Sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã thu được những kết quả đáng kể, nhưng cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề. Bởi vậy, cần phải sớm phát hiện và điều chỉnh những vấn đề này để tận dụng tốt những cơ hội, tránh những hạn chế nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, xây dựng thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

1 - Vấn đề giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đã tăng dần và lên tới 20% tổng chi thường xuyên hằng năm. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được còn rất hạn chế. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao trong thời gian gần đây phản ánh về những yếu kém trong giáo dục, đào tạo của nước ta. Chúng ta chưa gắn kết được giữa giáo dục, đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Thậm chí, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng chúng ta đang bị “khủng hoảng trong giáo dục”.

Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa làm được việc ngay vì chủ yếu được trang bị lý thuyết, lượng kiến thức của các chương trình đào tạo chưa gắn với thực tế nhiều. Phần lớn các trường đại học kinh tế hiện nay đều giảng dạy theo hình thức trình bày, trong khi các nước kinh tế thị trường dùng phương pháp nghiên cứu thực hành (“case study method”).

Mặc dù hiện nay một số trường đại học ở Việt Nam đang thí điểm thay đổi phương pháp và thí điểm chương trình đào tạo nhưng mức độ còn hạn chế.

Đào tạo ở nước ngoài lại không được quan tâm đúng hướng. Trong nhiều năm đầu thời kỳ “mở cửa”, việc đào tạo ở nước ngoài tập trung ở cán bộ quản lý nhà nước khá nhiều và dành không ít cho con em của họ. Hiệu quả đào tạo ở nước ngoài chưa gắn với chiến lược phát triển các ngành, nhất là các ngành công nghệ cao. Tình hình đó dẫn đến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ cao, các ngành có hàm lượng tri thức và khoa học công nghệ cao. Một số khác, do có tiềm lực tài chính nên đã đầu tư cho con em đi du học tự túc. Trong số đó không loại trừ là do trượt đại học trong nước, đưa đi học nước ngoài, nhưng các cơ sở đào tạo ở nước ngoài cũng có “ba bảy” loại. Khi tốt nghiệp về nước thì đều là “hàng ngoại” cả trong việc tham gia vào thị trường sức lao động.

Từ kinh nghiệm của các nước ở Đông á, thiết nghĩ trong thời gian tới cần phải đổi mới công tác giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bộ chủ quản cần tập trung vào khâu quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo để giữ vững các chuẩn mực về chương trình, hàm lượng kiến thức và quy trình đào tạo. Cần thiết phải có các chuẩn quốc gia trong các kỳ thi tốt nghiệp đại học. Tránh tình trạng trường đào tạo và thi cử, bộ cấp bằng và chứng chỉ như hiện nay. Chính phủ, các địa phương phải có chính sách khuyến khích đưa học sinh ra nước ngoài học nghề, học các ngành kỹ thuật gắn với yêu cầu phát triển của đất nước. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, mời gọi người tài phục vụ đất nước, đặc biệt là cơ chế tuyển dụng và đề bạt cán bộ có tài trong cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, nên có cơ chế hỗ trợ hoặc cho người lao động vay tiền để đầu tư phát triển kỹ năng.

2 - Lựa chọn ngành chiến lược và phát triển doanh nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế cao

Chúng ta đã đạt nhiều thành công trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và đã xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành quan trọng... Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu phát triển của đất nước từ nay đến năm 2020 và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì nước ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, hạn chế như:

- Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn muốn tiếp tục được bảo hộ và ưu đãi về vốn, đất đai, vị trí trên thị trường và ký hợp đồng với Nhà nước bởi vốn quen được hưởng lợi thế độc quyền, ít phải cạnh tranh bình đẳng với các khu vực khác. Các doanh nghiệp dân doanh tuy phát triển mạnh, nhưng tính chiến lược, tính liên kết yếu, tính tự phát cao, chưa trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào tại chỗ có chất lượng với công nghệ tiến tiến đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chưa kết nối được vào mạng lưới cung ứng toàn cầu làm cho tốc độ tăng trưởng bị hạn chế.

- Chủ trương đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động trong mỗi doanh nghiệp, nhất là ở các tổng công ty lớn nhà nước đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Các tổng công ty, tập đoàn lớn còn “đánh quả” bằng đầu cơ đất đai và chứng khoán, thiếu tập trung vào hoạt động kinh doanh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang thành lập hay dành quyền kiểm soát ở một số ngân hàng, công ty chứng khoán... tình hình này sẽ làm gia tăng những khó khăn cho phát triển.

- Cạnh tranh yếu, chưa có bước đột phá và các ngành kinh tế đang đứng trước sự băn khoăn khá lớn là phát triển theo hướng nào? Ngành công nghiệp, dịch vụ nào sẽ là chủ lực trong phát triển công nghiệp, dịch vụ của thế giới. Chất lượng công tác hoạch định chiến lược phát triển ngành của chúng ta còn quá yếu, chưa có tầm nhìn dài, và điều này sẽ làm mất đi tính định hướng cho các doanh nghiệp phát triển những ngành phụ trợ.

Trong lĩnh vực này, thành công của các nước Đông Á là có chiến lược phát triển ngành và phát triển các doanh nghiệp rất rõ nét. Mỗi quốc gia đều lựa chọn chiến lược phát triển ngành mũi nhọn, hướng tới phát triển các ngành công nghiệp tinh vi, có hàm lượng trí thức cao hơn và tạo ra giá trị gia tăng lớn. Tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo, cho hệ thống hỗ trợ ngành và cho chính bản thân của ngành. Về cạnh tranh doanh nghiệp, các nước lấy chỉ tiêu xuất khẩu làm thước đo đánh giá năng lực cạnh tranh; không bảo hộ lâu vì dễ gây lãng phí các nguồn lực (nhất là các doanh nghiệp nhà nước) dẫn đến tính thụ động, ỷ lại, kém khả năng cạnh tranh; kiên trì theo đuổi chính sách phát triển kỹ năng, công nghệ và tri thức để giúp doanh nghiệp xâm nhập thị trường sản phẩm mới và đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các nước này rất coi trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gắn kết thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển các ngành ưu tiên, mũi nhọn, gắn doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm gia tăng giá trị; chủ động đầu tư ra nước ngoài để chống thiếu hụt về lao động.

Từ kinh nghiệm đó, cho thấy trong thời gian tới Nhà nước cần tiến hành rà soát, điều chỉnh các chiến lược phát triển từng ngành cụ thể một cách hợp lý. Phải chuyển chiến lược từ phát triển các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, sang phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao. Nên chăng, tập trung vào phát triển một số ngành điện tử, ngành luyện kim dựa trên công nghệ cao, trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Xem xét lại việc hình thành các tập đoàn, bảo đảm nguyên tắc tập đoàn đa ngành nhưng phải có ngành kinh doanh chủ yếu. Nhà nước cần có định hướng và tăng cường sự kiểm soát các tập đoàn kinh tế của Nhà nước trong việc vay vốn trên thị trường quốc tế và đa dạng hóa kinh doanh. Do đó, rất cần một hệ thống kiểm soát đủ mạnh và có khả năng phân tán rủi ro một cách hiệu quả. Nhà nước cần ban hành những chuẩn mực, tiêu chí đánh giá hiệu quả, mức tăng trưởng của các loại hình tập đoàn. Phải có cơ chế giám sát một cách chính xác hoạt động của tập đoàn dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ của tập đoàn trong kinh doanh.

3 - Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và quản lý đô thị

Đầu tư cho kết cấu hạ tầng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế. ở nước ta, mặc dù đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhiều nhưng nguồn lực không được sử dụng có hiệu quả, định hướng ưu tiên cho đầu tư chưa được xem xét thận trọng, đầu tư còn dàn trải, lãng phí, chưa kể đến những thất thoát, tham nhũng trong quá trình đầu tư vào khu vực này. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng nhanh trong giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển thời gian tới.

Vấn đề quản lý môi trường cũng có quá nhiều yếu kém như: ùn tắc giao thông, tội phạm, ô nhiễm môi trường đô thị.... ngày một gia tăng, tuy mức độ không cao so với các nước, nhưng cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các nước Đông á, nguyên nhân thành công trong việc phát triển kết cấu hạ tầng là nhờ tính minh bạch trong quá trình đầu tư và sự can thiệp của Nhà nước vào từng công trình cụ thể rất hạn chế. Đầu tư kết cấu hạ tầng gắn chặt với công tác quản lý đô thị một cách hợp lý, khoa học và hiện đại.

Giải pháp trong thời gian tới ở nước ta là cần phải xem xét lại tất cả các ưu tiên trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, có hiệu quả, trước mắt, cần đầu tư xây dựng những công trình giao thông trọng điểm mang tính huyết mạch. Rà soát, quy hoạch giao thông đô thị, có những biện pháp hợp lý để khẩn trương tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông. ở các đô thị lớn nên sớm mở các đô thị vệ tinh và phát triển mạng lưới giao thông vành đai hiện đại, giảm bớt lưu lượng giao thông vào khu vực nội thị. Đối với các thành phố, thị xã mới phát triển, cần sớm hoàn thành quy hoạch phát triển tổng thể để tránh những ùn tắc trong tương lai. Nên thuê các nhà tư vấn nước ngoài để thiết kế quy hoạch các đô thị. Ngoài ra, đối với khu vực đô thị, cần có chính sách nhằm tăng nhanh việc cung cấp dịch vụ công đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh, vì đây là vấn đề quan trọng và rất cần thiết.

4 - Củng cố và hoàn thiện hệ thống tài chính đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Ở nước ta, những dấu hiệu về tài chính, tiền tệ thời gian qua cho thấy hiệu quả hoạt động và quản lí tài chính, ngân hàng rất yếu, trong khi chúng ta đang thực hiện tự do hóa tài chính. Thị trường chứng khoán có nhiều bất cập, tuy tốc độ phát triển nhanh, song tính minh bạch yếu, tình trạng cờ bạc khá rõ nét, nhà đầu tư ít, nhà đầu cơ nhiều, giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán khá tinh vi, rất khó phát hiện. Có thể nói hệ thống tài chính được thiết kế hiện không thích hợp và chưa sẵn sàng cho hoạt động tự do hóa tài chính. Những công cụ và chính sách vĩ mô điều chỉnh thị trường và lạm phát chưa được sử dụng hợp lý. Vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường còn mang tính mệnh lệnh hành chính, chưa tôn trọng quy luật thị trường,...

Trong lĩnh vực này ở các nước Đông Á, Nhà nước đóng vai trò then chốt trong điều tiết thị trường để giảm thiểu những rủi ro có tính hệ thống; dành phần lớn thu nhập quốc dân cho các hoạt động đầu tư nhằm mang lại tăng trưởng cao. Hàn Quốc, Đài Loan thực hiện các chính sách ngăn cấm việc sáp nhập các thế lực tài chính và công nghiệp. Hiệu quả đầu tư của các nước Đông Á là cơ sở cho sự duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Các nước Đông - Nam Á đã thành công trong huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhưng tăng trưởng không cao vì các quỹ đầu tư bị bòn rút, thay đổi mục đích sử dụng..., mặt khác hoạt động tự do tài chính quá sớm, trong khi hệ thống tài chính chưa sẵn sàng và chưa thiết kế thích hợp.

Để phát triển ngành tài chính, ngân hàng nước ta, cần khẩn trương củng cố hệ thống tài chính ngân hàng; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh; có các quy định kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng tốt hơn; hiện đại hóa hệ thống ngân hàng; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế trên cơ sở tăng cung ứng các dịch vụ từ hoạt động này, liên kết giữa ngân hàng với các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, điện lực, nước sạch, ...và giữa các ngân hàng với nhau.

5 - Những vấn đề bất cập, yếu kém từng là nguyên nhân của khủng hoảng tài chính các nước châu Á năm 1997 cần phải được quan tâm xử lí thường xuyên

Một trong những vấn đề quan trọng trong cam kết WTO là việc mở cửa thị trường tài chính. Đây là vấn đề hết sức đáng quan tâm vì nó có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng nếu không được quản lí chặt chẽ sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, thậm chí đưa đến khủng hoảng tài chính như đã xảy ra ở châu Á năm 1997. Những yếu tố này đang xuất hiện ở nước ta, tuy mức độ còn thấp, trong khả năng kiểm soát. Cụ thể là:

- Cố định giá trị đồng tiền vào đô la Mỹ vừa cho phép tự do lưu chuyển vốn (tự do hóa tài khoản vốn). Hiện nay nước ta có yếu tố luồng tiền nước ngoài đổ vào rất nhanh và rất mạnh, nên Chính phủ phải đương đầu với sức ép của ngoại tệ đối với đồng tiền trong nước. Lượng ngoại tệ đưa vào qua con đường đầu tư gián tiếp năm 2007 tăng mạnh, lên tới 5,6 tỉ USD, bằng 7,8% GDP, cao gấp 3 lần các năm trước. Trong đó có khoảng 40% - 50% các khoản tiền luân chuyển qua các quỹ đầu tư nước ngoài là của Mỹ.

Nếu nhìn lại nguyên nhân của khủng hoảng tài chính ở châu Á, hầu hết các nước này để bảo vệ tỷ giá cố định đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Kết quả cung tiền tăng gây nên sức ép lạm phát. Chính sách vô hiệu hóa được áp dụng để ngăn chặn lạm phát vô hình đẩy mạnh các dòng vốn chảy vào gây lạm phát. Tại thời điểm đó ở Thái Lan, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đã từng tăng mạnh, từ 0,8% lên 3% GDP, xấp xỉ 4,6 tỉ USD. Vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh và Nhà nước thực hiện các chính sách neo đậu tỷ giá nên tạo sức ép mạnh đến đồng Bạt Thái.

- Chuyển vốn tự do của các công ty và cá nhân nước ngoài thiếu sự kiểm soát của Nhà nước. Tình trạng chuyển vốn tự do từ nước ngoài vào đã xuất hiện ở nước ta từ khi mở cửa nền kinh tế và tăng mạnh sau khi thị trường chứng khoán hoạt động. Kênh chuyển vốn chủ yếu ở thị trường chứng khoán, tuy nhiên, chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Việc chuyển tiền qua ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới khi nước ta thực hiện lộ trình mở cửa cho hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo lộ trình cam kết của WTO.

Cũng như vậy, tại thời điểm khủng hoảng các nước bị khủng hoảng cũng có tình trạng chuyển vốn tự do từ bên ngoài vào và từ bên trong ra ngoài thông qua 2 kênh thị trường chứng khoán và ngân hàng nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý là mức độ tự do hóa của các nước này khá cao, các ngân hàng khi bị thiếu hụt nguồn vốn trong nước đều tìm cách vay ngắn hạn bên ngoài để bù đắp.

- Tình trạng dư thừa tín dụng. Các nước khi rơi vào khủng hoảng kinh tế đều ở tình trạng hệ thống ngân hàng quản lý lỏng lẻo, cho phép tỷ lệ vốn lưu động không phù hợp. Sự phát triển quá mức của thị trường tín dụng ở nhiều nước châu Á châm ngòi cho thị trường bất động sản trở nên “bong bóng”. ở nước ta, trong 3 năm qua tình hình tín dụng “nóng” liên tiếp diễn ra và chưa có biện pháp ngăn chặn; thêm vào đó thị trường bất động sản lên những cơn sốt khá cao, đây là những vấn đề rất đáng lo ngại.

- Bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai bằng các khoản đầu tư nước ngoài ngắn hạn. Đây chính là nguyên nhân của nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Ở Mê-xi-cô năm 1994, khủng hoảng kinh tế do thâm hụt cán cân vãng lai lên đến 8% GDP và Chính phủ bù đắp thâm hụt này bằng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (lên đến 93 tỉ USD). ở nước ta, theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế thâm hụt cán cân vãng lai trong năm 2007 đã chiếm khoảng 8%GDP và cũng đang lệ thuộc nhiều vào vốn ngắn hạn. Dự kiến thâm hụt vãng lai của nước ta năm 2008 sẽ lên 10% GDP. Đây là những cảnh báo đáng quan tâm.

Từ xem xét những yếu kém trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và những vấn đề đáng quan tâm trên, trong thời gian tới cần phải tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, trong chính sách tài chính, tiền tệ, để hạn chế những khó khăn bất cập cần phải kiểm soát nguồn vốn đầu tư gián tiếp và vay ngắn hạn của ngân hàng. Để kiểm soát được luồng tiền này điều quan tâm là phải thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, có các quy định về giữ ngoại tệ tại các ngân hàng trong một thời gian nhất định, đồng thời phải có lượng dự trữ ngoại tệ đủ mạnh để can thiệp khi có sự chuyển vốn ra nước ngoài của các tổ chức cá nhân nước ngoài. Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cần có các biện pháp để kiểm soát đầu tư gián tiếp nước ngoài, không nên quá quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng của thị trường này mà nới lỏng việc quản lý đầu tư gián tiếp nước ngoài. Có giải pháp để hạn chế chuyển vốn ra nước ngoài của các công ty, cá nhân nước ngoài. Kiểm soát các khoản vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại trong nước và các ngân hàng nước ngoài. Cần thiết phải chỉ đạo Ngân hàng nhà nước kiểm tra đánh giá đúng thực trạng vay ngắn hạn nước ngoài của các ngân hàng để có biện pháp hạn chế việc vay ngắn hạn.

Thứ hai, có các giải pháp đề thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đi đôi với quản lý đầu tư để bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Việc kiểm soát tiền tệ cần phải được làm quyết liệt và thường xuyên hơn; xem xét tính toán chính xác hơn về tổng phương tiện thanh toán hiện nay để có thể có chính sách cung tiền hợp lý. Tổng phương tiện thanh toán trong điều kiện hội nhập kinh tế cần phải tính chính xác đến các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài từ lượng ngoại tệ chuyển vào Việt Nam qua các kênh kiều hối, đầu tư nước ngoài...

Thứ ba, có chính sách tỷ giá linh hoạt hơn. Chính sách tỷ giá là bài toán rất khó trong điều kiện nước ta hiện nay. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của các nước bị khủng hoảng tài chính năm 1997, việc thực hiện chính sách “neo đậu” tỷ giá sẽ làm mất nguồn lực và phải trả giá cho việc khủng hoảng kinh tế. Ngân hàng nhà nước cần thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt và bám sát thị trường. Trong chừng mực nhất định phải chấp nhận tỷ giá đồng tiền Việt Nam lên giá ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng sẽ hạn chế việc lệ thuộc vào đồng đô la và giảm bớt lạm phát trong nước. Điều hành tiền tệ linh hoạt sẽ làm giảm bớt nguồn lực phải ứng phó khi có tình trạng biến động xảy ra.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút kiều hối. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khác với ngoại tệ đầu tư của nước ngoài (cả về đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp) là sẽ ở lại Việt Nam. Vì thế, nếu như lượng kiều hối nhiều sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giảm áp lực của thâm hụt cán cân vãng lai, một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm ổn định nền kinh tế.

Thứ năm, xây dựng cơ chế cảnh báo. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy cơ chế cảnh báo về tài chính, tiền tệ của họ rất yếu. Vì vậy, cần có chỉ đạo ngay việc nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo liên ngành để có thể dự đoán được diễn biến của thị trường và khả năng kiểm soát, từ đó có giải pháp phù hợp và kịp thời.

6 - Xây dựng một nhà nước hiệu quả, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển

Hiện nay, vai trò, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta vẫn chưa được xác định rõ và chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường; cải cách hành chính còn nhiều hạn chế; cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước còn nhiều mặt chưa hợp lý; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế; kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi còn chưa nghiêm; sự tham gia của người dân, của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách phát triển nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức.

Nhìn ra thế giới, sự thành công trong phát triển kinh tế ở các nước Đông Á có sự đóng góp không nhỏ của việc xây dựng Nhà nước hiệu lực, hiệu quả với 5 đặc điểm chính: Tạo sự cách ly giữa các nhà làm chính sách và các nhóm có lợi ích đặc biệt. Các nhân tố cơ bản được xây dựng đúng đắn ngay từ đầu (xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, đầu tư thích đáng cho giáo dục, y tế và dịch vụ công với mức chi phí chấp nhận được; kinh tế vĩ mô được điều hành một cách thận trọng bởi các nhà chuyên môn thực sự); Chính phủ các nước Đông Á thực hiện tốt nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, hệ thống tư pháp không chịu sự chi phối của các đảng phái; Chính phủ ra những quyết định mạnh mẽ và can thiệp khi phát hiện những lệch lạc trong việc thực thi chiến lược phát triển của quốc gia; xây dựng được các chính sách kịp thời, chất lượng cao, có sự tham gia của các nhà khoa học, giới kinh doanh...

Từ kinh nghiệm này cho thấy, chúng ta phải có quyết tâm cao trong việc xây dựng một Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, với bộ máy tinh gọn, nhưng cung cấp dịch vụ ra công chúng đạt chất lượng cao. Đồng thời, cần phải tiếp tục thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với đầu tư phát triển xã hội. Giải quyết những vấn đề cơ bản cho phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế là nguyên nhân của sự thành công, vì thế cần có các biện pháp vừa ngắn hạn, vừa dài hạn mới giải quyết tốt, từ đó mới có thể thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.