Những thách thức đối với tân Tổng thống Hàn Quốc
Theo thông báo của Uỷ ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc, ông Moon Jae-In thuộc đảng Dân chủ tự do đã giành được 41,08% số phiếu bầu, bỏ xa ứng cử viên về thứ hai Hoong Joon-pyo (Hông Chun Pi-ô) của đảng Hàn Quốc tự do với 24,03% số phiếu ủng hộ và ứng cử viên về thứ ba Ahn Cheon-soo (An Chơn Xu) thuộc đảng Nhân dân theo đường lối trung tả với tỷ lệ ủng hộ là 21,41%. Hai ứng cử viên Yoo Seong-min (Du Xưng Min) thuộc đảng Bareun theo đường lối bảo thủ và Sim Sang-Jeung (Xim Xang Chung) thuộc đảng Công lý theo đường lối cấp tiến lần lượt giành được 6,76% và 6,17% số phiếu bầu.
Sau khi tuyên thệ, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In cho biết ông sẵn sàng đến thăm Triều Tiên trong hoàn cảnh "thích hợp", cũng như tiến hành đàm phán với Trung Quốc và Mỹ về việc triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối đang gây tranh cãi.
Nhanh chóng kiện toàn bộ máy…
Trong ngày 10-5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những bước đi đầu tiên trong việc thành lập chính phủ mới, với việc bổ nhiệm thủ tướng, chánh văn phòng phủ tổng thống, giám đốc cơ quan tình báo và cơ quan an ninh quốc gia.
Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Phủ Tổng thống, sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in thông báo chỉ định Tỉnh trưởng tỉnh Nam Jeolla (Chơn-la), Lee Nak-yon (Li Nắc Y-on), làm tân Thủ tướng Hàn Quốc; ông Im Jong-seok (Im Châng-xớc), trưởng nhóm thư ký cho chiến dịch vận động tranh cử của ông, làm Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống. Trong khi đó, ông Suh Hoon (Xu Hun), cựu quan chức thuộc Cơ quan tình báo quốc gia được bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan này và ông Joo Young-hoon (Chu Y-âng Hun), một quan chức thuộc Cơ quan An ninh Phủ Tổng thống được chỉ định làm người đứng đầu cơ quan An ninh Phủ Tổng thống.
Việc bổ nhiệm ông Lee Nak-yon làm Thủ tướng Hàn Quốc cần phải được điều trần tại Quốc hội nhưng không cần được Quốc hội thông qua. Theo các quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, tân Thủ tướng Lee Nak-yon sẽ giúp tìm ra những ứng cử viên cho những vị trí khác trong bộ máy chính phủ, trong khi ông Im Jong-seok phụ trách việc tìm thư ký mới cho Phủ Tổng thống.
Phát biểu với báo giới, tân Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ tin tưởng Thống đốc Lee Nak-yon là người phù hợp để thúc đẩy đoàn kết và thống nhất trong chính phủ mới; là người có "kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng về các vấn đề xã hội, quốc gia và quốc tế". Trong khi đó, việc đề cử ông Im Jong-seok được kỳ vọng sẽ ổn định vai trò của Văn phòng Tổng thống trong bối cảnh Seoul đang phải đối mặt với nhiều thử thách ngoại giao. Theo tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống, ông Im Jong-seok sẽ là nhân vật giúp hiện thực hóa chủ trương của tân Tổng thống Moon Jae-in về việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nhờ vào kinh nghiệm liên quan tới việc sửa đổi bộ luật hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp Keasong.
… và tìm kiếm hợp tác của các lực lượng đối lập
Nhậm chức trong bối cảnh Đảng Dân chủ của ông Moon Jae-in hiện đang nắm 120 ghế, chưa đủ đa số trong tổng số 299 ghế tại Quốc hội nên tân Tổng thống đã có những nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác của các lực lượng chính trị của xã hội.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay sau đắc cử đã cam kết thiết lập quan hệ hợp tác với các đảng đối lập. Lời cam kết trên được đưa ra trong các cuộc gặp riêng rẽ của ông với lãnh đạo các chính đảng sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua với nhiều chia rẽ chính trị sâu sắc.
Tại cuộc gặp với lãnh đạo đảng Hàn Quốc Tự do đối lập chính, ông Moon cho biết sẽ bỏ lại đằng sau những bất đồng trong khi vận động tranh cử và bày tỏ hy vọng đảng bảo thủ này sẽ giúp chính quyền của ông giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ liên Triều, an ninh quốc gia và mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo của đảng Nhân dân theo đường lối trung tả, ông Moon cũng đã kêu gọi đảng này có sự hợp tác đặc biệt với đảng Dân chủ theo đường lối tự do của ông. Ngoài ra, vị tân Tổng thống Hàn Quốc cũng gặp lãnh đạo của đảng Bareun theo đường lối bảo thủ và đảng Công lý theo đường lối cấp tiến.
Xử lý các thách thức
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã phản ứng tích cực đối với kết quả bầu cử. Tại sàn giao dịch Seoul, chỉ số chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) mở cửa phiên tăng 0,73%, tương đương 16,71 điểm, và đạt mức 2.309,47 điểm chỉ trong 15 phút đầu tiên giao dịch. Trên thị trường ngoại hối Hàn Quốc, đồng nội tệ Won được giao dịch ở mức 1.136,55 đổi 1 USD, giảm 5,15 Won so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng 0,17%, tương đương 42,79 điểm, và mở cửa ở mức 24.931,82 điểm.
Tuy nhiên, đó chỉ là những tín hiệu ban đầu. Giới phân tích cho rằng tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với 4 thách thức lớn trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng và sự bất bình của người dân Hàn Quốc đối với tình trạng tham nhũng tại nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.
Thách thức trước hết là mối đe dọa hạt nhân của nước láng giềng Triều Tiên. Thách thức thứ hai là ông Moon Jae-in sẽ phải theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt liên quan tới việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Không chỉ vậy, tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc giải quyết bài toán kinh tế Hàn Quốc hiện nay, như tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao và việc quá lệ thuộc vào nền kinh tế xuất khẩu khiến nước này yếu thế khi bị trả đũa kinh tế. Ngoài ra, việc xây dựng niềm tin và sửa đổi Hiến pháp theo hướng minh bạch hơn và có sự tham gia nhiều hơn của người dân sau vụ bê bối chính trị của cựu Tổng thống Park Geun-hye cũng là một thách thức đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Trong lĩnh vực đối nội, sau nhiều bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền lực lặp đi lặp lại trên chính trường, mới đây nhất là vụ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye, người dân Hàn Quốc mang tâm lý chán ngán hệ thống chính trị hiện thời và khát vọng thay đổi. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất trong hơn 20 năm qua đã phản ánh khát vọng này của người dân Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là vị tổng thống tiếp theo sẽ cần có những thay đổi chính trị sâu sắc hơn để dập tắt sự bất mãn trong dân chúng.
Nền kinh tế Hàn Quốc - lớn thứ 4 châu Á đang phải đối mặt với một loạt thách thức , đặc biệt, sau tác động của các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc khi Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, “cỗ máy” kinh tế này đã mất khả năng chịu đựng và rơi vào tình trạng đình trệ. Bất ổn kéo dài và tương lai chưa chắc chắn khiến nhiều doanh nghiệp hoãn kế hoạch đầu tư và tuyển dụng trong khi các hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng”. Tháng 2 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5%, cao nhất trong 7 năm qua. Trong khi đó, những nguy cơ từ bên ngoài, như khả năng Mỹ thực hiện một chính sách thương mại theo hướng bảo hộ hơn sẽ có thể gây thêm tác động tiêu cực. Rõ ràng kinh tế là bài toán có quá nhiều ẩn số đang chờ tân Tổng thống.
"Thế cờ” hóc búa trên bàn cờ ngoại giao cũng khiến tân Tổng thống Hàn Quốc phải đau đầu. Việc triển khai THAAD giống như “cái gai” trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc. Ngay từ đầu, ý tưởng về THAAD đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh và việc triển khai hệ thống này đã khiến Hàn Quốc gánh chịu những đòn trả đũa kinh tế nặng nề và làm quan hệ Trung-Hàn “tụt dốc”. Trong khi đó, tuy THAAD là bằng chứng mới nhất của một mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn “nồng ấm”, nhưng tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề cập việc buộc Seoul trả 1 tỷ USD chi phí triển khai THAAD, đã khiến người dân Hàn Quốc bất bình và đặt câu hỏi về quan hệ đồng minh lâu năm này. Trước thực tế trên, ông Moon Jae-in đã tranh cử với cam kết xem xét lại quyết định triển khai THAAD. Đây được xem là “một mũi tên trúng hai đích”: có thêm thời gian tìm kiếm sự đồng thuận với Bắc Kinh và tìm cách “sửa chữa” quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thương lượng lại với Mỹ về khía cạnh tài chính để không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh khăng khít giữa hai nước. Cử tri Hàn Quốc đã trao cho ông Moon Jae-in một cơ hội và quyền lực thực sự để xem xét lại THAAD. Tổng thống đắc cử sẽ phải tìm cách giải thoát Hàn Quốc khỏi thế bị mắc kẹt, sớm tìm ra một lối đi khôn khéo để vừa cân bằng quan hệ với nước lớn, trong khi đảm bảo ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Trong quan hệ với Nhật Bản, ông Moon Jae-in sẽ phải hóa giải vấn đề “phụ nữ mua vui”. Chính quyền tiền nhiệm đã đạt một thỏa thuận với Tokyo về việc xin lỗi và đền bù tài chính cho các nạn nhân, tuy nhiên dường như đối với người dân xứ Hàn, thỏa thuận này vẫn không thỏa đáng. Trên cương vị mới, ông Moon Jae-in có thể sẽ đàm phán lại thỏa thuận này theo hướng có lợi hơn cho người dân Hàn Quốc.
Một vấn đề được dư luận Hàn Quốc đặc biệt quan tâm là sự điều chỉnh chính sách của ông Moon Jae-in đối với Triều Tiên, sau khi quan hệ hai bên liên tiếp căng thẳng suốt thời gian cầm quyền của bà Park. Sinh ra trong một gia đình gốc Triều Tiên di cư sang Hàn Quốc từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, tân tổng thống là người có tư tưởng tự do và ôn hòa hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Trong nhiều năm tham gia chính trường, và ngay trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, ông Moon Jae-in luôn chủ trương hướng tới một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Bình Nhưỡng, qua đó kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Chính vì vậy, khi trở thành Tổng thống, ông Moon được cho là sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại với Triều Tiên, khuyến khích các hoạt động kinh tế liên Triều... Việc Hàn Quốc bầu chọn một lãnh đạo có cách tiếp cận theo hướng “ôn hòa” hơn với Bình Nhưỡng, và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể được xem là hai diễn biến “cùng chiều”, mở rộng hơn con đường dẫn tới một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Những bước đi cụ thể mà giới quan sát Hàn Quốc nhắc tới là khả năng hai bên sẽ đàm phán để mở cửa lại Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng của hợp tác liên Triều nhưng đã bị đóng cửa từ đầu năm 2016. Bên cạnh đó, Seoul có thể cân nhắc nối lại viện trợ nhân đạo đã bị cắt đứt từ thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye.
Chiến thắng của ông Moon Jae-in trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này đồng nghĩa với việc phe tự do tại Hàn Quốc chính thức trở lại chính trường sau 9 năm dưới quyền của phe bảo thủ. Vị Tổng thống thứ 19 có nhiệm vụ nặng nề là khôi phục uy tín của hệ thống chính trị trong lòng dân chúng thông qua một cuộc “đại phẫu” chính trị nhằm tìm cách hàn gắn xã hội đang bị chia rẽ sâu sắc và củng cố khối đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức. Cuộc bầu cử vừa qua đã giúp chấm dứt tình trạng khoảng trống lãnh đạo nguy hiểm kể từ khi bà Park Geun-hye bị phế truất, song còn đó vô số bài toán khó liên quan cả kinh tế, xã hội, an ninh và ngoại giao đang chờ nhà lãnh đạo mới đưa ra câu trả lời./.
Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan  (10/05/2017)
Thông báo dừng đánh cá trên biển Việt Nam của Trung Quốc là vô giá trị  (10/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong  (10/05/2017)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp đoàn đại biểu người có công  (10/05/2017)
Thông báo Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (10/05/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên