Xã hội dân sự
Về đại thể, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã kế thừa, phát triển những tư tưởng xã hội dân sự sau đây:
Một là, tư tưởng của các nhà triết học Hy Lạp, La Mã cổ đại như A-ri-xtốt và M.Cicero (106-43 tr.CN) và các nhà triết học pháp quyền tự nhiên thời kỳ khai sáng tại châu Âu, như N. Mac-chi-a-vê-li (1469-1527), Thô-mat Hôp-bơ (Thomas Hobbes, 1588-1679), E. Can-tơ (1724-1804) và ở chừng mực nào đó cả J.Lóc-kơ (J.Locke, 1632-1704), J.J.Rut-xô (1712-1778). Điểm chung ở họ là: tiếp cận xã hội dân sự đồng nghĩa với chính phủ công dân hay nhà nước. Họ phân biệt giữa một bên là “nhà nước và xã hội dân sự”, với một bên là “trạng thái tự nhiên”. Điểm chung nữa là họ coi xã hội dân sự được hình thành bằng những đặc tính tự nhiên của con người, bằng những nhiệm vụ chính trị, bằng những hình thức cai trị hợp pháp và bằng đạo đức. Xã hội dân sự, đặc biệt được các nhà triết học pháp quyền tự nhiên thời kỳ đầu khai sáng, coi là những cái gì tồn tại bên ngoài mỗi cá nhân, đóng vai trò “môi trường” cho những hoạt động của cá nhân.
Từ đó nảy sinh sự khác biệt giữa các nhà triết học pháp quyền tự nhiên với các nhà triết học duy vật Hy Lạp - La Mã cổ đại về vấn đề: Tự do cá nhân với tư cách là công dân của xã hội, không phụ thuộc vào nhà nước. Rút cục đã làm thay đổi quan điểm của các nhà triết học duy vật Hy Lạp - La Mã cổ đại về “societas civilis”, coi quyền công dân - tuy có một số quyền bất khả xâm phạm về đạo đức, nhưng vẫn do mỗi dân tộc tự quy định nhân danh nhà nước của mình; tức là vẫn tùy thuộc vào nhà nước hay xã hội chính trị. Với J.Lóc-kơ, người ta bắt đầu có quan niệm về xã hội dân sự hiện đại. Thô-mat Hôp-bơ, J.Lóc-kơ, và nhất là J.J. Rut-xô đã xây dựng, hoàn thiện lý thuyết khế ước xã hội, để xác lập xã hội dân sự trên cơ sở trạng thái “công dân” văn minh, lý tính, thoát khỏi trạng thái “tự nhiên” dã man, cảm tính.
Hai là, các công trình nghiên cứu của Adam Xmit (1723-1790) A-le-xi đờ Tô-ê-cơ-vin (1805-1859), Thô-mat Pên (Thomas Paine, 1737-1809), đặc biệt là Hê-ghen (1737-1809), tiếp cận xã hội dân sự với tính cách là lĩnh vực của nhu cầu, phân công lao động dựa trên chế độ tư hữu. Đây là lĩnh vực trung gian của các tổ chức tự nguyện liên kết với nhau vì lợi ích và mong muốn của họ, hay vì tính ích kỷ và lợi ích duy lý của họ; và được thực hiện thông qua các kênh như tòa án, cơ quan tư pháp, các tổ chức cộng đồng v.v.. Đây là lĩnh vực tồn tại song song (hay bên cạnh) nhà nước, nhưng tách khỏi nhà nước.
Xã hội càng phát triển, sự tách biệt giữa Nhà nước và xã hội dân sự càng rõ nét. Trước Hê-ghen, người ta chủ yếu coi Nhà nước và xã hội dân sự là tương đồng nhau và phân biệt giữa Nhà nước và xã hội dân sự một bên, với trạng thái tự nhiên một bên. Đến Hê-ghen, ông đã làm sáng tỏ quan điểm lịch sử về xã hội dân sự, và quan điểm về Nhà nước pháp quyền trong mối liên hệ với xã hội dân sự và xã hội chính trị.
