Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tích cực, chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
TCCS - Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh nói riêng và phụ nữ tỉnh Bắc Ninh nói chung đã tích cực, chủ động, sáng tạo và bền bỉ trong việc hưởng ứng phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những nỗ lực không ngừng và những thành tích đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực công tác, phụ nữ tỉnh Bắc Ninh ngày càng khẳng định vị thế của mình.
Xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng trong các chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được triển khai sôi nổi và rộng khắp ở hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững
Thực tiễn cho thấy, phụ nữ có nhiều đóng góp tích cực trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo đó, hàng triệu phụ nữ đóng góp công sức, tiền của góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn; tham gia hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa, là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...
Hưởng ứng phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, các tầng lớp phụ nữ luôn tích cực tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều phong trào thi đua trong lao động, sản xuất, kinh doanh, như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ sản xuất - kinh doanh giỏi”; “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả”… Các phong trào này từng bước nâng cao đời sống của phụ nữ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, phụ nữ Bắc Ninh còn tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học và sản xuất; đa dạng hóa ngành, nghề trên cơ sở bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo”, các cấp hội đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, từ đó, các tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới đều đạt yêu cầu đề ra. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp hội trong tỉnh triển khai tích cực bằng hình thức tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp vay vốn cho gần 49.300 lượt hội viên với 1.486 tỷ đồng để đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Cùng với đó, hoạt động giúp nhau tại chỗ được duy trì thường xuyên. Hơn 194.000 lượt người có điều kiện giúp đỡ 52.000 lượt chị em khó khăn với hàng nghìn ngày công, con giống các loại, tổng giá trị gần 206 tỷ đồng. Với những hoạt động sôi nổi, đi vào chiều sâu, trong những năm qua, các cấp hội giúp hơn 3.000 hội viên, phụ nữ thoát nghèo. Đối với các tiêu chí “Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Không vi phạm chính sách dân số”, các cấp hội triển khai thực hiện hiệu quả Đề án về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015” và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, tập trung cao điểm vào các ngày: “Ngày Gia đình Việt Nam”, “Ngày Quốc tế Hạnh phúc”, “Ngày Quốc tế Phụ nữ”, “Ngày Phụ nữ Việt Nam”…
Các cấp hội vận động phụ nữ tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển làng nghề truyền thống; chủ động khai thác các nguồn lực, xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng quản lý hoạt động vốn vay, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất đã được các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh tích cực thực hiện, chú trọng sản xuất những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất thân thiện với môi trường, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống địa phương theo mô hình “Mỗi xã, phường 1 sản phẩm”, “Sản xuất theo vùng chuyên canh, vùng hàng hóa”; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, cây rau màu có giá trị kinh tế cao, phát triển các mô hình kinh tế trang trại và trồng cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh… Tháng 8-2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn đào tạo kiến thức với nội dung: “Tự tạo lập kênh truyền thông số với mạng xã hội và thực hành các công nghệ sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ”. Các hội viên được hướng dẫn và cung cấp những kiến thức cơ bản để tạo lập các kênh quảng bá trên mạng xã hội, nhận diện khách hàng tiềm năng, quy hoạch truyền thống, hệ thống bán lẻ và khách hàng, phân tích nhóm tiêu dùng trọng tâm, cách thức xây dựng và sử dụng phim quảng cáo trên mạng xã hội; giới thiệu những công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm hữu cơ, các giải pháp bảo vệ thực vật chi phí thấp, định hướng các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản, sấy nhiệt thấp, sấy lạnh gia công…
Nhằm nâng cao hiểu biết của các hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Mặc dù là hoạt động mới, có nhiều khó khăn, nhưng các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện đề án. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có 2 ý tưởng tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương, đó là “Mô hình giáo dục ứng dụng khoa học - công nghệ” và “Áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP”. Trong đó, có một ý tưởng xuất sắc tiêu biểu nhận được mức tài trợ 100 triệu đồng và một ý tưởng nhận được mức tài trợ 50 triệu đồng. Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ được 952 phụ nữ khởi nghiệp. Gói hỗ trợ 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho phụ nữ khởi nghiệp vay, đã giải ngân cho 110 dự án phụ nữ khởi nghiệp.
Từ năm 2010 đến nay, các cấp hội vận động ủng hộ xây dựng 162 mái ấm tình thương với hơn 7 tỷ đồng; vận động được 60.846 phụ nữ mua bảo hiểm y tế, tặng 914 thẻ bảo hiểm y tế cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ thu gom rác thải trên địa bàn. Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn chỉ đạo thành lập 752 “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế”, nhằm giúp chị em có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Qua đó, đã vận động được 83.000 hội viên tham gia bảo hiểm y tế và tặng gần 1.900 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào “Nuôi lợn tiết kiệm” thu hút hơn 500.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia, tiết kiệm được gần 220 tỷ đồng, trích 92 tỷ đồng giúp 1.450 phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức gần 3.400 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mở gần 500 lớp dạy nghề, thành lập 13 hợp tác xã, 46 tổ liên kết sản xuất - kinh doanh cho hội viên, phụ nữ. Nhờ đó, đã giúp hơn 7.000 phụ nữ có việc làm sau học nghề với mức thu nhập bình quân từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu là Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh duy trì quỹ “Vì nữ công nhân lao động nghèo” cho 1.700 nữ công nhân lao động vay trị giá hơn 11 tỷ đồng.
Thực hiện tiêu chí về giáo dục, văn hóa - xã hội, an ninh - trật tự trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, như “Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Không có bạo lực gia đình”, “Không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”. Theo đó, thành lập các mô hình hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, như “Phòng tham vấn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh” và 420 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Thường xuyên tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ các chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, quyền của phụ nữ, như Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người; các quy định về phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm… Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức hoạt động đối thoại về việc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho phụ nữ và người dân… Trong giai đoạn 2010 - 2019, hội tổ chức 2.410 cuộc tập huấn, truyền thông, thu hút 470.347 lượt hội viên, phụ nữ, các bố, mẹ có con dưới 16 tuổi tham gia.
Từ sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các phong trào thi đua của phụ nữ Bắc Ninh trong 5 năm qua (giai đoạn 2015 - 2020) giúp đỡ được 29.112 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; 2.536 phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Những nỗ lực của phụ nữ trong lao động sản xuất, kinh doanh góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, từ 2,2% (năm 2015) xuống còn 1,27% (năm 2019), tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng, tổng sản phẩm (GRDP) năm 2019 của tỉnh tăng 1,1%, quy mô tiếp tục đứng thứ 7 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người hằng năm đạt mức 6.163 USD (đứng thứ 2 toàn quốc); thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt 73,3 triệu đồng (đứng thứ 5 toàn quốc).
Với sự chủ động, tích cực và sáng tạo trong những việc làm cụ thể, thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh không chỉ hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mà còn góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tỉnh Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới, đứng thứ 2 ở khu vực đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”
Hưởng ứng phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cụ thể hóa phong trào thi đua để tổ chức triển khai thực hiện trong các cấp. Trong đó, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) được các cấp hội triển khai đến toàn bộ hội viên từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện phong trào này, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai nhiều hình thức, cách làm phù hợp với thực tế cơ sở và đạt nhiều kết quả thiết thực, đưa phong trào đi vào đời sống thực tiễn.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, hội thực hiện được 1.350 buổi truyền thông cho 229.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; tổ chức 2.410 cuộc tập huấn, truyền thông cho 470.347 lượt hội viên, phụ nữ và các bố, mẹ có con dưới 16 tuổi nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Thực hiện chuyên đề “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đã có 19 mô hình với tổng số 1.488 câu lạc bộ, tổ phụ nữ, thu hút 71.643 thành viên tham gia. Trong đó, có một số mô hình nổi bật, như “Câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc”, với 7.485 thành viên; “Câu lạc bộ Phụ nữ hát dân ca quan họ”, với 9.591 thành viên; “Tổ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”, với 2.919 thành viên; “Câu lạc bộ Tình thương và trách nhiệm”; “Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật”; “Câu lạc bộ Phòng, chống tệ nạn xã hội”, với 2.584 thành viên; “Câu lạc bộ Phụ nữ cùng chia sẻ”, với 145 thành viên...
Trong công tác cải tạo, xây dựng cảnh quan môi trường, hội cũng triển khai thực hiện nhiều phong trào và mang lại những hiệu quả thiết thực, như “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng”, “Phụ nữ Bắc Ninh trồng cây, trồng hoa vì môi trường xanh, đường làng sạch, đô thị văn minh”, “Phụ nữ Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, “10 phút làm sạch đường phố”, “Phụ nữ đi chợ bằng làn”, “Ngày chủ nhật xanh”... Đặc biệt với những cách làm riêng, sáng tạo, từ năm 2016 đến nay, thông qua nhiều phong trào, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp và bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2019, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, như “Làng 3 sạch”, “Làng nông thôn mới kiểu mẫu”, “Khu phố kiểu mẫu”... Sau một thời gian triển khai thí điểm, toàn tỉnh đã có 87 mô hình “Làng/khu phố 3 sạch”, thu hút được hơn 100.000 hộ gia đình tham gia cam kết thực hiện. Điển hình, thôn Hoàng Kênh, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là một trong 8 đơn vị của huyện đã triển khai và được gắn biển “Làng 3 sạch”. Đây là niềm vui không chỉ của hội viên, phụ nữ thôn, mà còn là niềm vui chung của người dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện mô hình “Đường hoa phụ nữ” tại 15 xã điểm của 8 huyện/thị/thành phố. Việc trồng hoa trên các tuyến đường làng, đường liên thôn, liên xã, tiêu biểu tại các huyện như Quế Võ, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du, Thuận Thành đã góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Toàn tỉnh Bắc Ninh nhân rộng mô hình này tại 106 xã, với gần 140.000m đường hoa các loại, như hoa mười giờ, hoa ngũ sắc, dứa tím, hoa sam… và trồng gần 13.000 cây xanh tại 87 “Làng/khu phố 3 sạch”.
Cùng với đó, hội viên phụ nữ trong tỉnh đóng góp công sức, tiền của xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn. Có 1.428 hộ gia đình hội viên, phụ nữ tham gia hiến 130.299m2 đất làm đường giao thông nông thôn; tích cực tham gia làm thủy lợi nội đồng, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa. Đặc biệt, phụ nữ là lực lượng chủ chốt tham gia công tác vệ sinh thôn, xóm, bảo vệ môi trường nông thôn, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, đồng thời lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Có thể nói, việc thực hiện triển khai phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phong trào, hội viên nâng cao kiến thức về sức khỏe, pháp luật và vệ sinh môi trường, từ đó có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp, nếp nhà, góc bếp gọn gàng, ngăn nắp, tạo nên không khí ấm cúng cho gia đình; nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm, quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình, xã hội; góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ trong thời kỳ mới…Với những đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, trên các lĩnh vực.
Một số nhiệm vụ chủ yếu trong thời kỳ mới
Để vị thế của phụ nữ tỉnh Bắc Ninh ngày càng được nâng cao trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua với những mục tiêu, việc làm cụ thể, nội dung thiết thực gắn với nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng và tính tự nguyện tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tổ chức vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; tiếp tục thực hiện tốt các phong trào. Phát huy nội lực, tính cần cù, chịu khó của phụ nữ trong lao động, sản xuất, chủ động, sáng tạo trong phát triển các ngành, nghề, dịch vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao giá trị cuộc sống.
Ba là, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tiếp tục tham mưu nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại, để hoạt động đối thoại thực sự là môi trường thuận lợi cho hội viên, phụ nữ tìm hiểu, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trong rèn luyện những giá trị về chuẩn mực, phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo phương châm “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Năm là, các cấp hội chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở hội vững mạnh toàn diện, đổi mới hình thức tập hợp hội viên, tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của chị em; chủ động, tích cực tham mưu các cấp ủy, chính quyền chăm lo phát triển nguồn nhân lực là nữ./.
Hà Nội và 4 tỉnh, thành cùng chung sức làm đại dự án đường Vành đai 4  (06/05/2021)
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh nâng cao thứ hạng chỉ số DDCI  (28/04/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên