TCCSĐT - Ngày 24-9 vừa qua, Trung Quốc và Mỹ cùng thực hiện biện pháp tăng thuế nhằm vào hàng hóa của nhau, đánh dấu cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chính thức bước vào giai đoạn hai. Xu hướng mở rộng các biện pháp áp thuế và trừng phạt lẫn nhau thể hiện toan tính cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, một cuộc Chiến tranh lạnh" mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là sự thật hiện hữu.

 
 Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Mở rộng các biện pháp đáp trả lẫn nhau

Mỹ tăng thuế 10% đối với tổng lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc và có kế hoạch tăng lên 25% vào đầu năm 2019. Cùng lúc Trung Quốc tăng thêm mức thuế suất 5% đến 10% đối với tổng lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ và coi đây là đòn đáp trả phi đối xứng nhằm vào Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã tăng thuế đối tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 260 tỷ USD, chiếm 50% tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2017, liên quan đến hầu hết các mặt hàng gia dụng, thực phẩm và thép nguyên liệu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, một khi Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa, Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế đối với tổng giá trị 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng nghĩa với toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ đều phải chịu mức thuế cao lên đến 25%.

Cựu cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng, Stephen Kevin Bannon, nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng mở rộng quy mô chưa từng có trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc hiện nay, khiến Trung Quốc không đủ sức chịu đựng, cuối cùng vứt bỏ cách làm mà Mỹ nhận định là “thương mại không công bằng” của Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế châu Á hàng đầu của Bloomberg, Tom Orlik hình dung, va chạm thương mại Trung-Mỹ đã từ dùng “đạn cao su” trong giai đoạn đầu diễn biến thành dùng “súng thật đạn thật,” ảnh hưởng sẽ lan ra toàn cầu. Xu thế chiến tranh thương mại Trung-Mỹ kéo dài và mở rộng là không thể đảo ngược.

Cả hai bên đều chịu ảnh hưởng

Ảnh hưởng của cuộc chiến này sẽ không chỉ đối với một bên bất kỳ nào, mà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với cả Mỹ và Trung Quốc, thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Đối tượng đầu tiên cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ hiện nay chính là người tiêu dùng Mỹ. Bản danh sách 194 trang liệt kê các mặt hàng Trung Quốc mà Mỹ tăng thuế đã bao trùm gần như toàn bộ hàng tiêu dùng của người dân Mỹ, như tủ lạnh, đồ gỗ và xe đạp điện... Chịu mức thuế cao, giá cả các mặt hàng này sẽ tăng kéo theo chi phí sinh hoạt của người Mỹ gia tăng.

Đối với doanh nghiệp Mỹ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo và gia công vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhập khẩu từ Trung Quốc, do chịu thuế cao, giá nguyên liệu tăng cao, đẩy giá thành sản xuất lên tăng cao, lợi nhuận vì thế mà sụt giảm. Thậm chí, tình trạng này còn buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư và sản xuất.

Nguy hiểm hơn, không ai biết được chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ kéo dài đến khi nào và đây là yếu tố khiến các doanh nghiệp Mỹ không thể đưa ra được chiến lược và phương hướng đầu tư phát triển hiệu quả trong tương lai.

Nhìn sang Trung Quốc, ảnh hưởng do cuộc chiến gây ra được mọi người quan tâm và lo ngại nhất là xuất hiện một làn sóng rút vốn mới khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ khiến địa vị “công xưởng thế giới” của Trung Quốc được mọi người ca ngợi bấy lâu nay lung lay. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu rút vốn, hoặc có kế hoạch rút vốn khỏi Trung Quốc. Ví như Tập đoàn SK Hynix của Hàn Quốc, hay Mitsubishi, Toshiba của Nhật Bản ngay từ tháng 7-2018 đã có kế hoạch rút một phần vốn đầu tư khỏi Trung Quốc.

Chính quyền Vùng lãnh thổ Đài Loan và Chính phủ Thái Lan còn khuyến khích các doanh nghiệp của mình rút khỏi thị trường Trung Quốc Đại lục, chuyển vốn đầu tư sang các nước và vùng lãnh thổ khác. Quan chức Bộ Kinh tế Đài Loan nêu rõ, lần này các doanh nghiệp Đài Loan chuyển nhà xưởng về Đài Loan sẽ giúp tăng thêm cơ hội việc làm tại Đài Loan và kích tích kinh tế hòn đảo này tăng trưởng ổn định.

Tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay đang xấu đi rõ rệt. Số liệu mới nhất do Cục thống kê nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy các chỉ số kinh tế đều giảm, ngược lại giá cả tăng lên. Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tin rằng, thời gian tới kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khá nhiều khó khăn, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trở nên mà Chính phủ Trung Quốc đưa hồi đầu năm chưa chắc thực hiện được.

Nhìn ra thế giới, từ khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ bùng nổ, các thị trường mới nổi với kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề. Do Mỹ tăng thuế, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu nhập khẩu giảm, kéo theo tăng trưởng kinh tế của các nước này chậm lại. Xu thế này tất sẽ ảnh hưởng đến nhịp độ phục hồi tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế

Những thông điệp phát đi gần đây từ Trung Quốc chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ. Khẳng định lập trường cứng rắn với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, ngày 30-9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra lời cảnh báo đối với chính sách “Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát biểu tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ông Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ quyết tâm ủng hộ những hệ thống đa phương dựa trên các quy tắc. Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ ngày càng mở cửa, chia sẻ cơ hội và thành quả phát triển với tất cả các quốc gia khác, trong khi vẫn giữ vững những lợi ích phát triển của đất nước.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18-9 thông báo sẽ đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến việc Washington chính thức áp thuế 10% với các loại hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến việc Bắc Kinh cũng đáp trả với việc áp mức thuế tương ứng lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, hai bên đã có những động thái "ăn miếng trả miếng" khi áp thuế với gói hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của mỗi bên.

Ngày 24-9, Văn phòng Báo chí Quốc vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc công bố sánh Trắng “Về thực tế và lập trường của Trung Quốc trong va chạm kinh tế, thương mại Trung-Mỹ.” Trong đó cực lực phê phán chủ nghĩa bảo hộ thương mại và hành động bá quyền kinh tế của Mỹ, đồng thời cho rằng cách làm của Mỹ sẽ phá vỡ trật tự kinh tế quốc tế hiện nay.

Không chỉ đáp trả trong các biện pháp kinh tế, Trung Quốc còn hủy đàm phán an ninh với Mỹ. Hãng tin Reuters dẫn lời một chức cấp cao Mỹ ngày 30-9 cho biết Trung Quốc đã hủy đàm phán an ninh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis. Quan chức Mỹ phụ trách chính sách với Trung Quốc trên cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân, cũng như khi nào cuộc họp này sẽ được lên kế hoạch lại. Quan chức này nhấn mạnh căng thẳng hai nước đang leo thang và điều này có thể gây nguy hiểm cho cả hai bên.

Thông tin trên đã được báo New York Times đăng đầu tiên. Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng nước này và bên phía Trung Quốc đều chưa có bình luận gì về thông tin này.

Trong một tuyên bố mềm mỏng hơn, ngày 28-9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định không có gì đáng phải "hoảng loạn" về những xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, nhấn mạnh hai bên có thể vượt qua những khó khăn hiện nay. Bộ trưởng Vương Nghị đã bác bỏ cáo buộc rằng Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ của các công ty Mỹ, lý do dẫn đến việc Washington áp đặt trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh thời gian qua. Theo ông, việc các công ty Mỹ không hài lòng với những điều kiện của thị trường Trung Quốc không hề chiếm đa số. Ông cũng trấn an những quan ngại rằng Bắc Kinh đang theo đuổi việc "soán ngôi" vị trí cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh chỉ có những hành động cụ thể mới có thể giúp duy trì quan hệ Mỹ-Trung.

Từ phía Mỹ, các bước leo thang cũng liên tục được áp dụng. Do bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ đang đến gần, chiến tranh thương mại cũng đã trở thành công cụ chính trị. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc sẽ giúp cho Đảng Cộng hòa đang cầm quyền giành thắng lợi trong bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đối lập cũng nhận định đây là cơ hội để giữ số ghế của đảng này trong Quốc hội Mỹ. Nghị sỹ Đảng Dân chủ bang Bắc Carolina, Heidi Heitkamp công kích Chính phủ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc là cách làm ngu xuẩn, hậu quả người dân Mỹ phải gánh chịu, và rằng giải quyết vấn đề mất cân bằng trong thương mại Mỹ-Trung còn nhiều biện pháp thông minh hơn.

Trên thực tế, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại đã khiến cho mọi người nghĩ đến một cuộc "Chiến tranh lạnh" mới trong thế kỷ 21 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có tin Mỹ đang bí mật đưa ra biện pháp kiềm chế toàn diện đối với Trung Quốc, nhanh nhất có thể là thực hiện trong vài tuần tới. Quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ, biện pháp này “rộng lớn và thực chất,” liên quan đến nhiều cơ quan của Chính phủ Mỹ như Cơ quan An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại.

Ngày 20-9, Mỹ còn tuyên bố cấm vận Ban Phát triển Trang bị Quân Ủy Trung ương Trung Quốc và Trưởng ban, Trung tướng Lý Thượng Phúc. Giới phân tích cho rằng, Mỹ công khai cấm vận trung tướng Quân đội Trung Quốc và một ban của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã trở thành một sự kiện trong bối cảnh Trung-Mỹ đang tiến hành chiến tranh thương mại. Hành động này cho thấy phía Mỹ đã mở rộng chiến tranh từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực quân sự.

Những diễn biến gần đây có thể thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ra đòn mạnh mẽ và toàn diện như vậy với Trung Quốc, chắc chắn không phải là biện pháp nhất thời, chỉ để tạo thanh thế, mà là biện pháp mang đậm toan tính cạnh tranh chiến lược, “người lên kẻ xuống” về thế lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, một cuộc Chiến tranh lạnh" mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là sự thật hiện hữu./.