Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật là nhân tố có tầm quan trọng to lớn góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện hội nhập. Để thực hiện điều đó, cần nhận rõ những hạn chế, bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.

1. Nguồn nhân lực kỹ thuật, nhân tố động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang lôi cuốn, tác động đến tất cả các nước cũng như đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với nước ta, từ xuất phát điểm là nền kinh tế tiểu nông, muốn thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và nhanh chóng đạt đến trình độ của một nước phát triển theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh", tất yếu phải tiến hành thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như là "một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội". Đây cũng là nhiệm vụ trung tâm có tầm quan trọng hàng đầu trong thời gian tới của cách mạng nước ta. Trong hàng loạt phương thức và biện pháp để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cho các khu công nghiệp là hết sức cần thiết và có tính chiến lược lâu dài. Ngày nay, không ai có thể phủ nhận vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực kỹ thuật nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vì, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật chính là lực lượng lao động đã, đang và sẽ tham gia đắc lực vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là nguồn lực có ý nghĩa quyết định đối với các nguồn lực khác cũng như quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Sau gần 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, trên địa bàn cả nước ta nói chung, các tỉnh phía Nam và Đồng Nai nói riêng, nguồn nhân lực kỹ thuật tại các khu công nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo ra khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa lớn, phong phú và đa dạng, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật ở nước ta và các tỉnh phía Nam đang đặt ra hàng loạt vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần được nghiên cứu đánh giá; nhất là cần được tổng kết để rút ra những vấn đề mấu chốt; đặc biệt là kịp thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị để đưa công tác này đi đúng quỹ đạo, phù hợp với quy luật khách quan. Xu thế thời đại, vấn đề toàn cầu hóa, nhất là trong điều kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đặt ra nhiều thách thức cho đất nước, trong đó có áp lực ngày càng tăng về việc chuẩn bị nguồn nhân lực thích ứng và đi kịp với yêu cầu của thời đại.

Các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ lớn của cả nước; nơi mà các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô và tốc độ lớn, đang rất cần một lực lượng lao động với số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng cao.

2. Yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật

Thực tiễn đất nước đang đòi hỏi chúng ta phải có một đội ngũ lao động kỹ thuật hùng hậu, trong đó lực lượng quan trọng này phải hội đủ các phẩm chất cơ bản là:

- Có trí tuệ

- Có sức khỏe

- Có trình độ cao của văn hóa sinh thái (mối quan hệ, sự ứng xử của con người với thiên nhiên)

- Lòng yêu nước

- Tinh thần tự chủ vươn lên, hợp tác, lòng tự trọng dân tộc, hiểu biết tôn trọng pháp luật...

Tóm lại là phải được biểu hiện trên 3 mặt của chất lượng nhân lực gồm thể lực, trí thức và phẩm chất. Vấn đề là làm sao để có được một đội ngũ nhân lực kỹ thuật và đội ngũ nhân lực đó phải hội đủ các yếu tố quan trọng nói trên.

3. Nguyên nhân của việc thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật

Qua việc nghiên cứu và tổng kết thực tiễn cho thấy, hiện chúng ta chưa khắc phục được bài toán thiếu hụt nguồn lao động kỹ thuật xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản sau đây:

- Giáo dục - đào tạo không theo kịp sự chuyển đổi của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hiện chỉ đảm nhận cung cấp nguồn nhân lực đào tạo được, chứ chưa cung cấp được nguồn nhân lực khác mà xã hội đang cần. Thực trạng là đang rất yếu về mặt kỹ năng, thiếu hẳn sự phối hợp với thực tiễn (doanh nghiệp, cơ quan...), nói cách khác là chưa thực sự gắn học với hành.

- Doanh nghiệp chúng ta đa phần là nhỏ và vừa với kiểu quản lý qui mô nhỏ (gia đình, doanh nghiệp tư nhân, ông chủ) chưa có nhu cầu cấp bách nên chưa chú trọng đến đào tạo nhân lực thực sự có tài năng. Trong khi đó, Nhà nước chưa thoát khỏi tư duy bao cấp và chỉ nhìn trước mắt, chưa nhìn xa và lâu dài nên còn thiếu chính sách và lớn hơn là thiếu một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Nhìn tổng thể, nguồn nhân lực kỹ thuật của chúng ta đang thiếu đáng kể; nhìn cục bộ càng thiếu trầm trọng do không có chính sách thu hút, níu giữ nhân lực kỹ thuật, để họ phải thường xuyên "nhảy việc", từ đó dẫn đến tình trạng không ổn định cho bản thân nguồn nhân lực cũng như đối với doanh nghiệp và xã hội.

4. Giải pháp khắc phục

- Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, liên kết 3 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp

- Sử dụng hiệu quả lực lượng tri thức với các cơ chế, chính sách năng động, khuyến khích trên cơ sở đổi mới chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng, tạo điều kiện để phát huy tài năng - tâm huyết...

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sống, làm việc, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động.

- Có chính sách phù hợp, thỏa đáng trong đầu tư phát triển công nghệ, đẩy mạnh liên kết trong đào tạo, sử dụng nhân lực... công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang lôi cuốn, tác động đến tất cả các nước cũng như đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với nước ta, từ xuất phát điểm là nền kinh tế tiểu nông, muốn thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và nhanh chóng đạt đến trình độ của một nước phát triển theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh" thì tất yếu phải tiến hành thực hiện sự nghiệp công nghiêp hóa, hiện đại hóa như là "một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội". Đây cũng là nhiệm vụ trung tâm có tầm quan trọng hàng đầu trong thời gian tới của cách mạng nước ta. Trong hàng loạt phương thức và biện pháp để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cho các khu công nghiệp là hết sức cần thiết và quan trọng.

5. Thách thức lớn của vấn đề nhân lực

Trong vấn đề đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật, chúng ta đang gặp phải thách thức lớn.

- Giải quyết việc làm. Theo số liệu điều tra dân số tháng 4-1999: chỉ có 35,8 triệu/51,1 triệu người trong độ tuổi lao động có việc làm; tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đô thị năm 2000 là 6,44%, khu vực nông thôn tính bình quân chung cả nước trên dưới 20% trong khi mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 triệu người đến tuổi lao động.

- Chất lượng lao động. Hiện ở nước ta chỉ có 20% lao động đang làm việc đã qua đào tạo, do vậy năng suất lao động thấp; tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ngày càng phổ biến. Năm 2003, Thành phố Hồ Chí Minh thừa 10.000 lao động trình độ đại học, cao đẳng, trong khi thiếu 50.000 công nhân kỹ thuật có tay nghề.

- Sự chuyển dịch lao động. Sự dịch chuyển lao động đang diễn ra quá chậm từ khu vực 1 (nông nghiệp) sang khu vực 2 (công nghiệp) và khu vực 3 (dịch vụ). Lao động khu vực 1 từ 73% (1990) đã giảm xuống 71,8% (1995) và 68,2% (2000). Lao động khu vực 2 tăng 11,2% (1990) lên 11,45% (1995) và 12,1% (2000). Lao động khu vực 3 từ 15,75% (1990) lên 17,4% (1995) và 19,6% (2000). Số liệu này cho thấy, lao động từ nông nghiệp chỉ giảm được 4,2% trong 10 năm, (mỗi năm giảm 0,3%) là điều rất đáng lo ngại.

6. Những điểm yếu của lao động kỹ thuật hiện nay

Qua nghiên cứu thực tế cho thấy đội ngũ lao động kỹ thuật của nước ta nhìn chung còn yếu và không đều, trong đó biểu hiện tập trung nhất là:

- Yếu ngoại ngữ, tin học;

- Nặng về lý thuyết, yếu về thực hành;

- Thể lực yếu và không đồng đều;

- Tính cộng đồng (tinh thần hợp tác, phối hợp, hỗ trợ làm việc đồng đội) yếu.

Vì vậy, nếu không thực hiện nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm cao trong phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ gặp khó khăn.