1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới”. Sức mạnh của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững. Quan hệ đối ngoại rộng mở và đang đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.  

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn chậm, đời sống nhân dân ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn; mô hình phát triển chưa đổi mới, sáng tạo; hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển; khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; văn hoá, xã hội, môi trường chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức; quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt bất cập; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa được phát huy đầy đủ; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế.

Vì vậy, để tạo đột phá chiến lược hướng tới dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2030 và kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Nước, năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao, củng cố cơ đồ, tăng cường vị thế đất nước cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi chúng ta phải tạo ra động lực mới cho sự phát triển đất nước.

Trên cơ sở kế thừa và bổ sung quan điểm về những nhân tố tạo thành động lực của các kỳ Đại hội Đảng trước đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Với tư tưởng trên, động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được xác định trên nhiều nội dung mới.

Thứ nhất, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Yêu nước là truyền thống quý báu, là hệ giá trị nổi bật của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là mẫu số chung, là nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước không chỉ là tư tưởng, tình cảm mà đã trở thành triết lý, là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí, khí phách, quyết tâm và hành động của mỗi con người Việt Nam. Trong chiến tranh, yêu nước được thể hiện qua tinh thần đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, tinh thần quật khởi, ý chí quật cường bất khuất, chống lại sự xâm lược, đô hộ, đồng hóa của ngoại bang để bảo vệ độc lập dân tộc và biên cương của Tổ quốc. Ngày nay, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, hợp tác trong lao động, sản xuất; sáng tạo, hăng say để xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. 

Để phát huy cao độ lòng yêu nước phải có tinh thần đoàn kết, chỉ có đoàn kết sâu, rộng chúng ta mới tập hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Khi coi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hướng vào nguồn lực nội sinh, sức mạnh dân tộc là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn… những giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam. Đây là sức mạnh vĩ đại, nguồn năng lượng to lớn, sống động thúc đẩy sự phát triển của quốc gia - dân tộc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Về bản chất, văn hoá là những hoạt động sáng tạo của con người hướng tới những giá trị nhân văn, nhân bản, là khát vọng hướng tới cái chân, thiện, mỹ nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Nói tới văn hoá là nói tới con người, do vậy, phát huy vai trò của văn hoá trong phát triển chính là phát huy những năng lực, bản chất của con người.

Với tư cách là động lực của sự phát triển, văn hoá khơi dậy sức sống, sức sáng tạo vươn tới các giá trị nhân văn, tiến bộ của con người. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là nhằm giải phóng và phát triển toàn diện con người. Vì vậy, bản chất của văn hoá thống nhất với mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta hướng tới.  

Mang trong mình những giá trị truyền thống tốt đẹp, con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ tiên tiến, tri thức hiện đại trên thế giới để đổi mới sáng tạo vào quá trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Trong thời đại ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động to lớn đối với đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi căn bản lĩnh vực sản xuất, tư duy, văn hóa, lối sống của con người.

Trước hết, cách mạng công nghiệp thúc đẩy lực lượng sản xuất (thay đổi trình độ của người lao động, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin), tạo ra sự thay đổi căn bản về khả năng kết nối giữa con người với công nghệ; khả năng minh bạch thông tin; khả năng giải quyết những công việc phức tạp với trình độ rất cao. Đây chính là những động lực không giới hạn thay cho tăng trưởng cho những nước chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, lao động phổ thông. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra đột phá về công nghệ trong quá trình sản xuất và tiêu dùng đã giúp tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ngày nay, công nghệ thông tin còn tạo cơ sở cho quá trình hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế, tạo cơ sở cho nền sản xuất toàn cầu, phục vụ cho nhân loại.

Thứ hai, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi tư duy của con người, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp góp phần hình thành lối tư duy độc lập, sáng tạo, tăng cường tính logic với những phán đoán ngày càng toàn diện hơn, khoa học hơn, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tư duy khoa học. Điều này không chỉ hình thành và thúc đẩy khả năng làm việc hiệu quả, mà còn xác lập lối sống mới lành mạnh, tiến bộ và văn minh hơn cho con người. Sự phát triển của khoa học công nghệ đang cho phép thành lập các cộng đồng toàn cầu, vượt biên giới các quốc gia, tạo ra những giá trị chung cho nhân loại.   

Thứ ba, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại hiện nay đã thúc đẩy quá trình phát triển ngày càng cao về cấu trúc, trình độ tổ chức của các thiết chế xã hội, tạo ra mạng lưới giao tiếp đa diện hơn cho con người. Mô hình quản lý của các chính phủ điện tử, quản trị thông minh thông qua công nghệ điện toán đám mây, đã góp phần thay đổi căn bản khả năng kết nối và tương tác xã hội, đem lại hiệu quả to lớn cho xã hội loài người. Khoa học công nghệ cũng tạo ra sự công bằng và sự bình đẳng cho tất cả mọi người khi được hưởng sản phẩm giá rẻ, thuế thấp hơn với chất lượng dịch vụ cao hơn, giúp con người có thể cung ứng và trao đổi các dịch vụ, như tư vấn sức khoẻ, viết phần mềm, xử lý thông tin... trên phạm vi toàn cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể nói, cách mạng  công nghiệp đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống con người, tạo động lực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tuy vậy, chúng ta cần phải ý thức rằng, khoa học và công nghệ tự nó không trở thành động lực phát triển xã hội. Nó chỉ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội khi được định hướng, quản lý nhằm đem lại lợi ích chung cho quần chúng nhân dân, vì mục tiêu phát triển, công bằng và tiến bộ xã hội. Nếu đi ngược mục tiêu đó, nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, thúc đẩy sự phân hoá xã hội và cản trở sự phát triển bền vững của xã hội, thậm chí trở thành nhân tố cản trở sự tiến bộ xã hội.

2. Với Quảng Ninh, trước những khó khăn, thách thức bởi đại dịch COVID-19, tỉnh đã xác định đúng động lực để nhanh chóng khắc phục khó khăn và sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Theo Tổng cục Thống kê, GRDP năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh ước tăng 10,28% - mức cao thứ 2 cả nước (sau thành phố Hải Phòng). Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng cao, đạt trên 360.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt trên 1 tỷ USD, gấp 2,67 lần cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao, 100,1% dự toán năm và 104% cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng thu từ xuất nhập khẩu ước đạt 11.000 tỷ đồng, thu nội địa ước đạt trên 40.000 tỷ đồng.

Để đạt được con số tăng trưởng ấn tượng này trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến hầu hết lĩnh vực ở tất cả địa phương, Quảng Ninh linh hoạt ứng biến, góp phần giữ địa bàn tỉnh ổn định. Đây là nền tảng hậu thuẫn cho kinh tế - xã hội tỉnh giữ “truyền thống” tăng trưởng.

Song song đó, trước sự ảm đạm của ngành du lịch - dịch vụ, tỉnh sớm xác định động lực tăng trưởng nằm ở công nghiệp chế biến, chế tạo. “Quả ngọt” của hướng đi này là tốc độ tăng trưởng nổi trội ước tính 32,19% so với cùng kỳ năm trước của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bên cạnh mức tăng trưởng 2 con số, tỉnh triển khai nhiều chính sách, chỉ đạo linh hoạt phù hợp tình hình thực tế.

Sang năm 2022, Quảng Ninh cũng đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu với loạt dự án khởi công mới, đồng thời tăng tiến độ công trình trọng điểm như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3… Các dự án lớn này khi hoàn thành hứa hẹn tạo kết nối đồng bộ, thuận tiện trên địa bàn tỉnh cũng như với khu vực lân cận. Nhờ đó, lĩnh vực xây dựng đạt mức tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, không ít dự án có vốn đầu tư nước ngoài trở thành một phần động lực thúc đẩy tỉnh phát triển. Những cái tên nổi bật trong đó có khu kinh tế Vân Đồn, quần thể sân golf - khách sạn 5 sao - khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Ao Tiên…

Đặc biệt, Quảng Ninh triển khai đề án, chương trình về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Giải pháp tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thứ hạng của tỉnh cũng là một trong những trọng tâm năm.

Bên cạnh đó, một động lực rất quan trọng là chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ. Ứng dụng công nghệ được xem là xu hướng tất yếu để phát triển và không bị bỏ lại phía sau. Quảng Ninh cũng không nằm ngoài guồng quay chung, tỉnh chú trọng đầu tư công nghệ, xây dựng thành phố thông minh. Sau quá trình nỗ lực, thành phố Hạ Long hoàn thiện hệ thống chiếu sáng thông minh với trên 4.300 bộ đèn LED, chiếu sáng 145 tuyến đường trên địa bàn. Hệ thống này này do Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng vận hành, giám sát. Không dừng ở đó, toàn thành phố được đầu tư hệ thống Wi-Fi miễn phí với 107 điểm phát sóng, hỗ trợ du lịch và hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tiếp tục tạo điểm nhấn trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của tỉnh. Trung tâm này cho phép sử dụng thông tin, công nghệ phân tích, giúp chính quyền tỉnh đưa ra quyết định kịp thời, quản lý linh hoạt các vấn đề. Đồng thời, sợi dây liên kết giữa người dân với chính quyền bền chặt hơn khi người dân có thể gửi ý kiến đóng góp, thông báo về sự cố, vấn đề liên quan đến hạ tầng, an ninh, môi trường... qua ứng dụng.

Ngoài những kết quả ấn tượng về kinh tế, chính sách hút đầu tư, chú trọng công nghệ và các lĩnh vực khác như văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe hay an ninh cũng được Quảng Ninh bảo đảm. Ngành du lịch từng bước phục hồi sau thời gian trầm lắng vì dịch với những hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng được tổ chức song hành bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19.

Bước qua năm 2021 nhiều thách thức và dự báo khó khăn vẫn còn phía trước, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu nỗ lực duy trì mức tăng trưởng hai con số năm 2022. Tỉnh dự kiến huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vẫn là trọng tâm.

Với nền tảng tăng trưởng, kinh nghiệm đối mặt thử thách, Quảng Ninh được đánh giá có nhiều tiềm năng duy trì mức tăng trưởng 2 con số vào năm 2022 như mục tiêu đặt ra./.