TCCSĐT - Ngày 26-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo, trong đó, nêu rõ việc giá lương thực toàn cầu leo thang, đặc biệt với mức tăng kỷ lục trong 2 tháng đầu năm 2011, việc tăng giá lương thực này đang một lần nữa đe dọa đẩy hàng triệu người dân ở các nước châu Á đang phát triển vào cảnh cùng cực.

Trong báo cáo có tên "Lạm phát giá lương thực toàn cầu và châu Á đang phát triển", ADB cho rằng việc giá nhiều mặt hàng lương thực chủ yếu ở nhiều nước châu Á tăng nhanh và kéo dài kể từ giữa năm 2010, cộng với giá dầu thô hồi tháng 3 đạt mức tăng cao nhất trong vòng 31 tháng qua, đang tạo ra bước thụt lùi nghiêm trọng cho khu vực vốn phục hồi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông Chang-yong Rhee, Trưởng Ban Kinh tế của ADB, cho biết: “Đối với những gia đình nghèo ở các nước châu Á đang phát triển, những người hiện đã dành hơn 60% thu nhập của mình cho lương thực, giá lương thực tăng cao sẽ càng làm giảm khả năng chi trả của họ cho các dịch vụ y tế và giáo dục. Nếu như không được kiểm soát, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ xói mòn những thành quả giảm đói nghèo mà châu Á đã đạt được trong thời gian gần đây.”

Theo ADB, lạm phát giá lương thực nội địa tại nhiều nền kinh tế châu Á đã ở mức 10% đầu năm 2011. Trong khi đó, theo nghiên cứu của ADB, mức tăng 10% giá lương thực nội địa tại khu vực châu Á đang phát triển, với số dân 3,3 tỉ người, có thể đẩy thêm 64 triệu người vào tình cảnh khốn cùng, với mức thu nhập 1,25 USD/ngày. Nếu giá lương thực và dầu mỏ thế giới tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2011, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á có thể giảm 1,5%.

Theo báo cáo trên, sản lượng giảm sút do các nguyên nhân như thời tiết xấu, đồng USD yếu, giá dầu cao hay việc nhiều nước cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực chủ chốt, là nguyên nhân khiến giá cả leo thang kể từ tháng 6-2010, trong đó giá nhiều mặt hàng tăng ở mức 2 con số như lúa mì, ngũ cốc, đường, dầu ăn, các sản phẩm sữa và thịt. Giá cả tiếp tục leo thang còn do hiệu ứng của hiện tượng thời tiết La Nina kéo dài.

Để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng, theo Tiến sỹ Rhee, điều quan trọng là các nước cần kiềm chế việc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực, đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Các nỗ lực để ổn định sản xuất cần được chú trọng với việc đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp để nâng cao sản lượng lương thực và mở rộng hệ thống kho chứa, bảo đảm rằng lương thực sản xuất ra không bị lãng phí.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng cần phải làm dịu bớt các hoạt động đầu cơ trên thị trường lương thực. Báo cáo kiến nghị cần tăng cường sự thống nhất của thị trường và xóa bỏ các biến dạng chính sách đang tạo ra rào cản trong việc lưu chuyển lương thực từ các khu vực dư thừa đến các khu vực thiếu hụt.

ADB cho biết chính phủ các nước châu Á đã áp dụng nhiều biện pháp ngắn hạn nhằm giảm bớt tình trạng lạm phát giá lương thực, trong đó có việc bình ổn giá cả. Tuy nhiên, theo ADB, nhu cầu lương thực gia tăng từ khu vực châu Á đang phát triển và năng suất thấp buộc các nhà hoạch định chính sách cần tập trung cho các giải pháp dài hạn nhằm ngặn ngừa một cuộc khủng hoảng trong tương lai./.