Quán triệt những quan điểm mới trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng
TCCSĐT- Những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong 25 năm đổi mới vừa qua là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, trải nghiệm và đổi mới tư duy của Đảng trên mọi lĩnh vực, trong đó có đổi mới tư duy đối ngoại. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đại hội XI của Đảng (1-2011) đã có những phát triển quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại.
Một số nét mới trong đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được Đại hội XI của Đảng thông qua là chuyển từ chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sang "chủ động tích cực hội nhập quốc tế"(1); "triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại"(2), "phối hợp hoạt động đối ngoại của Đảng; ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá, giữa đối ngoại với quốc phòng an ninh"(3).
Có thể hiểu những nét mới này trên một số nội dung chính sau:
1. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
Nếu như ở Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta đưa ra chủ trương "chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực"(4), thì đến Đại hội X (năm 2006), Đảng đã bổ sung thêm: "Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác"(5). Tại Đại hội XI vừa qua, trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ, Đảng ta đã phát triển quan điểm này thành: "Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế".
Quan điểm mới này này đã thể hiện bước đi và lộ trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới. Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường. Trong tiến trình đó, Việt Nam đặt ưu tiên cao và trước tiên cho việc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hoạt động mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hoá thị trường, tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiến cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và ngày càng hiệu quả vào các tổ chức quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc; Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Có thể nói, ngoại giao đa phương là một điểm sáng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới. Kết quả đạt được từ những nỗ lực ngoại giao đã củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; giữ vững an ninh; tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở vị thế quốc tế đạt được trong những năm qua, chủ động hội nhập quốc tế trong những năm tới cần được hiểu trên những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất: Chủ động triển khai các hoạt động hội nhập mạnh mẽ, toàn diện hơn, phát huy tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng vị thế quốc tế của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Thứ hai: Chủ động cùng các nước đối tác triển khai mạnh mẽ và hoàn thiện các khuôn khổ quan hệ, nhất là với các đối tác hàng đầu, có tầm chiến lược hoặc có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam, nhằm đưa các khuôn khổ quan hệ này đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững trong thập niên tiếp theo của thế kỷ XXI.
Thứ ba: chủ động tìm kiếm các biện pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong công tác đối ngoại thời gian qua; chủ động tìm kiếm các cơ chế phối hợp một cách chặt chẽ và hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và doanh nghiệp trong quản lý và triển khai các hoạt động đối ngoại.
Thứ tư: "Chủ động kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam"(6).
Tích cực hội nhập quốc tế được hiểu trên những nội dung sau:
Một là: Tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp thúc đẩy giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại về biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng trên tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì cục diện quan hệ ổn định với các nước liên quan, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Hai là: Tích cực huy động và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ chiến lược tăng trưởng mới, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Ba là: Tích cực rà soát, đôn đốc đàm phán và triển khai các thoả thuận đã ký với các đối tác. Tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu, thông tin, dự báo, theo sát các diễn biến của tình hình quốc tế và khu vực, nắm bắt kịp thời các vấn đề phát sinh để có những kiến nghị, đối sách sâu sắc và kịp thời.
Bốn là: "Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền"(7).
Phù hợp với xu thế chung của thế giới hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam bước vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, với quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững của đất nước là sự nghiệp, ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc Việt Nam trong những thập niên tiếp theo.
2. Triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại
Trong quá trình đổi mới, phát triển của đất nước, vai trò của ngoại giao Việt Nam ngày càng được nâng cao, không chỉ về chính trị đối ngoại, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực kinh tế đối ngoại, văn hoá đối ngoại... tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, đi lên. Công tác đối ngoại cần được triển khai đồng bộ, toàn diện, gắn bó chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng, Quốc hội, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với các ngành, các cấp, các địa phương, đặc biệt là giữa ngoại giao, quốc phòng và an ninh.
Trong thời gian tới, chúng ta cần phát huy hơn nữa thế mạnh của mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện tại khắp 5 châu lục trong việc tích cực đóng góp, tham mưu cho Chính phủ về những chủ trương, quyết sách hội nhập quốc tế. Việt Nam cần triển khai chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2020, trên cơ sở gắn chặt với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, giữa đối ngoại chính trị với quốc phòng, an ninh. Tiếp tục phát huy những thành tựu quan trọng của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; hoàn thiện và triển khai tốt các chính sách đối với kiều bào; hỗ trợ kiều bào hội nhập sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc, mở rộng các hoạt động tập hợp vận động kiều bào hướng về đất nước.
"Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý của tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá; giữa đối ngoại với quốc phòng an ninh"(8) là quan điểm nhất quán của Đảng ta đối với công tác quản lý, phối hợp các hoạt động đối ngoại.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, cùng với ngoại giao Nhà nước, đối ngoại của Đảng được triển khai tích cực và hiệu quả, nhằm củng cố quan hệ đoàn kết, hợp tác với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các chính đảng và đảng cầm quyền, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và pháy triển.
Phát huy những thành tựu vừa đạt được trong năm 2010 trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), đối ngoại Quốc hội của Việt Nam cần tích cực chủ động hơn nữa, cùng ngoại giao nhân dân hỗ trợ đắc lực cho các kênh ngoại giao chính thức nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế.
Quán triệt sâu sắc những quan điểm mới về đối ngoại của Đảng được Đại hội XI thông qua là cơ sở để Bộ Ngoại giao, các ban, ngành làm công tác đối ngoại, các cơ quan ngoại vụ địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại... nghiên cứu triển khai các trọng tâm đối ngoại trong thời gian tới đưa Việt Nam hội nhập quốc tế thành công./.
(2) Văn kiện đã dẫn, tr 235
(3) Văn kiện đã dẫn, tr 238
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 43
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 112
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr 237
(7) Văn kiện đã dẫn, tr 237
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr 238
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thứ trưởng Ngoại giao LB Nga  (26/04/2011)
Hội nghị cán bộ chủ chốt khu vực phía Nam triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (26/04/2011)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 162 (8-4-2011)  (26/04/2011)
Hội nghị cán bộ chủ chốt khu vực phía Nam triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (26/04/2011)
ADB: Giá dầu và lương thực còn tăng cao hết năm 2011  (26/04/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay