Mở rộng khối đoàn kết toàn dân từ các cuộc vận động thiết thực
TCCSĐT - Song hành cùng công cuộc đổi mới của đất nước, suốt mấy chục năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp thực hiện các cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn quốc trên các lĩnh vực hoạt động nhằm triển khai công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thể hiện phong phú, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” đã góp phần quan trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đoàn kết toàn dân.
Giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa
Với phương châm lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên bám sát địa bàn dân cư, hộ gia đình triển khai các phong trào, các cuộc vận động, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân chủ động phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Hơn 20 năm triển khai (từ tháng 5-1995), thực tiễn sinh động của hơn 100.000 khu dân cư tham gia cho thấy, cuộc vận động khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân sự đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào toàn dân thi đua phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp, xóa đói giảm nghèo phát triển rộng khắp ở các thành phần kinh tế, trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, đất nước. Những cách làm hay, những sáng kiến mới xuất hiện ngày càng nhiều. Cá nhân làm kinh tế giỏi từ trong phong trào quần chúng được nhân dân ghi nhận ở từng khu dân cư, tạo ra nguồn lực tại chỗ để xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nhanh và vững chắc. Nhiều địa phương Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có những hình thức sáng tạo, phong phú giúp đỡ các hộ nghèo, khôi phục, mở rộng ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Kịp thời triển khai lồng ghép toàn diện nội dung cuộc vận động với tiêu chí xây dựng nông thôn mới hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tưởng Chính phủ phát động, Mặt trận Tổ quốc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thực hiện ở cơ sở. Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện cuộc vận động, theo đó, hàng ngàn héc-ta đất được nhân dân tự nguyện hiến làm đường, làm công trình công cộng; hàng triệu ngày công lao động, hàng ngàn tỷ đồng được nhân dân đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Tuyên giáo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho biết: chăm lo phát triển kinh tế, người dân cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng đạo đức và lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư theo đó từng bước có chuyển biến tích cực, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, của những người tiêu biểu, người có uy tín và các chức sắc tôn giáo cùng sống trong cộng đồng. Đến nay có 18.232.942/21.745.573 gia đình đạt tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt trên 83,84%; có 75.598/111.231 khu dân cư đạt tiêu chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 67,96%.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, 15 năm qua (tháng 10-2000 - 10-2015), với cách làm quyết liệt, sáng tạo, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được triển khai sâu rộng, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp của chính quyền, sự tham gia của các tổ chức thành viên, sự nhiệt tình ủng hộ của đông đảo các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, của bạn bè quốc tế.
Qua 15 năm tổ chức thực hiện, cuộc vận động trở thành một hoạt động thường xuyên và trọng tâm của các cấp mặt trận trong cả nước, huy động được các nguồn lực quan trọng giúp đỡ hữu hiệu, kịp thời cho người nghèo, người tàn tật, người bị nhiễm chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động giúp đỡ người nghèo diễn ra phong phú, đa dạng, song hình thức giúp đỡ tập trung nhất là đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo” để chăm lo cho hộ nghèo ở từng cộng đồng dân cư, qua đó tập trung giúp đỡ xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo và thăm, tặng quà nhân dịp tết nguyên đán hằng năm.
Báo cáo đánh giá tổng kết 15 năm thực hiện cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc cho thấy, thông qua cuộc vận động, huy động trên 32.000 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, vùng nghèo. Trong đó, ủng hộ qua “Quỹ vì người nghèo” 4 cấp trong cả nước trên 8.600 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp an sinh xã hội cho các địa phương trên 23.700 tỷ đồng. Từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” vận động được cùng với ngân sách nhà nước và hỗ trợ trực tiếp của cộng đồng đã xây mới, sửa chữa 1.362.934 căn nhà cho hộ nghèo, tặng hàng chục triệu suất quà nhân dịp tết cổ truyền, hỗ trợ tư liệu sản xuất cho hàng ngàn hộ nghèo... Trong 10 năm (2004 - 2014), Mặt trận Tổ quốc xét và trao “Bằng ghi công” cho 6.501 xã, phường, thị trấn; 335 quận, huyện; 17 tỉnh, thành phố đã hoàn thành chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết thay thế nhà dột nát cho người nghèo.
Điều đáng nói, từ cuộc vận động, hoạt động nhân đạo, từ thiện phát triển ngày càng rộng khắp, được các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ở nước ngoài tích cực ủng hộ. Qua đây, nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng nhân hậu của cá nhân, tập thể đến được với người nghèo. Kết quả cuộc vận động, vì thế, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước thương nòi, trở thành giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội.
Phát triển sự đồng thuận xã hội
Chia sẻ lý do tại sao các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động nhận được sự hưởng ứng đông đảo của tầng lớp nhân dân, ông Tuấn Anh cho rằng: nguyên nhân chính là do các cuộc vận động đã đề cao truyền thống đạo lý tốt đẹp tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta; đồng thời phát huy niềm tự hào, mong muốn giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa trong mỗi người dân. Theo ông, thông qua các cuộc vận động, Mặt trận khẳng định được một phương thức hoạt động có hiệu quả, đưa công tác Mặt trận xuống tận cơ sở, đi vào cuộc sống, làm cho nhân dân cảm nhận được vai trò của Mặt trận trong từng hoạt động. Công sức của nhân dân đóng góp trong các cuộc vận động do Mặt trận phát động mang lại kết quả cho đời sống của chính bản thân họ và cộng đồng. Điều này khơi dậy tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân. Mặt khác, trong quá trình tham gia cuộc vận động, người dân ý thức sâu sắc sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, từ đó khơi dậy lòng nhân ái, sự sẻ chia trong mỗi người, góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ý nghĩa quan trọng của các cuộc vận động còn ở việc tăng cường sự nhất trí về chính trị trong các tầng lớp nhân dân, phát triển sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đoàn kết toàn dân, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị gắn bó với nhân dân, làm nòng cốt trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở.
Hiệu quả của các cuộc vận động cũng được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII diễn ra tháng 9-2014: “Mặt trận đã đoàn kết, tập hợp lực lượng và xây dựng khối đoàn kết toàn dân không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân”.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong Mặt trận có việc còn chồng chéo hoặc mang tính hình thức. Một số nơi, các cuộc vận động, phong trào thi đua chưa tạo được sự chuyển biến tích cực, chưa cải thiện được nhiều tình hình khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Để khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian tới, “Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả...” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra./.
Lãnh đạo tỉnh, thành phố thăm hỏi, chúc Tết lực lượng vũ trang và chức sắc tôn giáo  (06/02/2016)
Việt Nam tham gia Lễ duyệt hạm quốc tế 2016  (06/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, chúc Tết tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long  (06/02/2016)
Bạn bè quốc tế chúc mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XII  (05/02/2016)
Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia  (05/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay