Về vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng

TS. Nguyễn Văn Hậu Học viện Hành chính quốc gia
11:19, ngày 12-09-2016
TCCSĐT - Tác động trực tiếp và mạnh nhất đối với đạo đức của cán bộ, đảng viên chính là mặt trái của quyền lực, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền và mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Những nguyên nhân khách quan ấy thực ra chỉ là những điều kiện có thể làm nảy sinh tiêu cực và suy thoái về đạo đức, còn những tiêu cực và suy thoái ấy có diễn ra hay không lại do những nguyên nhân chủ quan quyết định.

Qua thực tiễn xây dựng Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, cũng như qua sự đổ vỡ của một loạt đảng cộng sản cầm quyền, có thể thấy đạo đức đã trở thành một nội dung rất quan trọng, cần phải quan tâm trong công tác xây dựng Đảng để Đảng thực sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

Yêu cầu này phản ánh một thực tế là niềm tin của nhân dân đối với Đảng không phải chỉ căn cứ vào sự đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, mà còn - hay nói đúng hơn, trước hết xuất phát sự gương mẫu về đạo đức của cán bộ, đảng viên trong các hoạt động xã hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Thực ra vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngay trong bài đầu tiên của tác phẩm Đường Cách Mệnh và trong nhiều tác phẩm khác về sau, cho đến bản Di chúc. Trong thực tiễn lãnh đạo xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức nhằm chăm lo cái gốc của người cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải chỉ từ góc độ tư tưởng lý luận, mà còn từ góc độ đạo đức của học thuyết và của bản thân những người đã sáng lập ra học thuyết cách mạng và khoa học ấy. Trong bài Lê-nin và các dân tộc phương Đông (1924), Hồ Chí Minh viết : “Không phải chỉ thiên tài của Người mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ của Đảng đã quan tâm nhiều nhất đến việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Căn cứ vào yêu cầu của toàn bộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người Việt Nam hay của từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng, Người đã nêu rõ những chuẩn mực đạo đức, những nguyên tắc và phương pháp xây dựng đạo đức mới trong Đảng và trong xã hội Việt Nam. Người đã thực hiện trước nhất và nhiều nhất những điều Người nói về đạo đức; đã nêu một tấm gương sáng về nói đi đôi với làm trong tất cả các hoạt động xã hội và cả trong cuộc sống thường nhật; nó hoàn toàn xa lạ với thói đạo đức giả vẫn thường thấy ở nhiều chính khách trong các đảng chính trị cũng như trong nhiều chế độ xã hội khác nhau. Chính vì vậy mà mọi người Việt Nam cũng như bầu bạn khắp nơi trên thế giới đã hướng về Người như hướng về một nhân cách lớn, tiêu biểu cho nhân cách của tương lai - một nhân cách có sức toả sáng và thu hút mạnh mẽ bởi chữ tín được xuyên suốt và thể hiện nhất quán trong cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí uyên bác và hành xử mẫu mực.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam, một nền đạo đức mới vừa kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa đạo đức của nhân loại, vừa mang tính tiên tiến của thời đại đã từng bước được hình thành ở nước ta. Những phẩm chất đạo đức cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như trung với nước, hiếu với dân, yêu mến con người, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, nhân - nghĩa - trí - dũng - liêm, tinh thần tập thể, tinh thần quốc tế trong sáng - đã trở thành hành động của lớp lớp người Việt Nam thuộc các thế hệ nối tiếp nhau. Phải có những phẩm chất ấy, Đảng ta mới trở thành một Đảng cách mạng vững vàng, vượt qua mọi thử thách, lãnh đạo cả dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng hiện nay, trong đạo đức của Đảng ta và xã hội ta, bên cạnh những khía cạnh tốt đẹp, vẫn có mặt hạn chế với những tiêu cực, suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Có những nguyên nhân khách quan đưa đến những tiêu cực và suy thoái ấy: Đó là tàn dư đạo đức của người sản xuất nhỏ còn ăn sâu trong đời sống đạo đức của phần đông người Việt Nam. Nhưng tác động trực tiếp và mạnh nhất đối với cán bộ, đảng viên chính là mặt trái của quyền lực, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền và mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Tất cả những nguyên nhân khách quan ấy thực ra chỉ là những điều kiện có thể làm nảy sinh những tiêu cực và suy thoái về đạo đức, còn những tiêu cực và suy thoái ấy có diễn ra hay không lại do những nguyên nhân chủ quan quyết định. Đó là sự yếu kém trong rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên; đó là sự lỏng lẻo trong công tác giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên của các tổ chức đảng. Nếu giải quyết tốt những vấn đề đó sẽ hạn chế, ngăn chặn được tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong Đảng; còn ngược lại thì tiêu cực, suy thoái sẽ gia tăng.

Quyền lực nhà nước và xã hội, một mặt, có sức mạnh to lớn trong việc cải biến xã hội cũ, xây dựng xã hội mới; còn mặt trái của nó, lại như một ma lực luôn “dắt tay” con người đến chủ nghĩa quan liêu với nhiều biểu hiện tệ hại: Đối với dân thì xa dân, coi thường dân, ức hiếp dân, không quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân; đối với chức - quyền - danh - lợi thì theo đuổi, tranh giành hay mua bán như hàng hoá; khi đã có chức quyền thì lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức quyền để tham ô, vơ vét, lãng phí, xa hoa, hơn nữa còn thích đặc quyền, đặc lợi, tham quyền, bám quyền, làm sao quyền lực ngày càng nhiều hơn, cao hơn, lâu hơn,... Đặc biệt, ba tệ nạn tập trung tiêu biểu nhất là tham ô, lãng phí, quan liêu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện rất sớm ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, và Người đã gọi đó là ba thứ giặc nội xâm, những kẻ phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu là những kẻ có tội với dân, với nước không khác gì những tên Việt gian phản quốc. Khi đất nước chưa chuyển sang kinh tế thị trường, những tệ nạn ấy tuy có xảy ra nhưng không nhiều, chưa nghiêm trọng, do công tác quản lý cán bộ, đảng viên được thực hiện khá tốt; và những cuộc học tập, vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu được tiến hành thường xuyên, rộng khắp.

Từ khi chuyển sang phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những tiêu cực về đạo đức trong cán bộ, đảng viên diễn biến ngày càng phức tạp. Mặt trái của kinh tế thị trường lại là một thứ ma lực khác, hướng con người chạy theo đồng tiền, trong nhiều trường hợp, đặt đồng tiền lên trên danh dự, lương tâm, tình nghĩa, biến tiền “thành Tiên”, “thành Phật”, kích thích mạnh mẽ tham ô, lãng phí, quan liêu, thói tham nhũng, hối lộ. Cần đặc biệt lưu ý là mặt trái của quyền lực kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường, hay nói cách khác, sự kết hợp giữa quyền và tiền hoặc ngược lại, đã tạo thành một sự cộng hưởng gây nên những tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên hết sức nghiêm trọng. Dù những tiêu cực, suy thoái ấy chỉ diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nhưng tác hại lại rất lớn, làm cho nhân dân bất bình và giảm niềm tin đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây mới thực sự là nguy cơ, là quốc nạn, như Đảng ta đã xác định trong những năm gần đây. Từ giặc nội xâm đến quốc nạn là một sự chuyển biến theo chiều hướng xấu trong đời sống đạo đức mà Đảng ta không thể coi thường.

Trước đây trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đạo đức cũng đã được đặt ra, nhưng được lồng ghép với ba khâu (hay ba mặt) chính trị, tư tưởng và tổ chức hoặc được đặt trong ba khâu ấy. Vì thế, có thể nói là xây dựng Đảng về chính trị - đạo đức, hay tư tưởng - đạo đức, hoặc nói đến đạo đức của cán bộ, đảng viên trong xây dựng Đảng về mặt tổ chức. Như vậy, khâu đạo đức chưa được đặt đúng tầm quan trọng tương ứng với các khâu tư tưởng, chính trị và tổ chức trong xây dựng Đảng. Đã đến lúc cần phải đặt xây dựng Đảng về đạo đức thành một khâu quan trọng trong các khâu của công tác xây dựng Đảng. Có như vậy mới phù hợp với tư tưởng, đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra, như: Đảng phải là đạo đức, là văn minh; đạo đức là cái gốc của người cách mạng; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức như rửa mặt hàng ngày; không ai được chủ quan, trong mỗi người đều có hai mặt thiện và ác, phải làm sao phát triển được mặt thiện, loại trừ được mặt ác; phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời; một người, một Đảng, một dân tộc hôm nay được mọi người kính trọng, không nhất thiết ngày mai cũng vẫn như vậy, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, nếu suy thoái về đạo đức. Tình hình đạo đức của Đảng ta hiện nay cũng như của nhiều Đảng khác đã chứng minh sức sống, tính cảnh báo và tính thực tiễn của những luận điểm đó đối với một đảng cộng sản cầm quyền. Và chúng thực sự là những chỉ dẫn không thể thiếu cho công tác xây dựng đạo đức của Đảng ta hiện nay.

Xây dựng Đảng về đạo đức phải được đặt thành một khâu quan trọng mới đáp ứng được yêu cầu hiện nay về xây dựng Đảng, khi những tiêu cực, suy thoái về đạo đức trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng và đã trở thành nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa, như Đảng ta đã nhận định trong Cương lĩnh năm 1991, trong Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, trong Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII năm 1999, trong Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, và mới đây trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Ở đây cũng phải thấy rằng, nếu năm 1994, Đảng ta mới xác định tham nhũng, quan liêu là một trong 4 nguy cơ thì trong những năm sau đã bổ sung tệ lãng phí. Như vậy cũng có nghĩa là chúng ta đã trở về, gọi đúng tên 3 thứ tệ nạn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra từ những năm 60 thế kỷ trước; chỉ có điều là 3 thứ tệ nạn này đến nay đã ở những vòng xoáy cao hơn trước rất nhiều. Riêng đối với lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lãng phí có nhiều hình thức: hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, ví dụ làm một ngôi nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Hoặc vì tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm, hàng nghìn người đến công trường nhưng chưa có việc hay là người nhiều việc ít, phải cho họ trở về . Hoặc vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào liên hoan, nào báo chí, nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, sài tiền như nước…”(2). Tình hình lãng phí ở nước ta trong những năm gần đây rõ ràng đã gia tăng cao hơn trước, với nhiều hình thức như lãng phí thời gian, sức lực, chất xám, con người,... Về lãng phí tiền bạc, chúng ta mới điểm qua một số loại nhỏ, dễ thấy và thường là ở cấp dưới, như việc tiêu sài, quà cáp cho hội họp, kỷ niệm, lễ lạt, tổ chức đón nhận huân chương, xây dựng trụ sở, mua xe vượt quá tiêu chuẩn,…, còn rất ít nói đến những lãng phí lớn từ Trung ương đến các địa phương, như xác định chủ trương, kế hoạch, quy hoạch đầu tư không đúng, không sát thực tiễn dẫn đến lãng phí nhân lực, vật lực, tài nguyên đất đai, tổ chức bộ máy không phù hợp, việc tách nhập không tính toán kỹ, chủ trương giảm biên chế nhưng biên chế vẫn phình to,…

Và có điều đáng nói là chỉ tệ tham ô thì bị lên án, còn lãng phí thì hầu như được “cho qua”. Chính vì vậy, nên cùng với việc thực hiện nghiêm minh Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng về mặt đạo đức phải được coi trọng, và phải làm tích cực, mạnh mẽ. Nếu không làm tốt công tác xây dựng Đảng về mặt đạo đức thì không thể nói đến việc xây dựng văn hóa mới và con người mới trong toàn xã hội; và việc chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu sẽ tụt hậu xa hơn so với không ít nước trong khu vực và trên thế giới./.

---------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 295.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 573.