Sau gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu to lớn ấy đã làm thay đổi mạnh mẽ mọi lĩnh vực của đất nước, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến đời sống nhân dân, quan hệ hợp tác quốc tế, vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế... trong sự thay đổi toàn diện đó, có sự biến đổi của cơ cấu xã hội Việt Nam thể hiện trên các phân hệ cơ bản của nó như: cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, cơ cấu xã hội - dân tộc; cơ cấu xã hội - tôn giáo... Những biến đổi của cơ cấu xã hội đó là hệ quả tất yếu của tiến trình vận động, phát triển trên tất cả các bình diện của đời sống xã hội. Đến lượt nó, những thay đổi trong cơ cấu xã hội lại trở thành điều kiện hay nhân tố tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy và quy định chiều hướng, quy mô, tốc độ, tính chất phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì thế, việc nghiên cứu sự biến đổi cơ cấu xã hội là một yêu cầu khách quan, một đòi hỏi quan trọng và thường xuyên nhằm xây dựng những cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm cung cấp những nghiên cứu về sự biến đổi cơ cấu xã hội đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu hướng của nó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Một số vấn đề về biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam hiện nay do GS.TS. Tạ Ngọc Tấn làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước KX.04.14/06-10: “Biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam”.

Nội dung của cuốn sách được kết cấu thành 4 phần:

Phần thứ nhất: Một số vấn đề lý luận khi nghiên cứu biến đổi cơ cấu xã hội

Phần thứ hai: Những tác động của biến đổi cơ cấu xã hội đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm đổi mới

Phần thứ ba: Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam và những dự báo trong thời gian tới

Phần thứ tư: Biến đổi cơ cấu xã hội ở một số quốc gia