Thành công của ODKB

21:16, ngày 09-08-2009

Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, tại Cư-rơ-gư-xtan đã diễn ra Hội nghị Cấp cao không chính thức của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB), với sự tham dự của nguyên thủ 7 nước thành viên gồm Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Nga, Tát-gi-ki-xtan và U-giơ-bê-ki-xtan. Mặc dù chỉ là hội nghị không chính thức, song kết quả mà nó thu được trong hai ngày 31-7 và 1-8-2009 lại được đánh giá là có nhiều thành công hơn so với Hội nghị Cấp cao chính thức của ODKB được tổ chức hồi tháng 6-2009.

Thành lập một lực lượng ngang tầm với NATO

Tháng 6-2009, tại Hội nghị Cấp cao cao chính thức của ODKB tổ chức tại Mát-xcơ-va (Nga), các nước thành viên đã cùng nhau ký Hiệp định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (KSOR). Theo đó, ODKB sẽ có lực lượng riêng, có địa điểm đóng quân và chỉ huy chung cho toàn lực lượng. Tổng hành dinh của lực lượng này sẽ được đặt tại Nga, các đơn vị tác chiến khác cũng sẽ được phân chia theo từng khu vực. ODKB sẽ có sự tham gia của sư đoàn không vận và lữ đoàn không vận Nga cùng với một lữ đoàn không vận Ca-dắc-xtan. Mỗi thành viên còn lại sẽ đóng góp một tiểu đoàn. Khi đó, các nhà phân tích đã nhận định, quyết định thành lập một lực lượng mới này của ODKB là một phần trong nỗ lực của khối nhằm đưa đưa khối này sánh ngang tầm với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên, Hiệp định được ký kết lúc đó chỉ gồm chữ ký của 5 nước thành viên. Tổng thống Bê-la-rút A-lếch-xan-đơ Lu-ca-xen-cô (Alexander Lukashenko) đã từ chối dự cuộc gặp thượng đỉnh ODKB tại Mát-xcơ-va với lý do "cuộc xung đột với Nga đang đe doạ an ninh kinh tế của Bê-la-rút vì thế nước này không thể thảo luận các vấn đề an ninh quốc phòng". Còn Tổng thống U-dơ-bê-ki-xtan I-xlam Ka-ri-mốp (Islam Karimov) dù có mặt tại Mát-xcơ-va, nhưng đã không ký tên vào Hiệp định với lý do sẽ tiếp tục nghiên cứu và có thể tham gia Hiệp định này sau.

Quyết tâm thành lập một liên minh quân sự - chính trị

Hai tháng sau, tại Hội nghị không chính thức của ODKB, việc cả 7 nguyên thủ của 7 nước thành viên cùng đến tham dự đã thể hiện một quyết tâm cao trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện ODKB thành một liên minh quân sự - chính trị vững mạnh. Điều này không chỉ được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ của các nước thành viên mà còn thể hiện một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Nga - trụ cột chính của ODKB tại khu vực.

Sau thành công trên, ngày 1-8-2009, Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép đã ký với Tổng thống Cư-rơ-gư-xtan Cua-man-bếch Ba-ki-ép (Kurmanbek Bakiev) một thỏa thuận nhằm bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến việc triển khai quân đội Nga tại nước này. Đây được xem là một bước đột phá quan trọng, một trong những bước đi thực tế đầu tiên nhằm hiện thực hóa Hiệp định ký kết hồi tháng 6-2009.

Bản thỏa thuận nêu rõ: Cư-rơ-gư-xtan chấp thuận đề xuất cho phép Nga triển khai thêm một tiểu đoàn trên lãnh thổ nước này, đồng thời mở một trung tâm huấn luyện quân sự nhằm đào tạo binh lính và sỹ quan quân đội của hai nước. Hai bên cũng đã đồng ý thương lượng chi tiết về hoạt động của các căn cứ của Nga tại Cư-rơ-gư-xtan vào ngày 1-11-2009. Thỏa thuận này có hiệu lực 49 năm và có thể tự động gia hạn thêm 25 năm nữa.

Cũng tại Hội nghị không chính thức, Tổng thống Bê-la-rút Lu-ca-xen-cô không những cam kết sẽ nhanh chóng ký Hiệp định thành lập Lực lượng phản ứng nhanh mà còn đảm nhận luôn cương vị Chủ tịch ODKB - cương vị mà cách đây hai tháng Bê-la-rút đã chối từ.

Như vậy, những trở ngại đầu tiên trong việc thiết lập Lực lượng phản ứng nhanh đã được vượt qua. Các nhà phân tích nhận định, trong tương lai ODKB sẽ là một đối trọng đáng kể của NATO, bởi xét về địa bàn triển khai và quy mô, KSOR cũng bao gồm đầy đủ các đơn vị tăng thiết giáp, pháo binh và hạm đội hải quân.

Vài nét về Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB)

Được thiết lập ngày 15-5-1992, Hiệp ước An ninh Tập thể (hay còn gọi là Hiệu ước Tasken) gồm 9 nước tham gia ký kết: Nga, Ác-mê-ni-a, A-déc-ba-gian, Bê-la-rút, Gru-di-a, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tát-gi-ki-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, nhằm hỗ trợ cả về chính trị, quân sự của các thành viên trong khối. Tuy nhiên, trong bối cảnh xây dựng một không gian hậu Xô-viết, việc có nhiều lực lượng như Mỹ, NATO hay EU muốn mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) đã khiến một số nước trong khu vực muốn độc lập hoàn toàn khỏi Nga. Trong đó có Gru-di-a, A-déc-ba-gian, U-crai-na, Môn-đô-va và U-dơ-bê-ki-xtan. Vì thế đến năm 1999, ba nước Gru-di-a, A-déc-ba-gian và U-dơ-bê-ki-xtan đã từ chối tham gia Hiệp ước Tasken.

Từ năm 1995 đến năm 2002, ODKB đã từng tập trung triển khai các chiến dịch chống khủng bố và buôn lậu ma túy dọc biên giới khu vực giáp ranh với Áp-ga-ni-xtan, nơi được coi là mối đe dọa đáng kể của bọn khủng bố và buôn lậu đối với các thành viên của khối nằm ở khu vực Trung Á. Tuy nhiên, do vẫn chỉ là một liên minh lỏng lẻo bởi việc các thành viên tự rút lui khỏi tổ chức và do còn nhiều khó khăn nên việc tăng cường lực lượng và hoạt động của ODKB trong thời gian trên còn ở mức hạn chế. Phải đến 2002, theo sáng kiến của Nga nhằm tiến tới mục đích thay đổi hệ thống an ninh trong không gian hậu Xô-viết, các nước thành viên mới nhất trí thông qua quyết định đổi mới ODKB thành một tổ chức hợp tác quân sự mới mang tầm quốc tế với quy chế chặt chẽ hơn. Các thành viên của tổ chức lúc này gồm Ác-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Nga, Tát-gi-ki-xtan và sau này thêm U-giơ-bê-ki-xtan. ODKB đã đặt mục tiêu hoạt động của mình là bảo đảm về an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của từng quốc gia thành viên, nếu có bất cứ một đe dọa nào đối với quốc gia thành viên, các quốc gia khác có nhiệm vụ triển khai hỗ trợ cần thiết.

Vấn đề an ninh được ODKB cho là quan trong nhất trong khu vực là tình hình bất ổn ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. ODKB nhìn nhận những diễn biến ở Áp-ga-ni-xtan như một mối đe dọa đối với đường biên giới phía Nam. Bởi Áp-ga-ni-xtan được xem như là “nguồn cội của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống” với thế và lực luôn đóng vai trò lớn hơn tại các nước Trung Á. Việc xóa bỏ hoạt động sản xuất các chất ma túy của Áp-ga-ni-xtan luôn là ưu tiên hàng đầu của ODKB. Trong những hội nghị của ODKB, các nước thành viên đã thảo luận về kế hoạch phát triển hệ thống phòng không phối hợp và cải thiện năng lực của các lực lượng triển khai nhanh ở khu vực Trung Á. Một ủy ban hợp tác quân sự - kinh tế cũng đã được thành lập nhằm tạo dựng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các ngành công nghiệp với những ưu tiên hàng đầu như hợp tác trong lĩnh vực phòng không, chế tạo vũ khí, đào tạo nhân viên quân sự và chuẩn bị cho các hoạt động giữ gìn hòa bình.

Cho đến nay, sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể được phương Tây gọi là “NATO của phương Đông”, nhằm đối trọng với “NATO của phương Tây” sau khi khối Vác-xa-va tan rã. Mặc dù NATO không bao giờ muốn ODKB là một “đối tác ngang hàng”, song trên thực tế, dù muốn hay không, ODKB đang ngày càng được củng cố và phát triển. Đây vẫn là “lá chắn” bảo vệ an ninh cho các quốc gia vùng Á - Âu, ngăn chặn những tiêu cực, bất ổn, đặc biệt là từ sau khi ODKB thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (KSOR)./.