Lễ hội Đất Tổ Hùng Vương trong đời sống cộng đồng
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc, và lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn nhất cả nước. Ý nghĩa tâm linh trẩy hội về đền Hùng ăn sâu vào nếp nghĩ và sinh hoạt trong đời sống tinh thần người Việt. Đây chính là cội nguồn thiêng liêng, nơi khơi dậy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tìm lại vùng đất Phú Thọ và lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương xưa
Phú Thọ, vùng đất Phong Châu là cố đô thời kỳ Hùng Vương. Phú Thọ có vị trí địa lý đặc biệt, nơi hội lưu 3 dòng sông lớn: sông Thao, sông Lô, sông Hồng, tạo ra mạng lưới giao thông thuận lợi, làm gia tăng mối giao lưu kinh tế - văn hóa nhộn nhịp giữa các vùng.
Phú Thọ cũng là nơi hội tụ 2 dãy núi lớn: Tam Đảo, Ba Vì, tạo thành thế dựa vững chắc cho cư dân địa phương trước thiên tai địch họa. Theo dân gian, nơi ngã ba Bạch Hạc của vùng đất Phong Châu xưa có 3 ngọn núi cấm thiêng liêng, “tam đỉnh cấm sơn” gồm: núi Hùng (tên cổ gọi là núi Cả), núi Vặn và núi Nòn (còn gọi là núi Trọc hay núi Út) đứng theo hàng dọc Nam - Bắc, được nhân dân thần thánh hóa thành các vị thần và thờ phụng.
Từ rất sớm, cư dân Việt cổ đã sinh sống trên mảnh đất này. Phú Thọ chứa trong nó nền văn hóa Sơn Vi (cách ngày nay 10 - 20 ngàn năm). Bề dày lịch sử và văn hóa đã mang đến cho Phú Thọ nhiều lễ hội dân gian cùng với những tục cổ trong sinh hoạt hằng ngày của người Việt. Lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của xã hội. Nội dung lễ hội hàm chứa khát vọng cụ thể cũng như những cầu mong về tâm linh, vừa trần tục lại vừa thiêng liêng của cộng đồng dân cư nông nghiệp.
Lễ hội đền Hùng xưa, nhà nước phong kiến tiến hành tế lễ (quốc lễ) vào ngày 13-3 âm lịch, là ngày giỗ của Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương). Lễ hội cứ 5 năm một lần vào năm chẵn gọi là hội chính. Từ tháng giêng, người ta đã treo lá cờ thần lên đỉnh núi Nòn, báo cho đồng bào xa gần biết. Phẩm vật tế lễ do dân Trung Nghĩa (Làng Hy Cương, Chu Hóa) phải lo, gọi là dân trưởng tạo lễ. Vì là dân sở tại nên triều đình giao cho nhiệm vụ trông nom đền miếu và phục vụ ngày giỗ Tổ, đồng thời được miễn khoản sưu thuế phu phen, được cấp thêm chi phí lấy từ thuế điền thổ của hạt Sơn Hùng Tuyên. Sau khi đã tiến hành quốc tế thì đến lượt các làng xung quanh đền Hùng tế lễ.
Các cuộc hành lễ của làng xã đã tạo nên sự xúc động tâm linh mạnh mẽ hướng về cội nguồn. Có khoảng 40 làng rước kiệu từ đình làng mình tới chầu, tất cả đều đặt ở chân núi để thi giải, kiệu nào nhất được rước lên đền Thượng thay mặt cả đoàn kiệu đứng tế Tổ. Đây là một hoạt động tín ngưỡng rất tôn nghiêm và nô nức.
Đám rước được tổ chức hết sức công phu, gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Kiệu được sơn son thiếp vàng, đục chạm tinh vi, thân là hình hai con rồng dài gần 4m do 16 người khiêng. Cỗ đi đầu, bày hương, hoa, đèn nến, trầu cau, bình nước và nậm rượu; cỗ thứ hai, rước khang án bài vị thánh có lọng che; cỗ thứ ba rước đầy bánh chưng, thịt lợn. Đi trước nhất là viên quan dịch cầm loa báo cho nhân dân hai bên đường và khách bộ hành biết trước cỗ kiệu sắp tới để họ nghênh xem. Tiếp đến là phường chèo, vừa đi vừa hát gọi là phường chèo gióng đường, sau đó là trống nện theo nhịp. Dịch loa, phường chèo và chiêng trống có thể xem là một ê kíp tiền trạm. Ê kíp chính của đám rước gồm người vác lá cờ thần dẫn đầu, 8 người vác cờ đuôi nheo, 8 người vác bát bửu. Ông chủ tế mặc áo hoàng bào thụng kiểu nhà vua đi trước, các quan viên chia nhau đi trước và sau kiệu, kiệu nhang án có phường bát âm tấu nhạc đi hai bên. Trừ phường bát âm mặc thường phục cổ (quần trắng, áo the, khăn xếp), còn các quan viên rước kiệu đều ăn mặc theo lối quan văn võ trong triều.
Triều Lê, Nguyễn không chỉ quan tâm đến việc cúng tế mà còn luôn chú ý gìn giữ, tôn tạo đền Hùng. Năm 1789, triều đình miễn trừ thuế khóa cho nhân dân quanh vùng để chuyên lo đèn nhang thờ phụng các Vua Hùng. Dưới thời Nguyễn, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo, mở mang các đền Thượng, Hạ, Trung, đền Giếng; chùa, gác chuông chùa Thiên Quang giao cho dân sở tại tu sửa. Các vua Nguyễn theo lệ, cứ 5 năm (vào những năm chẵn 5, chẵn 10), nhà nước đứng ra tổ chức lễ hội giỗ Tổ tại đền Hùng, những năm lẻ địa phương đăng cai tổ chức. Khuôn viên của lễ hội là những vùng xung quanh núi Hùng, thời gian trong 3 ngày.
Từ năm Khải Định thứ II (1917), Quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc xin Bộ Lễ ấn định ngày quốc lễ vào mồng 10 tháng 3 âm lịch (trước ngày húy của Vua Hùng một ngày). Các thủ tục dâng lễ tấu sớ được tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của lễ giáo phong kiến. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm trong các ngôi đền, chùa trên núi Hùng, phần hội được diễn ra xung quanh khu vực đền và dưới chân núi, trong hội có nhiều trò diễn dân gian như đu quay, đấu vật, trọi gà, cờ tướng, thổi cơm thi…
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày nay
Ngày nay, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Vào những năm chẵn 0: Nhà nước đứng ra tổ chức, năm lẻ 5: Bộ Văn hóa - Thông tin, các năm khác do địa phương tổ chức. Trong phần lễ, nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu được tiến hành long trọng tại đền Thượng. Phần hội vẫn diễn ra tưng bừng, náo nhiệt quanh chân núi Hùng. Các hình thức văn hóa truyền thống và hiện đại được tổ chức đan xen nhau, nổi bật là những trò chơi văn hóa dân gian, tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống…
Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ Hùng Vương ngày nay vẫn mang nét chung của hội làng vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời nổi bật với những sắc thái văn hóa riêng vùng đất Phong Châu với các tục cổ đặc thù. Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ còn được phân loại thành: lễ hội tiền nông nghiệp (săn bắt, bắt cá…), lễ hội nông nghiệp (cầu mùa, cầu mưa, các phong tục: tục rước mạ, trò đúc tượng, khấn vía lúa, tục gọi gạo…), lễ hội thờ các anh hùng (tín ngưỡng thành hoàng, anh hùng lịch sử, anh hùng văn hóa…).
Lễ hội truyền thống vùng đất Tổ được tổ chức không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt lễ hội và phục hồi các di tích tôn giáo, cân bằng đời sống tâm linh của nhân dân; đáp ứng nhu cầu về giải trí, du lịch của nhân dân cả nước và du khách nước ngoài; là cơ hội để phát huy những giá trị văn hóa của Phú Thọ như nghề thủ công, đặc sản, trò diễn, trò chơi, ẩm thực, mà sâu xa hơn, nó chính là nơi hội tụ, khơi dậy và nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc của đồng bào cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc.
Với ý nghĩa cao đẹp đó, để xứng đáng với tầm vóc một quốc lễ tiêu biểu nhất, việc tổ chức lễ hội cần gắn bó chặt chẽ với công tác quản lý, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; coi trọng việc giáo dục người dân về cội nguồn dân tộc, ý thức “uống nước nhớ nguồn”. Quần thể di tích đền Hùng cần được mở mang, đồng thời phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch. Đặc biệt, cần xây dựng nội dung lễ hội ngày càng phong phú và đặc sắc để cuốn hút khách thập phương. Việc tổ chức lễ hội giàu giá trị và hấp dẫn không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có tác dụng như một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Phú Thọ cũng như của cả nước.
“Xây” và “Chống” trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (25/04/2007)
Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư (khóa IX) về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  (24/04/2007)
Chính sách mới trên các số công báo từ ngày 1-3-2007 đến ngày 18-3-2007  (24/04/2007)
Khách quốc tế đến Việt Nam  (23/04/2007)
Công tác xóa đói, giảm nghèo  (23/04/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển