Con đường phục hồi kinh tế toàn cầu còn dài và gian nan
Các nền kinh tế vươn lên của châu Á đang từng bước trên đà phục hồi với mức tăng trưởng khiến các quốc gia khác ngưỡng mộ. Báo cáo thường kỳ về các chỉ số kinh tế vừa qua của Chính phủ Mỹ cũng cho thấy, GDP của “đầu tàu kinh tế thế giới” trong quý II/2009 cũng làm tăng hy vọng kinh tế Mỹ có thể phục hồi vào nửa cuối năm nay. Nhưng chưa kịp mỉm cười thì nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo cần phải thận trọng trước các tín hiệu lạc quan trên. Vậy là bức tranh kinh tế thế giới cứ phập phồng vì những dự báo, còn con đường phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng vẫn cứ gập ghềnh và gian nan.
Tốc độ phục hồi tại các nền kinh tế đang vươn lên của châu Á bỏ xa các nước nhóm G7
Trong một nhận định mới đây, hôm 3-8-2009, Tạp chí “Nhà kinh tế” (Anh) đã có bài viết đánh giá cao sự phục hồi ngoạn mục của một số nền kinh tế đang vươn lên tại châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po. Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia này bỏ xa tốc độ tăng trưởng của các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Theo bài viết, nếu so sánh tỷ lệ tăng trưởng giữa quý I và quý II năm 2009, chưa bao giờ sự chênh lệch tăng trưởng giữa các nước đang nổi lên ở châu Á và nhóm G7 lại cao như vậy. Tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc quý II tăng gần 10%, Xin-ga-po tăng 20%, Trung Quốc (theo các chuyên gia thẩm định, tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong quý II) cũng tăng 15-17%, trong khi tại châu Âu và Mỹ, kinh tế quý II vẫn tiếp tục co thắt. Theo ông Pi-tơ Rét-uốt (Peter Redward), chuyên gia kinh tế thuộc Công ty Barclays Capital, GDP của các nước đang vươn lên ở châu Á sẽ tăng bình quân 5% trong năm 2009, trong khi GDP của nhóm G7 sẽ sụt giảm, có thể ở mức âm 3,5%.
Trước đó, tờ “Thời báo Kinh tế Nhật Bản” số ra ngày 24-7 đăng bài phân tích của Jong-Wha Lee, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu rõ, các chỉ số kinh tế được công bố gần đây cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc về các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các thị trường ở châu Á đang hồi phục mạnh mẽ hơn những khu vực khác. Những tháng gần đây, sản lượng công nghiệp ở Hàn Quốc, Xin-ga-po và Thái Lan liên tục tăng. ADB dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực Đông Á sẽ là 3% trong năm nay. Mặc dù so với tốc độ tăng trưởng 6,1% trong năm 2008, tốc độ tăng trưởng ở khu vực này thấp hơn, nhưng vẫn là tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
ADB còn dự báo, sự phục hồi kinh tế của châu Á đang theo mô hình chữ V, với tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6% trong năm tới, thấp hơn 2% so với tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực này trong giai đoạn 2003-2007. Trung Quốc vẫn đang là nước dẫn đầu về sự phục hồi kinh tế ở khu vực này. Chi tiêu của Chính phủ Trung Quốc chiếm hơn 7% GDP trong năm nay và 8% vào năm 2010. Điều này sẽ giúp các nền kinh tế khác ở châu Á phục hồi nhờ tăng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Ngoài Xin-ga-po có mức tăng trưởng hết sức ngoạn mục: GDP tăng 20% trong quý II/2009, tại Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu tích cực.
Nhưng tiềm ẩn trong đó một sự rủi ro cao
Cho dù mức tăng trưởng của một số nước phát triển của khu vực châu Á là đáng hoan nghênh, song phần lớn các nền kinh tế châu Á vẫn trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, và các nền kinh tế này dường như đã chạm đáy của chu kỳ suy thoái kinh tế. Theo nhận định của ADB, tăng trưởng giảm sút cộng thêm việc giá dầu và lương thực giảm, giúp làm chậm lại tốc độ lạm phát trong toàn khu vực và chính phủ các nước có thể tiếp tục nới lỏng các chính sách tài chính và tiền tệ. Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, ngân hàng trung ương các nước đã áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như áp dụng một loạt biện pháp tài chính khác để làm tăng khả năng thanh toán bằng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng và khuyến khích các ngân hàng mở rộng cho vay. Đây là bước đi rất hợp lý nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu hơn, ảm đạm hơn. Nhưng cách làm đó không thể lạm dụng và kéo dài.
Cuộc khủng hoảng giờ đây đang bước sang giai đoạn khác. Và việc có quá nhiều nguồn tiền dễ dàng chảy vào thị trường chứng khoán cũng như bất động sản như hiện nay đã đẩy giá đi quá nhanh và quá xa so với những nguyên tắc kinh tế cơ bản, khiến giá tài sản cao hơn, các gia đình cảm thấy vững vàng hơn về tài chính và chi mạnh tay hơn cho tiêu dùng. Điều đó đã tạo đà để kinh tế khu vực phục hồi trở lại. Nhưng chính sự phục hồi này có thể dẫn đến một rủi ro. Đó là sự lạc quan quá mức hoặc đầu cơ làm tăng giá. Nếu điều đó xảy ra, châu Á có thể lại tự mình chuốc lấy gánh nặng lớn với những thị trường tăng trưởng quá nóng - tương tự như thị trường nhà đất ở Mỹ vài năm trước đây. Và như vậy, nguy cơ dẫn đến bờ vực sụp đổ là có thể xảy ra.
Nhà kinh tế học Phrét-e-ríc Noi-mần (Frederic Neumann) của ngân hàng HSBC phát biểu trong một báo cáo gần đây đã nói: "Có những mầm mống đang được gieo rắc cho phát triển bong bóng của châu Á...”, và “thế giới không thay đổi, nó chỉ dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác”.
Và con đường phía trước còn dài và gian nan
Các nền kinh tế châu Á dường như đang phấn khích nhờ sự phục hồi đặc biệt của Trung Quốc, nơi sản lượng hàng hóa tăng với tỷ lệ hằng năm là 16% kể từ tháng 4-2009 đến tháng 6-2009. Thậm chí, tại Mỹ và khu vực đồng ơ-rô, GDP cũng ngừng giảm trong mùa hè này. Những hoạt động thương mại có lúc đã giảm một cách thảm hại, nay cũng đang phục hồi và khi các công ty xây dựng lại kho dự trữ thì mức tăng trưởng trong vài tháng qua đã tăng vọt lên một cách đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triển vọng của sự phát triển này là không bền vững bởi nhiều lý do.
Các kho dự trữ được chất hàng trở lại chỉ mang tính tạm thời, do sự can thiệp của chính phủ nhằm chống lại sự trì trệ của kinh tế. Trên thực tế, sản lượng hàng hóa của khu vực Đông Á phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu. Khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng trên cơ sở phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế thế giới. Khi vẫn còn phụ thuộc vào hai động lực – Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, châu Á chưa thể đóng vai trò động lực tăng trưởng duy nhất của thế giới. Và như vậy, sự “phục hồi” của khu vực này đang dựa trên những “cơ sở mỏng manh”.
Các biện pháp chi tiêu của Chính phủ Mỹ, thông qua kế hoạch vực dậy kinh tế và giảm nhập khẩu, cũng như việc tiết kiệm của người dân đã đóng góp một phần vào sự kìm hãm nhịp độ suy thoái. Song với một mức thâm hụt khổng lồ trong ngân sách liên bang và một tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 10% vào cuối năm nay, thì sự đóng góp đó kể như “muối bỏ bể”. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, nhu cầu toàn cầu rất lệch lạc, khi quá lệ thuộc vào mức chi tiêu từ người tiêu dùng Mỹ - những người đang ngày càng chịu nhiều nợ nận với mức thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới gần 6% GDP trong năm 2006. Cuộc khủng hoảng tài chính, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tín dụng và 13.000 tỉ USD tài sản bị mất của các hộ gia đình, đã phá tan bộ máy mua sắm của người Mỹ và làm thay đổi bản chất sự mất cân bằng của thế giới.
Còn với Trung Quốc, tuy có mức tăng trưởng đáng nể nhưng là nhờ sự đầu tư của chính phủ và kế hoạch kích thích kinh tế chứ không phải do chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó, với khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc lên tới 9 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 1.470 tỉ USD) được các công ty dùng để đầu tư vào trang thiết bị mới và trả lương công nhân, nhằm tránh rơi vào nguy cơ phải ngừng sản xuất cũng đã làm gia tăng mối lo ngại rằng, các khoản nợ xấu có thể đảo ngược sự phục hồi của Trung Quốc.
Việc các chính phủ vực dậy nền kinh tế của mình một cách tạm thời song cũng làm thâm hút ngân sách nhà nước gia tăng lại không phải là con đường để đạt được sự tăng trưởng bền vững. Khi khoản nợ phình lên sẽ là lúc những cơ hội cho kế hoạch tài chính bị hạn chế và các nhà chính trị có thể sẽ ngăn cản những kế hoạch kích thích kinh tế được nối lại trước đó rất lâu. Đáp án cho bài toán phục hồi kinh tế là làm thế nào để điều chỉnh lại sự mất cân bằng bên trong mà không tạo ra sự mất cân bằng ở bên ngoài.
Việc này không dễ vì nó đòi hỏi một sự thay đổi từ cách tư duy của nhiều nhà hoạch định chính sách đến sự phối hợp kinh tế vĩ mô tốt hơn hiện tại và những cuộc cải cách nền kinh tế vĩ mô đầy táo bạo. Bởi vậy, các nhà kinh tế mới nói rằng, con đường phục hồi kinh tế của thế giới vẫn còn dài và lắm gian nan./.
Việt Nam sẵn sàng đảm nhận tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN năm 2010  (08/08/2009)
Hà Giang phát triển kinh tế - xã hội và giữ yên vùng biên giới  (07/08/2009)
Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020  (07/08/2009)
Bến Tre phát huy sức mạnh hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn  (07/08/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển