Về nhân cách thanh niên Việt Nam thời kỳ đổi mới
TCCSĐT - Đồng hành cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế hệ thanh niên Việt Nam với vai trò xung kích luôn đi tiên phong và nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu của đổi mới: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Về thanh niên và nhân cách thanh niên
Nói tới thanh niên là nói tới lớp người trẻ tuổi, đang trưởng thành, đang vào đời, lập thân lập nghiệp. Để giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên phát triển lành mạnh về nhân cách của mình, xã hội cần hiểu rõ và đánh giá đúng về thanh niên, có như vậy mới định ra được giải pháp đồng bộ và kịp thời để xây dựng nhân cách thanh niên. Đây là câu chuyện không mới nhưng luôn có tính thời sự, đan xen rất phức tạp giữa sự đánh giá của xã hội đối với thanh niên và thanh niên tự đánh giá về chính mình. Sự đánh giá và tự đánh giá này không phải lúc nào cũng thống nhất và đồng thuận. Đã có không ít trường hợp mâu thuẫn, thậm chí xung đột trong đánh giá. Điều dễ nhận thấy là, ai cũng có một thời từng là thanh niên, đã trải nghiệm đời sống thanh niên, đã đi qua tuổi thanh niên, vậy mà vẫn tồn tại tình trạng người nhiều tuổi hơn thanh niên không hiểu thanh niên, đánh giá sai thanh niên và đã ứng xử với thanh niên không đúng, không thuyết phục và ít cảm hóa được thanh niên, thậm chí lại còn xa cách thanh niên và cũng không được thanh niên tán thành. Đây là một trở ngại phải vượt qua bằng nỗ lực nhận thức, đổi mới nhận thức về thanh niên. Bản thân thanh niên cũng phải tự nỗ lực, tự đổi mới chính mình, đổi mới cả tổ chức và hoạt động của mình cho phù hợp với đòi hỏi mới của thực tiễn.
Vậy, thanh niên và nhân cách thanh niên đang đòi hỏi chúng ta phải nhận thức và ứng xử như thế nào?
Thứ nhất, về đặc điểm của thanh niên
Những người trẻ tuổi được gọi là thanh niên hiện được xã hội quy ước từ 15 đến 30 tuổi. Người xưa đã khái quát rất đúng rằng “tam thập nhi lập” (30 tuổi vào đời lập thân, lập nghiệp). Có thể nói, khoảng thời gian của tuổi trẻ trong đời là rất ngắn. Ngắn nhưng vô cùng quan trọng và hệ trọng. Đây là bước khởi đầu của sự trưởng thành. Tùy thuộc định hướng giá trị và lựa chọn lối sống, lẽ sống đúng hay sai mà tuổi trẻ có thể làm nên sự nghiệp, đóng góp hữu ích cho xã hội, phát huy được tài năng và phẩm giá; ngược lại, cũng có thể chệch hướng, lạc đường, thậm chí hư hỏng, tự đánh mất nhân cách của mình.
Bởi vậy, giáo dục lý tưởng sống và trau dồi đạo đức, nhân cách cho thanh niên là vấn đề hàng đầu được các nhà giáo dục quan tâm. Đây là trách nhiệm của cả xã hội. Bản thân thanh niên cũng rất cần phải tự ý thức được điều hệ trọng ấy và xã hội phải tạo ra môi trường và điều kiện giúp cho tuổi trẻ sống có lý tưởng, thực hiện được khát vọng, hoài bão của mình.
Một trong những đặc điểm nổi bật của tuổi trẻ là sự dồi dào các tiềm năng để phát triển, từ thể chất đến trí tuệ, luôn vươn tới cái mới, nhạy cảm và dễ thích ứng với đổi mới, có nhu cầu phong phú về tinh thần, văn hóa tinh thần; cũng do đó, tuổi trẻ gắn liền với đức tin và niềm tin, dễ phục thiện và noi gương những hình mẫu nhân cách mà họ ngưỡng mộ. Không có cơ hội nào tốt hơn, thuận lợi hơn như tuổi trẻ để tiếp nhận giáo dục về trí tuệ và đạo đức. Do đặc điểm ấy, đến với thanh niên cần có lòng chân thành, sự tin cậy, trách nhiệm và tình thương yêu với tinh thần của văn hóa khoan dung, của lòng nhân ái, vị tha. Ứng xử với thanh niên phải luôn thấm nhuần các chuẩn mực: dân chủ, bình đẳng, công bằng. Đó không chỉ là triết lý mà còn là tình cảm thể hiện các giá trị nhân bản, nhân đạo và nhân văn, chung đúc lại, đó là văn hóa. Văn hóa trong ứng xử với thanh niên đòi hỏi không chỉ sự hiểu biết đối tượng đặc biệt nhạy cảm này mà còn là sự tinh tế của phương pháp. Ở đó có tất cả sức mạnh thuyết phục, lôi cuốn, thu hút, thúc đẩy tuổi trẻ hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.
Thanh niên và những người trẻ tuổi đều rất nhạy cảm đối với thái độ hành vi ứng xử của những người xung quanh họ. Tuổi trẻ đang tự biểu hiện và tự khẳng định mình, đang bộc lộ cá tính để dần định hình là một cá nhân mang nhân cách. Cái tôi - cá thể có một bản ngã riêng, độc lập trong quá trình hình thành, có nhu cầu cao về lòng tự trọng và cần được người lớn tôn trọng. Tuổi trẻ, do đó rất dễ phản ứng trực diện, bột phát với những sự áp đặt, độc đoán. Tuổi trẻ là những người rất dễ bị tổn thương trước những đối xử bất công, không công bằng trong đánh giá, trong xử thế. Họ dễ tin và niềm tin của họ trong sáng, chân thành, hướng thiện, giàu cảm xúc. Cũng vì vậy, khi niềm tin bị đổ vỡ là lúc những người trẻ tuổi đau khổ, hoang mang, dễ mất phương hướng, có nguy cơ cao về khủng hoảng tinh thần. Do chưa từng trải, chưa có đủ kinh nghiệm và vốn sống, khi trực tiếp chứng kiến những gì xảy ra trong đời, trong quan hệ với con người trái ngược với những điều tốt đẹp mà họ tin yêu, hy vọng… thì tuổi trẻ rất dễ đau khổ, thất vọng. Trạng thái này ở họ thường là cảm xúc mạnh hơn lý trí và thái độ, hành vi phản ứng trở lại của họ mạnh mẽ một cách tự phát, trực tiếp, ít có khả năng kiềm chế. Nhược điểm đó, thật ra cũng từ ưu điểm riêng có ở lớp trẻ mà ra. Đó là sự thành thật của cảm tính, của trực cảm. Cùng với thời gian để trưởng thành, cuộc sống và sự từng trải sẽ mách bảo họ, dạy cho họ có khả năng kiềm chế và điều chỉnh.
Thứ hai, về sự hình thành nhân cách thanh niên
Tuổi trẻ là tuổi của tình bạn và tình yêu với những biểu hiện tốt lành: hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi, tiềm tàng đức tính vị tha, vị nghĩa, biết quên mình, biết hy sinh. Đó là nhân tính, sự lương thiện, tử tế và hào hiệp. Nuôi dưỡng và phát triển những mầm thiện như thế ở trẻ em và thanh niên cần đến sự dẫn dắt của nhà giáo dục và sự chăm sóc của cộng đồng xã hội.
Giáo dục và tự giáo dục là con đường và phương thức dẫn tới nhân cách. Giáo dục nhân cách cho thanh niên mà nền tảng là đạo đức, đó là công việc thu hút trí lực, tâm lực, cả nỗ lực lẫn tinh lực của xã hội, bắt đầu từ gia đình, cốt yếu ở nhà trường và thường xuyên của cộng đồng xã hội. Nhà giáo dục đóng vai trò nòng cốt, nêu gương đạo đức nhân cách của mình cho lớp trẻ noi theo.
Nhân cách là sự trưởng thành văn hóa của mỗi người. Tuổi thanh niên là tuổi mà nhân cách định hình, từ khuynh hướng, lý tưởng sống thông qua chọn nghề, lập nghiệp đến những giá trị, chuẩn mực của nhân cách mà đạo đức là gốc, là nền tảng, cho đến những giá trị làm nên ý nghĩa cuộc sống mà họ theo đuổi. Nhân cách hình thành qua hoạt động, qua các mối quan hệ mà cốt yếu là hoạt động lao động, trên cơ sở giáo dục - đào tạo chuyển hóa thành tự giáo dục, tự đào tạo. Thực chất của nhân cách là một quan hệ liên nhân cách, là tác động và ảnh hưởng giữa các chủ thể nhân cách.
C. Mác từng nói, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, cũng chính con người tác động trở lại hoàn cảnh, phải nhân đạo hóa hoàn cảnh, phải làm cho hoàn cảnh có tính người ngày càng nhiều hơn. Và, sự phong phú của mỗi cá nhân (nhân cách) tùy thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ hiện thực của nó. Bởi vậy, kết hợp cá thể hóa (khẳng định cá nhân) với xã hội hóa con người và đời sống của nó là quy luật hình thành nhân cách. Từ đây, có thể nói, phải bảo đảm tự do, dân chủ, công bằng để tạo ra nhân cách trung thực và sáng tạo. Không có những bảo đảm này, con người có thể “phân thân”, rơi vào biến dạng mà ta gọi là tha hóa, nó dẫn tới những giả nhân cách. Lại phải xây dựng môi trường lao động, môi trường văn hóa, đặt con người vào hoạt động lao động tự giác sáng tạo để có nhân cách lành mạnh.
Thứ ba, nhân cách thanh niên trong thời kỳ đổi mới
Thanh niên nước ta hiện nay là sản phẩm của đổi mới, là con đẻ của thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập. Hình thành và phát triển nhân cách của thanh niên Việt Nam hiện nay vừa có những thuận lợi vừa có những khó khăn, nói rộng hơn là có cả cơ hội lẫn thách thức. Dân tộc Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tạo nên truyền thống và bản sắc văn hóa. Anh hùng và nhân ái, vị tha và khoan dung, cố kết cộng đồng và thủy chung tình nghĩa - đó là những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, của phẩm giá Việt Nam. Tuổi trẻ được hấp thụ, nuôi dưỡng để lớn lên, thành người từ những ngọn nguồn như thế. Tuổi trẻ Việt Nam còn kế thừa từ các thế hệ thanh niên ông cha mình, cha anh mình qua những thăng trầm và thử thách lịch sử, những giá trị tinh hoa, ưu tú mọi thời đại; kết tinh, thăng hoa và tỏa sáng bởi tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh trong thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại là niềm tự hào, kiêu hãnh của các thế hệ Việt Nam thời hiện đại, trong đó có thế hệ thanh niên ngày nay. Di sản tinh thần thiêng liêng đó bảo đảm cho hành trang vào đời của tuổi trẻ Việt Nam là vô giá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế để phát triển và hiện đại hóa. Đó là bối cảnh mà cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển thanh niên. Đổi mới giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo, lại có lực đẩy của dân chủ hóa và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho lớp trẻ vừa thể hiện tài năng, sáng kiến, vừa nêu cao ý thức trách nhiệm và bản lĩnh của mình. Sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của thông tin và khoa học - công nghệ trong môi trường xã hội dân chủ, đoàn kết, đồng thuận đã đem lại cho tuổi trẻ những triển vọng tốt đẹp. Với thanh niên và với mọi người nói chung, thời gian ủng hộ nhưng thời gian không chờ đợi bất cứ ai. Lợi thế cũng như cơ hội đều là những khả năng tốt lành phải đón kịp và biến nó thành hiện thực. Khó khăn, thách thức là những nguy cơ phải vượt qua, không chỉ bằng đức tin và ý chí mà phải bằng trí tuệ, mưu lược, lòng dũng cảm và hành động sáng tạo. Kinh tế suy giảm, lạm phát gia tăng, thất nghiệp, nhất là tệ nạn tiêu cực, quan liêu tham nhũng, lòng tin suy giảm, xã hội tiềm ẩn những bất ổn cùng với những tình huống phức tạp trong đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ… Đó là những khó khăn, những thách thức và nguy cơ tác động trực tiếp vào sự hình thành nhân cách lớp trẻ.
Từ trong thực tiễn đổi mới, thế hệ trẻ được tôi luyện để trưởng thành, mang một diện mạo nhân cách xứng đáng của thế hệ đổi mới. Với chất lượng nhân cách xứng đáng của thanh niên, nguồn nhân lực trẻ Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy đổi mới phát triển, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa.
Xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam hiện nay - trách nhiệm của toàn xã hội và sự nỗ lực, chủ động của thanh niên
Đây là sự kết hợp nỗ lực và trách nhiệm từ hai phía: xã hội tác động vào thanh niên và thanh niên tự vươn lên, hoàn thiện bản thân mình.
Xã hội tác động những gì để hỗ trợ thanh niên phát triển và tác động như thế nào để chuyển yêu cầu phát triển mà xã hội đặt ra thành nhu cầu tự phát triển của thanh niên?
Một cách khái quát nhất, xã hội phải tạo lập những tiền đề và điều kiện cho sự phát triển thanh niên để xây dựng nhân cách thanh niên đáp ứng những đòi hỏi phát triển của xã hội, cũng như phát triển của bản thân thanh niên.
Xã hội nói ở đây, trước hết là Đảng và Nhà nước, là các bộ phận khác cấu thành hệ thống chính trị, là nhân dân và cộng đồng dân tộc, bắt đầu từ những tế bào của xã hội là gia đình, cho đến cả tập hợp thể chế và thiết chế, các lực lượng và nguồn lực. Cả hệ thống phải vận hành đồng bộ, cùng hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm để cùng đồng thuận trong giáo dục và thực hành đạo đức, trong xây dựng và hoàn thiện nhân cách thanh niên. Đào tạo bồi dưỡng thanh niên là sự chủ động chuẩn bị cho tương lai của dân tộc mà trong Di chúc, Hồ Chí Minh xác định là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Trước hết, phải phát triển sản xuất và kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho lớp trẻ, bởi không có việc làm, không lao động thì không có cơ sở cho sự hình thành nhân cách.
Đây là điều kiện thiết thực nhất đối với lớp thanh niên đã được trang bị học vấn và đào tạo nghề, đang ở trong độ tuổi lao động.
Một lực lượng đông đảo thanh niên đang trên ghế nhà trường, từ trung học phổ thông tới cao đẳng, đại học và các trường dạy nghề, cần phải thực hiện cải cách mạnh mẽ, căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, chú trọng không chỉ nền tảng tri thức khoa học mà còn phải trau dồi phương pháp khoa học để thanh niên có năng lực tư duy sáng tạo. Giáo dục phương pháp thực chất là giáo dục nhân cách. Cần phải làm cho thanh niên có nhu cầu học tập, hướng đích dạy chữ, dạy nghề để dạy người. Phải thực học để thực nghiệp, thực học để có thực lực và thực tài. Ham học, ham làm, ham tiến bộ, ham làm việc lớn, ích quốc lợi dân chứ không ham làm quan to. Đó là chỉ dẫn định hướng giá trị thanh niên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Giáo dục toàn diện, gắn với thực tiễn sản xuất và thực tiễn xã hội, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành theo phương châm và phong cách Hồ Chí Minh. Dân chủ hóa đời sống học đường, lấy người học là trung tâm và người dạy đóng vai trò chủ đạo. Rèn trí thông minh sáng tạo và hình thành năng lực độc lập, chủ động chứ không thụ động, ỷ lại. Đó là đòi hỏi của nhân cách mà thanh niên phải đáp ứng, khi biết tự ý thức để trau đồi nhân cách. Có biết tự giáo dục, tự đào tạo thì mới có thể phát triển.
Phải đặc biệt quan tâm tới trình độ, chất lượng và nhân cách của đội ngũ nhà giáo, trong đó số đông là các nhà giáo trẻ. Để xây dựng nhân cách thanh niên phải xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực của con người Việt Nam, phải nêu cao tính gương mẫu, thúc đẩy thanh niên theo những mẫu nhân cách điển hình để xác định mục đích và động cơ, lẽ sống và lối sống. Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy và Người còn nhấn mạnh, lãnh đạo bằng sự gương mẫu, đó là cách lãnh đạo tốt nhất.
Phải chú trọng kết hợp các yêu cầu dân chủ hóa, khoa học hóa, nhân đạo và nhân văn hóa giáo dục trong cải cách giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, lập lại trật tự kỷ cương “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời căn dặn. Đó không chỉ là kỷ cương mà còn tạo ra môi trường văn hóa trong giáo dục để xây dựng nhân cách sinh viên.
Giáo dục đạo đức nhân cách và trau dồi kỹ năng sống cho thanh niên sinh viên là điều không thể thiếu, không thể yếu ở trong tập thể sư phạm nhà trường, trong đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học.
Xác lập và thực hiện những chính sách, cơ chế tạo động lực cho giáo dục - đào tạo phát triển, xứng với tầm quốc sách hàng đầu, làm cho mỗi nhà giáo tận tâm tận lực, tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”.
Thanh niên và các tổ chức của thanh niên có thể và cần phải thúc đẩy đổi mới tư duy, khắc phục bệnh giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, xây dựng tư duy khoa học, phong cách và lối sống công nghiệp, hướng tới các giá trị của xã hội hiện đại văn minh; chú trọng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà trước hết là học tập và làm theo tư tưởng, phương pháp, phong cách của Người. Đó là niềm tin khoa học đối với chủ nghĩa xã hội, với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã lựa chọn, đã kiên định đến suốt đời. Đó là thực hành đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, toàn tâm toàn ý vì dân vì nước, đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân - giặc nội xâm nguy hiểm nhất. Đó cũng là dũng khí và bản lĩnh “giữ chủ nghĩa cho vững”, “ít lòng ham muốn về vật chất”, “không màng danh lợi”, “tuyệt đối đứng ngoài vòng danh lợi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Thanh niên học và làm theo Bác về mục đích, động cơ, lẽ sống, về nghị lực phi thường vượt qua mọi khó khăn thử thách, đó còn là bài học vì dân, gần dân, thương dân, thấu hiểu cuộc sống của dân, thấu cảm nguyện vọng, khát vọng của dân để làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, suốt đời ở đời thì phải thân dân, suốt đời làm người thì phải chính tâm. Do đó trọng dân để có đạo đức, trọng pháp để có dân chủ, để vì dân chứ không vì mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là trí tuệ và nhân cách lớn, cho thanh niên, sinh viên noi theo. Nội dung chính yếu của học tập, rèn luyện nhân cách thanh niên là như vậy. Nhân cách thanh niên theo đó, phải hướng tới nhân cách văn hóa, văn hóa nhân cách theo tư tưởng, phương pháp, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Thanh niên biết tự rèn luyện nhân cách - điều đó tự nó đã là một dấu hiệu quan trọng về nhân cách thanh niên trưởng thành, sâu xa là rèn luyện trí tuệ, đạo đức, nhân cách theo gương sáng Hồ Chí Minh./.
Theo lao chưa thể dừng  (31/03/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 24 đến ngày 30-3-2014  (31/03/2014)
Hội thảo khoa học quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra  (31/03/2014)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp GS. Thomas Vallely  (31/03/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên