Giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng là dịp để mỗi người dân Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài, thể hiện lòng tri ân với tổ tiên. Lễ hội Đền Hùng diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10-3 âm lịch với rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Từ chiều ngày mồng 8 đến hết ngày mồng 9-3 (âm lịch), không khí lễ hội thực sự sôi động và linh thiêng bởi hàng đoàn người nô nức về vùng Đất Tổ, thắp nén hương thành kính tưởng niệm các Vua Hùng.

Năm nay, Lễ hội Đền Hùng sẽ đón khoảng 2,5 triệu người (đông hơn năm trước khoảng 500 nghìn người) về đây dâng hương lễ Tổ. Trong thời gian Lễ hội, dọc suốt từ cổng chính vào khu di tích, hàng đoàn người nườm nượp đổ về chân núi Nghĩa Lĩnh, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao như: Hội chợ Hùng Vương; triển lãm ảnh Giỗ tổ Hùng Vương; thi đấu bóng chuyền, cờ tướng; tổ chức đánh trống đồng, hát Xoan; múa sư tử; triển lãm sách, tư liệu: không gian văn hóa vùng Đất Tổ. Những sản phẩm đạt giải trong Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày sẽ được dâng lên thắp hương các Vua Hùng. Chiều ngày 14-4 (tức mùng 9-3 âm lịch), chiếc bánh chưng được làm từ 900kg gạo, 300kg đỗ, 200kg thịt heo, 30kg lá chuối do 30 người làm, đun trong 60 tiếng, và, chiếc bánh dày nặng 600kg do Công ty Công viên Đầm Sen cũng được chuyển tới Đền Hùng để dâng lên Vua Hùng.

Cùng với các hội thi, còn có hoạt động giao lưu văn nghệ quần chúng của 3 miền Bắc – Trung – Nam, thể hiện niềm vui chung của người dân mọi miền hướng về nguồn cội. Tham gia các buổi biểu diễn, còn có Đoàn nghệ thuật Hwangseong (Hàn Quốc)… Lễ bắn pháo hoa tầm thấp tối ngày 14-4, càng làm náo nức thêm không khí lễ hội.

Anh Nguyễn Văn Tuyên, ở xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, đã đi cả quãng đường dài để về đất Tổ, nhưng trước sự đổi thay nơi đây, mọi mệt mỏi của anh gần như tan biến. Anh tâm sự: “Năm nay, tôi thấy lễ hội được tổ chức văn minh, lịch sự, nhất là Đền Thượng được sửa sang lại sạch đẹp hơn nhiều. Đặc biệt là công tác an ninh trật tự, cơ sở vật chất khá chu đáo. Chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm về thắp hương các Vua Hùng, tôi tin chắc năm nay tinh thần sẽ khỏe mạnh, làm ăn phát đạt”. Còn chị Nguyễn Thị Tỉnh, ở xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thì giãi bày: “Hôm nay rất đẹp trời, chị em chúng tôi bảo nhau, nhớ về cội nguồn, về thắp nén hương lễ Tổ, cầu cho mình và gia đình được sức khỏe, tài lộc. Tôi luôn dạy bảo con cái, dù đi làm đâu xa cũng phải nhớ ngày giỗ Tổ, như câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

Phản ánh về hoạt động Lễ hội, ông Nguyễn Tiến Khôi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức giỗ Tổ, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết: Năm nay tỉnh Phú Thọ có sự đổi mới trong công tác tổ chức, tạo không khí sôi động hơn, đặc biệt mời rất nhiều đơn vị và người dân ở hơn 20 tỉnh thành khác tham gia thi gói bánh chưng, giã bánh dày. Mỗi tỉnh đều mang theo những diễn xướng dân gian, với các hoạt động xã hội, văn hóa của các địa phương mình. Đặc biệt, năm nay, Ban Tổ chức đặt một màn hình rộng 52m2 tại sân lễ hội có sức chứa một vạn người. Tại đây cũng trưng bày đủ loại trái cây của các vùng miền cùng các hoạt động văn hóa thể thao, tạo không khí hết sức sôi động. Riêng trong ngày 8-3 (âm lịch), lượng khách lên tới hơn một triệu người, cũng trong ngày hôm nay, tăng lên tới gần 2 triệu lượt khách tới tham quan. Ông Khôi cũng vui mừng cho biết thêm: “Chúng ta đang chuẩn bị bộ Hồ sơ khoa học về Đền Hùng và các di tích khảo cổ thời tiền sử, sơ sử ở Phú Thọ chuẩn bị trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chúng ta tự hào có cả một bề dày truyền thống dân tộc và cần tuyên truyền, quảng bá tinh thần, truyền thống đó đến với bạn bè thế giới”.

Tuy nhiên, để mong muốn đó sớm trở thành hiện thực, thì công tác tổ chức Lễ hội cần chặt chẽ, khoa học hơn nữa, nhất là khắc phục việc bố trí các bãi trông giữ xe, xóa bỏ tình trạng xe ôm đèo ba, chở khách vòng vèo từ cổng vào đến khu vực Đền Giếng. Bên cạnh đó, cần phân luồng, hướng dẫn để xe ô tô các tỉnh về đỗ đúng nơi quy định. Anh Ngô Quý Thiệu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, phụ trách bãi ô tô cho biết: Bãi xe lớn nhất hiện nay có sức chứa hơn 1.000 xe, nhưng suốt từ hôm mồng 7, mồng 8 đã đông nghịt; ở cả 3 bãi phụ có sức chứa vài trăm xe cũng đã chật kín. “Tuy nhiên, chúng tôi hết sức cố gắng, phối hợp với cảnh sát giao thông để giữ gìn, đảm bảo tốt an ninh trật tự” - anh Thiệu nói.

Hòa chung với dòng người tham quan, anh Đào Chí Công, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì hồ hởi: “Tôi thấy năm nay hội rất đông, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của bà con tốt hơn nhiều và ai ai đều phấn khởi. Tôi về thắp hương các Vua Hùng với lòng thành kính và cảm thấy một không khí rất thiêng liêng.”.

Nói về những nét mới của Lễ hội năm nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Doãn Khánh, khẳng định: “Giỗ Tổ là một trong những hoạt động lễ hội lớn nhất của nước ta, là dịp người Việt Nam tri ân công đức với tổ tiên, nhớ về cội nguồn và tiếp nhận thêm được nghị lực từ truyền thống đoàn kết của dân tộc”.

Theo kế hoạch, sáng nay, ngày 15-4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành sẽ dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Một không khí trang nghiêm, thành kính đang bao trùm nơi vùng Đất Tổ.