Những thách thức đối với tăng trưởng kinh châu Á
Vấn đề quan trọng trong tăng trưởng kinh tế không phải là tốc độ mà là chất lượng tăng trưởng. Thực tế cho thấy, chiến lược tăng trưởng trước đây hiện đã không còn phù hợp do sự thay đổi nhanh chóng của lực lượng sản xuất, sự phát triển của khoa học - công nghệ và toàn cầu hóa.
Nếu như từ những năm 60 cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, châu Á luôn dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng cao thì gần đây tốc độ đó đã có xu hướng chững lại. Nhiều nhà phân tích bắt đầu hoài nghi về tương lai tăng trưởng kinh tế của châu Á và cho rằng đã đến lúc cần suy ngẫm về tính ổn định, bền vững của nó trước những thách thức đang đặt ra đối với khu vực hiện nay và trong thời gian tới.
1 - Tốc độ tăng trưởng suy giảm và không ổn định
Tốc độ tăng trưởng suy giảm là một thực tế của châu Á từ những năm 80 của thế kỷ XX cho đến nay. Người ta đã không còn thấy sự tăng trưởng đồng đều với tốc độ cao của các nước châu Á. Dấu hiệu suy giảm mạnh tỷ lệ tăng trưởng bắt đầu xuất hiện từ Nhật Bản - quốc gia dẫn đầu đội hình "đàn nhạn bay". Mức tăng trưởng của Nhật Bản đã không còn được như mong đợi, thậm chí, tỷ lệ tăng trưởng của năm sau luôn thấp hơn năm trước. Những ấn tượng mà Nhật Bản tạo nên cho mình và châu Á chỉ còn là huyền thoại. Trong giai đoạn 1981-1990, khi mức tăng trưởng bình quân đạt 4,1% đã là điều đáng lo ngại thì tình hình các giai đoạn sau đó đáng báo động nhiều hơn: 1990-1995 đạt 1,4%; 1996-2001 đạt 1,4%. Nếu như sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cuối những năm 70 của thế kỷ XX được lý giải bởi các “cú sốc” về khủng hoảng dầu mỏ thì tình trạng suy thoái những năm gần đây thường được quy về các nguyên nhân nội tại như sự yếu kém của hệ thống tài chính ngân hàng, sự không tương thích của cách thức quản lý... và suy cho cùng là sự bất cập của mô hình Nhật Bản. Những nguyên nhân này làm cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình trạng trì trệ và suy thoái kéo dài. Rõ ràng, sự suy giảm của Nhật Bản đã làm cho hoạt động kinh tế của cả khu vực trở nên kém sôi động và điều đó kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Á những năm gần đây tăng chậm. Tuy nhiên, không chỉ có nguyên nhân bên trong mà các nhân tố bên ngoài cũng tác động khá mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Sự thay đổi nhanh chóng của lực lượng sản xuất, nhất là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, sự trỗi dậy của toàn cầu hóa... đã cuốn hút cả thế giới vào cuộc đua mới. Trong khi thực tế bên ngoài đã biến đổi khá nhanh thì dường như Nhật Bản lại ứng phó khá chậm chạp. Vì vậy, những lợi thế và chiến lược tăng trưởng mà người Nhật đã khai thác và thực hiện thành công trước đây nay không còn là "phép bùa thần thông" nữa. Trong khi kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn thì tình hình của các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs), vốn là chủ nhân của làn sóng tăng trưởng thứ hai, cũng không mấy sáng sủa. Mức tăng trưởng của Hàn Quốc, thành viên mới của OECD, giai đoạn 1996 - 2001 đạt bình quân 5,2%. Đài Loan ở giai đoạn này đạt mức 5,8%... Nếu giai đoạn 1981 - 1990, nhiều nước Đông - Nam Á đạt bình quân khá cao, ví dụ, Thái Lan đạt 8,1% (1990 - 1995 đạt 8,6%), thì chỉ tính từ 1996 - 1999 đã giảm xuống còn - 0,25%. Các con số tương ứng của Ma-lai-xi-a là 5,8%, 8,7% và 3,6%; Phi-líp-pin là 1,5%, 2,2% và 3,4%. Chỉ có Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó là Việt Nam, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Trung Quốc đạt mức bình quân là 12% giai đoạn 1990 - 1995, 8,3% giai đoạn 1996 - 1999, và những năm gần đây duy trì khoảng 10%.
2 - Thách thức đối với tốc độ tăng trưởng
Thứ nhất, thách thức về sự lựa chọn mô hình và chiến lược phát triển kinh tế
Dù bối cảnh cũng như điều kiện bên trong của mỗi nước châu Á có sự khác biệt rất rõ rệt, song điều đã làm nên sự thần kỳ của khu vực này là sự lựa chọn phù hợp mô hình và chiến lược phát triển kinh tế. Trong đó, lựa chọn chiến lược hướng ra xuất khẩu được coi là nguyên nhân chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Dù ở các mức độ và thời gian khác nhau, song nếu đánh giá một cách khái quát nhất có thể thấy cơ cấu của các nền kinh tế châu Á, và nhất là việc khai thác các yếu tố cho tăng trưởng, đều có sự tương đồng. Đó là mức độ tích lũy và tiết kiệm cao, xây dựng cơ cấu nhân lực, đầu tư hợp lý, chú trọng vai trò của nhà nước... hoặc khai thác có hiệu quả những điều kiện thuận lợi từ bên ngoài như: viện trợ, hợp tác, liên kết kinh tế... Hầu hết các nền kinh tế phát triển ở châu Á đã sử dụng những lợi thế đó và bổ sung cho nhau để cùng tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay và trong thời gian tới, khi các nền kinh tế đã có một cơ cấu tương đối giống nhau, những lợi thế trở nên khó khai thác và phát huy thì đây chính lại là thách thức rất lớn đối với tăng trưởng.
Thứ hai, tính hiện thực, hiệu quả của hợp tác và liên kết kinh tế
Có thể thấy rằng, tốc độ tăng trưởng cao của các nước châu Á thời gian qua được duy trì là nhờ có sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau của các nước trong khu vực. Những thời kỳ đạt được tăng trưởng cao cũng là quãng thời gian mà trao đổi thương mại, đầu tư của các nước tăng nhanh hơn bao giờ hết, xét cả về quy mô cũng như khối lượng và tốc độ. Châu Á cũng là khu vực đã đề xuất nhiều chương trình hợp tác và không ít các ý tưởng, sáng kiến về liên kết kinh tế. Thậm chí, hoạt động của các tổ chức hợp tác, các diễn đàn đã diễn ra khá đều đặn và ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia bên ngoài khu vực. Tuy nhiên, nếu nhận xét một cách công bằng thì dường như tất cả chỉ mới gặp nhau ở ý nguyện và kết quả đạt được trên bàn hội nghị nhiều hơn những gì đạt được trong thực tế. Trong khi đó, ở các khu vực khác, điển hình là châu Âu, vấn đề liên kết trong một liên minh đã trở thành hiện thực, ngày càng tỏ rõ sức mạnh và hiệu quả.
Có thể đồng ý với nhận định rằng, ở châu Á, sự tăng trưởng thần kỳ "đã được thực hiện về cơ bản trong điều kiện không có tổ chức khu vực và cũng không có sự thỏa thuận nào để hỗ trợ cho nhau". Một khi các cơ cấu kinh tế và các chính sách phát triển tương tự như nhau thì khó có thể có sự hợp tác hữu hiệu. Thậm chí, sự cạnh tranh ngầm đang diễn ra quyết liệt đã gây ra sự lãng phí và không hiệu quả cho mỗi nước và cả khu vực. Khi sự thay đổi trong cơ cấu đầu tư và thương mại, nhất là trong nội bộ vùng đã không còn như trước đây và mức độ chênh lệch về trình độ và tiềm lực của các nền kinh tế chủ chốt đã được rút ngắn lại, thì rõ ràng mô hình "đàn nhạn bay" vốn được ca ngợi sẽ không còn phù hợp. Châu Á đã nhận ra sự bất cập này và gần đây, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác đã có những sáng kiến về việc thành lập các khu vực thương mại tự do, tăng cường các thỏa thuận và liên kết song phương, đa phương. Song, vấn đề đặt ra là mô hình liên kết hoặc tổ chức nội bộ khu vực nào là phù hợp với các nước châu Á? Điều này sẽ là thách thức đối với sự phát triển nói chung, tăng trưởng kinh tế nói riêng của các nước châu Á trong tương lai.
Thứ ba, các nguồn lực và khả năng huy động cho tăng trưởng
Ngoài một số nền kinh tế có những lợi thế riêng về địa lý, dân số và tài nguyên thì điểm chung đóng góp vào tăng trưởng của các nước châu Á là đã khai thác được các nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, tập trung đầu tư cho giáo dục nhằm tạo ra đội ngũ lao động có chất lượng cao được coi là một trong những yếu tố quyết định cho tăng trưởng. Dĩ nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, sở dĩ các nước đạt được thành công kinh tế một phần là do có được nguồn lao động dồi dào và rẻ. Tuy nhiên, ưu thế này đang mất dần bởi thực tế đòi hỏi tăng lao động kỹ thuật cao và giảm nhu cầu sử dụng lao động có trình độ thấp. Phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng và mức độ học vấn đã cho thấy, yếu tố học vấn không chỉ đóng góp rất lớn vào tăng năng suất lao động mà còn ứng phó kịp thời và thích nghi nhanh với điều kiện lao động mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là học vấn càng cao thì chi phí đào tạo càng lớn và yêu cầu về tiền lương, thu nhập phải tăng lên phù hợp với trình độ cao của người lao động. Hơn nữa, vấn đề phân bổ hợp lý các nguồn lực trong toàn bộ nền kinh tế nói chung, từng ngành nói riêng đang là bài toán khá phức tạp trong điều kiện cạnh tranh ngày càng quyết liệt ở các lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động. Vì vậy, khai thác và huy động các nguồn lực nói chung, nhân lực nói riêng không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng mà còn là thách thức lớn đang đặt ra đối với các nước châu Á hiện tại và trong tương lai.
3 - Chất lượng của tăng trưởng và những bất cập
Khi phân tích tăng trưởng, vấn đề quan trọng không phải là tốc độ mà là chất lượng tăng trưởng. Vấn đề gì đang là thách thức và trở ngại đối với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của các nước châu Á? Đây là những câu hỏi đang đặt ra và có nhiều cách lý giải khác nhau.
Theo quan điểm của Ngân hàng thế giới, một số tổ chức kinh tế quốc tế và nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng, người ta căn cứ vào bốn tiêu chuẩn chính sau đây để đánh giá chất lượng tăng trưởng:
- Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cao, bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn và tránh được những biến động từ bên ngoài.
- Tăng trưởng đi kèm với phát triển môi trường bền vững.
- Tăng trưởng hỗ trợ cho thể chế dân chủ luôn đổi mới, đến lượt mình, thể chế dân chủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở tỷ lệ cao hơn.
- Tăng trưởng phải đạt được mục tiêu cải thiện phúc lợi xã hội và giảm được số người nghèo đói.
Như vậy, khi nói đến chất lượng tăng trưởng cần phải đề cập đến nhiều yếu tố có quan hệ trực tiếp và gián tiếp. Điều đó cho thấy, tăng trưởng với chất lượng cao là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế các nước, xét ở cả ngắn hạn và dài hạn. Vì thế, khi xem xét chất lượng tăng trưởng cần có cách nhìn khách quan và tiếp cận từ nhiều phương diện khác nhau. Đặc biệt chú trọng các mặt, các lĩnh vực được phát triển do chính tăng trưởng trực tiếp đưa lại.
Có thể khẳng định rằng, ở châu Á, cùng với tốc độ tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng cũng được nâng lên đáng kể. Điều đó có thể nhận thấy thông qua việc so sánh các tiêu chuẩn về chất lượng tăng trưởng. Đó là, tốc độ tăng trưởng của các nước châu Á được duy trì khá liên tục và dài hạn. Quá trình tăng trưởng tuy có gặp không ít rủi ro, thậm chí khủng hoảng, suy thoái, song không bị đổ vỡ và mất định hướng. Kinh tế các nước châu Á dù phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ nghiêm trọng năm 1998, song đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại được sự cân bằng và phát triển đáng khâm phục. Ngay cả Nhật Bản, dù suy thoái kinh tế kéo dài, nhưng những năm gần đây đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng. Điều đó chứng tỏ kinh tế châu Á có khả năng tự đứng vững, đồng thời minh chứng cho chất lượng tăng trưởng khá của khu vực này. Nhờ tăng trưởng kinh tế cao mà các nước châu Á đã cải thiện được cuộc sống của đại bộ phận dân chúng. Thành tựu đáng tự hào là nhiều quốc gia, nhất là những nước có dân số đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam... đã giải quyết được về cơ bản vấn đề đói nghèo. Nhiều nước nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những nước có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Các chỉ số phát triển của một số nước và lãnh thổ châu Á không ngừng được cải thiện. Chẳng hạn, nếu năm 1967, GDP tính theo đầu người của Nhật Bản đạt 1.190 USD thì năm 1995 là 39. 640 USD; Xin-ga-po với các con số tương ứng là 660 USD và 26.730 USD; Hồng Công là 940 USD và 22.990 USD; Hàn Quốc 140 USD và 9.700 USD; Trung Quốc là 100 USD và 620 USD... Chỉ số về phát triển con người của các nước châu Á cũng tăng lên khá nhanh. Năm 1960, chỉ số phát triển con người của Nhật Bản là 0,686, năm 1994 là 0,940; các chỉ số tương ứng của Hàn Quốc là 0,398 và 0,890; Trung Quốc là 0,248 và 0,626...
Tuy nhiên, còn nhiều bất cập về chất lượng tăng trưởng thể hiện ở:
- Sự chênh lệch giữa các nước trong khu vực cũng như giữa các vùng của mỗi nước còn khá cao.
- Độ rủi ro của tăng trưởng dài hạn cũng như ngắn hạn còn lớn.
- Vấn đề phân phối và phúc lợi xã hội còn nhiều hạn chế.
- Cơ sở cho phát triển bền vững còn chưa chắc chắn.
Điều này còn thể hiện rất rõ ở khả năng cạnh tranh của các nước châu Á không ổn định và đang có xu hướng giảm dần. Chẳng hạn, xếp hạng năng lực cạnh tranh của Xin-ga-po năm 1997: 1, 1998: 1, 1999:1, 2000: 4, 2001: 4, 2002: 4, 2003: 6. Các vị trí tương ứng của Hàn Quốc là: 21, 19, 22, 28, 23, 21, 18. Ma-lai-xi-a: 9, 17, 16, 24, 30, 27, 29. Thái Lan: 18, 21, 30, 30, 33, 31, 32. Trung Quốc: 29, 28, 32, 41, 47, 33, 44. Việt Nam: 49, 39, 48, 53, 60, 65, 60.
Thực tế trên cho thấy bài toán tăng trưởng và ổn định của các nước châu Á đang đứng trước những thách thức và trở ngại lớn. Điều đó đòi hỏi các nước châu Á phải "suy ngẫm lại" sự phát triển nói chung, chất lượng tăng trưởng nói riêng hiện nay và trong tương lai.
* PGS, TS, Viện Nghiên cứu Đông - Bắc Á
Liên minh châu Âu - chặng đường 50 năm phát triển  (09/04/2007)
Dân chủ hóa - một trong những thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới  (09/04/2007)
Liên minh châu Âu - chặng đường 50 năm phát triển  (09/04/2007)
Lê Duẩn Tiểu sử  (06/04/2007)
Chính sách mới trên các số công báo từ 21-2-2007 đến 1-3-2007  (06/04/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển