TCCS - Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, Hà Nội xác định làng nghề truyền thống đóng vai trò rất quan trọng. Từ nhận thức này, thành phố thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, đồng thời triển khai những bước đi thiết thực giúp làng nghề phát triển, xây dựng nông thôn mới theo hướng xanh, thông minh và hiện đại.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể

Một trong những chỉ tiêu được Hà Nội đặt ra trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là: Đến hết năm 2025, thành phố công nhận thêm 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường. Mục tiêu trên trước hết cho thấy, bên cạnh việc mở rộng công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống, Hà Nội tích cực xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề. Thực hiện bước đi này, ngày 20-5-2021, Hà Nội ban hành kế hoạch Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề trên địa bàn thành phố năm 2021. Mục đích của kế hoạch là hướng dẫn, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định, bảo đảm nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ gìn bản sắc truyền thống và danh tiếng vốn có của các làng nghề trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở đề xuất của ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, lựa chọn danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả, không trùng lắp; kiểm tra, giám sát tiến độ, nội dung triển khai thực hiện hỗ trợ theo quy định. Theo kế hoạch này, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, cấp sử dụng địa danh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 18 làng nghề trong danh sách hỗ trợ năm 2020; hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Các làng nghề nằm trong kế hoạch hỗ trợ sẽ được tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề; hỗ trợ các hoạt động truyền thông, maketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng phối hợp hỗ trợ cả việc đặt tên thương hiệu, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ thủ tụpháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố.

Đánh giá, phân loại làng nghề, phân bổ nguồn vốn xử lý ô nhiễm môi trường

Trong quá trình hoạt động, chất thải của các làng nghề gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân làng nghề. Thông qua việc lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề thời gian gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: số làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường chỉ có 6/65, còn lại  60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Tại nhiều làng nghề, nước thải phát sinh chưa qua xử lý, chảy thẳng ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm cao. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp những con đường làng bừa bộn chất thải, nhiều đoạn kênh, mương chảy trước cửa nhà dân bốc mùi hôi ở nhiều làng nghề như làng Triều Khúc, xã Tân Triểu, huyện Thanh Trì - từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa; hay làng nghề da giày truyền thống của Hà Nội thuộc xã Phú Yên... Theo đánh giá Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ.

Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nắm rõ được thực trạng trên, từ năm 2020, Hà Nội triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề. Việc triển khai kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Từ việc đánh giá thực trạng môi trường làng nghề, xác định bất cập, đề xuất các biện pháp xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của từng làng nghề, làm cơ sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng... làm cơ sở cho việc phân loại, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố  Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội cũng tập trung nhiều biện pháp kiểm soát môi trường. Theo kế hoạch đặt ra, năm 2021, lấy mức độ ô nhiễm môi trường làm tiêu chí phân loại, thành phố rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, đưa ra các phương án đầu tư, bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả. Đến nay, Hà Nội đã vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000m2/ngày đêm; cơ bản hoàn thành Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm... góp phần xử lý ô nhiễm môi trường cho các địa phương này. Ngoài ra, Hà Nội khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống xử lý nước thải làng nghề đang được đầu tư xây dựng như Hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy (huyện Thanh Oai), nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức)…

Tuy nhiên, về lâu dài, để giải bài toán cho môi trường làng nghề, Hà Nội cần chú trọng vào việc đầu tư công nghệ trong khâu sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung định hướng các làng nghề chuyển đổi theo hướng phát triển xanh, bền vững. Đây không chỉ là lời giải triệt để cho bài toán về môi trường, mà còn là bài toán kinh tế của các làng nghề trong việc tăng cường thu hút khách du lịch đến tham quan, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh kết nối sản phẩm của làng nghề đến với thị trường. Từ đây, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển các làng nghề của Hà Nội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc./.


Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng. Thành phố cũng sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai... với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội