Thực hiện việc gắn đổi mới phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng với kiện toàn hệ thống chính trị ở Kiên Giang thời gian qua đã đem lại những kết quả thật khả quan. Nhờ vậy, GDP tăng trưởng khá (13,2% năm 2007), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương. Công tác củng cố kiện toàn cơ sở đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức gắn chặt với những phong trào, công tác cụ thể là tư tưởng chủ đạo của Tỉnh ủy Kiên Giang trong nhiều năm qua. Tiếp thu, vận dụng Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh, năm 2003, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, triển khai đề án 389/ĐA-TU về "Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở". Năm 2004, Tỉnh ủy lại xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch 40/KHTU về "Nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX và chương trình hành động của Tỉnh ủy". Các nội dung chỉ đạo trên được triển khai thực hiện, thu được kết quả bước đầu.

Qua Đại hội đảng bộ 3 cấp năm 2005, đúc kết thực tiễn, Tỉnh ủy đã tìm ra nhiều cách làm mới. Bởi chất lượng lãnh đạo của cơ sở đảng là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhưng trong tình hình hiện nay phải có sự đổi mới trong nội dung, phương thức xây dựng Đảng. Đổi mới phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng nhất thiết phải gắn chặt với củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị. Đây là hai mặt không thể tách rời. Tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị mạnh thì sẽ lãnh đạo tốt các mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đảng viên sẽ có uy tín trong dân. Đây là chuẩn mực chính yếu trong đánh giá chất lượng cơ sở đảng. Trong tình hình hiện nay, xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải lấy việc đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, ngành, cơ sở với những kết quả cụ thể, mà phần lớn phải "lượng hóa" được. Đó là phải nắm vững chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao được năng lực hành động, tổ chức thực hiện đạt những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, nắm và lôi cuốn được quần chúng, tăng khả năng quản lý và đạo đức phục vụ của bộ máy nhà nước, tạo được uy tín mới của cấp ủy và đội ngũ đảng viên trước dân. Nói dân nghe, dân làm theo.

Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng

Để nâng cao kết quả đổi mới phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy chọn cách làm mới là "chỉ đạo cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ", gắn chặt nội dung, phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng với kiện toàn hệ thống chính trị các cấp.

Cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết là biến những định hướng mục tiêu lớn đã nêu trong nhiệm kỳ thành những công việc thật cụ thể dễ làm, dễ lãnh đạo, kiểm tra và quản lý hơn, nhằm đạt kết quả cao hơn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị tốt hơn. Nói cách khác, cụ thể hóa là "lượng hóa nghị quyết thành công việc cụ thể". Qua thực tế, tư tưởng chỉ đạo này ngày càng được khẳng định rõ hơn và hình thành những nội dung chủ trương chỉ đạo cụ thể hơn.

Tư tuởng chủ đạo của việc cụ thể hóa nghị quyết nhiệm kỳ từng cấp, từng ngành cần nắm vững 5 xác định: định danh, xác định rõ tên, địa chỉ công việc, người đảm trách; định thời, xác định rõ thời gian hoàn thành công việc; định lượng, xác định cụ thể số và chất lượng; định lực, xác định nguồn lực bảo đảm thực hiện; định pháp, xác định các giải pháp chủ yếu để thực hiện.

Năm xác định này phải được thể hiện trong mọi chương trình, dự án, chuyên đề, kế hoạch cụ thể của từng cấp, từng ngành, trong cả hệ thống chính trị. Cách làm mới này thực sự là một khó khăn lớn đối với nhiều nơi, cả cơ sở đảng lẫn cấp trên của cơ sở, bởi phải thực sự lao vào những tính toán khoa học, có căn cứ thực tế, khác với cách làm cũ chỉ nắm và điều hành theo những định hướng chung chung đã có trong nghị quyết. Chỉ riêng việc cân đối nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, chuyên đề đã là một việc cực kỳ khó khăn, không riêng các cơ quan chính quyền từng cấp. Ở cấp cơ sở càng khó khăn hơn.

Trên cơ sở nội dung được cụ thể hóa ở từng cấp, từng ngành, Tỉnh ủy hình thành Chương trình tổng thể số 03/CTr-TU, gồm 38 chương trình, dự án trọng điểm, 21 chuyên đề trọng tâm, bao hàm các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2005 - 2010. Từng xã, phường cũng đã rút ra từ nghị quyết nhiệm kỳ của mình, xếp thành những chương trình, dự án, kế hoạch công tác cụ thể trên từng lĩnh vực, cho cả quá trình 5 năm, có phân kỳ hằng năm, khác với cách làm cũ là mỗi đầu năm lại rút từ nghị quyết ra làm một số việc. Cơ sở đảng, sở, ban ngành tỉnh cũng phải lựa chọn, xếp ra công việc cho cả 5 năm, có mục tiêu, lộ trình cho từng năm. Cách làm này buộc từng cơ sở đảng lãnh đạo ngành, doanh nghiệp nhà nước phải có tầm nhìn xuyên suốt cả giai đoạn, đồng thời phải nắm những phần tác nghiệp cụ thể từng thời gian. Lãnh đạo cơ sở đảng tuy chỉ đạo cụ thể, nhưng không sa vào sự vụ quản lý, có điều kiện quán xuyến, kiểm tra. Những đảng viên quản lý, lãnh đạo ngành, cơ quan tỉnh, huyện nắm rõ mục tiêu phải đạt và biết trước nội dung sẽ được kiểm tra, trở nên tự chủ, năng động hơn, có trách nhiệm hơn. Các phong trào quần chúng từng cơ sở cũng có mục tiêu phấn đấu cụ thể hơn.

Cách làm này đã tạo tác nhân, điều kiện mới quan trọng để nâng cao, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của từng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, hệ thống chính quyền, các ban, ngành, tỉnh, huyện, trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà đảng bộ đặt ra trong nhiệm kỳ, bằng việc tập trung vào việc thực hiện những chương trình, dự án, những kế hoạch chuyên đề thật cụ thể về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, tăng cường quốc phòng, an ninh ở từng địa bàn, từng ngành, cơ quan. Đó là căn cứ, cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị từng cơ sở đảng, bộ máy chính quyền, các đoàn thể, đánh giá năng lực, hiệu quả lãnh đạo của tập thể, người đứng đầu, khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, tính chiến đấu, sự năng động, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đồng thời là căn cứ để tự kiểm tra và kiểm tra...

Quá trình triển khai chủ trương cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết ở từng cấp, từng ngành, đã làm cho đa số cơ sở đảng nắm bắt, nhận thức lại sâu hơn những gì nghị quyết nhiệm kỳ đã đặt ra, nâng được tinh thần trách nhiệm dám nghĩ dám làm trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từng cấp. Nói cách khác, tạo cho đội ngũ cán bộ cái nhìn tổng thể, xuyên suốt, toàn diện quá trình thực hiện nghị quyết trong cả nhiệm kỳ.

Song song với chỉ đạo cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết, việc xác định những yêu cầu, nội dung cụ thể về năng lực lãnh đạo của cơ sở đảng cần nâng cao, cũng là vấn đề quan trọng mà Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Nhận thấy, ngoài những nội dung chung nhất, từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, từng đối tượng đảng viên có nhu cầu nâng cao nội dung cụ thể, để nâng hiệu quả lãnh đạo. Nội dung mà cơ sở đảng xã, phường cần nâng cao khác nội dung của cơ sở đảng ở ngành tỉnh, huyện, cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể. Do đó, Tỉnh ủy chỉ đạo hình thành và đưa vào chương trình bồi dưỡng tại các lớp đào tạo tập trung, các dạng bồi dưỡng tại chỗ để nâng dần năng lực lãnh đạo cho từng đối tượng đảng viên.

Kết quả việc thực hiện nghị quyết của Đảng

Thực hiện việc gắn đổi mới phương thức xây dựng cơ sở đảng với củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở Kiên Giang thời gian qua đã đem lại kết quả thật khả quan. Riêng năm 2007, GDP tăng 13,2%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát huy được tiềm năng, lợi thế. Lao động qua đào tạo tăng nhanh. Bộ mặt nông thôn vùng U Minh và tứ giác Long Xuyên chuyển biến rõ. Những kết quả về chăm lo học hành, sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách xã hội, tôn giáo, dân tộc, phát huy dân chủ và hiệu lực quản lý của chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo được niềm tin mới trong dân. Công tác củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị được tập trung cao về đào tạo, sắp xếp, bố trí, hoàn chỉnh quy chế làm việc. Năm 2007, quy hoạch 3.559 cán bộ, sắp xếp, bố trí gần 2.000 cán bộ các loại, trong đó riêng cấp cơ sở đã bố trí 1.416 cán bộ chuyên trách, 1.066 công chức cơ sở, 4.131 cán bộ không chuyên trách. Luân chuyển 210 cán bộ (tỉnh xuống huyện 15; huyện lên tỉnh 15, chuyển ngang 5, huyện chuyển xuống 111, chuyển lên 33). Việc luân chuyển được chỉ đạo chặt chẽ. Tác dụng sau luân chuyển tốt, tăng được sức mạnh cho huyện, thị, xã, phường. Chương trình đào tạo 50 thạc sĩ, tiến sĩ đang triển khai. Năm 2007, đào tạo 3.611 lượt cán bộ các loại trong diện quy hoạch. Cấp cơ sở xã, phường có 28.000 lượt cán bộ được dự các khóa đào tạo ngắn, trung hạn. Tổ chức bồi dưỡng các nội dung cần thiết cho 2.800 đảng viên mới. Tỷ lệ cơ quan, ban ngành tỉnh, huyện, thị chuyển biến về hiệu quả lãnh đạo, quản lý tăng lên đáng kể. Nhiều cơ sở đảng khu dân cư tạo được sức sống mới của xã, phường mình. Năng lực quản lý nhà nước được nâng lên. Đạo đức phục vụ của cán bộ chính quyền 3 cấp chuyển biến tốt, được nhân dân thừa nhận. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân sát dân hơn, gắn bó, khôi phục được lòng tin qua những hoạt động chăm lo sản xuất, cải thiện đời sống, bảo vệ, chăm sóc quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, một bộ phận cấp ủy vẫn chưa nắm rõ yêu cầu của cách làm mới, còn muốn theo cách làm cũ, chung chung, khó đánh giá, bởi thiếu những tiêu chí được "định lượng" cụ thể. Khi cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết, bộc lộ ra những vấn đề lớn như: cân đối nguồn lực vật chất để thực hiện những mục tiêu của nhiệm kỳ rất khó khăn; nguồn nhân lực xã hội, cả nhân lực lãnh đạo, quản lý hụt hẫng lớn; năng lực điều hành nhà nước và quản lý xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Quan trọng nhất là năng lực lãnh đạo, khả năng vận dụng, tính chiến đấu ở một bộ phận cơ sở đảng vẫn chưa chuyển biến kịp. Đó là những thách thức mới đặt ra mà Kiên Giang phải tập trung tháo gỡ kỳ được trong thời gian tới.

Cách làm của Kiên Giang, suy cho cùng, thực chất cũng vẫn nằm trong quỹ đạo chung xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức, nhưng được vận dụng một cách cụ thể, sát hợp với hoàn cảnh thực tế của tỉnh trong tình hình kinh tế, xã hội xuất hiện những yếu tố, điều kiện mới. Tỉnh ủy Kiên Giang đang theo dõi sát sao diễn biến, kết quả để kịp thời tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm góp phần làm cho công tác xây dựng Đảng thêm khởi sắc./.