Mấy vấn đề cần quan tâm trong mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế
Ngày nay, việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế là xu hướng chung của các quốc gia, các dân tộc, không phân biệt trình độ kinh tế, chế độ chính trị - xã hội; đang trở thành vấn đề có tầm chiến lược đối với nhiều nước, trước hết là các nước đang phát triển.
Trong lĩnh vực này, Việt Nam đang đứng trước thời cơ mới và thách thức mới. Thời cơ mới là đất nước hòa bình, độc lập, chế độ chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên phong phú; nguồn lao động dồi dào, thị trường rộng lớn... Nếu các nguồn lực đó được tận dụng, khai thác có hiệu quả sẽ tạo nên sự hấp dẫn to lớn, thu hút được vốn, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế v.v.. từ bên ngoài để đưa đất nước đi kịp với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thách thức mới là chúng ta hòa nhập với khu vực và thế giới trong hoàn cảnh xuất phát điểm thấp về kinh tế, vừa thoát ra khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đang chuyển sang nền kinh tế thị trường với việc tìm kiếm một mô hình kinh tế mới thích hợp nhưng lại là mô hình chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, bên cạnh việc chúng ta đang thiếu kiến thức và kinh nghiệm, vấn đề bao trùm và nổi cộm là các thế lực thù địch đang lợi dụng con đường mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên đất nước ta.
Từ những bài học thất bại trong công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây; từ công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, nhất là sau hơn 20 năm đất nước thực hiện đổi mới, có thể rút ra mấy vấn đề quan trọng và không kém tính thời sự trong lĩnh vực mở rộng hợp tác kinh tế, cần được quan tâm dưới đây.
Thứ nhất, các thế lực thù địch không bao giờ muốn chúng ta được yên ổn để xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Biểu hiện đậm nét nhất là ngay sau khi Mỹ vừa xóa cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì ở bên ngoài, có thế lực đã hò hét: “chấp nhận cộng sản để xóa bỏ cộng sản, làm ăn với cộng sản để tiêu diệt cộng sản”, hoặc hô hào Việt Nam phải xóa bỏ nền kinh tế quốc doanh, phát triển kinh tế tư nhân, với ý đồ xác lập một thế lực kinh tế mới - giai cấp tư sản - hòng làm cho giai cấp này “sâu rễ bền gốc” vào các huyết mạch của nền kinh tế của ta, từ đó gây sức ép về chính trị, buộc phải có sự điều chỉnh và thay đổi về đường lối, tiến tới phủ định định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ còn “khuyên” chúng ta cần phải đổi mới “triệt để, không nửa vời” và nếu đã duy trì nền kinh tế nhiều thành phần thì phải chấp nhận nhiều lực lượng chính trị. Để rồi từ tư nhân hóa, đa nguyên hóa, dẫn đến tự do hóa và dân chủ hóa không hạn chế. Đây là ngón đòn hiểm độc hòng xóa bỏ chế độ ưu việt của chúng ta.
Thứ hai, khác với Liên Xô trước đây và Trung Quốc hiện nay, ở nước ta, lối sống thực dụng đã nảy sinh và từng có chỗ đứng vững chắc dưới chế độ cũ ở các tỉnh, thành phía Nam trước kia. Sau ngày miền Nam được giải phóng, lối sống đó đã được cải tạo đáng kể. Song, từ khi chúng ta mở cửa làm ăn với nước ngoài và thiết lập nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng đó lại có cơ hội ngóc đầu dậy; được hà hơi tiếp sức từ bên ngoài, nó đã lại xuất hiện ở nhiều nơi. Ma lực đồng tiền có lúc, có nơi đã làm lung lạc nền móng đạo đức xã hội, tư tưởng sùng bái lối sống phương Tây, khuynh hướng làm giàu bằng bất cứ giá nào (kể cả lừa đảo, gây tội ác) đã tạo ra mảnh đất màu mỡ ươm trồng hạt giống “diễn biến hòa bình”. Có kẻ đã không úp mở tuyên bố rằng: Chủ nghĩa thực dụng là vũ khí lý tưởng sắc bén làm lung lạc lý tưởng, đạo đức, lối sống đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến lược “diễn biến hòa bình” dựa trên cơ sở của chủ nghĩa thực dụng. Quả vậy, viên “đạn bọc đường” của chủ nghĩa thực dụng trong những năm gần đây được cài cắm ở mọi nơi, mọi lúc, trên mọi lĩnh vực, nó đã làm “sát thương” tâm hồn trong sáng, lý tưởng cao đẹp của một số người, trong đó có người đã bị sa vào “cạm bẫy”, đã và đang rơi xuống vực sâu bi thảm.
Thứ ba, viện trợ và vay vốn là vấn đề rất quan trọng và cần thiết để góp phần xây dựng đất nước. Nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế đã viện trợ hoặc cho ta vay vốn với tấm lòng nghĩa hiệp, trong sáng. Song cũng không loại trừ có kẻ lợi dụng con đường này với mục đích chính trị. Họ công khai tuyên bố: “không có tấm séc khống chỉ chực sẵn”, mà bất cứ ai muốn nhận viện trợ, đòi hỏi phải tuân theo các điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là phải hướng tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, chấm dứt đặc quyền của đảng cộng sản. Tự do báo chí, ngôn luận, tự do hoạt động của các đảng phái phải được bảo đảm bằng pháp luật của nước nhận viện trợ v.v.. Vậy nên, khi nhận viện trợ, vay vốn của ai đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc hết sức thận trọng. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, từ việc vay nợ và không trả được nợ đã gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt cho đất nước. Các nhà phân tích của Ê-cu-a-đo đã rút ra kết luận: “Một nước chỉ được tiêu những gì sản xuất ra và không được vay những khoản nợ không thể trả nổi”(1).
Thứ tư, chuyển giao công nghệ là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và có thể thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau. ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, con đường quan trọng và chủ yếu là nhập công nghệ để xây dựng những ngành công nghiệp mới, đổi mới và nâng cấp ngành công nghiệp hiện có, thực hiện hiện đại hóa các ngành truyền thống. Tuy nhiên, trong việc chuyển giao này, bên cạnh các tổ chức, cá nhân làm ăn sòng phẳng và có thiện chí để đôi bên cùng có lợi cần được trân trọng; thì cũng có không ít người tìm mọi thủ đoạn chuyển cho ta những thiết bị lạc hậu, nhằm biến nước ta thành bãi chứa chất thải công nghiệp quốc tế, gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại sức khỏe con người. Tệ hại hơn, họ còn muốn nước ta mãi mãi là một làng quê nghèo nàn, yếu kém, lạc hậu, kéo dài khoảng xa cách với các nước khác, để khi có cơ hội sẽ chuyển nước ta thành nước lệ thuộc họ về kinh tế. Đây không còn là khả năng dự báo phòng ngừa mà đang trở thành nguy cơ thực tế, đe dọa đối với nền kinh tế nước ta.
Thứ năm, hiện trên đất nước ta, các cơ sở liên doanh với nước ngoài, các văn phòng đại diện của các công ty, tập đoàn, cùng các tổ chức quốc gia, quốc tế đang tích cực mở các chiến dịch “săn lùng nhân tài, săn lùng chất xám” trong đội ngũ công chức ưu tú và các nhà trí thức tài ba cùng những công nhân lành nghề của đất nước ta - được coi là một hình thức chuyển giao con người có chất xám. Vì sức hút của đồng đô-la và điều kiện làm việc lý tưởng, nên số nhân tài chạy theo họ ngày càng đông. Ngoài ra, còn có một số công chức đương nhiệm trong các cơ quan nhà nước thì “chân trong, chân ngoài” mà “chân ngoài” dài hơn “chân trong”, họ mượn cơ quan nhà nước làm chỗ “trú chân” để có điều kiện thu thập “chất xám” càng cao thì đô-la thu về càng lớn. Đó là chưa kể đến nạn rò rỉ chất xám qua các hội nghị, hội thảo, đàm phán, tham quan, khảo sát, du lịch, báo chí... không sao lường hết được. Trên đất nước ta, “chất xám” đã trở thành hàng hóa, đang trôi dạt khắp thị trường, trong từng lĩnh vực, từng lúc, từng nơi đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước. Có thể nói, nếu không cầm được nạn “chảy máu chất xám” thì “cơ thể” quốc gia sẽ trở nên suy yếu.
Thứ sáu, đi đôi với việc mở cửa về kinh tế, ta còn mở cửa về văn hóa để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, đã có một số cá nhân và tổ chức lợi dụng giao lưu văn hóa để chuyển vào đất nước những văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, phản động, hòng làm phai nhạt đi bản sắc văn hóa dân tộc. Trong hợp tác quốc tế, nếu có sự thua thiệt về kinh tế thì còn có thể bù đắp được, song nếu để mất bản sắc văn hóa dân tộc thì sẽ mất tất cả, không thể nào cứu vãn nổi. Hiện trên đất nước ta, những văn hóa phẩm đồi trụy độc hại đang len lỏi và lan tràn ở nhiều nơi từ thị thành đến nông thôn, làm băng hoại lý tưởng, đạo đức, lối sống, lẽ sống của một số người. Bên cạnh đó, không ít kẻ đã vơ vét những cổ vật quý hiếm đặc trưng cho các thời kỳ phát triển của dân tộc đem bán ra bên ngoài; hoặc có kẻ lợi dụng chính sách bảo tồn di tích lịch sử và di sản văn hóa, làm sống lại những phong tục tập quán lạc hậu v.v.. Những biểu hiện đó chính là cơ sở và điều kiện để kẻ thù lợi dụng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên đất nước ta.
Từ thực tiễn sôi động của đất nước và từ tính hai mặt của hội nhập, cho phép khẳng định rằng: dù toàn cầu hóa kinh tế là xu thế tất yếu, nhưng đặc thù của toàn cầu hóa kinh tế trong giai đoạn hiện nay là các thế lực tư bản chủ nghĩa lợi dụng xu thế phát triển khách quan này và bằng những ưu thế về vốn, công nghệ đang ráo riết thực hiện ý đồ biến quá trình toàn cầu hóa kinh tế thành quá trình thôn tính và đô hộ kinh tế, tiến tới đô hộ về chính trị ở những mức độ khác nhau. Theo xu hướng đó thì dù có dưới danh nghĩa và màu sắc hòa bình, hợp tác, mục tiêu mà chủ nghĩa đế quốc tập trung mọi âm mưu, thủ đoạn để xóa bỏ vẫn là chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, Đảng ta đã sáng suốt khẳng định: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”(2).
Trên tinh thần đó, để nâng cao hiệu quả mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, đồng thời góp phần đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, xin được nêu ra mấy vấn đề để cùng tham khảo dưới đây:
1. Tiến hành rộng rãi công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về chủ trương hội nhập nhằm đạt được nhận thức và hành động thống nhất, thực hiện bằng được chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn liền với chủ động mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế.
2. Gắn kết chủ trương hội nhập kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia ngay từ khâu hình thành kế hoạch, xây dựng lộ trình cũng như trong quá trình thực hiện, nhằm làm cho hội nhập không bị ảnh hưởng tiêu cực tới nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; mặt khác, các cơ quan an ninh cần có kế hoạch chủ động hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho cả quá trình hội nhập.
3. Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh; vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tùy theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể. Nó đòi hỏi vừa phải đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa phải chống tư tưởng chủ quan nôn nóng. Nói cách khác, việc xử lý hợp tác và đấu tranh như thế nào cho đúng phương châm, đường lối với những biện pháp khôn khéo, mềm dẻo để tranh thủ được nhân tố quốc tế - đây là vấn đề hết sức quan trọng.
4. Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế có hiệu quả. Vì vậy, một mặt, Nhà nước cần hoàn chỉnh hệ thống các công cụ quản lý, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh và đầu tư; mặt khác, phải có một hệ thống pháp luật phù hợp với nền kinh tế thị trường, đồng thời phải có đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại có trình độ chính trị vững vàng, có đạo đức và phẩm chất trong sáng, thông thạo pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn, biết đề cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng du lịch tiểu vùng Mê kông mở rộng  (10/01/2009)
Khủng hoảng tài chính toàn cầu thách thức sự thống nhất của EU  (09/01/2009)
Mê-hi-cô công bố gói kích thích kinh tế 19 tỉ USD  (09/01/2009)
Họp báo Bộ Ngoại giao ngày 8-1-2008  (08/01/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên