tiêu biểu như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Kim Bình, Khu di tích ATK - Kim Quan, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Nà Hang, thác Bản Ba, động Tiên, hồ Khởn; hệ thống các công trình văn hóa như đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La, đền Minh Cầm (Yên Sơn), đền Pác Tạ (Nà Hang)... Và nhất là hàng loạt những lễ hội truyền thống mang đậm những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang, như Lễ hội Động Tiên - chợ Quê, Lễ hội Lồng tông, Lễ Cấp sắc của đồng bào Dao, Lễ hội Nhảy lửa.

Tuy nhiên, khoảng từ năm 2010 trở về trước, có một nhận định chung của các nhà nghiên cứu cũng như du khách là du lịch Tuyên Quang hầu như mới chỉ dừng lại ở việc phát triển mang tính chất tự phát; sản phẩm du lịch thiếu sức cạnh tranh do đơn điệu, không có nét riêng,... Do vậy, thời điểm đó, nhìn chung hoạt động du lịch của Tuyên Quang chưa có được sức hấp dẫn đối với du khách; ít có những đoàn khách lớn; thời gian lưu trú của khách du lịch không dài;... Trước tình hình đó, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển ngành du lịch; trọng tâm là đẩy mạnh khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch của địa phương. Và với sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành, những tiềm năng này đã được khai thác có hiệu quả gắn với đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách thập phương.

Từng bước nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, tâm lý của từng nhóm du khách, với mỗi tiềm năng của từng loại hình du lịch cụ thể, ngành du lịch Tuyên Quang đã chủ động có những biện pháp khai thác, phát huy phù hợp. Nếu như những lễ hội truyền thống được tập trung tìm hiểu, phục dựng, bảo lưu những bản sắc văn hóa riêng thì hệ thống các khu du lịch lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh lại được tập trung thường xuyên tôn tạo, tu bổ gắn với thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ phục vụ du khách. Việc phát triển được gắn chặt với công tác bảo tồn, gìn giữ. Do vậy, những năm qua, ngành du lịch Tuyên Quang đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng khách tham quan cũng như hiệu quả kinh tế thu được. Số lượng du khách trong nước, quốc tế và doanh thu ngành du lịch qua các năm đều tăng trưởng mạnh. Thời gian du khác lưu lại cũng dần được nâng lên. Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Tuyên Quang đã tăng từ 530 nghìn lượt người (năm 2010) lên 1 triệu lượt khách (năm 2014) và 1,3 triệu lượt khách (năm 2015). Đồng thời, hiệu quả kinh tế thu được từ các hoạt động du lịch cũng tăng mạnh với doanh thu xã hội lần lượt là 500 tỷ đồng (năm 2010), 905 tỷ đồng (năm 2014) và năm 2015 là trên 1.125 tỷ đồng. Nguồn thu này đã góp phần bổ sung cho ngân sách địa phương để phục vụ đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Hiệu quả từ những chính sách đồng bộ

Với mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều chính sách để tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Những chính sách đồng bộ này đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Được đánh giá là một “điểm nhấn nổi bật” góp phần quan trọng nâng cao sức hút của du lịch Tuyên Quang, Lễ hội Thành Tuyên đã thực sự trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Xuất hiện lần đầu vào dịp Tết Trung thu năm 2004, khi đó, nhiều gia đình ở thành phố Tuyên Quang đã cắt dán và tạo một số mô hình các con thú nhỏ rồi diễu hành dọc các tuyến phố. Cùng với đó là các hoạt động múa lân, múa rồng, ca vũ nhạc,... Nhận thấy nét độc đáo, sáng tạo và sức hút mới mẻ của những hình thức hoạt động này, từ năm 2010, thành phố Tuyên Quang đã có sự quan tâm, định hướng cho các hoạt động trong dịp Tết Trung thu theo hướng phong phú, đa dạng, quần chúng. Và đã thành thông lệ, có thể với những tên gọi khác nhau nhưng hằng năm, điểm nhấn quan trọng nhất mỗi dịp Trung thu ở thành phố Tuyên Quang đó là những mô hình đèn Trung thu khổng lồ được người dân các tổ dân phố tự tay làm và rước qua hầu hết các tuyến phố. Đặc biệt, năm 2014, lần đầu tiên hoạt động độc đáo này được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh và chính thức thống nhất có tên gọi Lễ hội Thành Tuyên. Trong lễ hội còn có thi Người đẹp Xứ Tuyên, Lễ hội Bia, thi Tuyến phố sạch đẹp, văn minh, liên hoan hát Then - đàn Tính,... Nhờ vậy, trong 2 lần tổ chức gần đây nhất (năm 2014 và 2015), Lễ hội Thành Tuyên đã thu hút hàng chục nghìn lượt du khách về với Tuyên Quang.

