Sáng nay, 8-1-2009, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết Chỉ thị 12-CT/TW trong công tác nghiên cứu, giảng dạy vấn đề nhân quyền”. Nhiều nhà khoa học của các cơ quan nghiên cứu, một số cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự Hội thảo.

Chỉ thị 12 xác định rõ một cách toàn diện các quan điểm, chủ trương và một hệ thống các giải pháp đảm bảo quyền con người ở nước ta và đấu tranh chống lại việc lợi dụng quyền con người của các thế lực thù địch.
 
(TS Nguyễn Đức Thuỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người)

Các báo cáo tham luận tại Hội thảo đều khẳng định, Chỉ thị 12/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” đã bước đầu nêu lên một số quan điểm cơ bản về vấn đề nhân quyền và chủ trương của Đảng trong việc bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ở nước ta hiện nay. Các quan điểm được nêu trong Chỉ thị nhìn chung phù hợp với cách tiếp cận nhân quyền của các nước đang phát triển, giúp định hướng trong hoạt động chung của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cả trong hoạt động đối nội và đối ngoại.

Một số nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận là:

1. Những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu quyền con người ở Việt Nam

Một là, đã làm rõ tính tất yếu phải bảo đảm quyền con người ở nước ta. Các công trình nghiên cứu ở mức độ nhất định, đã làm sáng tỏ việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam xuất phát từ mục tiêu của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, làm rõ nội dung quyền con người ở nước ta. Các công trình nghiên cứu ở những mức độ nhất định, đã làm rõ các quyền: Quyền con người trước hết là quyền công dân của một nước độc lập, tự do; Quyền về chính trị là quyền được làm chủ xã hội, tham gia quản lý nhà nước, tự do đi bầu cử và không đi bầu cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng...; quyền dân sự là quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp, quyền có của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và các tài sản khác...; quyền làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, đối với gia đình và cộng đồng; quyền kinh tế là quyền của người có vốn (tức quyền của người chủ), được tự do kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm, tự do khởi nghiệp, thuê người làm công, tổ chức và quản lý các hoạt động kinh tế thu lợi nhuận, là quyền của người lao động được nhận tiền lương, được hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức đóng góp của mình; quyền văn hoá, là quyền được học tập để nâng cao kiến thức...; quyền xã hội, quyền về an sinh xã hội, quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo đảm mức sống tối thiểu của con người theo khả năng của đất nước, của dân tộc, của gia đình, quyền được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp; quyền bà mẹ, trẻ em được chăm sóc, quyền con người được giúp đỡ khi gặp khó khăn, khi gặp tai nạn, khi tuổi già...

Ba là, đã làm rõ quyền của mỗi người phải gắn với quyền của cộng đồng và quyền của toàn dân tộc, quyền của mỗi người gắn với chủ quyền quốc gia, với nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, đã làm rõ quyền của con người phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá và truyền thống văn hoá dân tộc.

Năm là, công tác nghiên cứu đã cung cấp những cơ sở lý luận để thể chế hoá quyền con người ngày càng đầy đủ hơn. Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là từ khi ban hành Hiến pháp mới vào năm 1992, Nhà nước đã ban hành hơn 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó có khoảng 60 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 850 văn bản của Chính phủ và trên 3000 văn bản của các bộ, ngành.

Sáu là, công tác nghiên cứu đã cung cấp những cơ sở lý luận - thực tiễn cho cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người ở Việt Nam; thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục về quyền con người.

2. Những thành tựu đạt được trong công tác giáo dục quyền con người

Giáo dục quyền con người là chuyển tải những nội dung cơ bản về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người đến mọi công dân, đồng thời tuyên truyền các thành tựu cơ bản của Việt Nam đã đạt được về quyền con người nhằm làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam, phản bác lại các luận điệu vu cáo, bôi nhọ chế độ trên cơ sở lợi dụng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch.

Trên cơ sở nắm vững các quan điểm, chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người, công tác giáo dục đã từng bước xây dựng chương trình, nội dung giáo trình giảng dạy và tuyên truyền, giáo dục phù hợp đối với từng loại đối tượng khác nhau, như: cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng tôn giáo v.v..

3. Những kinh nghiệm rút ra để thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam

Thứ nhất, phải tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề nhân quyền theo tinh thần Chỉ thị 12-CT/TW và Nghị quyết 41-CT/TTg về vấn đề nhân quyền.

Thứ hai, trong công tác nghiên cứu, giáo dục về nhân quyền cần có sự phối hợp về tổ chức, quản lý để có thể triển khai một cách ổn định, hệ thống và bài bản, đặc biệt là trong việc bồi dưỡng cho những người trực tiếp làm công tác này có tư tưởng chính trị vững vàng, có chuyên môn tốt và am hiểu vấn đề nhân quyền trong nước và quốc tế; chỉ nhờ đó, họ mới có thể chủ động tiến hành lồng ghép vấn đề bảo đảm thực hiện nhân quyền với nội dung các chuyên đề giảng dạy,tuyêntuyền,giáo dục của họ.

Thứ ba, phải kết hợp đồng bộ công tác nghiên cứu, giáo dục về nhân quyền với công tác nghiên cứu, giáo dục về dân chủ, dân tộc, tôn giáo, giới, pháp luật.Vì đây là những vấn đề nhạy cảm chính trị, đặc biệt là mang tính nhân đạo, tính pháp quyền cao.

Thứ tư, phải chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế để có thêm các nguồn lực cho công tác nghiên cứu, giáo dục về nhân quyền, và để đối thoại về nhân quyền nhằm giúp các bạn quốc tế hiểu rõ hơn về thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo vệ quyền con người./.