TCCSĐT - Ngày 6-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ủy ban nhân dân 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua 5 điểm cầu: Trụ sở chính Văn phòng Chính phủ; Trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, để lấy ý kiến hoàn thiện Đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020”.

Sự cần thiết phải đổi mới và phát triển dạy nghề

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển với tốc độ nhanh và có bước nhảy vọt. Với việc sử dụng ngày càng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời, đòi hỏi dạy nghề phải thường xuyên bổ sung, cập nhật, hoàn thiện các chương trình dạy nghề hoặc xây dựng các chương trình dạy nghề mới để đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trực tiếp làm việc với công nghệ mới đó.

Đồng thời, ở trong nước, sức ép về lao động có trình độ và chất lượng cao sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, sẽ tiếp tục có nhu cầu lớn về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá. Nếu không chuyển dịch cơ cấu lao động kịp thời theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, và tình trạng kém phát triển, nghèo đói, bất bình đẳng vẫn không giải quyết được. Mặt khác, nếu không có được nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp, thì trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế, mở cửa thị trường, trong đó có thị trường lao động, lao động các nước sẽ đến làm việc ở Việt Nam, trong khi lao động Việt Nam không tìm được việc làm. Đó là nghịch lý và là thách thức lớn đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực nói chung và dạy nghề nói riêng.

Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Dự báo, khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo vào khoảng 70% (năm 2008: 35%), trong đó lao động qua đào tạo nghề là 55% (năm 2008: 26,5%); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp chiếm 35%, công nghiệp là 63% và dịch vụ là 50%; cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo nghề: sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng là 72%, trung cấp nghề là 14,4%, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 13,6%.

Đảng và Nhà nước ta coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố có tính chất quyết định để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội X của Đảng xác định: Tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho xuất khẩu lao động; tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khoá VIII, nêu rõ: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, kể cả những nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao; chú trọng xây dựng một số trường dạy nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng nhanh quy mô công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở những lĩnh vực công nghệ cao, tiếp nhận trình độ tiên tiến thế giới.

Trong mười năm qua (1998-2008), dạy nghề đã được phục hồi sau một thời gian dài suy giảm và có bước phát triển mới, và cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho thị trường lao động, đồng thời chất lượng dạy nghề cũng có chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2008, số trường dạy nghề tăng 2,37 lần so với 10 năm trước (từ 129 trường dạy nghề lên 306 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề); trung tâm dạy nghề tăng 4,56 lần (từ 150 lên 684 trung tâm). Mỗi tỉnh có ít nhất một trường trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề; 50% số huyện có trung tâm dạy nghề. Xã hội hoá dạy nghề đã đạt kết quả bước đầu: năm 2008 có 15 trường cao đẳng nghề, 52 trường trung cấp nghề, 250 trung tâm dạy nghề tư thục, và hơn 1000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các cơ sở giáo dục khác có dạy nghề. Quy mô tuyển sinh học sinh học nghề tăng nhanh: 525,6 nghìn người năm 1998 lên 1538 nghìn người năm 2008 (tăng 2,9 lần). Đầu tư cho dạy nghề cũng ngày càng tăng, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cơ bản như: dạy nghề chủ yếu vẫn theo hướng cung; chất lượng dạy còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) - xếp thứ 11 trong 12 nước ở Châu Á được tham gia xếp hạng. Chưa có các trường có năng lực đào tạo nghề chất lượng cao tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực, thế giới và chuẩn quốc gia, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam phải thuê tuyển lao động có trình độ cao của nước ngoài.

Bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi phải đổi mới và phát triển dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật theo hai hướng:

Một là, đào tạo nghề đại trà để phổ cập nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn nhằm nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hai là, đào tạo nghề chất lượng cao đối với một số nghề công nghệ cao, nghề mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động.

Quan điểm, mục tiêu đổi mới và phát triển dạy nghề

Với quan điểm phát triển dạy nghề theo hướng tạo cơ hội học tập cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; xây dựng hệ thống dạy nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển dạy nghề theo hướng cung (năng lực đào tạo sẵn có của cơ sở dạy nghề) sang dạy nghề theo hướng cầu (nhu cầu của thị trường lao động và xã hội); đầu tư trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ (đồng bộ các yếu tố bảo đảm chất lượng: chương trình, giáo viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị) theo hướng hiện đại hoá về các điều kiện để tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng, Đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020” đưa ra các mục tiêu cụ thể sau:

- Giai đoạn 2009-2020: 1. Dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người, để bảo đảm vào năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. 2. Đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để thành giáo viên dạy nghề; vào năm 2020, 100% giáo viên dạy nghề có thể dạy tích hợp lý thuyết và thực hành, 40% giáo viên dạy cao đẳng nghề có trình độ thạc sĩ và tiến sỹ; và tỷ lệ giáo viên quy đổi/học sinh, sinh viên quy đổi ở các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 1/15.

- Đến năm 2020: 1. Có 23 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề. Trong đó, 10 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của thế giới; 20 trường cao đẳng nghề đạt trình độ tiên tiến của khu vực; 120 trường trung cấp nghề và cao đẳng nghề trọng điểm quốc gia. 2. Có 100% trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề được ban hành khung chương trình, trong đó có 83 chương trình đào tạo được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề hoặc theo tiêu chuẩn năng lực thực hiện của các nước tiên tiến, và 40 chương trình, giáo trình đào tạo kỹ sư thực hành. 3. Có 90% trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, 70% trung tâm dạy nghề và 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng. 4. Ban hành 400 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, biên soạn đề thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 400 nghề; tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 6 triệu người lao động.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án, bao gồm: nâng cao nhận thức của toàn xã hội về dạy nghề; đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề; đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề; phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng dạy nghề; giải quyết vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề. Trong đó, có hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá là: đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề; và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

Đóng góp ý kiến cho Đề án, các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dạy nghề đã tập trung thảo luận các vấn đề: hướng đầu tư cho các cơ sở dạy nghề; các chính sách cụ thể đối với người dạy nghề, người học nghề, cơ sở dạy nghề và người lao động qua đào tạo nghề; việc bổ sung dạy nghề trình độ kỹ sư thực hành (thí điểm từ năm 2011 và triển khai từ năm 2015); phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; cơ chế tài chính và nguồn lực đầu tư cho dạy nghề… Qua các ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Đề án) sẽ hoàn thiện Đề án trong thời gian tới./.