Bạc Liêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ổn định và bền vững
Là một tỉnh vùng sâu, kinh tế thuần nông, những năm qua, Bạc Liêu có những định hướng đúng và nhiều chủ trương sáng tạo, nên đã vượt qua đói nghèo, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, từng bước vươn lên trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng đề ra.
Bạc Liêu là một tỉnh có lịch sử hình thành khá lâu, nằm ven biển đồng bằng sông Cửu Long, giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Nhân dân Bạc Liêu có truyền thống lịch sử rất đáng tự hào, giàu lòng yêu nước và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Bạc Liêu có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, tích cực xây dựng và phát triển tỉnh nhà, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nhìn lại chặng đường sau 10 năm tái lập, với điểm xuất phát rất thấp và lạc hậu trên nhiều lĩnh vực, nhưng Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng, phát triển tỉnh nhà tương đối toàn diện.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Tỉnh ủy đã chủ trương tập trung đầu tư phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, mà ưu tiên là sản xuất lương thực, phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, trong đó thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp dịch vụ và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trước hết là công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và công nghiệp chế biến, nhất là chế biến lương thực, thực phẩm. Thực hiện chủ trương trên, ngày 30-06-1998, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời kỳ 1998 - 2005. Trước tình trạng "tăng trưởng nóng" của ngành thủy sản, ngày 17-2-2004, Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết Nghị quyết 02 và xây dựng Nghị quyết số 04 về định hướng phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2010. Có thể nói, trong 10 năm qua, mặc dù với nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế, chưa vượt qua được tình trạng lạc hậu về cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và văn hóa - xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức khá cao (từ năm 1997 đến cuối năm 2006, bình quân mỗi năm tăng 14,6%). So với năm 1997 - năm tái lập tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 3,4 lần, bình quân thu nhập đầu người tăng 3,97 lần (đạt trên 600 USD). Sản xuất công nghiệp tăng 3,54 lần; sản xuất nông nghiệp tăng 3,82 lần, đặc biệt giá trị ngành thủy sản tăng 7,31 lần. Thu ngân sách tăng 5,44 lần; các ngành dịch vụ, du lịch thương mại, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... đều có sự tiến bộ vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, hiện là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tất cả các ngành sản xuất của tỉnh.
Để giảm bớt sự cách biệt về đời sống của nhân dân khu vực nông thôn so với khu vực đô thị, khắc phục tình trạng lạc hậu của khu vực nông thôn. Sau ngày tái lập tỉnh, Tỉnh ủy đã chủ trương tạm thời dừng ngân sách xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, để ưu tiên tập trung dồn sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế... Đến nay, toàn bộ hệ thống trường lớp, trạm y tế ở các xã trong tỉnh được xây dựng cơ bản. Nếu năm 1997, hầu hết các xã trong tỉnh đều nằm trong tình trạng cô lập, cách biệt với đô thị, thì hiện nay có 30/48 xã có đường xe ô-tô đến trung tâm, 433/459 ấp có đường bê-tông, nhựa; tất cả các xã đều có lưới điện quốc gia, với 93,2% số hộ sử dụng điện; 91,2% số hộ sử dụng nước sạch; bình quân 1,9 hộ dân có một máy điện thoại, mỗi hộ có ít nhất 1 phương tiện nghe nhìn... Có thể nói chủ trương tập trung đầu tư cho nông thôn chẳng những đã thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng phúc lợi công cộng và nâng cao điều kiện sống của nhân dân, rút ngắn sự cách biệt, làm thay đổi hẳn bộ mặt khu vực nông thôn của tỉnh mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự thủy chung của đảng bộ với vùng căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng... vốn chịu nhiều thiệt thòi và lạc hậu.
Cùng với chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, Tỉnh ủy cũng tập trung chỉ đạo công tác xóa đói, giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ xã hội bức xúc trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành nhằm giữ vững ổn định xã hội, hạn chế tình trạng phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp nhân dân (Năm 1997 toàn tỉnh có 61 xã thì có tới 23 xã thuộc Chương trình 135 và 16 xã được xác định là những xã còn nhiều khó khăn; có 31.818 hộ nghèo, chiếm 21,59%, tổng số hộ, trong đó có 2.757 hộ thuộc diện chính sách, 4.540 hộ là người dân tộc Khơ-me; 19.000 hộ khó khăn về nhà ở và 2.700 hộ thuộc các trường hợp khác). Mục tiêu đầu tiên trong lĩnh vực này là tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho hộ nghèo. Sau 10 năm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo với nhiều hình thức, biện pháp, nhiều cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân, trong các doanh nghiệp, các tổ chức nhân đạo và nhất là sự hỗ trợ của Chính phủ. Vấn đề chăm lo đời sống cho người nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, trong 10 năm có 21.957 hộ nghèo được tặng nhà tình thương với tổng số tiền lên đến 123,8 tỉ đồng; có 3.124 hộ gia đình chính sách được tặng nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 50 tỉ đồng; ngoài ra các hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khơ-me còn được hỗ trợ 6,1 tỉ đồng từ các chương trình trợ giá, trợ cước của Chính phủ. Đến cuối năm 2006 số hộ nghèo trong tỉnh đã giảm xuống còn 5% (theo cùng tiêu chí so sánh năm 1997).
Bên cạnh việc đổi mới các chủ trương về kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy cũng xác định: Năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố quyết định việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và yêu cầu đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh. Do đó, đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay trình độ của đội ngũ cán bộ trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể (5,33% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có trình độ sau đại học; trên 63% có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng, đại học; trên 87% có trình độ cao cấp, cử nhân về lý luận chính trị. Có 47,3% cán bộ chủ chốt cấp huyện, thị có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng đến đại học; 70,77% có trình độ cao cấp, cử nhân về lý luận chính trị; 15,28% cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên, trên 92% có trình độ trung cấp về lý luận chính trị).
Song song với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhằm tạo ra sự bứt phá trong việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đề cao việc phát huy dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm cá nhân, tăng cường đoàn kết nội bộ; đồng thời, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để người dân có điều kiện nói lên tiếng nói của mình, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ đảng và quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, sát dân, lắng nghe dân, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên xuống cơ sở, chủ trì các buổi làm việc tại cơ sở, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp tại chỗ như: đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức... Thường xuyên nghe báo cáo kết quả thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và của Tỉnh ủy để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Do vậy, trong nhiều năm liền, số tổ chức cơ sở đảng được công nhận trong sạch và vững mạnh luôn đạt trên 80%... Cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân; là cơ sở, là tiền đề tạo ra sự đồng thuận rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ. Chất lượng đội ngũ cán bộ và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức đảng được nâng lên, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo được đổi mới làm cho hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh được củng cố ngày càng vững mạnh; các nhiệm vụ về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng được thực hiện ngày càng tốt hơn...
Có thể khẳng định, những thành tựu đạt được trong 10 năm qua là tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong chặng đường tiếp theo, tích cực góp phần thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" Tuy nhiên, để đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu phải vượt lên chính mình, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém đang trì kéo sự phát triển của tỉnh; đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, cho việc đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, công tác cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Nhanh chóng thích nghi với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Những thành tích đạt được từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay là niềm vui, niềm hy vọng và tự hào của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu tự tin hướng về phía trước; với ý chí, quyết tâm cao và sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tin chắc rằng Bạc Liêu sẽ vươn lên trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển mạnh, ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới.
Cơ sở lý luận và điều kiện thực hiện Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (17/09/2007)
Về quá trình thực hiện chính sách tiền tệ và giá cả ở Việt Nam  (17/09/2007)
Đổi mới chức năng xã hội của Nhà nước  (17/09/2007)
WTO với vấn đề giáo dục ở nước ta  (17/09/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên