TCCSĐT - Sáng 28-9, tại huyện Sóc Sơn, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại 28-9.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt ngày 26-01-2018, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 30/KH-UBND về “Thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021”. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hàng năm, một số huyện ngoại thành vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh dại.

Theo thống kê, năm 2016, toàn thành phố ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh dại, năm 2017 ghi nhận 2 trường hợp và từ đầu năm 2018 đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp dại lên cơn tại các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều là những người bị chó cắn mà không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh dại có nguy cơ gia tăng là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo tại một số địa phương còn thấp nên không khống chế được bệnh dại ở chó, mèo. Người dân còn chủ quan, nhận thức về bệnh dại hạn chế dẫn đến khi bị chó, mèo cắn không đi khám, tư vấn y tế để được tiêm phòng vắc xin.

Huyện Sóc Sơn có 89.076 con chó, mèo, chiếm 21% tổng đàn chó, mèo của toàn thành phố. Do địa hình trung du, bán sơn địa, đất rộng nên tập quán nuôi chó, mèo của nhân dân chủ yếu để giữ nhà, có nhà nuôi 8-10 con, hầu hết là nuôi thả rông. Một số xã vùng đồi núi ở trên diện tích hàng nghìn m2/hộ, hầu hết không có tường rào bao quanh nên việc quản lý chó nuôi và tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo hàng năm gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, bệnh dại xảy ra đáng báo động trên địa bàn huyện Sóc Sơn; toàn huyện có 134 người bị chó, mèo cắn nghi dại phải đi tiêm phòng. Đến năm 2014, một người ở xã Bắc Sơn, tháng 8-2018, một người ở xã Hồng Kỳ tử vong do phát bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại, thành phố và huyện cần tiếp tục hỗ trợ vắc xin tiêm phòng và kinh phí phòng chống dịch bệnh dại cho chó, mèo. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, kinh doanh tự do tại các địa phương trong huyện để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh phát sinh, lây lan, tiến tới thanh toán bệnh dại trên địa bàn… - ông Lương Xuân Mạnh, Trạm trưởng Trạm Thú y Sóc Sơn đề xuất.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao. Để có thể ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh yêu cầu, các quận, huyện tăng cường vào cuộc, kiểm soát đàn chó, mèo và loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi thông qua việc tiêm phòng vắc xin; duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo, phấn đấu đạt trên 90% tổng đàn. Ngành chức năng tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, tư vấn, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam... Các cơ sở y tế đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vắc xin, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn./.