Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ: Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tỉnh Hà Nam

LÊ THỊ THỦY
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
14:33, ngày 03-10-2021

TCCS - Xuyên suốt qua hai nhiệm kỳ đại hội (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn xác định: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là một trong những khâu đột phá quan trọng; là cơ sở để tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, quyết tâm đưa Hà Nam trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Từ thực tiễn cho thấy, trong mọi thời kỳ, cán bộ luôn là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng nước ta, công tác cán bộ luôn được xác định là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng.

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam để cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp uỷ chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 25-8-2020_Ảnh: TTXVN

Tỉnh Hà Nam là địa phương nằm trong Vùng châu thổ Đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, có truyền thống văn hiến, cách mạng và trình độ dân trí cao. Đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt một số kết quả quan trọng về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có ý chí niềm tin, phẩm chất đạo đức cách mạng, được tôi luyện trong thực tiễn và có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới, cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, triệt để việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh ủy Hà Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Đến nay, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cơ bản được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn và phù hợp; có 6/6 huyện, thị xã, thành phố bố trí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đã giảm 32 đầu mối bên trong của các cơ quan cấp tỉnh; sáp nhập, hợp nhất 50 đơn vị sự nghiệp, giải thể 5 đơn vị; thực hiện sáp nhập 116 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 109 đơn vị (giảm 7 đơn vị); sáp nhập 1.239 thôn, tổ dân phố xuống còn 685 thôn, tổ dân phố (giảm 554 thôn, tổ dân phố). Toàn tỉnh đã tinh giản được 3.088 công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách. Có thể khẳng định, đây là sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, tập trung đổi mới nội dung và phương pháp công tác đánh giá cán bộ.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Quyết định số 634-QĐ/TU, ngày 1-10-2018, của, về “Quy định tiêu chuẩn, chức danh, khung tiêu chí đánh giá cán bộ, lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý”; Quy định số 02-QĐ/TU, ngày 20-11-2018, về “Tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo quản lý”. Căn cứ vào quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa các quy định, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả về công tác đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện qua 3 khâu: 1- Trên cơ sở tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá; 2- Đánh giá theo hướng đa chiều (tự đánh giá, căn cứ vào ý kiến đánh giá của các chủ thể có liên quan và tham khảo đánh giá của các khối thi đua trong tỉnh); 3- Đánh giá thông qua nhiệm vụ, bằng sản phẩm cụ thể, gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; qua đó, công tác đánh giá cán bộ bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, toàn diện và thực chất hơn, có tác động tích cực đến tập thể, cá nhân được đánh giá và khắc phục được bệnh thành tích trong đánh giá cán bộ.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành hướng dẫn cụ thể hóa tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ khi đưa vào quy hoạch. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện theo phương châm “động” và “mở”, khắc phục tình trạng quy hoạch cán bộ khép kín và thiếu hụt nguồn cán bộ trong các cơ quan, đơn vị; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đưa vào quy hoạch được nâng lên, tạo nguồn cán bộ dồi dào, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quy hoạch được gắn chặt chẽ với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ; qua đó, tỉnh Hà Nam đã xây dựng được nguồn cán bộ có chất lượng, phục vụ tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam tham quan trưng bày các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, nổi bật của thị xã Duy Tiên tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 25-6-2020_Ảnh: TTXVN

Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tập trung đẩy mạnh đào tạo chuyên môn, với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng theo khung tiêu chuẩn chức danh quy hoạch; tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo cho cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhiệm kỳ 2020 - 2025; chọn và cử cán bộ ưu tú, tiêu biểu đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh và đào tạo chuyên môn sâu theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý không là người địa phương.

Thực hiện chủ trương, định hướng của Trung ương về luân chuyển cán bộ(3), Tỉnh ủy Hà Nam đã tích cực cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo(4) các cấp ủy trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện; đồng thời, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và những đồng chí được quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Mặc dù là địa phương có ít đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố; nhưng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hà Nam đã thực hiện điều động, luân chuyển tới 38 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý; 5/6 bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy không phải là người địa phương; qua đó, khắc phục tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ sáu, tăng cường đổi mới công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Quyết định số 266-QĐ/TU, ngày 28-5-2012, “Về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng”; Quyết định số 690-QĐ/TU, ngày 28-12-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; đây là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện đúng thẩm quyền về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, tránh sự chồng chéo khi thực hiện. Quy trình bổ nhiệm bảo đảm chặt chẽ, khách quan, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Đối với việc bổ nhiệm cán bộ cấp phòng, thực hiện việc ứng cử viên xây dựng đề án và bảo vệ chương trình hành động của mình trước hội đồng của cơ quan, đơn vị. Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, thực hiện quy trình 5 bước và nhân sự được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử báo cáo chương trình hành động ở cơ quan, đơn vị và trước cấp có thẩm quyền bổ nhiệm; đồng thời, nghiêm túc thực hiện các bước của quy trình về công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo Quy định số 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ bảy, thực hiện tốt việc nêu gương và chống các biểu hiện suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành một số văn bản cụ thể hóa để lãnh đạo, chỉ đạo việc nêu gương(5). Đề cao trách nhiệm nêu gương gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; góp phần đẩy lùi các biểu hiện suy thoái trong tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên.

Thứ tám, tăng cường kiểm tra, giám sát theo chương trình công tác hằng năm và giám sát chuyên đề về các nội dung, các khâu trong công tác cán bộ.

Tỉnh ủy Hà Nam tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực và vi phạm trong công tác cán bộ. Công tác thi hành kỷ luật bảo đảm nghiêm minh, kịp thời có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, góp phần tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, với nhiều cách làm mới; triển khai thận trọng, chặt chẽ, bài bản; kịp thời kiện toàn, bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh là 15.863 người; trong đó, trình độ đại học là 8.886 người (chiếm 56%), thạc sĩ và tiến sĩ là 1.107 người (chiếm 7%); có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân là 785 người; trình độ trung cấp lý luận chính trị là 2.642 người,… Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhìn chung được đào tạo bài bản, tinh thông nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn, ý thức tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân.

Những mạnh dạn đột phá về công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh Hà Nam trong những năm qua, đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh nghèo, Hà Nam đã vươn lên trở thành tỉnh khá, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020) đạt 10,1%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 63%; dịch vụ, thương mại, du lịch chiếm 27,5%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm xuống còn 9,5%; thu ngân sách năm 2020 đạt gần 11 nghìn tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, chú trọng kết nối với các tuyến đường giao thông quốc gia và kết nối vùng. Thực hiện việc thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả rõ nét, có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 330 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và một số nhà đầu tư lớn trong nước đang nghiên cứu đầu tư tại tỉnh; tỉnh Hà Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục và đào tạo luôn duy trì thứ hạng cao. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại được quan tâm; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đạt nhiều kết quả. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, an ninh chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh Hà Nam đã được công nhận và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để tỉnh Hà Nam vững tin, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng đồng bằng Bắc bộ, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Các đại biểu tham dự  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 _ Ảnh: TTXVN

Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Từ thực tiễn xây dựng Đảng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh Hà Nam rút ra một số bài học kinh nghiệm cụ thể sau:

Một là, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác cán bộ; bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thực tiễn của tỉnh; rà soát, bổ sung và hoàn thiện kịp thời các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác cán bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ thống nhất, có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, gắn với xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy trong công tác cán bộ. Thực hiện tốt dân chủ, công khai, khách quan, khoa học trong công tác cán bộ; có cơ chế phát hiện, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bước vào giai đoạn cách mạng phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

---------------------------

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309, 280
(3) Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”
(4) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU, ngày 11-6-2013, “Về đổi mới công tác cán bộ”; Quy định số 488-QĐ/TU, ngày 2-1-2018, “Về luân chuyển, sắp xếp cán bộ”; Kế hoạch số 100-KH/TU, ngày 20-12-2018, “Về luân chuyển, điều động, phân công cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”
(5) Đó là Chương trình hành động số 32-CTr/TU, ngày 26-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng”; Hướng dẫn số 14-HD/TU, ngày 5-7-2017, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Hướng dẫn xây dựng cam kết kế hoạch thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng”; Quyết định số 924-QĐ/TU, ngày 29-8-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về việc ban hành hướng dẫn cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”