Một số vấn đề đặt ra trong xử lý mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế

Vũ Hoàng Công PGS, TS, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:35, ngày 03-02-2015

TCCS - Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Từ một quốc gia bị kìm hãm trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mức tăng trưởng GDP hằng năm luôn đạt loại khá. Bên cạnh thành tựu kinh tế, đất nước còn luôn giữ được ổn định chính trị, dân chủ ngày càng được phát huy, vị thế chính trị trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được, nhất là về kinh tế, có thể còn cao hơn nữa nếu chúng ta xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế.

Những hạn chế, khiếm khuyết trong đổi mới kinh tế và trong xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

Có thể thấy, hạn chế, khiếm khuyết, trước hết, trong đổi mới kinh tế là việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa hoàn chỉnh.

Về mặt lý luận, sau nhiều tranh luận, vấn đề sở hữu nhà nước và đi cùng với nó là thể chế quản lý còn nhiều lúng túng. Về mặt thực tiễn, doanh nghiệp nhà nước vẫn là không gian ẩn chứa không ít tiêu cực. Chúng ta đã xác định, Nhà nước là chủ sở hữu một số lực lượng sản xuất quan trọng nhất, như tài nguyên, đất đai, các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng có một nghịch lý là, nhiều tập đoàn kinh tế quan trọng, do Nhà nước nắm giữ, thường có những biểu hiện tiêu cực, như độc quyền, kém hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, trong khi việc sử dụng tài nguyên, đất đai lại rất lãng phí, bị lợi dụng vì “lợi ích nhóm” và cá nhân.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém nói trên là do thể chế pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước còn có nhiều vướng mắc, chưa rạch ròi. Bên cạnh đó, các thể chế có vai trò quan trọng trong quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, như ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán, cùng các công cụ điều tiết, như tiền tệ, giá, lãi suất, tỷ giá, thuế,... hoạt động kém hiệu quả, có xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, trái với kỳ vọng của Nhà nước. Cùng với đó là chậm đổi mới thể chế quản lý đối với một số lĩnh vực kinh doanh quan trọng, như xi-măng, sắt thép và đặc biệt là xăng dầu, điện.

Thứ hai, sự phát triển kinh tế còn thiếu ổn định và bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước.

Mức độ cải thiện kinh tế của các tầng lớp dân cư, các vùng, miền, các ngành, nghề chưa đồng đều, chưa công bằng, dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích cao (rõ nhất là giữa người nông dân thuộc diện có đất thu hồi và giới kinh doanh bất động sản; giữa người sản xuất nông, lâm, thủy sản và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu;...).

Trong vòng 10 năm qua, nền kinh tế không đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định như mong muốn và tiềm năng cho phép. Tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt được trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 1997 (trung bình là 8,5%/năm, cao nhất là 9,2% vào năm 1995) đã suy giảm trong các năm tiếp theo và đến nay, sau nhiều cố gắng chỉ đạt khoảng 5,4%/năm. Nền kinh tế sau khi hội nhập quốc tế đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trong các năm 2008 - 2011, đến nay chưa hoàn toàn hồi phục. Sự sụt giảm nhu cầu trao đổi của các thị trường Mỹ, châu Âu thời kỳ khủng hoảng cũng kéo theo sự sụt giảm trong sản xuất, xuất khẩu của các ngành kinh tế trong nước. Trong khoảng 15 năm qua, trên lĩnh vực sản xuất, Việt Nam chưa có được một chiến lược sản phẩm nào đạt thương hiệu toàn cầu, từ công nghiệp tàu thủy, công nghiệp ô-tô, đến công nghệ thông tin; từ sản xuất lúa gạo, đến thủy sản, trái cây,... Nền kinh tế chứa đựng sự thiếu ổn định, chắc chắn, nhiều yếu tố ảo, rủi ro cao. Ví dụ, thị trường chứng khoán sau bùng nổ ảo, chỉ số VN-Index đạt tới 1.000 điểm năm 2007 đã nhanh chóng rơi xuống còn chưa đến 500 điểm trong mấy năm gần đây. Thị trường bất động sản bùng nổ những năm 2009 - 2010 nay rơi vào khủng hoảng thừa với tài sản ứ đọng tới 120.000 tỷ đồng cùng hàng nghìn căn hộ, trong khi người có nhu cầu thực sự về nhà ở lại không thể tiếp cận được.

Trong những năm qua, mặc dù tiếp tục nhận được các nguồn vốn FDI và nguồn ODA khá lớn, song sức bật, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn thấp. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô, như hiệu quả đầu tư, khả năng cạnh tranh, môi trường kinh doanh,... vẫn không tăng trưởng tương xứng.

Tình hình đó có nguyên nhân gì? Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hay do thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa hoàn chỉnh?

Về mặt khách quan, không thể phủ nhận sự tác động của suy thoái kinh tế thế giới tới kinh tế trong nước, song đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu, bởi lẽ, có những nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu hơn nhưng không bị ảnh hưởng nặng nề như Việt Nam, và nếu có bị ảnh hưởng thì thời gian khôi phục nhanh hơn và vẫn có nhịp độ tăng trưởng cao, chẳng hạn như nền kinh tế Trung Quốc. Về mặt chủ quan, không thể phủ nhận thể chế kinh tế thị trường ở nước ta chưa thật sự hoàn chỉnh, song đó cũng chỉ là nguyên nhân thứ yếu, bởi lẽ trên thế giới có những nước mà thể chế kinh tế thị trường ở đó hoàn chỉnh hơn, như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha,... trong các năm 2010 - 2012 vẫn rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng.

Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế trước hết là do bản thân giới doanh nhân. Đó là tầm nhìn, thói quen kinh doanh ngắn hạn; sự thiếu đoàn kết, làm ăn nhỏ lẻ; kém nỗ lực vươn lên; thiếu kinh nghiệm và tri thức kinh doanh hiện đại;..., tóm lại là văn hóa kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế còn rất hạn chế, là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế một cách bền vững. Cộng hưởng với điều này là văn hóa tiêu dùng của người dân, trong đó có những thói quen, phong trào tiêu dùng có tính chất “đám đông”, nhiều khi làm cho quan hệ cung - cầu trên thị trường trở nên khó đoán định, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân tiếp theo là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn chỉnh, chưa đủ khả năng điều tiết bằng các công cụ kinh tế đối với sản xuất, kinh doanh, dẫn đến môi trường kinh doanh chưa lành mạnh, vừa có hiện tượng cạnh tranh thiếu công bằng, vừa có hiện tượng độc quyền; khả năng rủi ro, thiếu an toàn cho người kinh doanh cao. Chẳng hạn, pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu cho người sản xuất, kinh doanh chưa được hoàn chỉnh, và điều quan trọng hơn, việc thực thi pháp luật này ít có hiệu lực, khiến cho người có sáng chế, người sản xuất ra sản phẩm có thương hiệu tốt bị thua thiệt, giảm sút động lực kinh doanh. Những vụ, việc từng xảy ra với một số thương hiệu, như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên và gần đây là cà phê Buôn Ma Thuột,... là những ví dụ điển hình. Tình trạng này xảy ra trong nhiều ngành, đặc biệt là ngành xuất bản sách và ấn phẩm văn hóa, với rất nhiều vụ xâm phạm bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân nói trên chỉ là những nguyên nhân thứ yếu. Có thể khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế, khiếm khuyết trong đổi mới kinh tế là do chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Nói cách khác, những hạn chế, khiếm khuyết về thể chế kinh tế có thể được khắc phục nếu từ phía chính trị có chính sách, pháp luật đúng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đó một cách quyết liệt, hiệu quả. Việc tạo ra các thể chế của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, trước hết là những chính sách, chiến lược đúng cho phát triển kinh tế, tự bản thân các doanh nghiệp không thể làm được, mà phải do Nhà nước, nghĩa là từ phía chính trị. Có thể nêu một số yếu kém về chính trị ảnh hưởng tới phát triển kinh tế như sau:

Một là, Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng đối với phát triển kinh tế thị trường theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù đã có đổi mới tư duy về vai trò, chức năng của Nhà nước, song Nhà nước vẫn chưa thực hiện tốt vai trò, chức năng mà kinh tế thị trường yêu cầu. Cụ thể, Nhà nước chưa làm tốt việc xây dựng và thực thi pháp luật để tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển. Đặc biệt, Nhà nước chưa làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược và việc quản lý sự phát triển theo quy hoạch, chiến lược đó. Trên nhiều lĩnh vực, Nhà nước có xây dựng quy hoạch, chiến lược, song tính khoa học và thực tiễn của chúng không cao. Nhìn vào các lĩnh vực kinh tế, hầu như không có một chiến lược nào được thực hiện tốt đẹp và trọn vẹn, từ công nghiệp, nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ, du lịch,… Một ví dụ điển hình: là nước hàng đầu về xuất khẩu gạo, song cho đến nay Việt Nam vẫn bị động với thị trường gạo thế giới, luôn ở thế yếu so với các nước khác; người nông dân Việt Nam luôn chịu nhiều thua thiệt, rủi ro. Việt Nam không tạo được hệ thống liên kết vững vàng trong sản xuất, xuất khẩu gạo, lại càng không chiếm lĩnh được vị thế làm chủ, hoặc ít nhất là tác động mạnh vào thị trường, điều tiết giá gạo theo chủ ý.

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bắt đầu diễn ra vào năm 2008, gây nên suy thoái ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, song nó cũng là thước đo đánh giá sự vững vàng hay không của các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước Việt Nam và độ lành mạnh của nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều năm và cho đến nay Nhà nước vẫn can thiệp mang tính hành chính vào nền kinh tế, nhất là can thiệp vào việc kinh doanh các loại hàng hóa đặc biệt, như xăng dầu, điện, sắt thép, than; can thiệp vào tỷ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam, tỷ lệ lãi suất ngân hàng và gần đây là thị trường vàng. Năm 2013, sự điều hành của Chính phủ thông qua công cụ tài chính và ngân hàng đã giúp cho lạm phát được kìm hãm ở mức 6,8%/năm, trong khi GDP đạt 5,4%/năm, được coi là một thắng lợi trong quản lý nền kinh tế. Sự can thiệp như vậy đã góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trong một thời điểm nhất định, song về dài hạn, sự can thiệp bằng những quy định về giá sàn, giá trần, bằng quota xuất - nhập khẩu đối với một số mặt hàng trong thời gian dài sẽ làm biến dạng bộ mặt thật của nền kinh tế, khiến cho quy luật giá trị không phát huy được chức năng điều tiết sản xuất của nền kinh tế.

Những yếu kém, khiếm khuyết nói trên là do năng lực của Nhà nước còn hạn chế, nhưng sâu xa hơn là do tư duy chính trị còn có điểm lúng túng, chẳng hạn như trong việc xác định những gì Nhà nước cần sở hữu hoặc tác động, những gì có thể để cho xã hội điều chỉnh. Sự lúng túng và chậm chạp trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là hậu quả của tư duy chính trị này. Cho đến gần đây chúng ta mới thừa nhận sự hoạt động kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn cho đất nước của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hai là, tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng trong bộ máy nhà nước còn nặng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, đây là nhân tố ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động kinh tế nói chung và việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Tình trạng quan liêu dẫn đến nhiều quy định, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế không sát thực tiễn, không mang tính khả thi; nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội thiếu sự điều chỉnh và quản lý bằng pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý phát triển và trật tự đô thị.

Tình trạng lãng phí làm mất đi những nguồn lực to lớn mà hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế tạo ra cho đất nước. Sự đầu tư mang tính phong trào của các địa phương, từ sản xuất mía đường, xi-măng, đến xây dựng cảng biển, sân bay, khu đô thị,... không có quy hoạch, hoặc bất chấp quy hoạch là hậu quả trực tiếp từ yếu tố chính trị. Chỉ riêng tồn đọng trong đầu tư bất động sản đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, cùng hàng nghìn héc-ta đất sử dụng không hiệu quả. Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được sử dụng khối tài sản khổng lồ, nhưng không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong khâu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dẫn đến thua lỗ, phá sản, gây lãng phí lớn tài sản của đất nước. Bên cạnh những lãng phí trong đầu tư kinh tế, lãng phí trong đầu tư cho hoạt động phi kinh tế cũng không giảm. Những hô hào tiết kiệm trong tổ chức lễ hội, kỷ niệm, đón nhận huân chương,... vẫn không có tác dụng cũng bởi chưa khắc phục được tư duy chính trị phô trương, hình thức, chạy theo thành tích.

Tình trạng tham nhũng không chỉ làm thất thoát một số tài sản công nhất định (theo tính toán của tổ chức quốc tế, sự thất thoát này lên tới hàng tỷ USD mỗi năm), mà nguy hiểm hơn, còn hủy hoại bộ máy công quyền, làm mất đi những cơ hội đầu tư phát triển, suy giảm động lực phát triển và sự nghiêm minh của Nhà nước pháp quyền trong quản lý kinh tế. Tham nhũng đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp lách luật, làm sai pháp luật kinh doanh. Không những thế, sự bắt tay mờ ám giữa một số doanh nghiệp với một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước trong xây dựng chính sách, ban hành các quy định có lợi cho một số doanh nghiệp đã làm cho việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch,... không được nghiêm túc, thậm chí méo mó.

Những điều nói trên làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam thiếu ổn định, hay thay đổi bất thường. Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh các quốc gia, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 5 năm gần đây không những không được cải thiện mà còn suy giảm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh quốc gia thấp.

Bài toán chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng (kể cả tham nhũng qua chính sách) vẫn chưa có lời giải thật sự hữu hiệu. Những biện pháp mạnh mẽ, cần thiết nhằm khắc phục các căn bệnh này vẫn chưa được thực hiện.

Ba là, thể chế dân chủ chưa phát triển đúng mức cần thiết.

Tại sao những hạn chế, yếu kém nói trên vẫn kéo dài? Có lẽ, một trong những nguyên nhân chính là do sự kiểm soát của xã hội đối với quyền lực nhà nước vẫn còn hạn chế, hay nói cách khác, thể chế dân chủ chưa phát triển đến mức có thể kiểm soát được mọi hoạt động của Nhà nước trong quản lý, điều hành nền kinh tế. Mặc dù đã tích cực phát huy dân chủ, công khai hóa, phòng, chống tham nhũng, nhưng trên thực tế, tính công khai trong hoạt động cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan hành pháp, vẫn còn mờ nhạt; các cơ quan nhà nước ở các cấp không đủ sức mạnh để kiểm soát lẫn nhau; các cơ quan dân cử, cao nhất là Quốc hội, nhiều khi không kiểm soát được đúng mức đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp; sự phản biện và áp lực từ bên ngoài đối với Nhà nước (chẳng hạn, qua báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội) có tác dụng chưa cao.

Thể chế dân chủ trong hoạch định chính sách phát triển và quản lý kinh tế của các cơ quan hành pháp từ Trung ương đến địa phương còn hạn chế, nhất là đối với việc ban hành các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế và các văn bản quản lý kinh tế. Có không ít văn bản quản lý kinh tế vừa mới ban hành đã bị dư luận phản đối, phải thu hồi.

Bốn là, phương thức cầm quyền của Đảng còn lúng túng.

Trong mô hình chính trị có duy nhất một đảng cộng sản cầm quyền, sự kiểm soát của đảng đối với nhà nước, nhất là về mặt nhân sự, phải rất mạnh mẽ; sự thanh lọc của đảng đối với các cá nhân yếu kém phải rất nhanh chóng. Trên thực tế, các đợt chỉnh đốn, “tự phê bình và phê bình” trong Đảng ta thời gian gần đây chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, trong khi niềm tin của nhân dân đối với Đảng có sự suy giảm đáng lo ngại. Vấn đề sâu xa ở đây là việc xử lý mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ trong Đảng còn lúng túng, nhất là trong công tác cán bộ. Điều quan trọng nhất đối với sự cầm quyền của Đảng là việc lựa chọn con người cho bộ máy nhà nước, nhưng lựa chọn theo nguyên tắc nào, cơ chế nào - công khai hay kín, cá nhân chịu trách nhiệm hay tập thể chịu trách nhiệm,... là những điều chưa có câu trả lời dứt khoát. Có thể nói, phương thức cầm quyền của Đảng còn lúng túng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những yếu kém về chính trị nói trên, hay nói cách khác, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những hạn chế, khiếm khuyết trong đổi mới kinh tế.

Yêu cầu và giải pháp đổi mới chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới kinh tế

Từ những thành công và hạn chế của đổi mới chính trị và kinh tế sau gần 30 năm qua, có thể thấy, vai trò của chính trị đối với phát triển kinh tế là cực kỳ to lớn, đồng thời, đổi mới kinh tế có vai trò quan trọng đối với đổi mới chính trị.

Chính trị và kinh tế có sự độc lập nhất định, song không thoát ly hoàn toàn với nhau. Ngược lại, tuy có ảnh hưởng lẫn nhau, song giữa chính trị và kinh tế vẫn có ranh giới nhất định. Chính trị với nghĩa là hệ thống chính trị thì không thể lấn sân kinh tế, không can thiệp tới mức làm sai lệch “cơ chế thị trường”, làm sai lệch sự điều chỉnh các quy luật của thị trường đối với hoạt động của các chủ thể kinh tế. Song, với nghĩa là chính sách tổ chức thực hiện chính sách, chính trị có thể thúc đẩy và tạo cơ hội cho kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế phát triển sẽ tạo nguồn lực và môi trường tâm lý thuận lợi cho các hoạt động chính trị và cũng đặt ra yêu cầu đổi mới chính trị. Song, xét về bản chất và nhìn nhận một cách khách quan, kinh tế cần có ranh giới nhất định và ranh giới bắt buộc trong quan hệ với chính trị. Bởi vậy, giới doanh nghiệp không được can thiệp tiêu cực, “can thiệp xấu” vào hệ thống chính trị bằng những hành vi, quan hệ mờ ám với giới chính trị, làm sai lệch chính sách, tạo nên những bất công, bất bình đẳng trong kinh doanh.

Để thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhất là đối với đổi mới kinh tế, yêu cầu đặt ra đối với đổi mới chính trị là: Xây dựng nền dân chủ đi đôi với thiết lập một cách vững chắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi hoạt động của xã hội đều được pháp luật điều chỉnh một cách công bằng, bình đẳng. Hình thành hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế có hiệu lực, hiệu quả, có trách nhiệm, có khả năng đề xuất được các mục tiêu, các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khả thi trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị phải động viên được các lực lượng xã hội dành tâm huyết, sức lực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước hội nhập quốc tế thành công; tạo được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế và môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu nói trên, trong những năm tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước là tất yếu khách quan, là nguyên tắc đã được hiến định, nhưng phải bảo đảm cho các cơ quan nhà nước hoạt động theo đúng nguyên tắc pháp quyền, có sự phân công quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, đặc biệt là quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quan trọng nhất, như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Nhà nước phải trong sạch, minh bạch, chịu sự giám sát và phán xét của nhân dân; Chính phủ phải năng động, hoạt động có hiệu quả.

Điều quan trọng nhất là Nhà nước phải luôn hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế một cách khoa học, có tính khả thi.

2- Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, trong sạch, có đủ năng lực đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn cho đất nước; có đủ uy tín lãnh đạo, dẫn dắt các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội tập trung sức lực phát triển đất nước.

Điều khác biệt giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là nhân dân Việt Nam tin tưởng và trung thành với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song, Đảng không nên vì sự tin tưởng và trung thành đó, mà lơi lỏng việc thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nghiêm túc đặt hoạt động của mình trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, gắn bó với nhân dân, đặc biệt là với giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức.

3- Xây dựng Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân thật sự đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, cho các giai cấp, tầng lớp nhân dân giám sát các hoạt động và phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; động viên, tổ chức nhân dân thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội./.