Phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên

Nguyễn Trần Trọng
07:47, ngày 11-04-2010

Chăm sóc cây giống ở vườn ươm Linh Ngân tại xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pa, tỉnh Gia Lai - Ảnh: TTXVN

TCCS - Lâm nghiệp Tây Nguyên chiếm một vị trí quan trọng trong ngành lâm nghiệp của cả nước, trong việc phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và cả đối với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, bão lụt và hạn hán. Tuy nhiên, để lâm nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng tích cực, trong thời gian tới cần có những giải pháp phù hợp.

Lâm nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng là một ngành kinh tế có các nhiệm vụ nuôi rừng (bồi dưỡng rừng), trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản và cung ứng dịch vụ lâm nghiệp cho xã hội.

1 - Thực trạng lâm nghiệp Tây Nguyên

Hiện nay, dù diện tích rừng của Tây Nguyên ngày càng giảm sút, nhưng vẫn là 1 trong 4 vùng có gỗ rừng tự nhiên lớn nhất cả nước. Nạn mất rừng tự nhiên xảy ra mạnh mẽ, ngày càng báo động, trong đó Đắk Lắk là tỉnh có tỷ lệ mất rừng cao nhất.

Tài nguyên rừng tự nhiên Tây Nguyên không chỉ giảm về mặt số lượng mà còn giảm cả về chất lượng bởi diện tích rừng giàu ngày càng giảm. Nếu cả nước hiện nay có khoảng 600.000 ha rừng nghèo, thì trong đó Tây Nguyên chiếm 300.000 ha, bằng 50%. Sản lượng gỗ quý còn rất ít. Đa dạng sinh học rừng giảm nghiêm trọng. Nhiều loại động vật biến mất. Nhiều loài thực vât quý hiếm ngoài gỗ không còn hoặc còn lại với số lượng rất ít.

Nạn mất rừng và suy giảm chất lượng rừng do nhiều nguyên nhân, nhưng bao trùm và sâu xa là: Sự thiếu nhận thức đầy đủ và tầm nhìn xa, rộng về vai trò quan trọng toàn diện của lâm nghiệp đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Tây Nguyên và của các tỉnh, vùng lân cận; hệ lụy của kiểu phát triển dựa trên sự khai thác tài nguyên rất không hợp lý trong bước thực hiện công nghiệp hóa.

Đồng thời, những nguyên nhân trực tiếp là: Các cuộc di dân khai hoang xây dựng kinh tế mới từ các tỉnh đồng bằng lên Tây Nguyên một cách ồ ạt với số lượng người lớn (gấp đôi dân cư tại chỗ, với lối phá rừng làm nông nghiệp; Sự di dân tự do chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền Bắc vào Tây Nguyên suốt cả thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay; Những cơn sốt mở rộng diện tích trồng cây cà-phê và cao-su vượt ngoài sự cân bằng tự nhiên và kinh tế liên tục cho đến nay chưa chấm dứt; Nạn khai thác bừa bãi và quá mức với công nghệ lạc hậu của các cơ sở quốc doanh lớn, nhỏ ở Tây Nguyên; Việc xây dựng một số công trình thủy lợi hồ chứa nước, công trình thủy điện, các công trình giao thông thiếu quy hoạch; Nạn chặt phá rừng, và săn bắn của lâm tặc cá nhân, tổ chức núp dưới danh nghĩa khác nhau với thủ đoạn thô bạo và tinh vi, với nạn buôn bán gỗ lậu triền miên đến nay không hề chấm dứt và việc quản lý và bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập.

Trước tình hình đó, Nhà nước đã khuyến khích trồng rừng và diện tích rừng tập trung ở Tây Nguyên đã tăng lên qua các năm gần đây. Một số nhà nghiên cứu dự báo rằng, với tốc độ chặt phá rừng như hiện nay, đất trống sẽ tăng lên rất nhiều, vì vậy phải tăng tốc độ trồng rừng cao hơn mới có thể xóa toàn bộ đất lâm nghiệp bỏ trống ở Tây Nguyên, nếu không tình trạng sa mạc hóa nhất định sẽ diễn ra.

Về khai thác gỗ, sau ngày giải phóng miền Nam, Tây Nguyên trở thành một trung tâm khai thác gỗ lớn của đất nước. Đặc biệt trong thời kỳ 1986 - 1995, bình quân hằng năm, Tây Nguyên khai thác một lượng gỗ lớn từ 561.200 m3 đến 697.640 m3, luôn chiếm tỷ lệ từ 17,3% đến 20,2% của cả nước. Nhưng từ năm 1996 trở đi, số lượng gỗ khai thác bình quân hằng năm ở Tây Nguyên giảm xuống nhanh hơn tốc độ giảm của cả nước và tỷ lệ gỗ của Tây Nguyên trong số lượng gỗ của cả nước cũng không còn lớn như trước nữa.

Có thể khái quát, vị trí của lâm nghiệp Tây Nguyên trong lâm nghiệp cả nước ngày càng suy giảm; nạn mất rừng lớn diện tích rừng tự nhiên thu hẹp mạnh mẽ đến nay vẫn còn tiếp diễn. Chất lượng rừng giảm sút nghiêm trọng, rừng giàu giảm, rừng nghèo và cạn kiệt tăng nhanh, đa dạng sinh học giảm suy dữ dội. Lượng gỗ khai thác giảm nhiều; công nghiệp chế biến gỗ tinh yếu ớt, chưa tương xứng với tiềm năng cung cấp gỗ vốn có. Tây Nguyên là thị trường cung cấp gỗ và sản xuất theo đơn đặt hàng xuất khẩu cho các vùng khác càng bị thu hẹp, dịch vụ cho xã hội chưa nhiều, nhất là còn yếu kém trong lĩnh vực dịch vụ môi trường.

2. Những vấn đề đặt ra của lâm nghiệp Tây Nguyên

Về mặt kinh tế, việc sản xuất - kinh doanh lâm nghiệp Tây Nguyên không đem lại hiệu quả mong muốn. Điều đó phản ảnh ở chỗ: Giá trị lâm sản Tây Nguyên tăng với tốc độ chậm hơn của cả nước; giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân trên một héc-ta rừng của Tây Nguyên thấp nhất so với cả nước.

Về xã hội, nạn mất rừng đưa lại hậu quả xấu có quan hệ đến vấn đề dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Địa bàn sinh sống của đồng bào ở đây bị thu hẹp do nạn mất rừng, gây mất ổn định đời sống, phải di dời dần vào vùng sâu, vùng xa hơn. Nguồn sống từ rừng ngày càng ít. Lâm sản gỗ và ngoài gỗ ngày càng khan hiếm. Cuộc mưu sinh vất vả hơn, thiếu việc làm, thu nhập thấp dẫn đến đói nghèo tăng thêm. Tất cả điều này góp phần tạo ra sự bất bình của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, là một trong những nguyên nhân góp phần gây sự bất ổn về an ninh chính trị và xã hội đã diễn ra.

Về văn hóa, rừng mất, không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị thu hẹp ít nhiều, ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa, nhân văn, tâm linh. Văn hóa làng - rừng ở nhiều nơi biến mất, “hồn thiêng” núi rừng Tây Nguyên bị vi phạm. Người xưa nói, rừng không có hoa thì rừng không có hồn, rừng không có tiếng voi rống, hổ gầm thì rừng không thiêng. Nhưng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Tây Nguyên tổn thất do nạn mất rừng là điều có thật.

Về môi trường sinh thái, môi trường sinh thái của Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng. Diện tích đất trống đồi trọc, hoang hóa lớn tăng lên. Đất đai bị suy thoái, xói mòn ngay cả trong các vườn cao-su vốn được coi là có tác dụng chống xói mòn như "rừng". Nguồn nước ngầm cạn kiệt, khó tìm và khai thác. Đa dạng sinh học cảnh quan thiên nhiên giảm sút. Khả năng giữ nước và ngăn lũ của rừng Tây Nguyên suy yếu, không còn đủ sức chống lũ, hạn hán cho bản thân Tây Nguyên và của cả các tỉnh miền duyên hải Nam Trung Bộ. Nạn lũ chồng lên lũ liên tiếp xảy ra.

3. Để phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên

Những định hướng cơ bản:

- Hướng ngành lâm nghiệp Tây Nguyên vào con đường phát triển bền vững lấy bảo vệ, bảo tồn bồi dưỡng hoàn thiện nâng cao làm mục tiêu, lấy việc khai thác khoa học, hợp lý, hiệu quả đúng quy trình công nghệ - kỹ thuật lâm sinh làm phương tiện để thỏa mãn yêu cầu của các thế hệ đương thời và các thế hệ mai sau. Các đối tượng phải bảo vệ, bảo tồn bồi dưỡng và phát triển là tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp có quần thể động vật lâm nghiệp hiện có, quần thể động vật và thực vật, đa dạng sinh học rừng, cây lấy gỗ và các lâm sản ngoài gỗ...

- Chuyển mạnh sang thâm canh, với phương châm thâm canh ngay từ đầu, thâm canh liên tục, thâm canh ngày càng cao và thâm canh toàn diện. Mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc phải được thay thế bằng mục tiêu chất lượng; định hướng nâng cao sức sản xuất và trữ lượng gỗ trên một đơn vị diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng.

- Chuyển mạnh ngành lâm nghiệp lên sản xuất hàng hóa, biến các sản phẩm của ngành lâm nghiệp, kể cả các dịch vụ cho xã hội vào giao lưu hàng hóa theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng và tính độc đáo của lâm sản Tây Nguyên với giá cả hấp dẫn.

- Đa dạng hóa sở hữu, đa dạng hóa thành phần kinh tế trong lâm nghiệp Tây Nguyên. Khuyến khích mạnh thành phần kinh tế tư nhân tham dự với cơ chế và chính sách phù hợp. Thu hẹp thành phần lâm nghiệp quốc doanh đến mức hợp lý và có hiệu quả cao.

Những giải pháp chủ yếu phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên:

Thứ nhất, đổi mới tư duy về phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên. Cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của lâm nghiệp trong sự phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, tâm linh và môi trường sinh thái của cư dân Tây Nguyên, đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển lâm nghiệp, phải đem lại lợi ích tuyệt đối không gây hại cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nhận thức đúng rằng tài nguyên rừng tự nhiên của Tây Nguyên còn phong phú, chứ không phải là vô tận. Vì vậy, phải có kế hoạch bảo vệ và phát triển bền vững, khai thác hợp lý và có hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách lâm nghiệp đã ban hành, phát huy mặt tích cực và khắc phục tác dụng tiêu cực của chính sách đó đến phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên. Trước tiên, chú ý đến các chính sách:

- Chính sách giao đất, giao rừng đến hộ gia đình, cá nhân tư nhân, cộng đồng và các tổ chức khác phải được triển khai khẩn trương. Không dừng lại chỗ giao sổ đỏ, mà phải có chính sách hỗ trợ hậu giao đất giao rừng về mặt tài chính, tín dụng, khuyến lâm, đào tạo kỹ thuật....

- Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên phải cụ thể. Số bà con dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất sản xuất hiện nay là rất lớn. Đó là một nghịch lý giữa vùng Tây Nguyên đất và rừng mênh mông. Không giải quyết tốt nghịch lý này sẽ biến thành bi kịch.

- Chăm lo xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. 5 tỉnh Tây Nguyên đều thuộc về vùng cao, có tỉnh nghèo, huyện nghèo, tỷ lệ đói nghèo lên đến 60%.

Thứ ba, tích cực bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng rừng, làm giàu rừng, cải tạo, nhất là rừng nghèo kiệt. Chống nạn phá rừng trái phép, khai thác rừng bừa bãi, chuyển đổi rừng qua trồng cây nông nghiệp một cách tự phát, chấm dứt cuộc chạy đua mở rộng diện tích cây cà-phê, cây cao-su trên đất rừng, lợi dụng chuyển rừng tự nhiên nghèo sang trồng rừng mới hoặc cao-su, cà-phê... để phá rừng như ở Gia Lai vừa qua.

Thứ tư, xác định ổn định lâm phần để quy hoạch 3 loại rừng ổn định trên địa bàn Tây Nguyên (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng). Đặc biệt chú ý đến các khu vừng đặc dụng có tính đa dạng sinh học cao (như Ngọc Linh, Chu Mom Rây, Yok - Đôn, Chu- Giang - Shin, Bi Dúp, Núi Bà...) và các khu vực đầu nguồn quan trọng đối với mục tiêu phòng hộ cho các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Mê Công.

Thứ năm, đầu tư thêm vốn, khoa học - công nghệ và nhân lực cho phát triển lâm nghiệp Tây Nguyên.

Thứ sáu, xây dựng và thực hiện nghiêm túc, khẩn trương dự án trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bỏ trống (khoảng 760.000 ha) ở Tây Nguyên, phấn đấu hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước của các cấp từ trung ương đến địa phương đối với phát triển lâm nghiệp và nâng cao chất lượng quản lý sản xuất kinh doanh dịch vụ của bản thân các tổ chức lâm nghiệp. Trước hết, đó là tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân thuộc các cơ quan trung ương và địa phương trong công việc quản lý phát triển lâm nghiệp, dựa vào chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên. Tổ chức và phối hợp điều tiết ngăn chặn các hoạt động của các ngành kinh tế khác (nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, thủy điện...) vì lợi ích cục bộ gây phương hại cho sự phát triển lâm nghiệp.

Đổi mới tổ chức các lâm trường quốc doanh, chuyển qua các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và quy mô phù hợp. Tăng cường năng lực quản lý rừng của các lâm trường quốc doanh, các công ty, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... Củng cố và bảo đảm đầy đủ điều kiện cho lực lượng kiểm lâm hoạt động hữu hiệu./.