Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa, ngày 11-6-2008 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hứa Đức Nhị khẳng định, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để chống lại hiện tượng tự nhiên này.

Các biện pháp cụ thể đang được triển khai là đẩy mạnh phát triển rừng bền vững, nghiên cứu và thực hiện các giải pháp tránh cát bay và tạo lập hệ sinh thái.
Đồng thời, hai năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong lĩnh vực này như Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, chính sách hỗ trợ phát triển rừng, quy định thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Việt Nam hiện đã xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung. Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hóa do cát di động đã diễn ra nghiêm trọng với khoảng 10-20 ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động mỗi năm.

Theo thống kê, Việt Nam hiện còn khoảng 9,3 triệu ha đất liên quan tới sa mạc hóa, chiếm khoảng 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc. Trong đó, có trên 5 triệu ha đất chưa sử dụng, khoảng 2 triệu ha đất đang được sử dụng nhưng đã bị thoái hóa nặng và hơn 2 triệu ha đang có nguy cơ thoái hóa cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định quá trình hoang mạc hóa vẫn đang diễn biến phức tạp khi thời tiết ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đặc biệt khô nóng và lượng mưa trung bình hàng năm ở một số nơi chỉ đạt 700mm khiến cho những vùng cát trắng cơ nguy cơ rộng ra. Bên cạnh đó, độ phì nhiêu của đất đang bị suy giảm do xói mòn, rửa trôi, đá ong hóa, chua mặn hóa, tài nguyên rừng cũng bị suy giảm đáng kể.

Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên biển, phát triển nuôi thủy sản không được kiểm soát chặt chẽ ở một số địa phương cũng là yếu tố gây mất rừng phòng hộ ven biển, làm suy thoái đất đai và nguồn nước.

Cũng tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã truyền đi thông điệp “Vì một nền nông nghiệp bền vững” - chủ đề kỷ niệm Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa 17-6 năm nay. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của chống sa mạc hóa đối với phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Sa mạc hóa không chỉ là một thách thức lớn về môi trường thế giới mà còn là một trong những trở ngại chính trong việc đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của con người tại những vùng khô hạn, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của khoảng 1,2 tỉ người ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.