Qua các kỳ Đại hội Đảng, nhận thức của chúng ta ngày càng rõ hơn về vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, hơn 20 năm đổi mới đã qua, nông nghiệp nước ta tiến bộ vượt bậc, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, từ chỗ bị thiếu lương thực triền miên đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Tuy vậy, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, mục tiêu giữ vững an ninh lương thực quốc gia đang đặt ra những vấn đề mới.

Ngay từ Đại hội III của Đảng (năm 1960), nhiệm vụ cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, gắn với hợp tác hóa nông nghiệp, thực chất là CNH, HĐH nông nghiệp, đã được đặt ra và từng bước thực hiện. Đó là các biện pháp thâm canh gồm: nước-phân-cần-giống và đẩy mạnh cải tiến công cụ, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Trong gần 5 thập kỷ, qua mỗi giai đoạn lịch sử, nội dung và mục tiêu của CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn lại được điều chỉnh, bổ sung và phát triển. Ngày nay, nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng đang được đặt trong tình thế mới, đó là:

Thứ nhất: Sự cách biệt quá lớn của CNH, HĐH các ngành công nghiệp và dịch vụ so với ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Trong công nghiệp và dịch vụ, những năm qua tốc độ CNH, HĐH đạt khá cao, có nhiều lĩnh vực đạt trình độ khu vực và thế giới như đóng tàu, viễn thông... Nhờ đó tốc độ tăng trưởng của hai khu vực kinh tế này cũng mạnh hơn. Nhưng tốc độ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn rất chậm. Nền nông nghiệp nước ta vẫn còn phân tán, manh mún, năng suất lao động thấp, ngay cả những loại nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, chè, thủy sản... chủ yếu vẫn là sản phẩm từ lao động thủ công. Bởi vậy, khó có thể hoàn thành công cuộc CNH, HĐH đất nước nếu nông nghiệp và kinh tế nông thôn không thoát được tình trạng lạc hậu, kém phát triển.

Thứ hai: Nhu cầu lương thực của thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, chuyển từ dư thừa và giá thấp trong thời gian mười năm về trước sang thời kỳ khan hiếm và giá cao trong những năm tới đây và trong tương lai. Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế ước tính, đến năm 2020 sản lượng lương thực của thế giới sẽ giảm từ 16% - 20% do hiện tượng trái đất ấm lên và diện tích đất canh tác hiện nay đang bị thu hẹp với tốc độ nhanh chóng. Kéo theo đó giá nông sản sẽ tăng cao. Chẳng hạn, vào cuối thập niên tới, giá ngô có thể tăng 72% và giá các loại hạt có dầu tăng 44%(1).

Theo Vinanet của Bộ Công - Thương, do "cầu" vượt "cung" nên giá lúa mì đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 tới nay, trong khi giá gạo tăng gần gấp đôi. Dự báo giá ngô sẽ tăng khoảng 72% vào năm 2020; giá hạt có dầu sẽ tăng khoảng 44%, do nhu cầu sử dụng những sản phẩm này làm nhiên liệu sinh học ngày càng tăng. Từ nay đến năm 2010, giá ngô sẽ tăng thêm khoảng 25%(2).

Theo Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO), năm 2006 giá lương thực đã có mức tăng kỷ lục tới 40%, một phần do hạn hán và lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu, một phần khác do giá dầu tăng làm tăng nhu cầu về nhiên liệu sinh học (được chế biến từ sản phẩm nông nghiệ(3).

Hơn nữa, nhu cầu về lương thực, thực phẩm chất lượng cao và an toàn cũng ngày một tăng cao. Tình hình trên vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nền nông nghiệp nước ta và tác động rất mạnh tới sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn cả trước mắt cũng như lâu dài.

Thứ ba: Bảo vệ môi trường sinh thái đang trở thành tâm điểm của toàn thế giới. Hiện nay, hậu quả của tình trạng khí hậu nóng dần lên của trái đất, sự hủy hoại tầng ô-zôn đang đặt nhân loại trước những thảm họa ngày càng lớn và chưa thể lường hết được. Riêng về Việt Nam, theo các chuyên gia sẽ không loại trừ khả năng là từ đây đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 1 mét, khiến nhiều vùng ven biển, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Theo bản báo cáo về phát triển con người 2007/2008 của UNDP, nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ, thì có nguy cơ khoảng 22 triệu người ở Việt Nam sẽ mất nhà ở và mất 45% diện tích đất nông nghiệp(4).

Bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ chiến lược toàn cầu, đòi hỏi mọi người phải cùng chung sức góp phần khắc phục thảm họa môi trường. Ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn của nước ta không thể không tính đến vấn đề về môi trường trong quá trình CNH, HĐH. Mọi giải pháp, biện pháp phát triển đều vừa phải tính đến những hậu họa của sự tàn phá môi trường, vừa phải tiến hành sản xuất và sinh hoạt thân thiện với môi trường.

Thứ tư: Nước ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO. Nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất trong quá trình gia nhập WTO. Về thuận lợi, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực được tiếp tục gia tăng về quy mô, kim ngạch và bạn hàng, thuế suất nhập khẩu giảm mạnh, có lợi cho nhà xuất khẩu. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2007 nước ta tiếp tục thành công trong xuất khẩu nông sản, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt 10,5 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2006. Hiện đã có tới 5 mặt hàng là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo và cao su đạt giá trị xuất khẩu từ 1 - 3 tỉ USD.

Bên cạnh thuận lợi thì những khó khăn, thách thức cũng tăng lên. Đặc biệt là sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới xuất phát từ những hạn chế trong năng lực sản xuất, chế biến, tạo dựng thương hiệu và uy tín của từng mặt hàng nông sản. Thực tế hiện nay, trình độ sản xuất của nông dân còn ở mức độ thấp, thể hiện:

- Giống cây trồng, vật nuôi vẫn chưa kiểm dịch đầy đủ và kiểm soát nguồn gốc;

- Chưa kiểm soát tốt phân hóa học, phân bón, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất kích thích sinh trưởng khác nhau;

- Công tác bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu vẫn chưa đáp ứng theo chuẩn mực yêu cầu của quốc tế trong quá trình hội nhập;

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, bình quân diện tích đất còn rất thấp, khoảng 0,7-1 ha/hộ, vì vậy muốn sản xuất với quy mô lớn, chất lượng đồng đều là rất khó;

- Giá thành sản xuất vẫn còn cao, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đầy đủ khi đưa sản phẩm ra thị trường(5).

Cần khẳng định rằng, trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, nông nghiệp và kinh tế nông thôn vẫn luôn giữ vai trò quan trọng. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng GDP và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng GDP và lao động trong nông nghiệp, nhưng tăng về chất lượng và giá trị tuyệt đối, có đủ hàng hóa không chỉ bảo đảm nhu cầu ngày càng cao trên thị trường trong nước, mà còn cho xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội đối với lao động và dân cư nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...

Kinh nghiệm nhiều nước công nghiệp phát triển cho thấy, mặc dầu tỷ trọng dân cư nông thôn, lao động nông nghiệp và GDP của ngành nông nghiệp giảm đáng kể, thường là dưới 10% so với toàn nền kinh tế, nhưng đó là một nền nông nghiệp hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu cao trong nước mà còn dư thừa để xuất khẩu, thu nhập của lao động nông nghiệp và dân cư nông thôn không quá chênh lệch so với ngành công nghiệp, dịch vụ và dân cư thành thị. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, giá trị gia tăng tính trên một lao động nông nghiệp ở một số nước công nghiệp phát triển, thời kỳ 1995 - 1997, tính ra USD, như sau: Ô-xtrây-li-a là 29.044, Đan Mạch: 46.621, Pháp: 34.760, Phần Lan: 28.296, Nhật Bản: 28.665, Hà Lan: 43.836, Na-uy: 31.577, Xin-ga-po: 39.851, Mỹ là 34.727. Trong khi tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP thường rất thấp: chỉ từ dưới 1% (Xin-ga-po), 2% (Mỹ, Pháp) và cao nhất là 5% (Đan Mạch), còn Việt Nam chỉ số tương ứng là 226 USD và 26%(6). Trong quá trình phát triển đất nước, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nội dung cơ bản hàng đầu, không chỉ bảo đảm cho thành công trọn vẹn của CNH, HĐH đất nước, mà còn quan trọng hơn là nâng cao đời sống của khoảng 2/3 dân số cả nước là nông dân khấm khá và văn minh hơn. Từ đó tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lao động, dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Đó cũng chính là mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng ta. Văn kiện Đại hội X cũng chỉ rõ: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương"(7).

Để đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, theo chúng tôi cần có một số giải pháp sau:

Một là, cần chuyển đổi mạnh chính sách đầu tư theo hướng tập trung ưu đãi hơn nữa cho nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp bao gồm: đầu tư của Nhà nước, đầu tư của hộ nông dân, của doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài. Đặc thù của kinh doanh nông nghiệp là gặp nhiều rủi ro, phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên và thời tiết, địa bàn rộng và xa, cơ sở hạ tầng yếu kém, đi lại khó khăn, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp, nên các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài không mặn mà, thiết tha đầu tư vào nông nghiệp. Năm 2007, tỷ trọng FDI cho ngành nông nghiệp vẫn còn rất thấp (chỉ chiếm 10,6% số dự án và 6,5% số vốn đầu tư đăng ký), chưa thu hút các nhà đầu tư của một số nước có tiềm năng, thế mạnh lớn về nông nghiệp như Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a... Đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp và nông thôn còn hạn chế, theo Bộ Tài chính, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 113.116 tỉ đồng, mới chỉ đáp ứng được 17% nhu cầu, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư cả nước. Việc sử dụng vốn tại nhiều địa phương lại kém hiệu quả(8). Đa phần kinh tế hộ nông dân còn ở quy mô ruộng đất nhỏ lẻ, thu nhập thấp, không có vốn tích lũy để đầu tư, nếu có không phải hộ nào cũng biết đầu tư thế nào cho có hiệu quả do thiếu kiến thức, thiếu thông tin. Do đó, trong khi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ thì Nhà nước, một mặt có chính sách ưu đãi hơn đối với đầu tư cho nông nghiệp để bảo đảm các nhà đầu tư thu lợi nhiều hơn; mặt khác Nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, chí ít cũng phải bằng tỷ lệ giá trị của riêng ngành nông nghiệp đóng góp vào GDP của nền kinh tế, hiện nay là trên 20%(9). Đối với các dự án đầu tư công nghiệp và dịch vụ, Nhà nước giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước bằng cách mở rộng phương thức đầu tư BO hoặc BOT, tăng phần ngân sách đầu tư cho nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Cần có quan niệm đúng rằng, tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn không có nghĩa là quay trở lại cơ chế bao cấp, càng không phải là một sự "ban ơn", mà là thực hiện chức năng điều tiết của Nhà nước để bảo đảm mục tiêu ổn định chính trị - xã hội, công bằng và hiệu quả của nền kinh tế. Cùng với việc tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cũng cần kiên quyết giảm mức đóng góp của nông dân và dân cư nông thôn. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định miễn thủy lợi phí cho nông dân, đó là một điều hợp lòng dân, nhưng còn nhiều khoản đóng khác, kể cả thuế sử dụng ruộng đất và các loại phí và lệ phí khác, lượng thu không được bao nhiêu nhưng tốn công sức để quản lý thu, hơn nữa còn gây bất bình và bức xúc cho dân, nuôi dưỡng tệ nhũng nhiễu đang trở nên phổ biến ở nông thôn hiện nay. ở đây, nhiều khi cái mất còn lớn hơn cái được, cả về vật chất và tinh thần.

Hai là, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp với yêu cầu của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Từ trước đến nay, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn khá toàn diện, nhưng còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, thất thoát nhiều. Lãng phí trong chi tiêu ngân sách nhà nước và tiêu dùng xã hội còn nghiêm trọng(10). Do đó, trong tình thế mới hiện nay, đầu tư cho nông nghiệp cần tập trung cho mục tiêu "năm hóa": thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, sinh học hóa nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trong nông nghiệp, thủy lợi luôn là biện pháp hàng đầu nhất là thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến phức tạp mà hệ thống thủy lợi, đê điều lại bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất nông nghiệp mà cả dân sinh nên đầu tư cho thủy lợi là giải pháp cấp bách. Thời gian qua, ngân sách nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho thủy lợi, trong đó nhiều công trình thủy lợi lớn không chỉ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, mà còn cho công nghiệp, dịch vụ và đời sống dân cư thành thị, do đó tăng vốn đầu tư cho thủy lợi là một yêu cầu cần thiết và hợp lý. Nhà nước đã có chủ trương miễn thủy lợi phí cho nông dân, nhưng không vì thế mà coi nhẹ viêc phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, trái lại phải tiếp tục đầu tư và nâng cấp hệ thống thủy nông lên trình độ cao hơn và để quản lý tốt hơn.

Ngoài thủy lợi, điện khí hóa đã có những bước tiến quan trọng, trừ vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn, nói chung hệ thống điện quốc gia đã bao phủ hầu hết các vùng nông thôn cả nước, trong khi đó cơ giới hóa nông nghiệp vẫn còn là bài toán khó. Không thể chấp nhận một nền nông nghiệp được CNH, HĐH mà lao động chủ yếu bằng thủ công, "con trâu đi trước, cái cày theo sau" như cách đây hàng thế kỷ, do đó cần có giải pháp đồng bộ và hợp lý để đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Để nâng cao trình độ hóa học hóa, sinh học hóa thì ngoài đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh học thì cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành nông nghiệp(11) và có cơ chế quản lý thích hợp để khuyến khích các nhà khoa học phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, không để nông dân phải tự "bươn chải", phó mặc cho cơ chế thị trường.

Ba là, coi trọng nâng cao trình độ dân trí nói chung và trình độ kỹ thuật, công nghệ cho người lao động nông nghiệp. Sự nghiệp CNH, HĐH có sự đóng góp của nhiều người ở nhiều cấp, nhiều ngành nhưng người trực tiếp thực hiện và quyết định thành công chính là nông dân. Họ là người tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, cơ chế, chính sách, tiếp cận thị trường và biến tiềm năng thành hiện thực. Thực tế nông thôn nước ta hiện nay cho thấy, phần lớn con em nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều bậc cha mẹ không trong việc lo đủ chi phí cho con em học tập và tìm việc làm. Tình trạng bỏ học dở chừng có xu hướng gia tăng. Phần lớn thanh niên có trình độ sau khi tốt nghiệp ra trường lại không muốn trở về làm nông nghiệp và phục vụ nông thôn. Thực trạng đó dẫn tới lực lượng lao động nông nghiệp vừa yếu về trình độ và kỹ năng, vừa yếu cả về thể lực, vì đa phần còn lại là người lớn tuổi và phụ nữ, những người không thể "ly hương" được mới buộc phải ở lại nông thôn. Nếu vậy, khó có một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; khoảng cách thành thị - nông thôn khó rút ngắn.

Thêm vào đó, các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc và các tiêu cực xã hội khác càng xói mòn tư tưởng và đạo đức của một bộ phận thanh niên nông thôn. Tình trạng đó ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn trầm trọng hơn. Tất cả những tình hình đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới quá trình CNH, HĐH.

Để nâng cao trình độ dân trí cho dân cư nông thôn và trình độ kỹ thuật, tay nghề cho lực lượng lao động nông nghiệp trong tiến trình CNH, HĐH, theo chúng tôi cần tập trung vào mấy điểm sau đây:

- Đổi mới hệ giáo dục phổ thông ở vùng nông thôn, vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa phân luồng sớm sau cấp trung học cơ sở, chỉ để một tỷ lệ vừa phải học sinh có trình độ tiếp tục học lên. Đối với học sinh đã qua trung học cơ sở không tiếp tục học lên thì được hướng nghiệp đào tạo nghề, nhất là nghề nông.

- Phát triển hơn nữa các khóa học dạy nghề và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đồng thời bố trí, quy hoạch hợp lý các trường cao đẳng và đại học ở các địa phương để tránh tình trạng quá tập trung làm tăng chi phí học hành, nhất là sinh hoạt đắt đỏ nơi đô thị đối với học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, coi trọng các ngành nông, lâm, thủy sản và các ngành có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

- Mở rộng màng lưới khuyến nông, các trung tâm học tập cộng đồng ở ngay các thôn, xã để phổ biến đường lối, chính sách, các kiến thức khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho người lao động ở nông thôn bằng nhiều hình thức thích hợp, như: làm mẫu, tập huấn tại ruộng, hội thảo tại bờ...

- Cần có chính sách và biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân nông thôn, xây dựng các phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách - báo, truy cập thông tin trên mạng... nhằm nâng cao thể lực và trí lực của lực lượng trẻ nói riêng và dân cư nông thôn nói chung, có tác dụng hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực xã hội đang có nguy cơ phát triển ở nông thôn hiện nay.

Bốn là, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, chủ yếu bằng con đường hợp tác hóa. Hiện nay, hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, tuy đã có được động lực cho kinh tế hộ phát triển hơn 10 năm nay, nhưng đến nay hầu như đã tới trần. Nếu không tiếp tục thúc đẩy kinh tế hộ nông nghiệp, nông thôn sớm thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, thủ công, phân tán thì khó có điều kiện để đưa tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa sản xuất nông nghiệp. Vì thế năng suất lao động và năng suất cây trồng, vật nuôi vẫn còn thấp, chất lượng nông sản kém, giá thành cao, khó cạnh tranh với nông sản các nước trên thị trường thế giới và ngay cả thị trường nội địa, và như thế sẽ rất mâu thuẫn với yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Do đó, trước mắt cũng như lâu dài, muốn có một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn để hội nhập với nền kinh tế thế giới thì không thể không tổ chức lại nền nông nghiệp với nhiều hình thức tổ chức khác nhau, có thể là trang trại, công ty cổ phần, doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng hình thức tổ chức hợp tác xã vẫn là thích hợp và dễ tiếp thu nhất đối với hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp, bao gồm hợp tác xã dịch vụ và hợp tác xã kinh doanh tổng hợp.

Tuy nhiên, hiện nay trong nông thôn nước ta phổ biến là hợp tác xã dịch vụ, có vai trò phục vụ hộ nông dân một hoặc một số khâu, còn bản thân hộ nông dân vẫn là đơn vị kinh tế tự chủ, nhiều hộ gia đình vẫn đang đứng ngoài hợp tác xã. Nguyên nhân yếu kém của hợp tác xã nông nghiệp như nhận định của Nghị quyết 13-NQ/TW, đó là trình độ lực lượng sản xuất yếu kém, thiếu sót về nhận thức mô hình hợp tác xã kiểu mới, bất cập trong lãnh đạo và quản lý hợp tác xã, tâm lý hoài nghi, mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ(12). Để khắc phục những yếu kém, hạn chế của kinh tế hợp tác trong nông nghiệp hiện nay cần nắm vững những quan điểm, chủ trương và giải pháp trong Nghị quyết 13-NQ/TW ngày18-2-2002.

Theo chúng tôi, trước hết cần giải quyết về mặt nhận thức, tư tưởng đối với kinh tế hợp tác, khắc phục tâm lý hoài nghi, mặc cảm đối với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ bằng cách giới thiệu và nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới có hiệu quả, triệt để tôn trọng các nguyên tắc tổ chức và quản lý hợp tác xã nông nghiệp, nhất là nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương đối với hợp tác xã nông nghiệp.

Năm là, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Trong những năm qua, nhờ thực hiện nhiều biện pháp tích cực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua cơ cấu dân cư nông thôn và lao động nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Dân cư nông thôn đến năm 2005 còn 73% dân số cả nước, còn tỷ lệ lao động nông nghiệp trong sản xuất thuần nông cũng liên tục giảm, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ (xem bảng).

Bảng: Cơ cấu lao động xã hội theo ngành kinh tế từ năm 1990 đến năm 2005

Tổng số lao động xã hội

1990

1995

2000

2005

Trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp

73,00%

71,10%

68,20%

56,80%

Trong ngành công nghiệp

11,24%

11,40%

12,10%

17,90%

Trong các ngành dịch vụ

15,56%

17,50%

19,70%

25,30%

Tuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối, lao động nông nghiệp không ngừng tăng lên, trong khi diện tích đất dùng cho nông nghiệp không ngừng giảm do quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa, dẫn tới bình quân ruộng đất cho lao động nông nghiệp giảm nhanh. Do đó, việc giảm số lao động thuần nông trở thành nhiệm vụ cấp thiết, vừa là tiền đề, vừa là mục tiêu của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế hiện nay, lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn vào làm việc trong các khu công nghiệp lớn và các hoạt động dịch vụ cao không phải là dễ; đi xuất khẩu lao động cũng rất hạn chế do người dân thiếu vốn ban đầu, thiếu trình độ đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Trong khi đó một số biện pháp thiết thực trong nước lại đang bị xem nhẹ, như việc khuyến khích mạnh mẽ việc thành lập các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở nông thôn, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp..., vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn không có điều kiện thoát ly khỏi quê nhà, vừa khai thác tiềm năng về đất đai, vốn, tay nghề, nguyên liệu, phục hồi các thương hiệu truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu.
 

(1) www.thainguyen.org.vn, ngày 5-12-2007
(2) www.vinanet.com.vn, ngày 18-12-2007
(3) www.nhandan.org.vn, ngày 18-12-2007
(4) www.vtv.vn, ngày 28-11-2007
(5) Bộ Ngoại giao Việt Nam: www.mofa.gov.vn, ngày 20-12-2007
(6) Bước vào thế kỷ XXI - Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế thế giới 1999 - 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr 310 - 311, tr 318 - 319
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2006, tr 88
(8) Phát triển bền vững ở Việt Nam, theo www.cpv.org.vn, ngày 21-10-2007
(9) Xem: Văn kiện Đại hội Đảng X đã dẫn, tr 56
(10) Xem: Văn kiện Đại hội Đảng X đã dẫn, tr 166
(11) Theo các chuyên gia, sau khi Việt Nam gia nhập WTO đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp chiếm 0,13% GDP nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ tương tự của các nước thường là 4%
(12) Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr 28