Dựa trên cơ sở hệ thống hóa toàn bộ tư tưởng chính trị - xã hội của Tây Âu thời kỳ khai sáng, Hê-ghen cho rằng: xã hội dân sự là một giai đoạn đặc biệt trong quá trình vận động từ gia đình tới Nhà nước. Xã hội dân sự sẽ chưa trở thành “xã hội dân sự” khi nó chưa được quản lý về phương diện chính trị dưới sự giám sát của Nhà nước. Chỉ có quyền lực tối cao là Nhà nước lập hiến, và chỉ khi thừa nhận và duy trì ở địa vị lệ thuộc Nhà nước thì xã hội dân sự mới đảm bảo phát triển tự do; vì Nhà nước là hình thức chân chính của ý niệm tuyệt đối, của lý trí khách quan.
Xã hội dân sự, theo Hê-ghen bao gồm nền kinh tế thị trường, các cá nhân, nhóm xã hội, các giai cấp - xã hội, nghiệp đoàn, hiệp hội tự nguyện, trường học, bệnh viện, tổ chức của giới tri thức v.v... và các thể chế vận hành chúng. Với tính cách là “một hệ thống nhu cầu” dựa trên chế độ tư hữu, sự tác động qua lại của các yếu tố của xã hội dân sự được điều tiết bởi quyền công dân; và tự bản thân chúng tuy không phụ thuộc vào Nhà nước pháp quyền nhưng lại lệ thuộc vào cộng đồng lớn hơn, phức tạp hơn - đó là cộng đồng được tổ chức về phương diện chính trị hay xã hội chính trị.
Như vậy, theo Hê-ghen, xã hội dân sự là Nhà nước pháp quyền hợp thành xã hội chính trị; trong đó xã hội dân sự tuy tồn tại song song (hay bên cạnh) Nhà nước và tách khỏi Nhà nước pháp quyền nhưng vẫn ở địa vị lệ thuộc Nhà nước pháp quyền. Quan niệm của ông về sự bảo hiểm lý tính của Nhà nước đối với xã hội dân sự đã gây ra không ít tranh luận khoa học.
Trên cơ sở kế thừa tư tưởng J.J. Rút-xô cho rằng, sự xuất hiện của xã hội dân sự là dấu hiệu con người đã vĩnh viễn bước ra khỏi trạng thái tự nhiên, C. Mác (1818-1883) và Ph. Ăng-ghen (1820-1895) trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức đã xác định: Xã hội dân sự là thành tựu vĩ đại của loài người, là hình thức tổ chức xã hội đầu tiên trong lịch sử đem lại cho mọi thành viên xã hội một quy chế chính trị ngang nhau. Cũng như G. Hê-ghen, các ông cho rằng, xã hội dân sự là một hiện tượng lịch sử, chứ không phải trạng thái tự nhiên có sẵn. Theo C. Mác, xã hội dân sự, theo đúng nghĩa của nó, được sinh ra từ xã hội tư sản. Nó được hình thành bởi những định chế lịch sử - xã hội, bởi những hình thức quan hệ sản xuất đặc biệt, bởi những hình thức quan hệ và đấu tranh giai cấp và được bảo vệ bởi những cơ chế chính trị - pháp lý tương ứng. Thêm vào đó, bản thân xã hội dân sự không thể tồn tại vĩnh viễn; vì nó tạo ra giai cấp vô sản - người đào mồ chôn xã hội tư sản và chôn luôn xã hội dân sự tư sản... (1)
Vấn đề “xã hội dân sự” được C. Mác bàn đến lần đầu tiên trong bản thảo Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hê-ghen vào năm 1843(2). Bản thảo này đã phê phán các tiết 261 đến 313 trong tác phẩm của Hê-ghen Những nguyên lý của triết học pháp quyền. Theo C. Mác, không phải nhà nước được Hê-ghen mô tả như là “đỉnh của toàn bộ ngôi nhà”, mà ngược lại, xã hội dân sự bị Hê-ghen rất coi thường, mới là lĩnh vực người ta phải đi vào, để tìm ra chiếc chìa khóa, qua đó hiểu được quá trình phát triển lịch sử của loài người(3).
Đến năm 1844, trong tác phẩm Gia đình thần thánh, C. Mác và Ph.Ăng-ghen đã phân tích sâu sắc mối quan hệ qua lại giữa nhà nước và xã hội dân sự để hình thành cơ sở đề xuất học thuyết về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng(4). Hai ông nhận định: Giống như cơ sở tự nhiên của nhà nước cổ đại là chế độ nô lệ, cơ sở tự nhiên của nhà nước hiện đại là xã hội thị dân...(5).
Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã sử dụng khái niệm “Xã hội công dân” (xã hội dân sự) để chỉ toàn bộ các quan hệ giao tiếp vật chất của cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của phương thức sản xuất, trong đó đặc biệt phải kể đến quan hệ giao tiếp trong quan hệ sản xuất; và đóng vai trò là cơ sở của toàn bộ lịch sử (sinh hoạt nhà nước, sản phẩm lý luận, mọi hình thái ý thức v.v... hay của nhà nước và kiến trúc thượng tầng tư tưởng). Về đối ngoại, nó thể hiện ra như một dân tộc, còn về đối nội, nó vẫn phải tự tổ chức thành một nhà nước(6). Và trong tác phẩm về Lịch sử Liên đoàn những người cộng sản, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã khẳng định: “Không phải Nhà nước chế định và quyết định xã hội công dân mà xã hội công dân chế định và quyết định Nhà nước”(7).
C. Mác và Ph. Ăng-ghen khẳng định rằng, trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị, tư tưởng của thời đại ấy. Trong thư gửi P.W An-nen-cốp (28-12-1846), C.Mác cho rằng, khi xét một trình độ phát triển nhất định của sản xuất, trao đổi và tiêu dùng, sẽ thấy một xã hội công dân nhất định với tính cách là tổng thể của chế độ xã hội nhất định, của một hình thức tổ chức nhất định của gia đình, của các đẳng cấp và giai cấp. Và chế độ chính trị chỉ là thể hiện chính thức của xã hội công dân (8).
Như vậy cả C. Mác và Ph. Ăng-ghen đều cho rằng, xã hội công dân (hay xã hội dân sự) theo đúng nghĩa của nó là do sản xuất kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà ra. Cả hai cái đó cấu thành cơ sở của chế độ nhà nước tư sản và kiến trúc thượng tầng tư tưởng tư sản. Xã hội công dân chế định và quyết định Nhà nước tư sản, nhà nước tư sản chỉ là biểu hiện của xã hội, chứ không chế định được xã hội công dân như Hê-ghen lầm tưởng. Sự phát triển của xã hội dân sự diễn ra phù hợp với sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội: Tương ứng với xã hội cộng sản nguyên thủy là xã hội cộng đồng với tính dân sự tự phát. Cùng với sự xuất hiện nhà nước, thì nhà nước là biểu hiện chính thức của xã hội dân sự, nhưng xã hội dân sự lại bị phụ thuộc vào nhà nước; mức độ phụ thuộc này giảm dần theo sự phát triển của xã hội. Trong các xã hội có mâu thuẫn đối kháng giai cấp, thì quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự được từng bước thể chế hóa bằng luật pháp, tuy nhiên, sự thể chế hóa này còn tùy thuộc vào lợi ích của giai cấp cầm quyền. Dưới chủ nghĩa xã hội, mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự từng bước trở nên hài hòa trên cơ sở khắc phục sự đối kháng và phân hóa giai cấp, để cuối cùng hình thành xã hội dân sự tự giác - hay xã hội loài người được xã hội hóa sâu sắc cùng với sự tiêu vong của nhà nước và sự phát triển của các “cộng đồng lao động tự do” (Ph. Ăng-ghen) dưới chủ nghĩa cộng sản.
Với sự phát triển của xã hội dân sự, theo C. Mác, những quan hệ pháp luật thay đổi và có một hình thức văn minh. Người ta không còn coi những quan hệ đó là những quan hệ cá nhân, mà là những quan hệ chung(9): xã hội công dân là lĩnh vực của những quan hệ kinh tế, là yếu tố quyết định nhà nước(10). Và con người với tư cách là thành viên của xã hội công dân có ý nghĩa là con người theo đúng nghĩa của nó. Bởi lẽ, như C. Mác viết trong tác phẩm Về vấn đề Do Thái, giải phóng chính trị là quy con người, một mặt, thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập; và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân(11).
Chính nhu cầu thực tiễn và chủ nghĩa vị kỷ là nguyên tắc của xã hội công dân; xã hội công dân đẻ ra Nhà nước chính trị từ trong lòng bản thân nó(12). Nhà nước pháp quyền là biểu hiện chính thức của xã hội công dân; mối quan hệ qua lại giữa những cá nhân độc lập của xã hội công dân được biểu thị trong pháp luật(13).
Cách mạng xã hội chủ nghĩa như C. Mác nhấn mạnh, quan hệ với xã hội dân sự, như là quan hệ với cơ sở xã hội - văn hóa của nó, nhằm từng bước giải phóng chính trị(14). Việc phân chia giữa nhà nước pháp quyền với xã hội dân sự là để đảm bảo tốt hơn việc thực hiện quyền công dân và quyền con người, nhằm từng bước hình thành xã hội dân sự mang tính tự giác của các “cộng đồng lao động tự do” dưới chủ nghĩa cộng sản.
Để tiếp cận đúng xã hội dân sự (hay xã hội công dân), C. Mác đòi hỏi trong Luận cương về Phoi-ơ-bắc, phải xuất phát từ “quan điểm của chủ nghĩa duy vật mới là xã hội loài người, hay loài người xã hội hóa” và phải vượt qua quan điểm của chủ nghĩa duy vật cũ là xã hội “công dân”(15). C.Mác yêu cầu phải khắc phục quan điểm xã hội công dân tư sản chỉ nhấn mạnh mối liên hệ của những con người thị dân, tức là những con người “độc lập” thông qua cái nút lợi ích tư nhân và tính tất yếu tự nhiên vô ý thức của những cá nhân nô lệ cho doanh nghiệp, nô lệ cho nhu cầu hám lợi của mình và của người khác(16).
Theo tinh thần này, có thể hiểu, dưới chủ nghĩa xã hội, kể cả trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng cần phải xây dựng xã hội dân sự là xã hội của những con người tự chủ, giàu tính người, đoàn kết thúc đẩy phát triển và thực hành quyền lợi cộng đồng, chứ không phải những con người cá nhân vị kỷ, nô lệ cho kinh tế thị trường, nô lệ cho nhu cầu hám lợi của mình và của người khác.
(2) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 307-506.
(3) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 419.
(4) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 9-316.
(5) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 172.
(6) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 52,54.
(7) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 321.
(8) C.Mác và Ph.Ănghen, Toàn tập, T.27, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 657.
(9) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 494.
(10) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T. 21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 441
(11) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557.
(12) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 564.
(13) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557.
(14) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557.
(15) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T. 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 12.
(16) C.Mác và Ănghen, Toàn tập, T. 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 172.
“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”  (06/07/2007)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác lãnh đạo tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam  (06/07/2007)
Phong cách người chính ủy của đại tướng Nguyễn Chí Thanh  (06/07/2007)
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2007: những tín hiệu mừng và lo  (05/07/2007)
Những thành công trong cải cách nông nghiệp của Ấn Độ  (05/07/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên