Xã hội dân sự: Từ kinh điển Mác – Lê-nin đến thực tiễn Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, cho đến nay, mặc dù các văn kiện Đảng và Nhà nước chưa trực tiếp nêu khái niệm “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân”, song trên thực tế, ở mức độ nhất định, Đảng và Nhà nước đã bước đầu chú ý đến việc xây dựng các thể chế và cơ sở pháp lý của xã hội dân sự.
Nghiên cứu quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin về xã hội dân sự có tác dụng thiết thực đối với việc xây dựng cơ sở lý luận nhằm giải đáp những vấn đề thực tiễn xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam.
1. Quan điểm của các nhà kinh điển Mác - Lê-nin về xã hội dân sự
Ở Việt Nam liên quan đến khái niệm “xã hội dân sự” còn có các thuật ngữ “xã hội công dân”, “xã hội thị dân”. Về mặt từ nguyên, khái niệm “civil society”, từ tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt, đúng nghĩa là “xã hội dân sự”. Còn thuật ngữ tiếng Việt “xã hội công dân”, nếu được dịch sang tiếng Anh là “citizen society”. Trong các tài liệu khoa học Anh, Mỹ, không thấy dùng thuật ngữ “citizen society” như một khái niệm phổ biến. Mặc dù cách dịch ra tiếng Việt không hoàn toàn giống nhau, nhưng nội hàm của hai khái niệm mà tác giả trình bày trong bài viết này là một.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “xã hội công dân” có xuất xứ từ kinh điển Mác - Lê-nin. Trong các tác phẩm của C. Mác và Ph.Ăng-ghen, thuật ngữ “Die bürgerliche Gesellschaft”, tiếng Đức, được hiểu là “xã hội công dân” và có chỗ là “xã hội thị dân”. Quan niệm như vậy có căn nguyên lịch sử.
Ở phương Tây, tư tưởng về xã hội dân sự đã được A-ri-xtốt (384-322 tr.CN) đề cập trong tác phẩm Chính trị, thông qua quan niệm về thành bang hay Nhà nước thành bang hoặc Nhà nước thị dân; (tiếng Hy Lạp là Akropolis). Nhưng việc định nghĩa khái niệm này, có lẽ được thực hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XVIII, khi người ta chú thích cho cuốn sách Kinh tế chính trị của A-ri-xtốt(1). Đến năm 1767, A. Fe-gu-son (1723-1861), người Anh, lần đầu tiên trực tiếp bàn về chủ đề xã hội dân sự trong Chuyên khảo về lịch sử xã hội dân sự, xuất bản tại Ê-đin-buốc. Từ đó có nhiều cách thức tiếp cận xã hội dân sự.
C.Mác và Ph.Ăng-ghen, bàn về xã hội dân sự trong những tác phẩm thuộc thời kỳ đầu hình thành chủ nghĩa Mác, cụ thể là trong các tác phẩm phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hê-ghen và các quan niệm duy tâm của Pru-đông... về nhà nước, pháp luật, sở hữu... Sau này, các ông ít dùng và đi đến chỗ không sử dụng khái niệm xã hội công dân. Vì thế, tần số xuất hiện của thuật ngữ này trong C.Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập là không lớn.
V.I.Lê-nin (1870-1924), nhìn chung không sử dụng thuật ngữ xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. V.I.Lê-nin cũng như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đều cho rằng, việc giải phóng nhân loại cuối cùng, sẽ thủ tiêu những khác biệt giai cấp, và tiếp đó là bãi bỏ việc phân chia giữa xã hội công dân và nhà nước trong “xã hội loài người, hay loài người xã hội hóa” (C.Mác), để tạo nên sự thống nhất giữa tồn tại pháp nhân và tồn tại tư nhân của con người, nhằm phát triển toàn diện con người thông qua các “cộng đồng lao động tự do”.
Hồ Chí Minh cũng không sử dụng thuật ngữ xã hội dân sự. Nhưng các quan điểm của Người về “Nước lấy dân làm gốc”, “Nhà nước dân chủ”, “trăm điều phải lấy thần linh pháp quyền”, “Dân có quyền kiểm soát, giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội”, “Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân” và là một bộ phận của xã hội, đại đoàn kết toàn dân v.v... phản ánh nội dung cơ bản mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Ngày nay, việc kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của kinh điển Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và di sản tư tưởng dân tộc (tự quản làng, xã), và quan điểm tiến bộ của thế giới đương đại, sẽ hình thành được cơ sở lý luận để giải đáp những vấn đề thực tiễn xây dựng xã hội dân sự ở nước ta.
2. Một số vấn đề xây dựng xã hội dân sự ở nước ta hiện nay
Trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các tổ chức xã hội và cơ sở pháp lý của xã hội dân sự đã từng bước được thiết lập, kể cả việc khôi phục truyền thống tự quản của làng như hương ước, và các loại quỹ, hội tương thân tương ái. Hiện nay có 6 loại tổ chức xã hội đăng ký chính thức để hoạt động đó là:
- Các tổ chức chính trị - xã hội: gồm 5 tổ chức quần chúng: công đoàn, nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh với hơn 31 triệu hội viên và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với 29 tổ chức thành viên.
- Các hiệp hội nghề nghiệp - xã hội trung ương: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên hiệp Văn học và nghệ thuật Việt Nam (VWAA) và Liên hiệp các Hiệp hội Hoà bình, Hữu nghị và Đoàn kết Việt Nam (VUFO), Hội Chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi, Hội kinh doanh v.v... gồm hàng trăm hội thành viên với hàng chục triệu hội viên.
- Các hiệp hội địa phương chỉ hoạt động trong một địa phương: năm 2005, có khoảng 2150 hội với hàng triệu hội viên.
- Các hiệp hội nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ, bảo tồn di sản văn hoá truyền thống và môi trường thiên nhiên gồm hơn trăm tổ chức với hàng chục nghìn thành viên.
- Các tổ chức dân lập, tự quản gồm hàng chục nghìn quỹ, hội tín dụng, tiết kiệm, hỗ trợ người nghèo, tàn tật..., và các tổ, đội, câu lạc bộ văn hoá - nghệ thuật, thể dục - thể thao v.v... với sự tham gia của hàng triệu người.
- Các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng (Đạo Phật, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hoà Hảo, Cao Đài) với khoảng 18 triệu tín đồ.
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có nhiều tổ chức không đăng ký chính thức, như tổ chức tín ngưỡng mê tín dị đoan, xã hội đen v.v...
Tại Việt Nam cũng có 530 tổ chức phi chính phủ (NGO) của các nước đang hoạt động. Các tổ chức này hiện có 150 văn phòng trên cả nước, và thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức và công dân Việt Nam(2).
Cho đến nay, trong tổng số 84 triệu dân, ước tính có khoảng 60 triệu người tham gia từ một đến nhiều tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội (cả chính thức và không chính thức) tạo thành lực lượng xã hội dân sự thực sự rộng lớn.
Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước đã chú ý xây dựng cơ sở pháp lý để lãnh đạo và quản lý các tổ chức xã hội như: Luật Hợp tác xã mới (được ban hành năm 1996 và sửa đổi năm 2001 các Nghị định 29/CP và 79/CP, về quy chế dân chủ ở cơ sở và doanh nghiệp trong năm 1998 và đầu năm 1999; sửa đổi Bộ luật dân sự vào năm 2005, ban hành Luật về Khoa học và Công nghệ vào năm 2000, và một số quy chế hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, quỹ xã hội, từ thiện v.v...
Từ thực tế trên đây, đặc biệt trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng (4-2006) đang phát sinh các yêu cầu thực tiễn - lý luận sau đây về xây dựng xã hội dân sự:
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng cơ chế xã hội để kiểm tra, giám sát tham nhũng, lãng phí, kinh tế ngầm nhằm thực hiện đồng bộ, kiên quyết các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước, từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguyên nhân của tình trạng tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam không đơn thuần chỉ là vấn đề suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, mà cơ bản do vấn đề cấu trúc của cơ chế hoặc thể chế quản lý nhà nước và xã hội chưa hoàn thiện. Cho nên, cùng với việc thực hiện nghiêm minh luật pháp của Nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương, thì việc xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân trên cơ sở thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ hai, nghiên cứu “xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”(3), để thúc đẩy quá trình tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời xây dựng mối quan hệ phân công, phối hợp giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân sự ở nước ta trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật.
Cho đến nay, chúng ta đã bước đầu xây dựng được khung pháp lý để Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; nhưng lại chưa xây dựng, phát triển được các thể chế luật pháp và xã hội, để bảo đảm cho các tầng lớp nhân dân và các cơ quan công quyền cùng thực hiện nghiêm minh pháp luật. Do đó, năng lực cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền còn yếu kém và còn tồn tại không ít khoảng trống. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của người dân đối với các cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết. Đây cũng là một yêu cầu hết sức quan trọng, nhằm nâng cao năng lực thực hành dân chủ, thu hút người dân tham gia vào công việc chung của Nhà nước và xã hội.
Việt Nam có truyền thống luôn giữ vững và bảo đảm vị trí, vai trò của một Nhà nước mạnh đồng thời duy trì sự tự quản của làng (xã). Ngày nay cần phải phát huy truyền thống này, để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mạnh; đồng thời, xây dựng xã hội dân sự lành mạnh, có khả năng kiểm tra, giám sát, phối hợp với Nhà nước trong việc thực hiện dân chủ, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, cần tiến hành nghiên cứu việc phát triển và “phát huy sự đa dạng về tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ... khắc phục tình trạng hành chính hoá các tổ chức quần chúng; phát triển nhiều hình thức tự quản của dân hoạt động theo pháp luật”(4), để thúc đẩy xã hội hoá các cá nhân và xã hội các hoạt động xã hội, văn hoá, nhằm bồi dưỡng, phát triển các nguồn lực và tiềm lực xã hội - văn hoá cho mối quan hệ hài hoà giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để mở rộng và thực thi dân chủ, đặc biệt dân chủ trực tiếp ở cơ sở, củng cố, bảo vệ lợi ích cộng đồng; phản biện, giám sát và phối hợp với Nhà nước trong việc bảo đảm và cân bằng dân chủ trong các lĩnh vực chính trị - xã hội, đòi hỏi phải đa dạng hoá các hình thức dân chủ thông qua việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Trong công cuộc đổi mới, quá trình dân chủ hoá kinh tế, xã hội đã đạt được bước tiến quan trọng, song dân chủ vẫn còn hình thức, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp v.v.. hoạt động chưa hiệu quả và nhiều khi mang tính hành chính, chưa đi vào thực chất. Không ít tổ chức dân lập, tự quản phát triển tự phát...
Vì thế, khi nghiên cứu xây dựng hệ thống thể chế, tổ chức đa dạng của xã hội dân sự không thể không xử lý vấn đề này. Đồng thời, cần nghiên cứu nhằm hướng các tổ chức, thể chế dân sự vào quá trình bồi dưỡng văn hoá dân chủ, thực hành dân chủ, đặc biệt dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Song việc bồi dưỡng văn hoá dân chủ chỉ thu được kết quả khi có nguồn lực, tiềm lực xã hội - văn hoá đóng vai trò là nền tảng và môi trường của dân chủ. Thành thử phải thúc đẩy xã hội hoá các cá nhân một cách lành mạnh, nhằm xây dựng ý thức và lối sống công dân, củng cố, bảo vệ quyền con người và lợi ích cộng đồng. Về nguyên tắc, việc thúc đẩy xã hội hoá cá nhân, luôn gắn liền với việc thúc đẩy xã hội hoá các hoạt động xã hội, văn hoá. Bởi lẽ, cơ sở và môi trường để thúc đẩy xã hội hoá cá nhân một cách lành mạnh là thúc đẩy xã hội hoá các hoạt động xã hội, văn hoá. Thông qua đó, sẽ lôi cuốn các cá nhân và tập thể tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hoá bằng nhiều hình thức khác nhau (sáng kiến, công sức, tiền của v.v...).
Thứ tư, cần tiến hành nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát, phản biện xã hội trong điều kiện một Đảng Cộng sản cầm quyền và thể chế Đảng lãnh đạo đối với xã hội dân sự.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế đã, đang thúc đẩy sự hình thành, phát triển nhiều ý kiến, thậm chí luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội về vai trò của các tổ chức dân sự trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản và Nhà nước pháp quyền. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu cơ chế điều tiết và định hướng được các ý kiến, luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội thành hệ thống giám sát trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế phản biện xã hội đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc thực hiện cơ chế phản biện này là cơ sở để nghiên cứu xây dựng thực hiện thể chế Đảng lãnh đạo đối với xã hội dân sự, mà mấu chốt là thể chế hoá cách thức hoạt động độc lập của các hiệp hội, và thể chế hoá các quan hệ phân công, phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước.
Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng phản ánh nhận thức lý luận của chúng ta về xã hội dân sự còn bất cập, yếu kém. Vì thế cần tiếp tục làm rõ những vấn đề sau:
- Nhận thức về khái niệm, đặc điểm, vai trò của xã hội dân sự trong mối quan hệ với gia đình, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kiến trúc thượng tầng tư tưởng và một Đảng Cộng sản cầm quyền.
- Nhận thức lại, vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác về xã hội dân sự, có chú ý kế thừa tư tưởng truyền thống dân tộc về tự quản và tham khảo quan điểm tiến bộ của nhân loại, về xã hội dân sự.
- Nhận thức vận dụng, phát triển sáng tạo kinh nghiệm và không lặp lại bài học thất bại khi xây dựng xã hội dân sự của một số nước trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường.
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc tiếp tục xây dựng các “tổ chức trung gian”, tức các tổ chức xã hội, nhằm xây dựng xã hội hài hoà - có thể là một kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng xã hội dân sự. Bài học “đa nguyên, đa đảng”, đến mức “xã hội dân sự”, đặc biệt là việc các tổ chức phi chính phủ chi phối quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền còn non yếu bằng thực tế và nguy cơ các cuộc “cách mạng sắc mầu” tại các nước SNG - luôn luôn cảnh tỉnh chúng ta phải xây dựng mối quan hệ phân công, hợp tác giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân sự trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật.
Để kết luận có thể quan niệm: Xã hội dân sự là lĩnh vực thuộc đời sống xã hội; bao gồm các tổ chức đoàn thể, hiệp hội với quy chế dân lập, hoạt động tự quản trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, để phản biện, giám sát và phối hợp với Nhà nước, nhằm đảm bảo và thực hiện dân chủ, quyền con người, lợi ích cộng đồng và bồi dưỡng cơ sở xã hội - văn hoá cho công cuộc đổi mới đất nước, trong mối quan hệ hài hoà với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Xã hội dân sự nước ta được xây dựng tương ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xã hội dân sự là cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng toàn bộ kiến trúc thượng tầng tư tưởng. Nó không phải là xã hội của những cá nhân vị kỷ, nô lệ cho kinh tế thị trường, cho nhu cầu hám lợi của mình và của người khác. Nó là xã hội của những cá nhân tự chủ, giàu tính người, gồm những tổ chức và quy chế dân lập, hoạt động độc lập, tự quản trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật nhằm thực hành dân chủ, củng cố và bảo vệ quyền con người, lợi ích cộng đồng; phản biện, giám sát, phối hợp với Nhà nước trong việc bảo đảm và cân bằng dân chủ; thực hiện đại đoàn kết toàn dân và là cơ sở xã hội - văn hoá cho sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự hài hoà của đời sống xã hội.
(2) Thư mục các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam 2004-2005, Trung tâm nguồn lực VUFO - NGO, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 126.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 255.
“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”  (06/07/2007)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác lãnh đạo tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam  (06/07/2007)
Phong cách người chính ủy của đại tướng Nguyễn Chí Thanh  (06/07/2007)
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2007: những tín hiệu mừng và lo  (05/07/2007)
Những thành công trong cải cách nông nghiệp của Ấn Độ  (05/07/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên