Khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp - Con đường phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Yêu cầu cấp thiết
Trong quá trình đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có những bước phát triển quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng góp phần tích lũy vốn đầu tư cho công nghiệp hóa. Nông thôn trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều thay đổi về kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống của đại bộ phận nông dân đã được cải thiện. Những kết quả đó có khởi nguồn từ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, bắt đầu bằng cơ chế Khoán 10, Chỉ thị 100, “cởi trói” để kinh tế hộ phát triển, cùng với xóa bỏ rào cản trong cơ chế lưu thông, phân phối lương thực, chấm dứt tình trạng ngăn sông cấm chợ. Tuy nhiên, dư địa để kinh tế hộ tiếp tục tăng trưởng, phát triển ngày càng thu hẹp, do những hạn chế về diện tích canh tác, năng suất, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy mô diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún của kinh tế hộ không cho phép áp dụng hiệu quả kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tính tự phát của hàng triệu hộ nông dân trong sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hầu như năm nào cũng lặp lại, đó là “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Hộ nông dân đơn lẻ tỏ ra không có sức cạnh tranh, không được bảo vệ, hoàn toàn phụ thuộc vào những biến động của thị trường.
Rõ ràng, để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, trên nền tảng công nghệ cao, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó, chú trọng cơ chế, chính sách để không chỉ phát huy vai trò của kinh tế hộ mà đặc biệt chú trọng vai trò của doanh nghiệp và hợp tác xã kiểu mới, phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, coi đó là những xung lực mới cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Khó khăn, thách thức
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cần có sự liên kết chặt chẽ của 5 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng. Vai trò của 5 nhà đều rất quan trọng nhưng doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong trong việc đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa tiên tiến, hiện đại, hội nhập kinh tế thị trường khu vực và thế giới. Doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường nông sản hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên những tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam.
Sứ mệnh của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là xây dựng nền tảng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần hình thành một diện mạo mới của nền nông nghiệp Việt Nam và bức tranh nông thôn Việt Nam trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, với chủ trương khuyến khích của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Ba Huân, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc đầu tư tại Bạc Liêu… và bước đầu đã khẳng định hiệu quả. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: TH Truemilk, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát… Riêng năm 2016 có gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung đã có một số kết quả quan trọng. Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp như sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất khiêm tốn. Tính chung cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.
Về nguyên nhân của thực trạng này, nguyên nhân đầu tiên là vướng mắc về đất đai. Chủ trương tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai khi triển khai còn lúng túng, nhiều vấn đề chưa rõ và chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thành công chủ yếu là những doanh nghiệp hợp tác, khai thác sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh. Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số cách làm trong việc tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp đầu tư như doanh nghiệp chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác với từng hộ nông dân; chính quyền địa phương đứng ra thay mặt các hộ nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp; người dân góp cổ phần vào doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất hay hình thức hợp đồng 3 bên: doanh nghiệp, chính quyền địa phương - người dân. Mỗi hình thức nêu trên đều có những ưu điểm, hạn chế và những vấn đề tiềm ẩn, khó khăn khi có sự xung đột quyền lợi trong thực hiện hợp đồng. Nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ cả hai phía, người dân và doanh nghiệp luôn hiện hữu mà các chế tài theo pháp luật về hợp đồng kinh tế chưa thể xử lý triệt để, thỏa đáng để người dân có thể yên tâm nhường quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng yên tâm khi đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ hai, mức hỗ trợ cho nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa thể bảo vệ được nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của nông sản và doanh nghiệp nước ngoài. Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ này là 55% - 60%.
Thứ ba, pháp luật về quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất thực hiện chưa nghiêm. Chính quyền địa phương hay thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp.
Thứ tư, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được quan tâm phát triển. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có độ rủi ro cao nên khi không có cơ chế bảo hiểm thỏa đáng thì các ngân hàng không thể mạo hiểm cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư.
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì Nhà nước phải có các giải pháp về cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời thực thi các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đủ mạnh và hiệu quả để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Trước hết, cần thực hiện toàn diện các chủ trương, giải pháp về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ, bởi lẽ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng là đối tượng chịu tác động của Nghị quyết này. Các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần chú trọng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhất là trong thu hút đầu tư, đăng ký kinh doanh nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, qua đó, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Riêng đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 19-12-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm thực hiện, do các giải pháp khuyến khích chưa đủ mạnh, chưa trúng, do vướng mắc về thủ tục hành chính nên hiệu quả khuyến khích chưa cao. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các doanh nghiệp, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ phải mang tính “đột phá” và “sát thực tiễn” để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch.
Để ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn với công nghệ cao, giá thành cạnh tranh thì điều kiện tiên quyết là tích tụ và tập trung đất đai. Đề làm được điều này, trước hết phải thay đổi căn bản chính sách về đất đai hiện nay gắn với các chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng, bảo hiểm… trong đó chính sách về đất đai, vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất có ý nghĩa then chốt để đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Trong vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất, cần:
- Tiến hành nghiên cứu, tổng kết các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã triển khai trong thực tiễn thời gian qua, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của mỗi mô hình làm căn cứ thực tiễn để đề xuất giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất hiệu quả, khả thi, vừa bảo vệ được quyền lợi của nông dân, vừa tạo được sự an tâm của doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành về đất đai, bao gồm cả luật pháp (vấn đề hạn điền, quy hoạch sử dụng đất,…) đến các vấn đề về cơ chế, chính sách theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai sản xuất nông nghiệp; rà soát sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai; áp dụng chế độ miễn giảm và thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; cho phép các doanh nghiệp được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh.
- Chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp chính quyền địa phương đôn đốc các cơ quan trực thuộc nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh tháo gỡ khó khăn về đất đai, cần tập trung xây dựng thể chế, pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, chính sách trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Chính phủ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển. Các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngay, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nhất là trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tranh thủ hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong phát nông nghiệp, nông thôn. Đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các chương trình hỗ trợ khác của Nhà nước để thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, cùng thắng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất theo quan điểm 3 bên (nhà đầu tư, nhà nước và người dân) cùng thắng trong hoạt động kinh doanh.
Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa./.
Những thách thức đối với tân Tổng thống Hàn Quốc  (11/05/2017)
Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan  (10/05/2017)
Thông báo dừng đánh cá trên biển Việt Nam của Trung Quốc là vô giá trị  (10/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong  (10/05/2017)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp đoàn đại biểu người có công  (10/05/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên