Xây dựng khuôn khổ hợp tác toàn diện

Vân Hương
15:38, ngày 09-04-2008

Chuyến thăm Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, từ ngày 2 đến ngày 7-4 đã kết thúc tốt đẹp. Thành công có ý nghĩa quan trọng của chuyến đi là: Việt Nam và các nước châu Phi đã xác định được khuôn khổ hợp tác, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác toàn diện trên tinh thần bình đẳng, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của Nguời lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhằm thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó có hai nước này.

Việt Nam và châu Phi cách xa nhau về địa lý. Nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân châu Phi từ lâu đã có quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp. Mối quan hệ gắn bó đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng châu Phi đặt nền móng và dày công vun đắp từ những năm 20 của thế kỷ trước, từ sự ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Ngày nay, với nền tảng đó, Việt Nam và các nước châu Phi, trong đó có Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích càng có điều kiện thuận lợi mới để tăng cường các mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước. Bởi vậy, chuyến thăm châu Phi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trở thành sự kiện quan trọng được các bạn châu Phi đón đợi từ lâu.

Các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích đã đón tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rất trọng thị theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Sự thân tình, gần gũi giữa những nguời đồng chí, những người anh em, bạn bè, đã bao trùm trong tất cả các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, hội đàm. Đặc biệt, trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với Tổng thống Ăng-gô-la Giô-xê Ê-đu-ác-đô Đốt Xan-tốt và Tổng thống Mô-dăm-bích Ác-man-đô Ê-mi-li-ô Ghê-bu-da, mọi vấn đề về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với hai nước, cũng như tình hình nổi bật ở châu Phi và Đông Nam Á đều đạt sự đồng thuận cao. Trong đó, các nhà lãnh đạo Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích đều bày tỏ sự khâm phục và đánh giá cao công cuộc đổi mới của Việt Nam. Ăng-gô-la quyết định công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Mô-dăm-bích cũng đang xem xét về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tổng thống Đốt Xan-tốt nhấn mạnh: “nếu trong quá khứ Việt Nam là tấm gương về tinh thần chịu đựng hy sinh để bảo vệ lý tưởng, chủ quyền, thì ngày nay, Việt Nam là tấm gương về khôi phục, xây dựng lại đất nước từ tro tàn để có vị trí xứng đáng trên thế giới. Những thành tựu đạt được cho thấy, Việt Nam đã thành công trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế đem lại ấm no cho tất cả mọi người dân”. Tổng thống Ghê-bu-a-đa rất nhiều lần đề cập tới thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thành tựu xoá đói, giảm nghèo, và coi đó là mô hình cho công cuộc xây dựng đất nước của Mô-dăm-bích. Tổng thống Ghê-bu-a-đa đã mời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua ở Việt Nam với Đảng Mặt trận Giải phóng Mô-dăm-bích (FRELIMO ) - Đảng cầm quyền, mà Tổng thống là Chủ tịch đảng. Đây là cuộc gặp chưa từng có ở nước này, kéo dài hơn hai giờ. 1200 đại biểu, bao gồm toàn thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng, thành viên chính phủ, lãnh đạo các ngành, địa phương của Mô-dăm-bích, đã tham dự, bày tỏ khâm phục những kinh nghiệm xây dựng phát triển đất nước của Việt Nam được đúc kết sau hơn 20 năm đổi mới do Đảng Cộng sản khởi xuớng và lãnh đạo. Điều đó thể hiện sự đánh giá cao của bạn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong công cuộc đổi mới. Quan hệ đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Phong trào Giải phóng nhân dân Ăng-gô-la đang cầm quyền tại nước này, Đảng FRELIMO đang cầm quyền tại Mô-dăm-bích và chính phủ ba nước được củng cố và tăng cuờng hơn nữa.

Một kết quả rất quan trọng nữa là, ba nước đã xác định được khuôn khổ hợp tác toàn diện cho các mối quan hệ song phương. Tuyên bố chung Việt Nam - Ăng-gô-la, Việt Nam - Mô-dăm-bích, được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các nhà lãnh đạo Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích ký, khẳng định sẽ nỗ lực không ngừng phát triển các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác toàn diện, bình đẳng ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau, cùng có lợi. Trong đó, Việt Nam và hai nước nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế, tăng nhanh kim ngạch thương mại, đặc biệt đẩy mạnh hợp tác trong trao đổi chuyên gia trên lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp. Để thực hiện những mục tiêu này, cùng với cam kết tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của nhau làm ăn lâu dài, ổn định, các nhà lãnh đạo Việt Nam - Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích đã ký nhiều văn kiện, hiệp định hợp tác, tạo cơ sở pháp lý mở rộng và đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Trong đó đáng chú ý là với Việt Nam - Ăng-gô-la, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật, Hiệp định thương mại, Hiệp định miễn thị thực cho ngưòi mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và Nghị định thư về hợp tác dầu khí. Với Việt Nam - Mô-dăm-bích, hai bên đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao công vụ, Nghị định thư thành lập Uỷ ban hợp tác liên chính phủ, Nghị định thư về hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước nhân chuyến thăm này.

Châu Phi là châu lục lớn thứ ba trên thế giới sau châu Á và châu Mỹ. Đây là miền đất giàu tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, châu Phi còn nhiều khu vực trong tình trạng đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển, hậu quả nặng nề của chính sách áp bức bóc lột của đế quốc và thực dân để lại. Nhưng châu lục này đang trở thành điểm đến quan trọng của nhiều nước, nhằm thực hiện các chính sách kinh tế và đối ngoại của mình. Đối với Việt Nam, chuyến thăm châu Phi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, không chỉ nhằm củng cố các mối quan hệ truyền thống với nhân dân các nước châu Phi, mà còn chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân hai nước Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, những kinh nghiệm trong xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Cùng với đó, những lời ngợi ca của lãnh đạo và nhân dân hai nước Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích dành cho Việt Nam, những mong muốn của bạn về sự giúp đỡ của Việt Nam trong phát triển đất nước… cho thấy, chúng ta đã và đang thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong thư gửi các bạn châu Phi ở Hội Liên hiệp thuộc địa những năm đầu thế kỷ 20, Bác Hồ đã viết: “nhân dân Việt Nam và nhân dân châu Phi - những người khác giống, khác nước, khác quốc gia, nhưng đã thường xuyên thương yêu nhau như anh em”. Chính vì vậy, cho dù cách xa nhau, Việt Nam vẫn đã và đang có được tình cảm và sự tôn trọng của nhân dân châu Phi. Điều đó cũng có nghĩa Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới tại châu lục này và trên trường quốc tế. Đó là thành công lớn và có ý nghĩa của chuyến thăm châu Phi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, thể hiện sự triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước ta.