Nghiên cứu và tổ chức thành công Lễ hội Thành Tuyên chỉ là một trong rất nhiều ví dụ cho thấy tác động tích cực từ những chính sách đồng bộ đối với sự phát triển của ngành du lịch ở tỉnh miền núi Tuyên Quang. Những chính sách về mở rộng hệ thống hạ tầng du lịch; xây dựng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác, quảng bá,... đã tạo điều kiện để ngành du lịch phát triển hiệu quả. Không chỉ thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia phát triển các hoạt động du lịch, tỉnh Tuyên Quang còn xây dựng những cơ chế riêng về phát triển hạ tầng du lịch qua đó nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh mới có 129 cơ sở lưu trú du lịch với 1.612 phòng, 2.938 giường thì đến hết năm 2015, Tuyên Quang đã mở rộng lên trên 255 cơ sở khai thác các dịch vụ lưu trú, với trên 2.200 phòng, 3.500 giường; trên 100 nhà hàng phục vụ ăn uống. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang đã có 33 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 2 sao.

Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch cũng được Tuyên Quang tập trung thực hiện có hiệu quả. Với việc triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch”, hằng năm, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ như hướng dẫn viên du lịch, buồng bàn bar, lễ tân, du lịch cộng đồng, quản lý khách sạn, nhà hàng... Riêng trong năm 2015, Tuyên Quang đã mở 05 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ với sự tham gia của trên 300 lượt học viên là lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng 13.000 lao động tham gia trong các hoạt động, dịch vụ du lịch; trong đó lượng lao động trực tiếp là trên 3.000 người.Việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch cũng đã có những bước chuyển biến tích cực qua đó giúp hình ảnh du lịch Tuyên Quang đã ngày được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung đã được tăng cường thường xuyên trên cơ sở chú trọng khai thác những nét độc đáo của mỗi địa phương.

Một số định hướng phát triển trong thời gian tới

Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định song rõ ràng ngành du lịch đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh miền núi Tuyên Quang. Thời gian tới, để du lịch tiếp tục có sự phát triển, Tuyên Quang xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò, ý nghĩa việc phát triển ngành du lịch. Thông qua tuyên truyền, cần tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp để ngành du lịch có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hiệu quả, bền vững.

Hai là, nghiên cứu và tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch thế mạnh gắn với tiềm năng cụ thể của địa phương. Trước hết nên tập trung vào các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt đang có sức hút với du khách, như du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tâm linh,...

Ba là, gắn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch với nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch. Cần thực hiện xã hội hóa trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch; đồng thời thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng và tính chuyên nghiệp của các lực lượng tham gia trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, nhất là với những loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch bản làng,...

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang và đẩy mạnh việc hợp tác trong phát triển du lịch. Trong đó cần coi trọng nội dung, hình thức quảng bá phù hợp với từng nhóm đối tượng du khách cụ thể; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội; xúc tiến, phát triển liên kết tuyến du lịch quốc tế với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và Châu Vân Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu đó chính là cơ sở giúp ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ thực sự “cất cánh”. Và những tiềm năng, thế mạnh phong phú của tỉnh sẽ được khai thác có hiệu quả, để ngành du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng./.