Thiết thực tri ân những người có công với cách mạng
Tri ân người có công: Tình cảm và trách nhiệm
Bên cạnh trách nhiệm, tri ân những người có công với cách mạng cũng là đạo lý truyền thống của dân tộc, tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Bên cạnh đó, đối với nước ta, tri ân những người có công với cách mạng còn là một vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, một vấn đề xã hội; không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Đây cũng là một chủ trương, nội dung công tác lớn của Đảng, Nhà nước, gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Qua từng thời kỳ cách mạng, cùng với sự phát triển của đất nước, chủ trương của Đảng đối với người có công với cách mạng từng bước được hiện thực hóa thành chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước. Chính sách này đều được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, trở thành trách nhiệm chính trị thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội. Chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công được xây dựng và từng bước hoàn thiện trong 70 năm qua đã trở thành công cụ quản lý nhà nước về ưu đãi xã hội, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ngày 14-02-2006, hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Ban Bí thư khóa X đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công với cách mạng hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đồng thời có biện pháp phòng ngừa và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, cố ý làm trái trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác người có công với cách mạng đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách người có công với cách mạng từng bước được mở rộng; việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả. Các hoạt động như chăm sóc, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương thắp nến tri ân nhân các ngày lễ, tết thu hút ngày càng nhiều sự tham gia tự nguyện của các tầng lớp nhân dân. Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia; góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng. Đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đến nay, đại đa số người có công đã được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Hiện cả nước có trên 9 triệu lượt đối tượng người có công, trong đó, có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú; 96,5% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người có công với cách mạng vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận do khó khăn trong công tác rà soát, thẩm định hồ sơ; số liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; một số nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ xuống cấp chưa được quan tâm tu bổ, tôn tạo; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội, không chỉ gây thiệt hại về kinh phí từ ngân sách nhà nước mà còn xúc phạm đến hương hồn các liệt sĩ, người có công đã mất, gây bất bình, bức xúc đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công và cả xã hội.
70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ: Đợt cao điểm chăm sóc, tri ân người có công
Chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng là tỉnh cảm, là trách nhiệm, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Năm 2017, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017). Đây là dịp cao điểm nhằm tôn vinh, đồng thời đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân người có công.
Từ đó, ngày 27-7 hàng năm, trong thời gian còn sống Bác đều gửi thư thăm hỏi, gửi quà động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải "biết ơn và hết lòng giúp đỡ" thương binh, gia đình liệt sĩ.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ, ngày 27-7-1997, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỷ niệm 27-7 và dựng bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên bia: Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của ngày Thương binh, liệt sĩ.
Địa danh này đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Quán triệt sâu sắc ý nghĩa của sự kiện 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch kỷ niệm cụ thể, bảo đảm trang trọng, hiệu quả, bên cạnh ý nghĩa tri ân các liệt sĩ, người có công còn nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, tình cảm nhân ái, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung nỗ lực giải quyết một số vần đề còn tồn đọng trong thực hiện chính sách đối với người có công. Cụ thể:
- Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót. Theo tinh thần đó và thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07-3-2017 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017, ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với mục tiêu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Trong đợt đầu tiên, Bộ đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với gần 500 liệt sĩ.
Đến cuối năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thẩm định hồ sơ theo Quyết định số 408, dự kiến đến cuối năm tổ chức 2 đợt xem xét hồ sơ, ban hành quyết định công nhận và trao danh hiệu vào dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9) và dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).
- Triển khai hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu là đến hết năm 2018, giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ theo kết quả ra soát. Trong công tác rà soát, thẩm định hồ sơ để hỗ trợ, tính đến ngày tháng 6-2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thẩm định hồ sơ của 400.186 hộ, trong đó, số hộ được đề nghị xây mới nhà ở là 188.247 hộ; tổng số hộ đề nghị sửa chữa là 211.939 hộ.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
- Tăng cường quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách người có công. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người thực hiện chính sách đối với người có công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lạm dụng, trục lợi trong thực hiện chính sách người có công./.
Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh  (25/07/2017)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp mặt đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công tiêu biểu toàn quốc  (25/07/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên