Ngày 18-4-2007, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Ðảng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư (khóa IX) về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Dự hội nghị có lãnh đạo các ban của Ðảng, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, thành ủy, Giám đốc Sở Tư pháp của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện 15 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, phổ biến pháp luật. Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: “trong những năm qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều văn kiện của Ðảng đã thể hiện rõ vấn đề này. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là rất quan trọng, là nội dung cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng điều quan trọng hơn, đó là pháp luật phải đi vào cuộc sống, phải được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội. Ðể pháp luật luôn được mọi công dân tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh, việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật phải là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; việc phổ biến, giáo dục pháp luật cần được xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài”... “Sau ba năm thực hiện Chỉ thị, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực hơn so với trước đây. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác này đang còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu đã đề ra. Vì vậy, hội nghị cần đánh giá đúng mức những kết quả đã làm được, đồng thời cũng cần chỉ ra đầy đủ những yếu kém và nguyên nhân; từ đó xác định cụ thể nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác này trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng”.

Báo cáo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX và các tham luận tại hội nghị đã làm rõ các vấn đề sau:

1. Về kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 32 (2003-2006).

Chỉ thị 32 đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tích cực triển khai, trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, thể hiện cụ thể trên các mặt: tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị; xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện; kiện toàn tổ chức và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng nội dung pháp luật cần được tuyên truyền và đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường tiềm lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật.

2. Về những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân.

Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, cần khắc phục như: nhận thức của một số cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đầy đủ, thậm chí còn xem nhẹ công tác này; chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chưa đồng đều, có nơi chưa về đến cơ sở; hình thức tuyên truyền chưa theo kịp thực tiễn...

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm là: một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng chưa thực sự quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác tham mưu của cơ quan tư pháp và cơ quan chuyên môn của cấp ủy, chính quyền nhiều khi chưa chủ động, chưa thường xuyên, kịp thời; công tác tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp chậm đổi mới; việc đầu tư của Nhà nước cho công tác này nhất là đối với cấp cơ sở về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, chế độ chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên...còn hạn chế. Mặt khác, hiện có nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình kế hoạch của Nhà nước cần triển khai; hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ; thể chế cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn bất cập; tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chặt chẽ, ý thức công dân trong chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế.

3. Về những kinh nghiệm bước đầu.

Từ thực tiễn thực hiện Chỉ thị 32, Hội nghị rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu là: nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên là điều kiện tiên quyết để công tác này đạt hiệu quả; xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sử dụng các công cụ pháp lý để đưa Chỉ thị vào cuộc sống là yếu tố quan trọng; sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hết sức cần thiết, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan chuyên môn và chức năng đầu mối tư pháp các cấp trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện.

4. Phương hướng, nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Sau khi xác định phương hướng và nhiệm vụ cơ bản, Hội nghị xác định 5 giải pháp chủ yếu:

- Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Các cơ quan có liên quan cần sớm tổ chức nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao hơn về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tăng cường tiềm lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật quốc gia và mạng lưới thông tin pháp luật.

- Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, gắn kết với nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chú trọng tuyên truyền gương điển hình “người tốt, việc tốt”, lấy việc tốt để loại bỏ việc xấu, lấy người tốt để cảm hóa người chưa tốt.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, thanh tra, kiểm tra của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, đề cao kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng...

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị; xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là bộ phận quan trọng trong hoạt động lãnh đạo chung. Tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động làm tốt công tác này trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.