Tại cuộc tọa đàm hôm nay (14-4-2008), hầu hết chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đều cho rằng các Bộ, ngành phải cùng nhịp điệu trong việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế bền vững, để cộng hưởng tác dụng của những giải pháp này.
 

Buổi tọa đàm diễn ra tại trụ sở Báo Nhân Dân do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Báo Nhân Dân đồng tổ chứcvới chủ đề "Kiềm chế lạm phát, tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững".

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương cho rằng Chính phủ đã nhìn rõ hơn yếu tố tiền tệ tác động tới lạm phát và đưa ra các giải pháp rất trúng, bắt đúng "căn bệnh" của nền kinh tế và thực sự "liệu pháp" đó đã phát huy tác dụng.

Bà Dương Thu Hương khẳng định Hiệp hội luôn tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, gần như tất cả 50 thành viên của Hiệp hội đã đồng thuận về trần lãi suất, chấm dứt chạy đua lãi suất, thu hút vốn và ổn định mặt bằng lãi suất. "Lúc này, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các Bộ, ngành trong việc thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát là hết sức quan trọng", bà Hương cho biết.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước rất tốt. Do đó, chỉ cần cú hích nhẹ từ chính sách vĩ mô là thúc đẩy tăng trưởng, nên mục tiêu trước mắt tập trung vào tháo gỡ các "nút thắt", nguyên nhân lạm phát.

Ông đề xuất, phải xác định rõ sự ăn khớp giữa quan điểm phát triển kinh tế và mục tiêu. Việc đặt mục tiêu cao hay thấp sẽ dẫn tới đề ra giải pháp mạnh hay yếu như giảm chi tiêu công, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa ở mức độ nào thì phù hợp. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể của nền kinh tế.

Các ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm đều thống nhất "gói" giải pháp của Chính phủ là toàn diện. Ngành Tài chính, Ngân hàng đã thấy rõ trách nhiệm của mình để hòa nhịp cùng Chính phủ chống lạm phát. Biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng thời gian qua ở mức độ phù hợp nhưng cần hiệp đồng với những ngành khác để tránh "vênh" giữa các biện pháp.

"Không có sự phối hợp của các ngành, chính sách của ngành Ngân hàng sẽ bị vô hiệu hóa", nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Lê Văn Châu nhận xét.

Cộng hưởng tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát

Tiếp nối những ý kiến trên, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh các doanh nghiệp cần đặt lợi ích nước nhà lên trên lợi ích của mình, không vì lợi ích cục bộ mà ảnh hưởng đến lợi ích chung. Mỗi tập đoàn, tổng công ty cần chủ động, mau lẹ, cùng nhịp đập, suy nghĩ với Chính phủ để đưa các giải pháp chống lạm phát vào thực tiễn mà cụ thể là kiềm chế giá cả, đẩy mạnh sản xuất.

Ông Thăng cho biết Tập đoàn Dầu khí đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, chẳng hạn bảo đảm và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm Nhà nước như Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; các nhà máy: Lọc dầu 3, Đạm Cà Mau, Lọc dầu Dung Quất, Điện Nhơn Trạch 1-2; Tổ hợp hóa dầu miền Nam và các dự án đầu tư ra nước ngoài...

Đồng tình với các chuyên gia, nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát cần tiến hành liên thông với nhau. Các Bộ, ngành phải phối kết hợp chặt chẽ như một dàn nhạc, thâu kết nối những chính sách riêng với nhau, như vậy, mới cộng hưởng tác dụng chống lạm phát.

Tất cả 35 ý kiến, tham luận được trình bày hay gửi tới buổi tọa đàm, theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Đinh Thế Huynh, đều tán thành "gói" giải pháp Chính phủ đưa ra. Các ý kiến tập trung bàn thảo cách thức thực hiện và mức độ của mỗi giải pháp cũng như cho rằng chính sách tiền tệ, tài chính phải linh hoạt. Nhất là các chính sách giảm mặt bằng lãi suất, giám sát chặt thị trường tài chính, dự báo tốt các biến động thị trường.

Điều quan trọng nhất, các ý kiến đều nhấn mạnh là tất cả Bộ, ngành, địa phương, mỗi người dân cần chung vai sát cánh vượt qua khó khăn trước mắt./.