Nguyễn Văn Cừ - người cộng sản kiên trung của Đảng ta

Lê Văn Yên PGS, TS, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
22:11, ngày 03-07-2012
TCCSĐT - Đồng chí Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng ta, một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phẩm chất bất khuất, kiên trung và những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được được Đảng và nhân dân ta ghi nhớ và tôn vinh, là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản, cho nhân dân và các thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo.

Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thuộc vùng quê Kinh Bắc, nơi giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường. Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã nổi tiếng là thần đồng, ham học hay chữ, có chí tiến thủ và kế thừa truyền thống yêu nước của cha ông. Ba năm đầu, anh học tiểu học ở phủ Từ Sơn. Tháng 9-1927, vượt qua kỳ thi tuyển với kết quả xuất sắc, anh được nhận vào học ở Trường Bưởi với suất học bổng toàn phần. Không tự ti, mặc cảm với những thiếu thốn về vật chất, anh đã vượt lên tất cả, miệt mài học tập, thể hiện rõ tư chất thông minh và tinh thần kiên trì, kỳ thi nào cũng đạt kết quả xuất sắc.

Vào những năm này, phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh. Nhiều thanh niên yêu nước, sau khi dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã trở về nước hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thành lập các cơ sở cách mạng ở nhiều địa phương, trong đó Trường Bưởi là một cơ sở cách mạng bí mật. Khi còn học ở Trường Bưởi, với sự nỗ lực của bản thân, Nguyễn Văn Cừ đã không chỉ trưởng thành trong việc tiếp thu kiến thức văn hóa, mà còn được bồi dưỡng tinh thần yêu nước và cách mạng. Anh đã bí mật tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có điều kiện tiếp xúc với những tài liệu quan trọng, như cuốn “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và nhiều sách, báo bí mật khác, đồng thời tích cực tham gia công tác của Hội. Đầu năm 1928, anh được chi bộ tổ chức kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vốn là người thẳng thắn, cương trực, có tinh thần tự tôn dân tộc, Nguyễn Văn Cừ không chịu nổi thái độ khinh rẻ, miệt thị của một số giáo viên người Pháp đối với học trò người Việt, anh đã cùng một số bạn bè làm bài thơ đả kích những kẻ vô sỉ đó. Bài thơ được phổ biến rộng rãi làm bọn mật thám rất tức tối, và chúng quyết truy tìm tác giả. Không muốn để bạn bè liên lụy, anh đứng ra nhận là tác giả bài thơ. Sở Mật thám Hà Nội đã bắt và thẩm vấn anh suốt gần một tuần liền, nhưng không có kết quả, chúng phải trả tự do. Tuy vậy, cuối tháng 5-1928, viên Hiệu trưởng cho gọi anh. Sau khi mạt sát anh về cái gọi là "hành vi chống đối", y liền ra quyết định đuổi học. Không ân hận về những việc làm đúng đắn của mình, anh quyết định về làng Hà Lỗ thuộc phủ Từ Sơn dạy học. Với lòng yêu trẻ, anh được học trò rất kính trọng, tin yêu. Tháng 8-1928, bất thình lình mật thám Bắc Ninh bắt anh và gán cho tội “hoạt động chính trị”, rồi giải về Sở Mật thám Hà Nội. Trong 12 ngày bị giam giữ, liên tục bị thẩm vấn, nhưng Nguyễn Văn Cừ không nhận bất cứ điều gì. Cuối cùng, lại một lần nữa chúng buộc phải trả lại tự do cho anh. Cuối tháng 9-1928, anh được tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Quảng Ninh và từ đây anh trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Cuối năm 1928, Nguyễn văn Cừ đến hoạt động tại mỏ than Vàng Danh. Tại đây, anh hiểu rằng để tuyên truyền, giác ngộ công nhân và quần chúng, phải sâu sát phong trào, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó vận động, tổ chức họ tham gia các phong trào cách mạng mới có kết quả. Với phẩm chất kiên trì, không quản khó khăn và nguy hiểm, anh hòa mình vào cuộc sống lao động vất vả, luôn bám sát, gắn bó và cùng sinh hoạt với công nhân nơi đây. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động và thử thách, Nguyễn Văn Cừ đã tổ chức và thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mỏ than Vàng Danh và tổ chức được một số quần chúng tích cực tham gia Công hội mỏ. Thời gian này, phong trào cách mạng cả nước lên cao, đòi hỏi có sự lãnh đạo của một đảng cộng sản thống nhất. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được tổ chức. Hội nghị quyết định tuyển lựa những người tiên tiến nhất của Hội Thanh niên để kết nạp vào Đảng. Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương, Hạ Bá Cang... được công nhận là những đảng viên đầu tiên của  Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thời gian này, Nguyễn Văn Cừ vẫn hoạt động ở mỏ than Vàng Danh. Do làm việc và sinh hoạt trong những điều kiện khắc nghiệt và khó khăn, thiếu thốn, anh đã bị mắc bệnh sốt rét. Khoảng tháng 9-1929, anh được điều về Hải Phòng để vừa chữa bệnh, vừa phụ trách xây dựng một trạm liên lạc của Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với nước ngoài bằng đường biển. Sau một thời gian ngắn, việc tổ chức trạm liên lạc được hoàn thành và bệnh tình của anh đã đỡ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Trung ương lâm thời của Đảng điều anh về làm cán bộ đảng chuyên trách, phụ trách công tác kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng ở khu mỏ. Anh thường xuyên đi lại, chắp nối liên lạc giữa Hải Phòng - Quảng Ninh. Nhờ sự kiểm tra, chỉ đạo kịp thời của anh, phong trào công nhân mỏ ngày càng lớn mạnh. Đến cuối năm 1929, toàn khu mỏ đã có bốn chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được chuyển đổi về mặt tổ chức thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Cuối tháng 10-1929, Nguyễn Văn Cừ được cử về phụ trách tổ chức đảng ở mỏ than Mạo Khê, nơi có truyền thống đấu tranh và có cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ rất sớm, nhưng hiện đang gặp khó khăn do bị địch đàn áp tàn bạo. Lại một lần nữa, anh hòa vào cuộc sống lao động của anh em thợ thuyền nơi đây. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, phong trào đấu tranh cách mạng ở Mạo Khê từng bước được củng cố và phát triển vững chắc. Đầu năm 1930, anh và toàn thể công nhân nhận được tin vui Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Vào thời gian này, anh chủ trì thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mỏ than Mạo Khê. Sau khi thành lập chi bộ đảng tại đây, Nguyễn Văn Cừ được tổ chức phân công nhiệm vụ mới. Với vai trò là phái viên của Trung ương Đảng tại vùng mỏ và với sự hoạt động năng nổ, có hiệu quả của anh, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí, Vàng Danh lần lượt ra đời. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ bước vào thời kỳ sôi động, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, hòa nhịp với phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước. Để thực hiện sự thống nhất chỉ đạo, anh đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo thành lập Đặc khu ủy mỏ Quảng Ninh. Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện của Xứ ủy tại Đặc khu ủy mỏ. Trên cương vị này, anh trực tiếp truyền đạt các chỉ thị của Xứ ủy đến Đặc khu ủy và giúp đỡ Đặc khu ủy chỉ đạo phong trào, nên phong trào ở đây bùng lên mạnh mẽ, như các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, rải truyền đơn, v.v.. Bọn thực dân hoảng sợ, ra sức đàn áp, khủng bố, đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng.  

Ngày 15-2-1931, trên đường đi công tác tại Cẩm Phả, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt, đưa về Sở Mật thám Hòn Gai. Bọn chúng đã dùng đủ mọi thủ đoạn nhà nghề, từ dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường, tinh thần kiên định của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Văn Cừ một lòng tận trung với Đảng. Đồng chí Phạm Văn Hảo, người cùng hoạt động với Nguyễn Văn Cừ ở vùng mỏ kể lại: "Hồi hoạt động ở khu mỏ, đồng chí Phùng (biệt danh của Nguyễn Văn Cừ) bị mật thám theo dõi và bắt giam. Chúng tra tấn hết sức dã man, chúng dùng một cái trống lớn, bỏ mặt trống đi, đóng đinh xung quanh miệng tang trống, bắt anh Phùng ngồi, rồi úp tang trống lên. Đang làm cho trống quay tít thì một chiếc đinh móc vào bên mắt trái, máu tóe ra, anh ngất đi... Mắt trái anh bị đau lâu mới khỏi và khi khỏi thì bé hẳn đi, từ đó anh bị một mắt to, một mắt nhỏ. Anh lại có tên mới nữa là Phùng Lé"(1). Sau đó, bọn mật thám đưa anh về Nhà lao Hải Phòng, rồi đưa về giam ở Nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Tại hai nhà lao này, anh lại phải đương đầu với những thủ đoạn hiểm độc hơn, những trận tra tấn ác liệt hơn, nhưng kẻ thù vẫn không khai thác được gì hơn ở anh. Trong điều kiện nhà tù khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, lại bị bọn cai tù đánh đập thường xuyên, anh vẫn chịu khó học tập. Đặc biệt, anh nghiền ngẫm, thuộc lòng bản Luận cương chánh trị của Đảng do Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo. Không chỉ có vậy, anh còn thường xuyên gần gũi, động viên mọi người đoàn kết, giữ vững chí khí của người cộng sản. Bởi thế, các bạn tù ở Nhà lao Hỏa Lò rất khâm phục và tin tưởng anh. Ngày 13-5-1931, Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Hội đồng đề hình Hà Nội. Cùng bị xét xử với anh còn có hơn 80 người khác. Trước phiên tòa, Nguyễn Văn Cừ dõng dạc bác bỏ những lời buộc tội của viên biện lý. Khi chánh án hỏi: Anh làm nghề gì? Anh trả lời: Tôi làm nghề cách mệnh! Rồi anh nói tiếp: “Có phải tòa khép tôi vào tội có chân trong Đảng Cộng sản và âm mưu làm rối trị an chăng? Vì đâu mà tôi phải làm cách mệnh? Vì bọn đế quốc quá áp bức quần chúng, tìm hết cách mà bóc lột, nào sưu thuế, nào quốc trái… Còn bảo là "rối cuộc trị an" thì cuộc trị an ấy là do tư bản đặt ra để bảo vệ họ, chúng tôi là vô sản giai cấp thì phải phá cuộc trị an ấy!”(2). Ngày 16-5-1931, trong phiên xử cuối cùng, mặc dù không tìm ra chứng cứ để buộc tội, nhưng tòa án thực dân kết án anh "Phát lưu chung thân" và đày ra Côn Đảo. Đáp lại kết án của tòa, Nguyễn Văn Cừ cùng những người bị xử án hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo Hội đồng đề hình!”(3). Sau khi bị kết án và trong thời gian chờ ngày đày đi Côn Đảo, anh vẫn tranh thủ học tập và cùng với đồng chí Hoàng Quốc Việt bí mật in "báo liếp" và tài liệu để phân phát trong nhà tù.

Tối ngày 13-7-1931, Nguyễn Văn Cừ và đoàn tù cập bến Côn Đảo, nơi "địa ngục trần gian". Anh bị giam cấm cố ở Khám 3 thuộc Banh 2, cùng các đồng chí Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh... Anh cùng các đồng chí trong Ban đại diện vận động anh em đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc. Nhiều lần bị đánh đập với đủ các ngón đòn tra tấn cực kỳ dã man, nhưng anh tỏ rõ bản lĩnh một người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi kiên trung, bất khuất, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, hết lòng thương yêu đồng chí, luôn tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Để thống nhất hành động đấu tranh, tại Banh 2, các đồng chí đã bí mật thành lập chi bộ đảng. Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, sau bổ sung Lê Duẩn, Hà Huy Giáp trong Ban Chi ủy. Là người hoạt đông thực tiễn, thực hiện khẩu hiệu "Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng", Nguyễn Văn Cừ lao vào nghiên cứu lý luận. Với đức tính siêng năng, chịu khó học hỏi, chỉ sau một thời gian, anh đã nắm vững vốn kiến thức lý luận, kết hợp với vốn kiến thức thực tiễn, trong đó có nhiều môn lý luận anh đứng ra làm giảng viên truyền đạt cho anh em trong tù. Về phong trào học tập trong tù, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, một bạn tù nhiều năm với Nguyễn Văn Cừ ở Banh 2 kể lại: "Ở Côn Đảo, anh Cừ và anh Lê Duẩn có tiếng chăm học và học giỏi... Trong lao 2 người học trội nhất là Cừ và Duẩn. Hai đồng chí đều có cái đặc biệt giống nhau, học bao giờ cũng nêu lật ngược lại vấn đề để thu hút người thảo luận nhằm hiểu sâu vấn đề đặt ra. Anh Cừ lại có nhiều thực tiễn nên khi phân tích lý luận có thực tiễn chứng minh, làm sáng tỏ vấn đề ngay và dễ thuyết phục người nghe"(4). Nguyễn Văn Cừ và Ban lãnh đạo Banh 2 còn tổ chức nhiều hoạt động trong tù như sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, bí mật viết báo. Anh viết bài cho cả tập san Ý kiến chung và tờ báo Người tù đỏ, bí mật truyền nhau đọc trong nhà tù.

Trải qua gần sáu năm ở Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ đã biến nhà tù thành trường học đấu tranh cách mạng và học tập văn hóa, nâng cao trình độ lý luận. Sự thông minh và tinh thần say mê học tập đã tôi luyện, giúp anh trưởng thành nhanh chóng. Anh trở thành tấm gương mẫu mực về ý chí chiến đấu và khí tiết người cộng sản, về tấm lòng kiên trung với Đảng, với dân tộc, đặc biệt là tinh thần tự học, tự rèn luyện. Những năm tháng trong nhà tù đế quốc là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Cừ. Anh có điều kiện nghiền ngẫm, soi xét kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận. Đây là giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho giai đoạn kế tiếp của Nguyễn Văn Cừ trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng.

Năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải ân xá tù chính trị phạm. Nhưng phải đến tháng 11-1936, Nguyễn Văn Cừ mới được trả lại tự do với điều kiện chịu sự quản thúc của chính quyền tại nơi cư trú. Vì thế, anh trở về Hà Nội trong điều kiện hoạt động bí mật. Đầu năm 1937, anh dự họp Ủy ban Sáng kiến và được phân công phụ trách công tác móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận. Vào thời gian này, yêu cầu lập lại Xứ ủy Bắc Kỳ để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh trở nên cấp thiết. Tháng 3-1937, anh tham gia Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời và được cử vào Ban Thường vụ, rồi được phân công làm đại diện của Xứ ủy bên cạnh Trung ương, đồng thời theo dõi công tác tuyên truyền. Cuối tháng 8-1937, tại Hội nghị Trung ương mở rộng ở Sài Gòn có Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… tham dự, do Hà Huy Tập chủ trì, anh tham luận về công tác hoạt động quần chúng của Đảng. Tại Hội nghị này, anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện sự phân công của Trung ương, anh trở ra Bắc triệu tập Hội nghị thành lập Liên Xứ ủy Bắc - Trung Kỳ và được bầu vào Ban Thường vụ. Hội nghị đưa ra các biện pháp đẩy mạnh các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai cho phù hợp với tình hình mới. Tháng 3-1938, anh dự Hội nghị Trung ương lần thứ năm tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Theo đề nghị của anh, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 ủy viên. Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí Thư của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Nguyễn Văn Cừ thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Năm 1938, Chính phủ Đa-la-đi-ê lên cầm quyền ở Pháp. Theo Thỏa hiệp Muy-ních, Anh và Pháp dâng vùng Xu-dét cho Hít-le. Nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới đến gần. Với tầm nhìn sáng suốt, Nguyễn Văn Cừ sớm chỉ đạo chuyển hướng chiến lược sang một thời kỳ mới. Tháng 9-1939, đồng chí trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút ngay một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ bí mật của Đảng. Nhờ sự nhạy bén đó, khi Toàn quyền Đông Dương ra lệnh đàn áp, khủng bố các hoạt động cách mạng thì các tổ chức đảng đã rút vào hoạt động bí mật, tránh được những tổn thất do kẻ thù gây ra.

Cuối năm 1939, Nguyễn Văn Cừ trở lại Sài Gòn triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Tài liệu Chính sách mới do đồng chí soạn thảo là văn kiện chính thức của Hội nghị. Hội nghị quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của Đảng từ hoạt động công khai sang hoạt động bí mật; chuyển khẩu hiệu đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc; thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương… Qua tìm hiểu các văn kiện của Hội nghị, có thể khẳng định rằng Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ, đã nhận thức và xử lý đúng mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ. Đó là cơ sở, tiền đề lý luận và thực tiễn để Đảng ta, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, xây dựng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941), đưa cách mạng Việt Nam đến thành công.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Văn Cừ có nhiều tác phẩm và bài viết mang tính sáng tạo về mặt lý luận và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Những năm 1938-1939, đồng chí viết nhiều bài đăng trên Báo Dân chúng. Nội dung các bài viết trong thời kỳ này đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương của Đảng chỉ đạo quần chúng đấu tranh trong cao trào cách mạng 1938-1939. Đó là những sáng tạo lý luận, phương pháp vận động quần chúng, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, phân tích và nhận định về thời cơ cách mạng, về chuyển hướng chiến lược cách mạng, về xây dựng lực lượng cách mạng trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc, về thành lập mặt trận chống chủ nghĩa phát xít, v.v.. Đặc biệt, trong thời gian ngắn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ hoàn thành tác phẩm Tự chỉ trích với bút danh Trí Cường. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh trên cả nước nhằm lột mặt nạ bọn tờ-rốt-kít giả danh cách mạng, tiến hành tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, nghiêm khắc lên án, chỉ trích những khuynh hướng cô độc, hẹp hòi và khuynh hướng hữu khuynh thỏa hiệp với bọn tờ-rốt-kít, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tác phẩm Tự chỉ trích cùng với những cống hiến lý luận khác của Nguyễn Văn Cừ phản ánh một trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sự vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm và những nguyên tắc cơ bản, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kết hợp với năng lực tư duy, sự vận dụng và nắm bắt chính xác thực tế trong việc đề xuất chủ trương, chính sách. Ở đây, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho chúng ta một mẫu hình về kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động, công tác cách mạng.      

Hoảng sợ trước uy tín và tài năng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng nước ta, kẻ thù ráo riết truy lùng đồng chí. Ngày 17-1-1940, tại ngôi nhà 312, đường Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, đưa về bốt Ca-ti-na (nay là đường Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh). Kẻ thù dùng mọi cách tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác những bí mật của Đảng, nhưng tất cả những thủ đoạn bỉ ổi, dã man và hèn hạ của chúng đều thất bại trước ý chí đanh thép của người cộng sản kiên trung, chúng đành đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Trong Khám Lớn, Nguyễn Văn Cừ vẫn tranh thủ thời gian giảng giải, phổ biến Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu cho nhiều cán bộ, đảng viên. Ngày 3-9 -1940, đồng chí bị Tòa Tiểu hình Sài Gòn kết án 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc. Tiếp đó, Tòa án Binh Sài Gòn lại đưa ra xét xử, kết án 5 năm tù, 20 năm biệt xứ và cấm cố các quyền dân sự, chính trị. Tiếp đến, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn lại đưa ra xét xử, khép án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ và mất quyền dân sự, chính trị. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tòa án Binh Sài Gòn lại đưa Nguyễn Văn Cừ ra xét xử. Chúng quy cho đồng chí "là người khởi thảo Nghị quyết thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế, người chủ trương bạo động đe dọa quyền lợi của mẫu quốc ở Đông Dương và là người chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và kết án tử hình. Sáng sớm ngày 26-8-1941, kẻ thù báo tên các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Huân đưa đi xử bắn. Lúc 6 giờ sáng, chúng đưa Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của anh đến trường bắn Ngã Ba Giồng, thuộc xã Tân Thới Thuận, huyện Hóc Môn. Trước đông đảo đồng bào, khi bị bịt mắt và trói vào cột, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai… đã hô vang "những khẩu hiệu cộng sản" cho đến khi súng nổ, các đồng chí gục xuống mới thôi(5).

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên thời kỳ đấu tranh vận động thành lập Đảng ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi, song Nguyễn Văn Cừ, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh tụ tài năng của Đảng, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư thứ tư của Đảng ta đã góp phần rất quan trọng trong xây dựng nền tảng chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng./.



(1)  Phạm Văn Hảo: Nguyễn Văn Cừ đã sống như thế đấy, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 33

(2), (3) Báo Đông Pháp, số 1385, ngày 16-5-1931

(4)  Nguyễn Văn Hoan: Hồi ký, Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh

(5) Về ngày Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí bị xử bắn, có tài liệu ghi là ngày 28-8-1941. Ở đây, chúng tôi dựa vào cuốn Nguyễn Văn Cừ - tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007