Bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa tộc người phục vụ phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Nam
TCCSĐT - Không gian văn hóa Quảng Nam dưới góc nhìn của du lịch văn hóa chính là một không gian văn hóa đặc biệt, giữ ưu thế vượt trội với tiềm năng văn hóa đặc sắc của nó. Trước hết, đó là vùng đất có 2 di sản thế giới đã và đang thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Hơn nữa, Quảng Nam còn ưu thế của một cảnh quan tự nhiên cận kề nhau giữa rừng, núi và biển, một vùng đất 10,4 ngàn km2 mang đủ điều kiện địa lý của cả miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển.
Nhìn về quá khứ, đa số người dân miền núi của các dân tộc thiểu số Quảng Nam nằm dưới sự tác động của nền văn hóa Chăm-pa. Vương quốc Chăm-pa đã kế thừa nền văn hóa Sa Huỳnh và sáng tạo ra hai thời kỳ cực thịnh với những cung điện, đền đài, thành quách uy nghi tráng lệ được xây dựng từ thế kỷ I đến thế kỷ IX. Thời kỳ cực thịnh đó trên vùng đất bán sơn địa Quảng Nam đã như những nhịp cầu nối trung chuyển văn minh từ đồng bằng lên miền núi và chắc chắn mối quan hệ giao lưu kinh tế - văn hóa tộc người sẽ tác động và để lại những vết tích, dấu ấn văn hóa trong đời sống của cư dân các dân tộc Catu, Giê Triêng, Cor.
Cho đến nay, theo thống kê của Ban Dân tộc và miền núi Quảng Nam, đồng bào các dân tộc Quảng Nam sinh sống ở 70 xã, 381 thôn, trên 700 điểm dân cư của 11 huyện và thị xã. Với dân số gần 100 nghìn người (khoảng 6,2% dân số toàn tỉnh), các dân tộc thiểu số Quảng Nam lại “chiếm lĩnh” một khoảng không gian cư trú rộng lớn. Các yếu tố tài nguyên du lịch từ nền văn hóa của các tộc người thiểu số, đặc biệt là cộng đồng người Catu như sau:
Một là, cảnh quan với những triền rừng núi trùng điệp, hiểm trở đa phần là rừng nguyên sinh, tạo ra sức hấp dẫn tự nhiên cho các loại hình du lịch văn hóa và sinh thái. Sự gần gũi của nơi cư trú với sự hoang sơ của tự nhiên chưa bị phá vỡ, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của không chỉ du khách trong nước mà cả du khách quốc tế.
Hai là, nhờ bàn tay lao động và tri thức bản địa của người thiểu số mà khung cảnh đồng ruộng, làng bản vừa phản ánh loại hình kinh tế, sinh thái nhân văn vừa phản ánh hình thái cư trú trong một thiết chế xã hội truyền thống của từng cộng đồng nhỏ, của từng tộc người địa phương. Chính những tri thức về quan hệ xã hội này là nguồn cung cấp nhiều thông tin du lịch văn hóa cho du khách.
Ba là, các giá trị văn hóa vật thể thể hiện qua phong cách kiến trúc nhà cửa, kết cấu thôn bản, các loại hình trang phục, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, công cụ lao động, sản xuất, các loại phương tiện vận chuyển, các loại sản phẩm phục vụ ẩm thực, giải trí,… rất đa dạng. Tất cả những biểu hiện này của văn hóa vật chất từng tộc người thường được sáng tạo theo những nhu cầu riêng, nhận thức và ý thức thẩm mỹ riêng. Đó là cơ sở để hấp dẫn du khách bởi các đặc trưng và bản sắc riêng của tộc người.
Bốn là, các giá trị văn hóa phi vật thể được thể hiện qua các lễ hội dân gian, tôn giáo tín ngưỡng, các hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian như ca hát, âm nhạc, nhảy múa,… là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng và sinh động nhất, luôn luôn đem lại sức hấp dẫn đặc biệt đối với mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp khách du lịch xa gần.
Năm là, các biểu hiện trong nếp sống tộc người thể hiện qua chu kỳ làm việc, cách thức sinh hoạt hằng ngày hay theo các mùa, các chu kỳ sinh hoạt của cộng đồng, các tập tục do ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội hình thành nên. Nguồn tài nguyên du lịch này là những thông tin bổ ích cho việc nhận biết về một dạng tri thức bản địa, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm ứng xử của một dân tộc hay tộc người địa phương.
Sáu là, các mối quan hệ trong phạm vi gia đình, cung cách sinh hoạt gắn với các chu kỳ sản xuất và chu kỳ sinh hoạt lễ tiết của dòng họ, của cộng đồng và nổi bật trong đó là các quan niệm và quá trình thực hành nghi lễ vòng đời trên cuộc hành trình của đời người từ chiếc nôi đến nghĩa địa. Nguồn thông tin từ một không gian chật hẹp nhưng lại chứa đựng những tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng có giá trị về các thành tố văn hóa đặc trưng đó trở thành cội nguồn tạo ra bản sắc văn hóa dân tộc.
Và điều nổi bật đặc biệt là sự hiện diện ngôi nhà chung của cộng đồng, nơi tập kết thường kỳ của các lễ tục, tín ngưỡng, nơi quy tụ, điều chỉnh và duy trì nếp sống văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Trong không gian văn hóa của ngôi nhà chung ở vị trí trung tâm cư trú cộng đồng, sự hòa quyện, kết hợp một cách sinh động, tự nhiên nhưng có lớp lang của phong tục, luật tục, tập quán cùng mọi nguồn tài nguyên văn hóa đặc trưng nhất do tộc người sáng tạo, đã được duy trì và phục vụ chính nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cá nhân - gia đình - cộng đồng trong lịch sử phát triển.
Thực trạng của đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Nam dẫn đến một vấn đề chung cần trả lời là: Để phục vụ cho công cuộc xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa tộc người, khai thác, phát huy và bảo tồn nó trong quá trình phát triển du lịch văn hóa, chúng ta cần nhận thức và có giải pháp lựa chọn bảo tồn di sản văn hóa tộc người như thế nào cho phù hợp và mang lại hiệu quả bền vững?
Không gian văn hóa tộc người miền núi Quảng Nam nhìn từ thực trạng khép kín - liền mạch, đó chủ yếu là không gian văn hóa của cộng đồng tộc người Catu, chiếm hầu hết diện tích của các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang. Vì thế, các điểm chốt văn hóa thể hiện qua vị trí các làng văn hóa, các di tích lịch sử, các danh thắng nằm trên lộ trình du lịch văn hóa khép kín như đã nêu trên đây chủ yếu do người Catu chiếm lĩnh, thuộc các làng dọc đường Hồ Chí Minh. Tiếp thu kinh nghiệm bảo tồn làng văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch văn hóa của một số nước trong khu vực, cần xây dựng làng văn hóa dân tộc Catu theo công nghệ bảo tồn phù hợp với đặc trưng dân tộc và điều kiện địa lý Quảng Nam hiện nay.
Trước hết, đó là việc xây dựng các làng văn hóa Catu tại các điểm chốt thuộc huyện Tây Giang (làng B’rning - làng A Vương), huyện Đông Giang (thôn Gừng - thị trấn P’rao), huyện Nam Giang (thôn Đắc Ốc). Với các điểm văn hóa tiêu biểu này, vấn đề đặt ra là bảo tồn những thành tố văn hóa truyền thống nào? Đó là cần phải tập trung vào những thành tố đặc trưng cho bản sắc văn hóa Catu:
- Bảo tồn ngôi nhà Gươl, nơi có sức mạnh quy tụ, vận hành và điều chỉnh văn hóa cộng đồng tộc người. Có một thực tế đã diễn ra là, ở một số nơi, chính quyền xã đã đầu tư kinh phí và thuê thợ từ đồng bằng về làm Gươl theo đúng nguyên vật liệu và khuôn mẫu Gươl truyền thống (trường hợp Gươl tại khuôn viên Ủy ban nhân dân xã Chà-vàn huyện Nam Giang là một ví dụ). Thế nhưng, sau khi đưa vào sử dụng, cộng đồng người dân hầu như không “lai vãng” và có cảm nhận đấy không phải là nơi gửi gắm cho ý nguyện, tâm linh và nơi giải tỏa cho những bức xúc của cá nhân trong cộng đồng. Một số nơi lại xây dựng Gươl bằng hình thức bê tông hóa. Các nhà Gươl do chính quyền huyện hoặc xã đầu tư tổ chức làm ra chỉ là một thứ nhà văn hóa công cộng. Dưới con mắt người dân, nơi đó không có giá trị tâm linh, không được thần thánh chấp nhận. Một nhà Gươl theo đúng cách của nó, phải do cộng đồng người dân tự đứng ra tổ chức xây dựng, từ việc thực hành nghi lễ chọn vị trí, động thổ đến các khâu chọn nguyên vật liệu (đặc biệt là cột cái và cột con) và trang trí theo ý nguyện cộng đồng, dưới sự “cai quản” điều hành của già làng cùng Hội đồng già làng (những người có uy tín và quyền lực trong cộng đồng). Có như thế, người dân trong cộng đồng mới cảm thấy tin tưởng vào sức mạnh vô hình của ngôi nhà chung, tự giác tuân phục, tham gia các sinh hoạt văn hóa - xã hội và gắn bó với nó bằng cả vận mệnh của mình.
- Bảo tồn hình thức sinh hoạt hát Lý tại ngôi nhà chung (Gươl). Đây là bản sắc độc đáo của văn hóa Catu trong việc dùng loại hình ca hát đặc biệt này để sử dụng luật tục, phong tục qua vai trò điều hành, hòa giải, đối ngoại của người hát Lý (thường là già làng) nhằm giáo dục con người ứng xử với tự nhiên, môi trường và quan hệ xã hội theo những khuôn phép vô hình do cộng đồng sáng tạo và nhất trí tuân thủ.
- Bảo tồn các cuộc ca hát nhảy múa theo bài bản truyền thống và các trò chơi dân gian, được thực hành và trình diễn trong các kỳ lễ tiết, hội hè tại nhà Gươl hoặc sân chơi cộng đồng của người Catu.
- Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Catu tại các làng nghề bên cạnh các nghề thủ công đan lát hoặc làm ra những sản phẩm, công cụ sản xuất, săn bắn, đánh bắt cá... Đây là cơ sở để duy trì và bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống và các cách thức làm ăn, tồn tại phù hợp với môi trường sinh thái của người dân.
- Bảo tồn một cách có lựa chọn các nghi lễ truyền thống của người dân qua các kỳ lễ tiết, lễ hội. Thông qua các cuộc thực hành nghi lễ này, kinh nghiệm làm ăn và tri thức bản địa của tộc người trong mối quan hệ với tự nhiên, canh tác và quan hệ ứng xử xã hội có cơ hội được duy trì chặt chẽ và lưu truyền trong cộng đồng.
Do đó, để đáp ứng được nhu cầu phát triển về kinh tế, văn hóa của cộng đồng tộc người, cần áp dụng các giải pháp bảo tồn có tập trung, lựa chọn chứ không bảo tồn dàn khắp các cộng đồng dân tộc.
Vấn đề đặt ra là, để phục vụ phát triển du lịch văn hóa, ngành du lịch không thể chỉ sử dụng kinh phí thuần túy cho đầu tư kinh doanh du lịch và trích nộp một phần cho việc tu sửa, quản lý các di tích văn hóa là coi như đã góp phần bảo tồn được di sản văn hóa truyền thống các dân tộc. Mà cần có sự hợp tác liên ngành, liên bộ để nghiên cứu thực tiễn và đúc kết các giải pháp khả thi, có giá trị ứng dụng thực tiễn bền vững và hiệu quả. Và điều quan trọng là di sản văn hóa các dân tộc là sản phẩm sáng tạo của chính các dân tộc đó, cần phải đưa người dân và cộng đồng tộc người về vị trí chủ thể, vừa trực tiếp xây dựng, vừa trực tiếp quản lý, bảo tồn và thụ hưởng giá trị lợi ích từ các nguồn tài nguyên nhân văn vô giá đó./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Đảng Cách mạng Tanzania  (11/03/2016)
Lễ thượng cờ tàu buồm hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam  (11/03/2016)
Phát động Chương trình “Trường Sa xanh” giai đoạn 2016-2018  (11/03/2016)
Khai mạc triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ"  (11/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay