Bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính Biên phòng
TCCSĐT - Đứng chân trên mảnh đất lịch sử huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia. Nhân chuyến công tác tại Hà Giang, phóng viên Tạp chí Cộng sản đã có cuộc trò chuyện cùng Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng - Đồn trưởng về công tác đối ngoại biên phòng và giúp dân xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn Đồn đóng quân.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết một số nét chính về nhiệm vụ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy?
Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng: Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy có nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 30,98km, trong đó có 49 cột mốc (44 mốc chính và 5 mốc phụ), địa bàn phụ trách 5 xã biên giới của huyện Vị Xuyên. Bên cạnh các nhiệm vụ như các đồn biên phòng khác, Đồn còn thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Cuối năm 2014, Chính phủ nâng cấp cửa khẩu Thanh Thủy lên thành cửa khẩu quốc tế, do đó nhiệm vụ đặt ra với Đồn ngày càng nặng nề hơn, nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát, xuất nhập cảnh và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm qua lại biên giới.
Trong những năm qua, Đồn đã áp dụng đồng bộ các biện pháp công tác, trong đó công tác quản lý xuất nhập cảnh, duy trì an ninh trật tự tại cửa khẩu bằng các biện pháp nghiệp vụ, và đặc biệt là trong công tác phối kết hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc tại cửa khẩu Tianbao (Thiên Bảo), xác định rõ cửa khẩu là của chung hai bên, do đó hai bên cần phải giữ chặt mối liên hệ công tác. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ của Đồn, đặc biệt là nghiệp vụ công tác an ninh cửa khẩu, do đó, an ninh cửa khẩu được bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có vụ việc phức tạp nổi lên, duy trì tốt được hoạt động xuất nhập cảnh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông biên giới. Cho đến nay, lưu lượng người và phương tiện hàng hóa qua lại cửa khẩu ngày một tăng, công tác an ninh trật tự được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
PV: Đứng chân trên mảnh đất lịch sử, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã có những hoạt động giáo dục truyền thống như thế nào cho cán bộ, chiến sỹ để tiếp thêm sức mạnh tinh thần giữ vững chủ quyền biên giới, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng: Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang là một mảnh đất lịch sử, là địa bàn trọng điểm chiến lược của tỉnh Hà Giang nói riêng và của đất nước nói chung. Vinh dự cho Đồn là đơn vị được bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lịch sử này, trước hết, chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ chiến sỹ biết được sự hy sinh mất mát to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Nhờ sự hy sinh đó thì mảnh đất biên cương này mới bình yên như ngày hôm nay. Bằng các hoạt động tri ân như trong dịp ngày thương binh liệt sỹ 27-7, lễ tết, Đồn đều tổ chức đi thăm hỏi các gia đình chính sách, viếng nghĩa trang liệt sỹ, viếng đài tưởng niệm liệt sỹ Thanh Thủy, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ thế hệ sau biết và trân trọng sự hy sinh của cha anh để nâng cao hơn ý thức trách nhiệm trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng, là trên hết, người chiến sỹ biên phòng là người nổ phát súng đầu tiên báo hiệu đất nước lâm nguy, và là người nổ phát súng cuối cùng khi đất nước kết thúc chiến tranh. 100% cán bộ, chiến sỹ của Đồn đều xác định rõ nhiệm vụ giữ gìn phên dậu Tổ quốc, ý thức dân tộc, ý thức biên giới lãnh thổ, để từ đó gắn liền với việc hoàn thành nhiệm vụ trên từng cương vị công tác.
Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Biên phòng, trên địa bàn xác định những hộ gia đình khó khăn mà có con em vượt khó ham học thì tiến hành nhận đỡ đầu cùng gia đình chăm nuôi khôn lớn đến tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, Đồn còn thường xuyên cử cán bộ đến kiểm tra, giúp đỡ các cháu học tập ngày càng tiến bộ. Việc đỡ đầu này đã nhận được sự quý trọng không chỉ từ phía gia đình các cháu mà còn lan rộng ra cả thôn bản. Đồn cũng xác định, những trường hợp đỡ đầu này sẽ bồi dưỡng tạo nguồn trở thành chiến sỹ biên phòng hay cán bộ địa phương trong tương lai.
PV: Hiện nay, an ninh trật tự vùng biên đang là vấn đề rất nổi cộm. Vậy, trên địa bàn huyện Thanh Thủy - nơi Đồn đóng quân, tình hình như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng: Có hai vấn đề nổi cộm nhất hiện nay về an ninh trật tự trên địa bàn hiện nay là: Thứ nhất, hiện tượng đồng bào vượt biên giới sang Trung Quốc lao động làm thuê. Người dân khu vực biên giới tự phát đi, không làm giấy tờ, không báo cáo cấp chính quyền sở tại, do đó gây khó khăn cho công tác kiểm soát, vì đường biên giới rộng, rất mở, biên giới hai thôn bản giáp nhau đi qua lại rất nhanh, phía Trung Quốc thì thiếu nhân lực lao động. Đáng lưu ý là hiện tượng lao động vượt biên đi làm thuê không phải chỉ riêng mấy hộ gia đình biên giới, mà còn có cả các huyện, xã nằm sâu trong nội địa. Thời vụ nông nhàn, bà con có nguyện vọng đi làm thuê để có thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là bà con đi lại không báo cáo cấp chính quyền sở tại, do đó nhiều khi xảy ra sự việc mất an toàn trên đất bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác giữ gìn an ninh trật tự giữa hai bên và công tác bảo hộ công dân theo thông lệ quốc tế.
Thứ hai, vấn đề buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc. Ngay từ đầu năm 2015, Đồn đã giải cứu hơn 30 phụ nữ và tiếp nhận từ phía Trung Quốc trao trả gần 100 trường hợp, trong đó nạn nhân chủ yếu là các phụ nữ dân tộc giáp biên giới như dân tộc Mông, Dao, Dáy, Nùng…
Để giải quyết vấn đề này, Đồn đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền tới từng hộ gia đình vận động nhân dân không vượt biên giới trái phép. Nếu muốn đi lao động thì nên đi theo các kênh chính thống như Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh. Bên cạnh đó, Đồn cũng chủ động liên hệ với phía bạn để cùng phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật dân cư biên giới. Các trường hợp phụ nữ tại địa bàn bị lừa bán được giải cứu hoặc được trao trả thì Đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đến động viên, giúp đỡ để họ sớm hòa nhập lại cuộc sống thôn bản, yên tâm xây dựng cuộc sống gia đình.
PV: Đối ngoại biên giới là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vậy những năm qua, Đồn Biên phòng đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng: Công tác đối ngoại biên phòng tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy những năm qua đã được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng đánh giá là điểm sáng trên tuyến biên giới Việt - Trung. Điều này cũng được đánh giá ghi nhận tại Hội nghị sơ kết công tác đối ngoại của phía Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Tỉnh Vân Nam Trung Quốc tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên), và xác định cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Tianbao là cặp cửa khẩu có mối quan hệ tốt nhất.
Công tác đối ngoại của bộ đội biên phòng là một trong những biện pháp rất hiệu quả trong thời đại mà chúng ta đang hòa nhập với cộng đồng quốc tế và đây cũng là một biện pháp để nâng cao sự hiểu biết, tính khả thi khi có các chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về công tác phát triển biên giới, đặc biệt là phục vụ sự phát triển của địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới về tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách lớn của hai Đảng, hai Nhà nước triển khai xuống vùng biên giới và đặc biệt là trong chương trình của tỉnh Hà Giang trong nhiệm kỳ tới thì có chương trình thứ 5 là phát triển kinh tế biên giới, biên mậu gắn với bảo đảm an ninh. Đó là một trong những chương trình hành động rất cụ thể đối với bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang nói chung và Đồn nói riêng.
Công tác đối ngoại ngoài quan hệ truyền thống với các lực lượng bảo vệ biên giới, thì Đồn còn tổ chức kết nghĩa giữa Đồn với Trạm kiểm soát biên phòng Tianbao Trung Quốc và Trạm công an biên phòng Thuyền Đầu, từ đó càng gắn kết mối quan hệ hữu nghị quốc tế. Bên cạnh đó, Đồn còn tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa cụm cư dân hai bên biên giới, công việc này đang chờ sự thống nhất của chính quyền hai huyện tiến tới kết nghĩa hai xã biên giới Thanh Thủy - Tianbao, từ đó nhân rộng mô hình hữu nghị biên giới. Việc này cũng đã nhận được sự nhất trí cao của phía chính quyền xã Tianbao. Cả hai bên đã báo cáo lên chính quyền cấp huyện và Bộ chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh để tiến hành tổ chức kết nghĩa hai xã biên giới trong thời gian tới. Kết nghĩa để giúp cho việc phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh biên giới, tạo thông thoáng cửa khẩu cho đầu tư phát triển.
PV: Trong chính sách đối ngoại biên giới, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã có những cách làm như thế nào để vẫn giữ được mối quan hệ hữu nghị, đồng thời vẫn giữ được mảnh đất biên giới mà trước đây đã từng là “chảo lửa” trong thời gian xảy ra chiến tranh biên giới?
Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng: Đối ngoại biên phòng nằm trong đối ngoại quốc phòng, trong đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân. Nhiệm vụ đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên của bộ đội biên phòng, cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào, tình hình như thế nào thì chúng tôi vẫn giữ tốt mối quan hệ địa phương hai bên. Vì xác định rõ, bảo vệ biên giới là biên giới chung, nếu ta bảo vệ mà bạn không thiện chí cũng không được và ngược lại. Hai bên xây dựng biên giới là phải hòa bình, hữu nghị biên giới chung, do đó, trong quá trình đối ngoại, ta vẫn luôn khéo léo giữ được chủ quyền, quyền chủ quyền và vị thế của người chiến sỹ biên phòng. Muốn làm được việc đó thì trước hết, cán bộ, chiến sỹ của Đồn phải hiểu nguyên tắc đối ngoại, đối ngoại ở đây không chỉ đại diện cho Đồn mà là đại diện cho quốc gia, do đó phải hiểu được lễ tân ngoại giao, phong tục tập quán, từ đó tạo thuận lợi cho mọi công tác biên giới với bạn như giữ gìn trật tự, phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, … mà có liên quan đến hai bên.
PV: Không chỉ hoàn thành sắc xuất nhiệm vụ chính trị, làm tốt công tác đối ngoại biên giới, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy còn có những hoạt động thiết thực giúp đỡ đồng báo phát triển kinh tế. Cụ thể những hoạt động đó là gì, thưa đồng chí?
Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng: Nhiệm vụ vận động quần chúng nhân dân chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ chính trong công tác bảo vệ biên giới. Bảo vệ biên giới không thể thiếu được sự chung tay của bà con nhân dân địa phương. Nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, Đồn đã tham gia trực tiếp vào chương trình Bộ đội Biên phòng chung tay xây dựng nông thôn mới, bằng những việc làm thiết thực và cụ thể. Ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thì chúng tôi bằng người thật, việc thật, làm thật giúp đỡ dân.
Muốn dân tin thì phải làm gì cho dân có lợi, ví dụ như tham mưu cho chính quyền địa phương đưa chương trình nông thôn mới phát triển các xã trọng tâm về điện, đường, trường, trạm, giải quyết giao thông đi lại cho bà con nhân dân. Chúng tôi đóng góp bằng những ngày công cụ thể, năm 2015, cán bộ, chiến sỹ của Đồn đã đóng góp hơn 400 ngày công, và vận động quyên góp từ một đến hai ngày lương/năm để giúp cho địa phương, ví dụ như tại xã Thanh Thủy trong năm 2015 đã giúp tu sửa điểm trường Mầm non thôn Nậm Ngặt với trị giá 40 triệu đồng; giúp cho thôn Thanh Sơn xây cổng làng văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu - nông thôn kết hợp nông nghiệp và du lịch sinh thái, dịch vụ (thôn Thanh Sơn là địa điểm tập kết cán bộ, chiến sỹ hy sinh và bị thương trong thời gian xảy ra chiến tranh biên giới 1979). Tham mưu cho chính quyền thôn vận động các hộ dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, làm đường bê tông, phát triển kinh tế theo quy mô, tạo cảnh quan đẹp tự nhiên, phấn đấu xây dựng thôn Thanh Sơn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Tới đây, Đồn sẽ giúp các thôn bản khác phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giúp cho các cháu học sinh, ví dụ Đồn là đầu mối để các cơ quan doanh nghiệp ở dưới xuôi muốn góp, chung tay đến làm từ thiện thì qua Đồn thấy chỗ nào khó khăn nhất thì chúng tôi mời đến trao tặng. Có như vậy bà con ngày càng tin tưởng bộ đội biên phòng. Sức của mình không làm hết được thì mình vận động những nơi đầu mối để kết nối các nhà hảo tâm cũng như các doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng đối với bà con biên giới, … góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Tóm lại, sự thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội khu vực Đồn đóng quân những năm gần đây đã thay đổi rõ rệt. An ninh trật tự biên giới được giữ vững, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy mới được thành lập, nhất là trong hai năm trở lại đây đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vật chất bảo đảm tốt hơn rất nhiều, từ đó lưu lượng người và hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây ngày càng tăng. Cuộc sống bà con trước đây làm nương, làm rẫy thì nhiều hộ đã chuyển sang làm thương mại, kinh tế hộ gia đình ngày càng nâng cao, không còn hộ thiếu đói. Đây là những động lực quan trọng để Đồn tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tạo đà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm trong những năm tiếp theo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thủ tướng Chính phủ công nhận Cô Tô đạt chuẩn huyện Nông thôn mới  (31/12/2015)
Thủ tướng Chính phủ công nhận Cô Tô đạt chuẩn huyện Nông thôn mới  (31/12/2015)
Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định hội nhập kinh tế toàn cầu  (31/12/2015)
Việt - Trung lập đường dây liên lạc quốc phòng, hai Bộ trưởng điện đàm  (31/12/2015)
Lễ thượng cờ chào mừng Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành  (31/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển