Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
TCCS - Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển vừa là nhu cầu nội tại của quân và dân huyện đảo, vừa là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay. Xác định rõ vai trò chiến lược quan trọng của huyện đảo Trường Sa, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”(1).
Đây không chỉ là bước đột phá lớn cụ thể hóa các chủ trương về bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, phát triển huyện đảo Trường Sa, mà còn là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.
Vị trí địa - chiến lược của huyện đảo Trường Sa
Nằm giữa Biển Đông, huyện đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm đảo: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP, ngày 11-4-2007, của Chính phủ, huyện đảo Trường Sa bao gồm 3 đơn vị hành chính, đó là: thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Hiện nay, huyện đảo Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện quyền quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực đối với khu vực quần đảo Trường Sa với đầy đủ tư cách của một đơn vị hành chính cấp huyện trong hệ thống tổ chức hành chính của cả nước theo quy định của pháp luật Việt Nam. Với vị trí địa - chiến lược quan trọng trên biển, huyện đảo Trường Sa đóng vai trò trọng yếu, là tiền tiêu của Tổ quốc.
Một là, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Trước những diễn biến phức tạp về tình hình tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên Biển Đông, sự tồn tại của huyện đảo Trường Sa với tư cách là một đơn vị hành chính cấp huyện của Việt Nam là chứng cứ pháp lý quốc tế quan trọng, thể hiện sự quản lý thống nhất về mặt nhà nước của Việt Nam đối với huyện đảo Trường Sa, là cơ sở khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Trường Sa và vùng phụ cận.
Theo luật pháp quốc tế về giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trong lịch sử và hiện tại, để Tòa án quốc tế phán quyết một vùng lãnh thổ sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia nào, phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng chiếm hữu thực sự là căn cứ căn bản, quyết định chủ quyền của một quốc gia. Thực tiễn lịch sử minh chứng, các triều đại phong kiến Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu, thực hiện chủ quyền, khai thác huyện đảo Trường Sa với tư cách nhà nước từ khi huyện đảo này chưa thuộc về chủ quyền lãnh thổ và hệ thống hành chính của bất kỳ quốc gia nào. Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, song dù ở hoàn cảnh lịch sử nào, các chính quyền Nhà nước Việt Nam vẫn luôn thể hiện sự quản lý thống nhất huyện đảo Trường Sa, đặt huyện đảo trong hệ thống hành chính của các vùng lãnh thổ khác nhau của đất nước. Qua nhiều lần tách, nhập địa giới hành chính(2), hiện nay, huyện đảo Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa, là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hai là, quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên biển của quốc gia. Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, với tiềm năng thủy sản, hải sản lớn chưa được khai thác, nếu huyện đảo Trường Sa được quản lý và khai thác phù hợp sẽ phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của địa phương, mà còn trên cả nước. Vùng biển Trường Sa có nhiều sinh vật biển quý với trữ lượng lớn, mật độ cao. Đây không chỉ là ngư trường lớn của cả nước, mà còn là một vùng sinh thái đặc biệt quan trọng được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt đề án nghiên cứu, bảo vệ.
Bên cạnh đó, khu vực đáy biển Trường Sa có tiềm năng lớn về nguồn tài nguyên khoáng sản quý với trữ lượng lớn. Việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí ở vùng biển Trường Sa góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn nguồn tài nguyên kinh tế ở huyện đảo Trường Sa vẫn là những tiềm năng chưa được khai thác, quản lý theo phân cấp từ nhiều bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, bộ máy chính quyền của huyện đảo Trường Sa là cơ quan hành chính ở địa phương, có đầy đủ chức năng, thẩm quyền quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước. Xây dựng huyện đảo Trường Sa vững mạnh là hoạt động cụ thể nhằm tăng cường vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước ở huyện đảo Trường Sa trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào quản lý, khai thác và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trên biển, đảo.
Ba là, nắm giữ vị trí đặc biệt về quốc phòng. Án ngữ các tuyến giao thông quan trọng của quốc tế và khu vực về hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa được ví như “phên giậu tiền tiêu” để ngăn chặn các hoạt động của nước ngoài có ý đồ uy hiếp lãnh hải của Tổ quốc, xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ngoài ra, Trường Sa còn là một địa bàn chiến lược trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, là trung tâm xây dựng và tổ chức các hoạt động dịch vụ hậu cần, tìm kiếm cứu nạn, phục vụ hoạt động khai thác kinh tế của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông. Bảo vệ chủ quyền Trường Sa chính là bảo vệ một vùng chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam, trong đó quân và dân huyện đảo Trường Sa là lực lượng trực tiếp, tại chỗ và nòng cốt. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự động viên, khích lệ kịp thời của các tầng lớp nhân dân, quân và dân huyện đảo Trường Sa luôn vững vàng ý chí, khắc phục mọi khó khăn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bốn là, vị trí chiến lược về đối ngoại, chính trị - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nằm trên địa bàn đang có những tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, huyện đảo Trường Sa luôn phải đối mặt với những hoạt động vi phạm chủ quyền quốc gia của các lực lượng nước ngoài. Bằng những thủ đoạn khác nhau, các lực lượng nước ngoài thường xuyên vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, như thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về lịch sử chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhất là chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; tổ chức các hoạt động trinh thám, do thám, thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam; ngăn chặn, cản trở các hoạt động kinh tế của ngư dân Việt Nam trên biển... Vì vậy, hoạt động đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo vệ an ninh cho ngư dân Việt Nam an tâm làm ăn, sinh sống trên biển là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc
Nhận thức rõ vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của huyện đảo Trường Sa, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã có những chủ trương, chính sách nhằm củng cố, xây dựng huyện đảo Trường Sa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nhất quán mục tiêu "Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ"(3), Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo”(4). Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”(5). Chủ trương của Đảng là cơ sở để tỉnh Khánh Hòa kết hợp với các ban, bộ, ngành trung ương tiến hành những nội dung, biện pháp xây dựng, phát triển huyện đảo Trường Sa.
Trên thực tế, cơ sở kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ở huyện đảo Trường Sa từng bước được xây dựng, phát triển và củng cố. Tuy nhiên, do sự chia cắt về địa lý, sự khắc nghiệt về môi trường hoạt động, sự thiếu hụt về tổ chức, chưa đồng bộ về cơ chế quản lý, chưa tạo được hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đủ mạnh mang tính kết nối giữa đảo và bờ, giữa các hoạt động khai thác với tiêu thụ, giữa khả năng đáp ứng với nhu cầu tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục, do vậy, các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội trên huyện đảo chủ yếu vẫn được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước.
Mặt khác, tình hình Biển Đông trong những năm gần đây, nhất là ở khu vực biển Trường Sa đang có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nhân tố mới khó lường. Một số quốc gia đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên trên biển thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam đã tác động tiêu cực đến quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh trên huyện đảo.
Với vị trí địa - chiến lược đặc biệt quan trọng, huyện đảo Trường Sa cần được xây dựng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội trên biển của cả nước. Đây là tầm nhìn mới trong chiến lược gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm chính trị - an ninh, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời bảo đảm điều kiện cần thiết để quân và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Để hiện thực hóa chủ trương này, trong thời gian tới, cần ưu tiên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai chủ trương đưa người dân ra huyện đảo Trường Sa. Đây là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện đảo. Bởi, để huyện đảo Trường Sa phát triển, thì các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nơi đây phải từng bước được tạo lập trên cơ sở cộng đồng dân cư, với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội mang tính chất dân sự, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp… thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và duy trì đời sống của các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ trương này hiện nay cần được các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ hơn cả về nội dung và hình thức; đồng thời, cần triển khai đồng bộ cơ chế quản lý và kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội ở huyện đảo Trường Sa. Theo đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển dịch vụ giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kinh tế - xã hội trên các xã, thị trấn của huyện đảo; bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tầng lớp nhân dân và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh trên khu vực biển Trường Sa.
Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng sáp nhập một số vùng dân cư ven bờ vào địa giới hành chính của huyện đảo Trường Sa. Để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội trên biển của cả nước, việc phát triển huyện đảo Trường Sa cần dựa trên nhu cầu thực tiễn với cộng đồng dân cư và thiết chế kinh tế - xã hội lớn mạnh. Sáp nhập một số vùng dân cư ven bờ vào địa giới hành chính Trường Sa không chỉ mở rộng địa giới, gia tăng dân số của huyện đảo Trường Sa, mà còn tận dụng được yếu tố vốn có của các vùng dân cư, tạo ra sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện đảo. Bên cạnh đó, việc mở rộng địa giới hành chính huyện đảo sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa bờ - biển - đảo, trở thành thế trận liên hoàn vững chắc trong củng cố, xây dựng và bảo vệ chủ quyền Trường Sa, góp phần khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Để sáp nhập một số vùng dân cư vào địa giới hành chính Trường Sa, trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương có liên quan, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn các vùng dân cư ven biển một cách toàn diện; xây dựng phương án và đề xuất Chính phủ nghiên cứu, quyết định mở rộng địa giới theo hướng sáp nhập một số vùng dân cư ven biển vào địa giới hành chính huyện đảo Trường Sa. Việc xây dựng các phương án sáp nhập một số vùng dân cư ven bờ vào địa giới hành chính huyện đảo Trường Sa cần được cân nhắc đến yếu tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của huyện đảo, như quy hoạch không gian biển quốc gia; sự tương đồng về địa lý; số lượng và chất lượng dân cư; cơ cấu ngành, nghề kinh tế; phong tục, tập quán văn hóa; các chính sách xã hội và cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội; những điều kiện thuận lợi cho các vùng địa giới hành chính của huyện đảo có thể tương tác, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển; quốc phòng - an ninh trên từng vùng dân cư.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước cần xác định cụ thể các hoạt động kinh tế biển ưu tiên, trong đó ưu tiên phát triển các hoạt động kinh tế biển, bao gồm: giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến thủy sản xa bờ, phát triển du lịch biển, đảo; phát triển năng lượng tái tạo, các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực; kết hợp với các dịch vụ hậu cần nghề cá, quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực để xây dựng nâng cấp các âu tàu và khu tránh, trú bão cho tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo cho phép phát triển kinh tế - xã hội; có định hướng ưu tiên nuôi biển đối với các loại rong, tảo có giá trị dược liệu cao, cũng như các loại nhuyễn thể và thủy sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với đặc điểm hải văn tại các đảo ở Trường Sa. Ưu tiên áp dụng công nghệ cao sử dụng ít năng lượng, ít ô nhiễm môi trường trong chế biến hải sản tại các đảo nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy hoạch hoặc xác định các khu vực, các đảo phù hợp với việc phát triển loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, phục vụ cho việc phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội tại các đảo ở Trường Sa; khảo sát, đánh giá các đảo phù hợp để phát triển các sân bay phục vụ vận chuyển hàng hóa, phục vụ quốc phòng - an ninh; tăng cường nghiên cứu để xác định các khu vực có thể thăm dò dầu khí phục vụ cho phát triển kinh tế; xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế cứu chữa các ngư dân trên huyện đảo.
Thứ tư, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Huyện đảo Trường Sa là một vùng lãnh thổ không thể tách rời chủ quyền quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do có vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế to lớn mà trong những năm gần đây, huyện đảo Trường Sa đang trở thành nơi tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Chính vì vậy, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng; là điều kiện tiên quyết để xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội trên biển của cả nước. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng trong toàn xã hội, trong đó hoạt động đối ngoại giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về giải quyết những bất đồng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Để giải quyết hiệu quả vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay, cần phát huy và kết hợp chặt chẽ sức mạnh của ba trụ cột đối ngoại, bao gồm: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; phát huy kết quả của các hoạt động đối ngoại về chính trị, kinh tế, quân sự với văn hóa; tận dụng xu thế thời đại với đề cao vị thế của đất nước trong các hoạt động đối ngoại.
Trên cơ sở luật pháp quốc tế và hệ thống văn bản pháp lý ở Việt Nam, hoạt động đối ngoại cần hướng tới việc tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng quốc tế, nhất là với các nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo về chứng cứ pháp lý và lịch sử của chủ quyền biển, đảo Việt Nam; quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến chủ quyền biển, đảo; tập hợp và tranh thủ dư luận quốc tế, cùng các chứng cứ lịch sử và pháp lý để giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn về chủ quyền biển, đảo giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực trên cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Những vấn đề đặt ra có mối quan hệ, tác động mạnh mẽ đến tiến trình xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội trên biển của cả nước. Những vấn đề này tuy đã được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, Trung ương, tỉnh Khánh Hòa triển khai, song quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Giải quyết tốt những nội dung trên là động lực quan trọng cho quá trình xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
-----------------------------
(1) Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(2) Xuất phát từ nhu cầu quản lý quần đảo Trường Sa, ngày 9-12-1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ nước Cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt Nam) đã ra Nghị định số 193-HĐBT, tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai; ngày 28-12-1982, Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh; ngày 30-6-1989, Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Phú Khánh thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, trong đó, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa
(3) Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, tr. 14
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Sự thật, Hà Nội 2021, t. I, tr. 278
(5) Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, Tlđd
Vị trí, vai trò của dân chủ trong hệ mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới  (23/10/2024)
Huyện Châu Đức vươn mình sau 30 năm xây dựng và phát triển  (18/10/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024  (07/10/2024)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay