Thật sự và Nghiêm chỉnh

Theo: Tuyengiao.vn
19:51, ngày 07-12-2012
Toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; trong các nhóm giải pháp thì tự phê bình và phê bình là nhóm giải pháp hàng đầu vì đó là động lực phát triển của Đảng, đặc biệt trong điều kiện Đảng độc quyền lãnh đạo. Tự phê bình và phê bình lần này có nhiều nội dung mới trong đó khẳng định làm từ trên, từ cấp cao nhất xuống các cấp dưới được thể hiện thành hành động trong Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII.

Cán bộ, đảng viên đã chăm chú lắng nghe các phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương cũng như Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Nghị quyết, trong đó đồng chí nhắc lại đầy đủ và sâu sắc những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, gợi nhớ tới Di chúc của Người dặn lại toàn Đảng, toàn dân. Trong Di chúc, Người dặn phải thực hiện “thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình” cùng với “thực hành dân chủ rộng rãi” là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Đó là tiền đề để tạo đồng thuận xã hội, đại đoàn kết toàn dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, mà ngày nay là tập trung sức hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Nghiêm chỉnh được hiểu là phải tuân theo các quy định của Đảng để đạt hiệu quả thực chất. Khi Người dặn lại phải “nghiêm chỉnh” là Người đã nhận rõ và cảnh báo một nguy cơ ngày càng là hiện thực về sự buông lỏng nguyên tắc trong Đảng, tự phê bình và phê bình một cách hình thức, làm qua loa, lấy lệ.

 

Tinh thần tự giác của người tự kiểm điểm cũng như người góp ý là điều kiện rất quan trọng có ý nghĩa quyết định để tự phê bình và phê bình thành công. Muốn thế phải “thật sự dân chủ trong Đảng”, mọi người chân thành, thẳng thắn góp ý với nhau, không e ngại, nể nang, né tránh. Đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, coi dư luận xã hội như một kênh đánh giá quan trọng cần được tham khảo, vì nhân dân biết nhiều chuyện mà cán bộ, đảng viên không biết như Bác Hồ đã nói.

 

Cùng với từ nghiêm chỉnh, trong Di chúc, Hồ Chí Minh lại nhiều lần nhắc tới các từ Thật, Thật sự: “Phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

 

Nhiều nhà nghiên cứu quan tâm việc dùng nhiều và nhấn mạnh từ Thật, Thật sự của Bác Hồ trong Di chúc như tuyên ngôn chống sự giả dối, phô trương hình thức, làm láo báo cáo hay, che giấu khuyết điểm, tội lỗi đang lan tràn ở các cấp, gây mất lòng tin trong dân. Không ít người trơ trẽn khuyên bảo cán bộ cần kiệm liêm chính, nhưng lại trắng trợn hoặc tìm mọi cách tinh vi tham ô, lãng phí của công; to mồm khuyên bảo cán bộ chí công vô tư nhưng lại tìm mọi cách ôm lợi quyền cho con cháu, họ tộc, người thân. Một số không ít người hay vỗ ngực xưng là “đày tớ của dân” nhưng lại gây phiền hà, bóp nặn thậm chí đe dọa, ức hiếp người dân... Nghĩa là mồm nói một đằng, bụng dạ và việc làm một nẻo, lạm dụng quyền lực để vơ vét cho đầy túi tham, tìm cách kết bè kéo cánh, hình thành lợi ích nhóm hại nước, hại dân, bị nhân dân oán ghét, làm giảm uy tín của Đảng.

 

Khi Bác Hồ dặn nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, Người lại nhắc nhở “Phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau” để tránh hành vi lợi dụng phê bình nói xấu, vu cáo, hãm hại nhau.

 

Tuy nhiên, sự thương yêu chân chính trong tình đồng chí, đồng nghiệp là phải làm cho mỗi người không vướng bụi bẩn, làm cho uy tín trong dân được tăng cường, do đó lại phải nghiêm chỉnh góp ý cho nhau. Việc xấu, việc làm thất thoát tiền công xảy ra ở đâu phải có người chịu trách nhiệm... Để cơ quan, tổ chức xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng thì người đứng đầu thì ở đó cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân như các quy định của Đảng. Quy định đó cần được áp dụng ở mọi cấp; cấp Trung ương lại cần nêu gương thực hiện, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, không thể có vùng cấm, vùng nhân nhượng.

 

Nếu nể nang nhân nhượng vô nguyên tắc, bao che cho nhau gọi là để cho “trong ấm, ngoài êm” là sự dung dưỡng cái xấu, biểu hiện sự suy thoái của tổ chức. Do đó, thương yêu nhau cũng trên tinh thần nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, không xuê xoa dĩ hòa vi quý để bảo đảm Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin cậy.

 

Nhớ lời dặn lại của Bác Hồ, phải “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình...” mà là nghiêm chỉnh thường xuyên chứ không chỉ trong đợt triển khai Nghị quyết, thì mới có thể “thật sự” trở thành người cán bộ tốt của dân./.