Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế
Sau hơn một năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, với những thành tựu ban đầu đạt được, Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng của mình trong việc tận dụng các thời cơ để phát triển một cách năng động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, Việt Nam đang phải tiếp tục vượt qua nhiều thách thức ngày càng trở nên gay gắt mà một trong số đó là phải xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Một vài nét về nguồn nhân lực
Sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Về số lượng, Việt Nam hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đến hết năm 2007, cả nước có trên 44 triệu lao động trên tổng số 85 triệu dân, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 13 trên thế giới về quy mô dân số. Sức trẻ là đặc điểm nổi trội của tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam. Nước ta là một trong số ít quốc gia trong khu vực có tỷ lệ về cơ cấu độ tuổi của dân số và lao động khá lý tưởng (trên 50% số dân trong độ tuổi từ 15 - 60 (độ tuổi lao động) và 45% trong tổng số lao động có độ tuổi dưới 54). Đây là yếu tố rất thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Về chất lượng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở khu vực có tỷ lệ người lớn biết chữ và trẻ em trong độ tuổi đến trường khá cao. Sau hơn 20 năm đổi mới, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở nước ta đã tăng từ 7,6% (năm 1986) lên gần 30% (năm 2007). So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, người lao động Việt Nam nhìn chung có những phẩm chất vượt trội như: thông minh, cần cù, chịu khó, khả năng nắm bắt các kỹ năng lao động, đặc biệt là kỹ năng sử dụng các công nghệ hiện đại tương đối nhanh. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng của nguồn nhân lực nước nhà trong quá trình hội nhập và tham gia thị trường lao động quốc tế.
Tuy nhiên, với yêu cầu của quá trình phát triển nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay còn nhiều bất cập và hạn chế. Mặc dù các chỉ số thống kê hằng năm về giáo dục ở nước ta khá cao (hơn 90% dân số biết chữ, nhiều địa phương đã thực hiện xong chương trình phổ cập giáo dục cấp tiểu học cơ sở, trung học cơ sở v.v..), tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nền giáo dục ở nước ta còn đạt ở mức thấp. Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra nhận định: Việt Nam chỉ có 2% dân số được học từ 13 năm trở lên, tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Và, Việt Nam xếp hạng chót trong khu vực với tỷ lệ 10% số người trong độ tuổi 20 - 24 học đại học. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 15%, Thái Lan là 41% và Hàn Quốc là 89%(1).
Sau hơn 30 năm tiến hành công nghiệp hóa, vẫn còn khoảng 70% lao động cả nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ số học sinh, số trường các loại, số trường đại học, tỷ lệ tốt nghiệp đại học, tỷ lệ học vị tiến sĩ trên triệu dân của nước ta đều cao hơn so với tất cả các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người tương đương với Thái Lan. Nhưng chất lượng lại là vấn đề đáng quan tâm. Điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2006 cho thấy cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và có nhiều người không làm đúng nghề mình đã học, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có FDI và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu nguồn lực chuyên nghiệp. Khoảng 2/3 số người có học vị tiến sĩ trong cả nước không làm khoa học mà đang làm công tác quản lý; số bài báo khoa học được công bố hằng năm chỉ bằng khoảng 1/4 của Thái Lan và bằng 0,00043% của thế giới, mặc dù số người nhận bằng tiến sỹ hằng năm của ta thường nhiều hơn của Thái Lan, có năm cao gần gấp đôi. Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2005: nguồn nhân lực Việt Nam về chất lượng được xếp hạng 53/59 quốc gia được khảo sát, song mất cân đối nghiêm trọng. Ở Việt Nam cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 1, 4 và 10. Nước ta hiện nay cứ 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học, trong khi đó của thế giới là 100, của Trung Quốc là 140 mặc dù mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Trung Quốc khoảng gấp đôi của nước ta. ở một hướng điều tra khác cũng cho thấy, mức độ sẵn sàng tham gia “sân chơi” thế giới của người lao động nước ta cũng còn hạn chế. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến trên Báo điện tử VnExpress mới đây cho thấy, chỉ 8,6% độc giả trả lời rằng họ hiểu rất rõ về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tiến trình gia nhập của Việt Nam, 28,5% nói hiểu tương đối, 41,2% hiểu lơ mơ, số còn lại không hiểu và thậm chí không quan tâm tới vấn đề này.
Những hạn chế trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song cơ bản là cho đến nay nền kinh tế nước ta vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người chưa vượt quá 925 USD (chuẩn mới về thu nhập của quốc tế được coi là quốc gia vẫn còn ở mức thu nhập thấp). Tính đến hết năm 2007, tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn cao (29,6%), số lao động trong các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn lớn (56,8%), tỷ lệ lao động xã hội chưa qua đào tạo chiếm một tỷ lệ đa số. Những chỉ số này cho thấy đây là một trong những nguyên nhân cơ bản đang tạo ra sự hạn chế trong sự phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay. Một nguyên nhân khác là thực trạng quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực nước ta những năm qua còn quá nhiều bất cập. Cho đến nay chúng ta chưa có chiến lược tổng thể trong việc xây dựng, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực cho quá trình phát triển đất nước giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ít nhất là đến năm 2020. Việc quy hoạch, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực giữa các ngành, vùng và địa phương trong cả nước cũng còn nhiều chồng chéo và thiếu các mục tiêu cụ thể. Điều đó dẫn đến tình trạng khá phổ biến hiện nay là vừa “thừa” vừa “thiếu” nhân lực trong các ngành, vùng, địa phương. Một nguyên nhân nữa thường được nhắc đến là sự lạc hậu về nội dung và phương pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay. Trong một thời gian dài, với nhiều lý do khác nhau, nền giáo dục đào tạo của chúng ta chưa xác định được mục tiêu rõ ràng, chưa được coi là điểm đột phá để đưa đất nước phát triển như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có hoàn cảnh như nước ta đã từng làm. Phần lớn nội dung và chương trình giáo dục các cấp hiện nay ở nước ta đều được biên soạn hoặc còn chịu ảnh hưởng bởi nội dung, chương trình giáo dục của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là của Liên Xô trước đây. Một thời gian dài, những nội dung và chương trình giáo dục này khá phù hợp với nền giáo dục của nước ta và đã mang lại những thành tựu hết sức quan trọng. Song, tự nó cũng hàm chứa rất nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay thì những hạn chế, bất cập đó đã và đang là một trở ngại lớn đòi hỏi cần có sự cải cách và đổi mới cho phù hợp. Phương pháp giáo dục cũng còn nhiều bất cập. Các phương pháp dạy và học của chúng ta hiện nay thường tạo ra sự thụ động đối với người học, như nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo thường bất cập. Người học thường ít vận dụng được những gì sau khi học, hoặc muốn làm việc được thì người học phải chấp nhận qua một quá trình “đào tạo lại” không chỉ lãng phí về tiền của mà còn lãng phí về thời gian đối với người học v.v..
Một số giải pháp cấp bách
Là thành viên của nền kinh tế thế giới, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao để có thể đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế vẫn đang là yêu cầu bức thiết đối với nước ta hiện nay. Để giải quyết yêu cầu bức thiết này đòi hỏi chúng ta cần:
Một là, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước nhà trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong quá trình đổi mới và bước vào “sân chơi” toàn cầu, so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới chúng ta không có lợi thế nào đáng kể, trừ những lợi thế nhất định về tài nguyên con người. Do đó, để quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới, để “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(2) thì nhân tố quyết định cho sự thành công đó chính là phải bắt đầu từ việc xây dựng, phát triển và phát huy nguồn lực con người Việt Nam. Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương phải quán triệt quan điểm: phát huy tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng nâng cao về chất lượng và coi đó là “chìa khóa” quan trọng để đi đến thành công trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tích cực chủ động hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết có ý nghĩa đến việc tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay. Muốn vậy, Nhà nước cần tiếp tục đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế nhằm tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động; tiếp tục điều chỉnh chính sách đối với việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hướng trước hết ưu tiên vào một số ngành nghề có khả năng đào tạo và sử dụng lực lượng lao động chất lượng cao, những ngành nghề có khả năng hợp tác và trao đổi lao động quốc tế v.v..
Mặc dù chất lượng lực lượng lao động ở Việt Nam những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể song hiện vẫn còn một tỷ lệ lớn lực lượng lao động còn chưa qua đào tạo mà phần lớn số lao động này lại đang sống và hoạt động tại các khu vực nông thôn, vùng miền núi. Để nâng cao chất lượng lực lượng lao động này giải pháp cấp bách hiện nay là tiếp tục đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời có các giải pháp căn bản để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tích cực mở mang các cơ sở đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động tại các khu vực nông thôn và miền núi để có thể đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngay trong từng địa bàn của các địa phương trong cả nước. Cùng với việc đào tạo lao động tại chỗ, Nhà nước và địa phương cần có chính sách khuyến khích, thu hút lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo nhưng lại chưa tìm được việc làm ở các khu đô thị về làm việc tại các khu vực nông thôn, miền núi.
Ba là, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nội dung và cách thức triển khai chiến lược phải bảo đảm tính toàn diện phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong đó, cần đề ra và thực hiện các mục tiêu theo lộ trình cụ thể, như “đến năm 2010 có nguồn nhân lực với cơ cấu đồng bộ và chất lượng cao; tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp còn dưới 50% lực lượng lao động xã hội(3); đến năm 2020 phải bảo đảm 75% - 80% số lao động được đào tạo phục vụ trong tất cả các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nông thôn; đến năm 2030 bảo đảm từ 95 - 100% số lao động được đào tạo, trong đó tỷ lệ lực lượng lao động chất lượng cao (có trình độ từ đại học, cao đẳng trở lên) phải chiếm từ 60 - 70% trở lên. Cố nhiên, các mục tiêu nói trên có thể được điều chỉnh, thay đổi tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bốn là, cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hiện đại, góp phần đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực của đất nước có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Việc chuẩn bị đủ lực lượng lao động có chất lượng tốt hiện nay gắn liền với quyết tâm cao và bước đi đúng đắn của công cuộc cải cách hệ thống giáo dục, trong đó có hệ thống giáo dục đại học. Vấn đề này cũng phụ thuộc vào quyết tâm thay đổi nội dung, chương trình đào tạo, cơ chế quản lý giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường đại học, cơ chế tuyển chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên...
Nô nức Lễ hội về cội nguồn!  (15/04/2008)
Nô nức Lễ hội về cội nguồn!  (15/04/2008)
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao  (14/04/2008)
Hòa nhịp thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát  (14/04/2008)
Hòa nhịp thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát  (14/04/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên