Đánh giá kinh tế nước ta năm 2012 qua các sự kiện tiêu biểu
Tái cơ cấu nền kinh tế - những chuyển biến bước đầu.
Nhận thức rõ những yếu kém nội tại của nền kinh tế nước ta, Đại hội XI của Đảng đã xác định phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững và đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là định hướng tổng quát của phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020. Hội nghị Trung ương 3 khoá XI đã quyết định các nội dung cơ bản tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung ưu tiên tái cơ cấu 3 lĩnh vực quan trọng nhất: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; và cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.
Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI đã ban hành Kết luận về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” và quyết định việc thành lập lại Ban Kinh tế Trung ương.
Kết luận về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” nêu rõ, đây là vấn đề lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hội nghị Trung ương 3 khóa IX đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã nhiều lần nghe báo cáo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nghị quyết Đại hội XI xác định rõ hơn một bước về vai trò kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Hội nghị Trung ương 6 khóa XI tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, kinh doanh ngoài ngành, thua lỗ, thất thoát; những lúng túng, bất cập trong mô hình quản lý doanh nghiệp cũng như quản lý vốn, tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý, kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, lĩnh vực độc quyền tự nhiên, các hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu,…; tiếp tục cổ phần hóa, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động; thực hiện hạch toán theo cơ chế thị trường, theo các đơn đặt hàng của Nhà nước; tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ nhân sự, nhất là nhân sự lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu, tiến tới hình thành cơ quan cấp bộ, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước… Hội nghị Trung ương 6 đã quyết định tái lập lại Ban Kinh tế Trung ương với nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng trong việc xem xét quyết định những vấn đề chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đổi mới mô hình, tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp nhà nước, dừng thí điểm mô hình tập đoàn của một số tổng công ty nhà nước, Chính phủ đã triển khai các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đầu tư công…
Trong khi động lực tăng trưởng theo chiều rộng của nền kinh tế đang giảm và yếu dần (các yếu tố của mô hình trưởng theo chiều rộng là gia tăng quy mô vốn đầu tư và lao động đã đến mức tới hạn; động lực tăng trưởng phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, gia tăng số lượng lao động... đã yếu đi và đang giảm dần) thì các động lực của tăng trưởng theo chiều sâu (gồm năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực) chưa được cải thiện đáng kể để bù đắp những thiếu hụt của tăng trưởng theo chiều rộng. Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế đang giảm và bản thân nền kinh tế nước ta hiện nay không còn khả năng duy trì mức tăng trưởng cao như những năm trước đây. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, bảo đảm động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.
GDP tăng trưởng 5,03%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 5,03% so với năm 2011, trong đó quý I tăng 4,64%; quý II tăng 4,80%; quý III tăng 5,05%; quý IV tăng 5,44%. Trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, đóng góp 1,89 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,42%, đóng góp 2,70 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là kinh tế các nước OECD đang gặp nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, kinh tế các nước khu vực đồng ơ-rô “chao đảo” và có nguy cơ rạn nứt vì nợ công và suy giảm liên tục thì mức phát triển của nước ta có thể xem là khả quan. Kinh tế thế giới trải qua những thăng trầm lớn, mà năm 2012 đánh dấu tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại thấp nhất như một điểm “trũng” trong ba năm gần đây: Tăng trưởng kinh tế thế giới theo Ngân hàng Thế giới đã liên tục giảm từ mức 3,9% (năm 2010), xuống 2,7% (năm 2011) và chỉ còn 2,3% (ước tính năm 2012); trong khi thương mại toàn cầu cũng giảm tăng trưởng từ 13% (năm 2010), xuống 6,1% (năm 2011) và 3,6% (ước tính năm 2012). Luồng vốn tới các nền kinh tế cũng liên tục giảm trong ba năm qua. Kinh tế Trung Quốc cũng giảm mức tăng trưởng chỉ còn khoảng 7,7% (năm 2012) từ mức trên 10% liên tục hàng mấy chục năm qua. Các dự báo kinh tế của các tổ chức tài chính quốc tế năm 2012 liên tục phải cập nhật, mà chủ yếu là giảm các dự báo theo hướng xấu đi.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phát triển. Tiềm năng tăng trưởng cả theo chiều rộng và bề sâu còn rất lớn. Nếu so sánh với mục tiêu tăng trưởng kế hoạch từ đầu năm (6,0 - 6,5%) hay mục tiêu đã được điều chỉnh (5,5%) hoặc so sánh với mức tăng trưởng của những nước xung quanh, có điều kiện, trình độ phát triển tương đương hoặc gần với nước ta như Trung Quốc ước tính đạt 7,9%, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a ước đạt 6,3%, Phi-líp-pin ước đạt trên 6,0%,… thì mức tăng trưởng 5,03% là điều cần phải xem xét, đánh giá lại từ cơ chế, chính sách, môi trường sản xuất - kinh doanh đến việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Kiềm chế lạm phát ở mức 6,81%
Nhìn lại năm 2012, CPI tháng 12 tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011 nhưng là năm giá có nhiều biến động bất thường. CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1,0% vào tháng Một và tăng 1,37% vào tháng Hai) nhưng tăng cao nhất vào tháng Chín với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm, điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.
Khi lạm phát của năm 2011 cao đến 18%, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực thì thấy nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô của năm 2012 là nhiệm vụ ưu tiên. Thực hiện nhiệm vụ mà Quốc hội đề ra, Chính phủ đã kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Liên tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh công tác điều hành, sau Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Nhờ vậy đã từng bước giảm dần mức lạm phát còn cao trong những tháng đầu năm, xuống các mức thấp hơn những tháng cuối năm.
Chính phủ đã kiên trì thi hành hàng loạt giải pháp để bảo đảm giảm mạnh tỷ lệ lạm phát qua từng tháng, nhất là chú trọng đến giá lương thực, thực phẩm và giá năng lượng. Nhờ sự phát triển khá tốt của sản xuất lương thực, điều hòa khá tốt thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như điều tiết cung cầu trong nước khá tốt nên chỉ số CPI đạt 6,81%, một mức khá thấp ngay trong điều kiện chăn nuôi giảm sút đã giảm, nhất là trong những tháng cuối năm. Giá cả các mặt hàng lương thực tăng thấp là 3,26% còn thực phẩm chỉ tăng 8,14% khi chăn nuôi sụt giảm, thấp hơn hẳn mức giá tương ứng 22,82% và 29,34% của năm 2011.
Chỉ số CPI 6,81% có thể coi là “điểm sáng” trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2012. Tuy nhiên, cần nhìn nhận kết quả này một cách biện chứng, khách quan. Thứ nhất, kết quả này đạt được như mục tiêu mà Quốc hội đề ra (Quốc hội đề ra mức tăng CPI ở mức một con số), nhưng diễn biến chỉ số CPI trong năm không đồng đều, chưa theo một xu hướng bền vững. Trong năm, vẫn còn những biến động giá cả gây tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai, về mối quan hệ giữa chỉ số CPI và chỉ số tăng trưởng GDP. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, hai chỉ số này liên quan mật thiết với nhau. Việc áp dụng những biện pháp kiềm chế tốc độ CPI có hệ quả phụ ở mức độ lớn hay nhỏ kiềm chế tăng trưởng GDP. Với những nền kinh tế đang phát triển như nước ta, việc duy trì mức tăng CPI “hợp lý” sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng GDP mà vẫn đảm bảo yêu cầu ổn định an sinh xã hội. Đạt được mức tăng CPI khá thấp trong khi không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra yêu cầu đối với điều hành kinh tế vĩ mô trong việc phản ứng nhanh nhạy với các tín hiệu thị trường và duy trì các biện pháp điều hành, kể cả thúc đẩy tăng trưởng GDP và kiềm chế CPI, ở mức độ, dung lượng và thời điểm hợp lý.
Việt Nam lần đầu tiên “xuất siêu”
Năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 1,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 63,9 tỷ USD, tăng 33,5% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2012 tăng 18,9%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp.
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay có sự thay đổi so với năm trước: Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 51,7 tỷ USD, tăng 49,9% và chiếm 45,1% (năm 2011 là 35,6%). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 39 tỷ USD, tương đương năm 2011 nhưng tỷ trọng giảm từ 40,3% năm 2011 xuống 34,1% năm 2012. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17,7 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước nhưng tỷ trọng không đổi với 15,4%. Nhóm hàng thuỷ sản đạt 6,2 tỷ USD, xấp xỉ năm 2011 và tỷ trọng giảm từ 6,3% năm 2011 xuống 5,4% năm 2012.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 54 tỷ USD, giảm 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 23,5%. Mức tăng kim ngạch nhập khẩu năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 2002 trở lại đây (không tính đến năm 2009). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 tăng 7,4% so với năm 2011.
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm nay cũng có sự thay đổi so với năm 2011, nhóm tư liệu sản xuất ước tính đạt 106,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất với 93,2%, tăng so với mức 90,6% của năm 2011, chủ yếu do tỷ trọng nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có liên quan đến lắp ráp hàng xuất khẩu tăng từ 29% lên 36,9%. Nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 56,3%, giảm so với mức 61,6% của năm trước; nhóm hàng tiêu dùng đạt 7,8 tỷ USD, chiếm 6,8%, giảm so với mức 7,6% của năm 2011.
Năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng cao (18,3%) trong bối cảnh thương mại thế giới nói chung còn khá ảm đạm là một kết quả rất quan trọng. Nhập siêu không những được kiềm chế theo yêu cầu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong giai đoạn đến năm 2020 mà còn xuất siêu, mặc dù khối lượng xuất siêu không lớn. Đây cũng là một “điểm sáng” của kinh tế nước ta năm 2012. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận những khía cạnh cần chú ý của kết quả này. Thứ nhất, xuất siêu chủ yếu của khu vực kinh tế có vấn đầu tư nước ngoài, và chủ yếu ở nhóm hàng gia công, lắp ráp. Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do tăng khối lượng hàng hóa và tỷ lệ hàng thô, hàng chỉ qua sơ chế hoặc hàng gia công lắp ráp còn rất cao. Vì vậy giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thấp, nghĩa là mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhưng “phần” của các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu còn rất khiêm tốn. Thứ ba, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, công nghệ, tạo cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong tương lai. Một tỷ lệ nhập siêu (mà là nhập siêu tư liệu sản xuất) hợp lý, không đe dọa an ninh tài chính quốc gia là điều hoàn toàn bình thường. Còn bảo đảm cân bằng cán cân thương mại thông qua các biện pháp hạn chế nhập khẩu, nhất là nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, công nghệ sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm năng lực sản xuất trong tương lai.
Thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, cần “giải cứu”
Nhiều dự án tạm dừng, chậm triển khai; nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn kho tăng dẫn đến nợ xấu tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố khoảng 85.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn, trong đó cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản là 66.084 tỷ đồng, cho vay khác (vay mua nhà để ở, mua nhà cho công nhân thuê, xây nhà ở cho người thu nhập thấp…) là 18.916 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản khoảng 4.145 tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang tồn kho khoảng 14.490 căn hộ chung cư với giá trị khoảng 24.500 tỷ đồng, đa số căn hộ tồn kho có diện tích lớn (10.039 căn hộ có diện tích 60 - 90 m2, chiếm tỷ lệ 69,3%; 3.406 căn hộ có diện tích trên 90 m2, chiếm tỷ lệ 23,5%), không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán hiện tại của người dân. Giá nhà ở hiện nay ở mức quá cao so với thu nhập bình quân của đại đa số các tầng lớp dân cư; tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà, đất tăng trong những năm trước đây; lãi suất quá cao do phần lớn chủ đầu tư phải vay ngân hàng khoảng 70% tổng mức đầu tư với lãi suất trên 20%/năm trong một thời gian dài từ 2 - 3 năm;…
Ở Hà Nội hiện tồn kho gần 5.800 căn hộ, tương ứng trên 566.600 m2 sàn; nhà thấp tầng (biệt thự, nhà liền kề) tồn kho 3.483 căn hộ, tương ứng 874.825 m2 sàn; nhà ở thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ (hiện đang tiếp tục nhận đơn mua nhà); diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000 m2. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất lớn (các hộ gia đình có bình quân diện tích ở dưới mức bình quân quân khoảng 375.000 hộ, tương đương 52% số hộ trên địa bàn; có khoảng 114.500 cán bộ, công nhân, viên chức có nhu cầu mua nhà ở).
Làm việc với lãnh đạo hai thành phố về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản phải làm quyết liệt, đồng bộ; thực hiện tổng thể các giải pháp gắn với xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
“Giải cứu” thị trường bất động sản là cần thiết bởi quy mô cũng như tính chất liên ngành của thị trường này. Không chỉ liên quan đến nguồn vốn ngân hàng, tồn đọng của hàng hóa bất động sản còn ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành khác như sản xuất, chế biến sắt thép, vật liệu xây dựng, tình trạng thất nghiệp,… Muốn giải cứu, bên cạnh cơ chế, chính sách, cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các ngành, các địa phương và có lẽ, không thể thiếu gói hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản đi đúng trọng tâm, hỗ trợ người nghèo, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng chính sách cải thiện điều kiện nhà ở.
Nông nghiệp: một năm nhiều khởi sắc
Trong năm 2012, ngành Nông nghiệp đã giành được những kết quả khá toàn diện. Đây cũng là một “điểm sáng” của bức tranh kinh tế nước ta. Sản xuất lúa tiếp tục được mùa, đạt mức sản lượng kỷ lục (43,7 triệu tấn), xuất khẩu tăng cao góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Dù giá nhiều loại nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm, đặc biệt là đối với những nông sản chủ lực của Việt Nam như: gạo, cà phê, cao su… nhưng nhờ có những giải pháp tháo gỡ kịp thời nên hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản đều tăng mạnh về khối lượng; 8 mặt hàng có kim ngạch vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước. 3 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên là: gạo, cà phê và đồ gỗ; 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là cao su, cá tra, tôm, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn. Những mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh so với năm ngoái là cà phê (tăng 36%), sắn và các sản phẩm từ sắn (tăng hơn 40%), đồ gỗ và lâm sản (tăng 17,6%)... Bên cạnh các mặt hàng trên thì xuất khẩu rau quả cũng đem lại lợi nhuận khá cao và là một bất ngờ đối với ngành nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu cũng sắp vươn tới con số 1 tỷ USD. Cùng với xuất khẩu, ngành Nông nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ trên các mặt trận sản xuất, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Công tác thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và tác động mạnh đến sản xuất. Nhiều phong trào, mô hình tốt như “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cơ giới hóa trong nông nghiệp” cũng được các địa phương tích cực triển khai đạt hiệu quả cao.
Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Bên cạnh những ngành phát triển mạnh như lương thực, cao su thì cũng có những chỉ tiêu không đạt được như độ che phủ rừng, trồng rừng mới tập trung. Tình trạng dịch bệnh nhiều trên cây trồng, vật nuôi đặc biệt là thủy sản gây thiệt hại lớn trong dân. Xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhưng nông dân không phải là đối tượng chính được hưởng lợi. Sự liên kết bốn nhà trong nông nghiệp còn rời rạc, nông dân vẫn còn phải chịu cảnh “được mùa, rớt giá”; đầu tư khoa học - kỹ thuật cho nông nghiệp, nông dân còn hạn chế. Ngoài ra, còn khá nhiều vấn đề bức xúc, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần tiếp tục nỗ lực tháo gỡ như vấn đề đất sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là ở các làng nghề; đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn; nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Kết cấu hạ tầng: những điểm nhấn quan trọng
Khánh thành công trình Thủy điện Sơn La, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là những điểm nhấn quan trọng trong xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
Công trình Thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ 400 MW) nằm trên địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La; cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Công trình có kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1 m, chiều dài đỉnh đập là 961,6 m, công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt. Công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành vượt trước thời hạn đã đem lại những lợi ích lớn lao cho đất nước (với sản lượng 10 tỷ KWh/năm, theo giá bình quân hiện nay (1400đ/kwh), doanh thu một năm khoảng 14 nghìn tỷ đồng, 3 năm vượt trước thời hạn tính ra là hơn 40 nghìn tỷ đồng).
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là dự án sân bay quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức đầu tư bằng 100% nguồn vốn doanh nghiệp của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Sân bay được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại và đồng bộ gồm: khu bay với đường cất, hạ cánh, 8 đường lăn, sân đậu máy bay với 8 vị trí đậu, nhà ga hàng hóa, hệ thống đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế…
Nhà ga hành khách được bố trí thành 2 công trình, đi và đến tách biệt với tổng diện tích sàn trên 24,3 nghìn m2 với các thiết bị hiện đại, đáp ứng phục vụ trên 2,65 triệu hành khách/năm.
Việc hoàn thành và đưa công trình Thủy điện Sơn La, Cảng hàng không Phú Quốc vào khai thác cũng như những nỗ lực cải thiện điều kiện giao thông ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Năm 2013: Hà Nội nỗ lực bảo đảm giao thông  (02/01/2013)
Thành lập 8 đoàn thanh tra thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán  (02/01/2013)
Chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử trong toàn quốc  (02/01/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay