Phát triển kinh tế di sản trong nền kinh tế số: Kinh nghiệm tại một số quốc gia tại châu Á và bài học cho Việt Nam

Trần Thị Ngọc Quyên - Phạm Vân Nhi - Ngô Hà Phương
Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương
09:50, ngày 06-12-2024

Hiện nay, sự kết hợp giữa phát triển di sản văn hóa và nền kinh tế số đã trở thành một xu hướng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm phát triển kinh tế sáng tạo giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và tận dụng những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tại châu Á, nhiều quốc gia đã đạt được những thành tựu nổi bật mang tính sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số vào phát triển giá trị di sản của văn hóa quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung phát triển một số ngành kinh tế trong công nghiệp văn hoá, tạo việc làm bền vững và tăng cường kết nối văn hóa. Trên cơ sở phân tích và so sánh những kinh nghiệm tại một số quốc gia châu Á nhóm tác giả sẽ chỉ ra một số bài học góp phần nâng cao năng lực về quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế di sản.

Kinh tế học di sản là một lĩnh vực mới có tính khoa học đặc thù. Trước hết, đến những năm 1990, các nghiên cứu mới bắt đầu đề cập về khả năng áp dụng lý thuyết và thực hành kinh tế vào phân tích các quyết định về di sản. Học giả đi đầu lập luận cho sự phát triển của kinh tế học di sản là nhà kinh tế học người Anh Sir Alan Peacock với nguyên lý kinh tế đơn giản trong phân bổ nguồn lực cho các dự án di sản và cũng nhận định rằng nên cân nhắc sở thích của công chúng trong quá trình đưa ra quyết định (Peacock, 1995). Tiếp đến, trong những nghiên cứu nhấn mạnh những chính sách bảo tồn di sản nhưng chưa tập trung phân tích các khía cạnh về kinh tế (David Throsby, 2012) mà cách tiếp cận hướng đến hoạt động quản lý nhà nước về văn hoá,. Cụ thể là di sản được đề cập đến trong các thảo luận tập trung mối liên kết giữa chính sách văn hóa và phát triển kinh tế ở UNESCO vào những năm 1960 và 1970. Thậm chí, thiết lập Công ước Di sản thế giới và sử dụng Điều lệ Burra đã đánh giá tầm quan trọng của di sản ở nhiều quốc gia và khuyến khích thực hiện biện pháp bảo tồn.

Thực tế, nhiều quan điểm nghiên cứu đã hướng tiếp cận tổng thể phân tích sự kiến tạo địa điểm và giá trị di sản ẩn dấu tại đó. Có thể nhận thấy, bất kì địa điểm nào trên thế giới cũng cho thấy mối quan hệ toàn diện, phức hợp giữa thiên nhiên và văn hoá trong quá trình định hình bản sắc (identity) cũng như cảm giác thuộc về của cộng đồng (Singh et al 2023). Trong tổng thể đó, cách tiếp cận kiến tạo địa điểm (place making) là công cụ hỗ trợ cho những hiểu biết về sự hình thành của các địa điểm, đồng thời tạo ra cơ hội mới từ sự tương tác, giao tiếp và mô phỏng của con người (Lew, 2021). Trong bối cảnh nghiên cứu về các khu di sản, kiến tạo địa điểm thể hiện sự giao thoa cũng như nét tương đồng lớn với tạo tác di sản - một hình thức kiến tạo địa điểm tại một khu di sản. Các công trình nghiên cứu về kiến tạo địa điểm sáng tạo ở những vùng di sản có thể trở thành nguồn gợi mở giá trị đối với các nhà quản lý trong những điều chỉnh phù hợp, hạn chế xung đột để hướng đến sự phát triển hài hòa bền vững. Với cộng đồng, sự thấu hiểu diễn trình hình thành và lựa chọn giá trị giúp có nhận thức sâu sắc hơn về địa điểm, tăng cường cảm xúc với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điều quan trọng là các di sản của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng cần trở thành những nguồn lực giá trị tập trung phát triển kinh tế hướng đến sự bền vững.

Cùng với đó là hướng phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế di sản. Báo cáo của OECD năm 2024 về nền kinh tế số đã nhận định bức tranh tổng quan về tác động của các công nghệ số như internet, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo đến cách thức hoạt động của nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành CNVH. Sự kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản với cách tiếp cận phát triển văn hoá, mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới dưới góc nhìn thương mại hóa các sản phẩm/dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế (UNESCO 2023). Đó là những sản phẩm không chỉ đáp ứng tiêu chí thương mại hoá mà còn thể hiện sự sáng tạo dựa trên những di sản vật thể và phi vật thể. Hiện nay, khu vực Châu Á không chỉ nổi bật với những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, mà còn tạo sức hút đặc biệt từ nhiều quốc gia trên thế giới với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, cách tiếp cận mở độc đáo đã và đang tiên phong trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phát triển kinh tế di sản.

Di sản văn hóa

Việt Nam có quan điểm nhất định về di sản văn hóa. Theo Điều 1 Luật Di sản văn hóa 2001, di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong đó bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Mỗi di sản văn hóa đều chứa đựng những giá trị khác nhau và chủ yếu được phân chia thành giá trị kinh tế và văn hóa. Giá trị kinh tế không thể hiện một cách thông thường trên thị trường, mà thường thể hiện ngầm ẩn hoặc gián tiếp qua các giá trị khác. Nói cách khác, những giá trị từ di sản văn hóa đã tích hợp vào sản phẩm để tạo ra giá trị kinh tế (Bùi Minh Hào, 2021). Ví dụ, một  show trình diễn tại Khu Di tích Hỏa lỏ vào cuối tuần như Đêm “Thiêng liêng 1”, “Đêm thiêng liêng 2” đã được nhiều khán giả ở các lứa tuổi đón nhận. Họ đã mua vé để được trải nghiệm thực tế và đã cảm nhận giá trị và thiêng liêng (Trần Thị Ngọc Quyên, 2024). Bên cạnh giá trị kinh tế, giá trị văn hóa của di sản cũng có những yếu tố cấu thành khác nhau: 1- Giá trị thẩm mỹ: nằm ở vẻ đẹp di sản sở hữu và cách thức thể hiện; 2- Giá trị biểu tượng: ý nghĩa và thông điệp di sản truyền tải về bản sắc dân tộc; 3- Giá trị tinh thần: ý thức về sự kết nối với quá khứ của cộng đồng; 4- Giá trị xã hội: phản ánh cách thức di sản đóng góp cho cộng đồng và xã hội; 5- Giá trị lịch sử: định nghĩa bản sắc văn hóa của di sản; 6- Giá trị chân thực: mức độ chân thật của di sản; 7- Giá trị khoa học: di sản có nội dung khoa học hoặc là đối tượng nghiên cứu học thuật. Như vậy, đối với các sản phẩm trong kinh kinh tế di sản, các yêu cầu/tiêu chuẩn thường đan xem và tổng hợp. Ở mỗi sản phẩm nó hàm chứa giá trị của di sản, vẻ đẹp của thời đại, sự sáng tạo và đón nhận đặc biệt của các thế hệ, các nền văn hoá. Như vậy, tại tất cả các quốc gia, để phát triển di sản văn hoá, nền kinh tế di sản cần có sự sáng tạo trong phát triển các sản phẩm/dịch vụ trong ngành sáng tạo này.

Nền kinh tế số và phát triển kinh tế di sản

Thuật ngữ “Kinh tế số” lần đầu tiên được Tapscott (1996) đưa ra trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa nền kinh tế mới, kinh doanh mới và công nghệ mới. Bukht và Heeks (2019) đã nhận định có bốn cách tiếp cận chính về định nghĩa của kinh tế số: góc nhìn tài nguyên (Resource perspective) bao quanh các công nghệ mà kinh tế số được xây dựng trên đó; góc nhìn luồng (Flow perspective) tập trung vào sử dụng công nghệ để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh; góc nhìn cấu trúc (Structural perspective) xác định các cấu trúc mới dựa trên mạng lưới của kinh tế số; và góc nhìn mô hình kinh doanh (Business Model perspective) kết hợp giữa quy trình và cấu trúc, nhấn mạnh vào ý tưởng rằng các mô hình kinh doanh mới được công nghệ thúc đẩy.

Khi định nghĩa phát triển, kinh tế số được tổng hợp và đơn giản hóa thành "phần sản lượng kinh tế được tạo ra hoàn toàn hoặc chủ yếu từ các công nghệ số với một mô hình kinh doanh dựa trên hàng hóa hoặc dịch vụ số - bao gồm cả khu vực số cộng với các dịch vụ nền tảng và số mới nổi", với cốt lõi của kinh tế số là "khu vực số": khu vực CNTT/ICT sản xuất hàng hóa và dịch vụ số cơ bản. Kinh tế số bao gồm ba thành phần chính: Kết cấu hạ tầng hỗ trợ; Quy trình kinh doanh điện tử (e-business) với cách thức kinh doanh được thực hiện; Giao dịch thương mại điện tử (e-commerce) là bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.

Di sản văn hóa, như là một cấu phần quan trọng của các ngành CNVH, và đều liên quan đến số hóa trong thời đại kinh tế số này. Công nghệ số giúp cho di sản văn hóa trở nên dễ tiếp cận với khách hàng trên toàn cầu, mà theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nền kinh tế di sản cũng áp dụng các hình thức công nghệ kỹ thuật số, cụ thể là sử dụng kinh tế số, big data, nền kinh tế chia sẻ như Grab, Internet để gia tăng giá trị sáng tạo cho các sản phẩm/dịch vụ. Nói cách khác, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác trong CNVH, nền kinh tế này sẽ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hoá dựa trên ý tưởng sáng tạo từ những giá trị di sản với sự cộng hưởng mạnh mẽ của công nghệ số.

Để phát triển kinh tế di sản trong nền kinh tế số, cách tiếp cận cũng cần phát triển các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến giá trị di sản dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, quy trình kinh doanh điện tử đặc thù cho các sản phẩm/ dịch vụ và phát triển hệ thống giao dịch thương mại trực tuyến với cách tiếp cận sáng tạo. Điều cốt lõi của kinh tế di sản chính là tạo dựng ngày càng nhiều những trải nghiệm mang tính sáng tạo về giá trị di sản cho khách hàng. Tạp chí Heritage 2023 đã phân tích thực tế ở Stonehenge, một trong những di sản nổi tiếng nhất tại Anh với hiệu ứng của công nghệ thực tế ảo (VR) tái hiện lại lịch sử và cấu trúc ban đầu của công trình này, thậm chí du khách có thể trải nghiệm tham quan Stonehenge thông qua kính VR. Còn ở thành phố cổ Zuoying ở Đài Loan cũng đã ứng dụng các công nghệ số như VR, thực tế tăng cường (AR), và các công nghệ trình chiếu để nâng cao trải nghiệm của du khách tại các di sản văn hóa. Thêm nữa, AR tại Bảo tàng Louvre - Pháp giúp du khách tương tác với các tác phẩm nghệ thuật và có được thông tin chi tiết thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động. Điều này giúp làm phong phú thêm trải nghiệm tham quan và nâng cao nhận thức về giá trị của các hiện vật nghệ thuật. Như vậy, nền kinh tế di sản ngày càng phát triển với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nền tảng kinh tế số ở tất cả các quốc gia.

Thực tiễn một số quốc gia tại châu Á

Trung Quốc

Tăng cường chiến lược phát triển của kinh tế di sản trong bối cảnh mới. Trung Quốc sử dụng chiến lược sức mạnh mềm văn hóa để thúc đẩy di sản văn hóa, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế khu vực và địa phương (H.Silverman and T.Blumenfield 2013). Các địa điểm di sản thế giới bao gồm các di sản đế chế (như Thành nhà Thương, cung điện Hoàng Thành, Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng), văn hóa dân gian (các khu vườn cổ điển ở Tô Châu, nhà đa tầng phòng thủ ở Phúc Kiến, Lệ Giang) và tôn giáo (hang động Mogao ở Đôn Hoàng, khu phức hợp cổ đại ở núi Võ Đang và núi Nga Mi). Việc công nhận các di sản phi Hán tạo dựng, củng cố và thúc đẩy hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia đa văn hóa. Phát triển kinh tế di sản là một trong những nỗ lực thực thi chiến lược phát triển CNVH của quốc gia này. Ngành công nghiệp có đặc thù phát triển dựa trên nền tảng của những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cường quốc về văn hoá, với sự đa dạng của vùng miền, đặc trưng của từng địa điểm, những giá trị riêng của từng loại hình văn hoá vật thể, phii vật thể, cùng với những ý tưởng sáng tạo và nỗ lực không ngừng của cộng đồng, bao gồm các nhà sáng tạo, các nghệ sĩ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tăng cường tham gia của chính quyền địa phương: Chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong quản lý và bảo tồn di sản, mặc dù có cách tiếp cận chưa thực sự thực tế. Phát triển kinh tế có những trường hợp sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến di sản văn hóa và môi trường. Là một trong những quốc gia rộng lớn, chính quyền trung ương có vai trò điều phối tổng thể chiến lược, chính sách, còn chính quyền địa phương khá linh hoạt và chủ động trong hiện thực hoá thành các chiến lược gắn với thực tiễn phát triển tại từng vùng. Thực tế, mỗi di sản văn hoá cần có sự thấu hiểu về giá trị, ý tưởng sáng tạo và cách thức triển khai đặc thù tạo sức hút đối với khách du lịch.

Tăng cường tham gia các hiệp định, quy ước quốc tế liên quan: Trung Quốc cũng đã ký kết Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, với các dự án bảo tồn được đầu tư với giá trị cao. Sự tham gia tích cực này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các lĩnh vực của CNVH như du lịch và các hoạt động văn hóa. Cụ thể, Trung Quốc với dự án "Digital Dunhuang" tại Di sản Thế giới UNESCO ở Đôn Hoàng, đã tạo lập được một nền tảng số hóa với độ phân giải cao, cho phép người xem trên toàn thế giới khám phá các tác phẩm nghệ thuật cổ đại thông qua trải nghiệm trực tuyến. Chính quá trình bảo tồn văn hoá như vậy có tác động lan tỏa với sự cảm nhận giá trị của các di sản này đến đông đảo cộng đồng trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, quốc gia này đã tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, thông qua tích cực tham gia vào hệ thống Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1985, sau khi phê chuẩn Công ước Di sản Thế giới năm 1972. Kết quả là, hiện nay Trung Quốc có 57 địa điểm Di sản Thế giới với hàng chục địa điểm khác đang chờ đề cử. Điều này không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng uy tín quốc tế mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương thông qua phát triển một số lĩnh vực nổi bật như du lịch và quảng bá văn hóa. Cụ thể, kể từ khi trở thành di sản thế giới của UNESCO vào năm 1992, di sản thiên nhiên Trương Gia Giới (Zhangjiajie) đã thu hút một lượng lớn du khách tại Trung Quốc. Trong năm 2019, khu vực này đã đón 30 triệu du khách và mang lại doanh thu hơn 30 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD). Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại đây, bao gồm xây dựng hệ thống cáp treo dài nhất thế giới và thang máy ngoài trời Bách Long cao 326 mét (hoàn thành vào năm 2002), cho phép du khách tận hưởng cảnh quan tuyệt đẹp từ độ cao mà không cần di chuyển khó khăn. Dự án này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của du khách mà còn nâng cao vị thế của Trương Gia Giới, biến nơi đây thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Ngoài quản lý khách du lịch, Trương Gia Giới cũng đầu tư vào các dự án phục hồi môi trường như trồng rừng, bảo tồn động thực vật quý hiếm và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt theo quy định.

 Thông qua các dự án hợp tác quốc tế, Trung Quốc đã học hỏi kinh nghiệm giá trị của nhiều quốc gia đi đầu và có những thành công trong phát triển kinh tế di sản thông qua các dự án thực tế. Trong quá trình kết nối này, Quốc gia này nhận thấy những giá trị đặc thù của văn hoá quốc gia, cũng như từng vùng miền, trên cơ sở đó có chính sách phát triển kinh tế di sản gắn với thực tiễn tại từng địa phương. Đây là một điển hình tại châu Á minh chứng cho thực thi các hoạt động bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa như một công cụ quan trọng và có cách tiếp cận sáng tạo phát triển kinh tế di sản, từ đó nâng cao vị thế quốc tế và phát triển hình ảnh quốc gia.

Singapore

Chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều chiến lược bảo tồn và phát triển kinh tế di sản thông qua kế hoạch “Our SG Heritage Plan 2.0”. Dự án này được phát triển với sự tham gia đông đảo của cộng đồng, bao gồm hơn 650 chuyên gia và nhận được hơn 72.000 ý kiến từ cộng đồng. Kế hoạch tập trung vào bốn trụ cột chính: Bản sắc, Công nghiệp, Đổi mới, và Cộng đồng, nhằm xây dựng một nền kinh tế di sản bền vững và tích hợp công nghệ số.

Kế hoạch triển khai phát triển kinh tế di sản: Một trong những điểm nổi bật của kế hoạch là bảo tồn và kỷ niệm các địa điểm di sản kiến trúc, như công nhận Padang là Di tích quốc gia, khắc ghi của người dân về lịch sử và bản sắc chung. Các địa điểm này thường xuyên có các dự án triển khai trùng tu, bảo tồn song hành với khai thác kinh doanh. Đồng thời, Singapore đã thành công trong quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, ví dụ như ghi nhận Văn hóa Hawker vào Danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của UNESCO, thể hiện niềm tự hào văn hóa dân tộc và đóng góp những giá trị quốc gia của Singapore trên trường quốc tế.

Kế hoạch của quốc gia này cũng tập trung mạnh mẽ vào đầu tư các dự án  tích hợp công nghệ trong quá trình bảo tồn di sản. Các bảo tàng đã áp dụng các sáng kiến số như triển lãm thực tế tăng cường (AR) để nâng cao trải nghiệm thú vị (cá nhân hoá) của khách tham quan. Ví dụ, Bảo tàng Văn Minh Châu Á đã giới thiệu trạm thử trang phục ảo trong triển lãm Batik Kita, mang lại sự tương tác sống động cho du khách. Bên cạnh đó, các khu vực như đường Armenian được quy hoạch để trở thành khu sáng tạo, kết hợp di sản với cuộc sống đô thị hiện đại. Chính trải nghiệm đa dạng từ trải nghiệm thực tế, cũng như trải nghiệm số đã tạo nên sự đa dạng, thoả mãn nhu cầu của khách du lịch.

Huy động các nguồn lực từ cộng đồng: sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên chính là yếu tố then chốt trong kế hoạch này. Các sáng kiến cộng đồng như Nút kích hoạt di sản cũng được triển khai để kỷ niệm và quảng bá di sản địa phương trên khắp các khu vực khác nhau, với sự khởi đầu từ khu vực Katong-Joo Chiat. Chinh sách này cũng khá đồng bộ và thể hiện đặc thù của ngành CNVH là tính sáng tạo trong ý tưởng và triển khai các dự án. Để phát triển kinh tế di sản, ngoài sự điều phối của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, thì sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng vì nó tạo được sự lan tỏa cho các hoạt động trong lĩnh vực này.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp: kế hoạch của Chính phủ cũng chú trọng đến tác động kinh tế và tính bền vững của di sản. Các biện pháp hỗ trợ và duy trì các doanh nghiệp di sản, như tạo nền tảng cho các nhà thực hành di sản giới thiệu nghề thủ công của họ đã được triển khai. Trong quá trình phát triển CNVH, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp các sản phẩm/dịch vụ, thông qua đó thể hiện tốt chức năng thương mại hoá các sản phẩm sáng này này. Ngoài ra, Singapore còn nỗ lực nâng cao thương hiệu di sản trên quốc tế bằng cách trưng bày các bộ sưu tập và câu chuyện của Singapore ở nước ngoài, mở rộng dấu ấn văn hóa toàn cầu. Đây cũng là một chính sách quan trọng khi mà người tiêu dùng trên các quốc gia đều có nhu cầu ngày càng gia  tăng.

Như vậy, Singapore có cách tiếp cận khá sáng tạo trong huy động cộng đồng tham gia đóng góp phát triển kinh tế sáng tạo, cùng với sự phối hợp của các nguồn lực khác trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, giới trẻ đầy ý tưởng sáng tạo. Đồng thời, nguồn lực công nghệ được Chính phủ tập trung đầu tư và có cách tiếp cận phù hợp phát triển các giá trị di sản của nền kinh tế.

Nhật Bản

Nhật Bản đã thực hiện nhiều chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát triển kinh tế di sản, tập trung các nguồn lực thúc đẩy du lịch di sản văn hóa và ứng dụng công nghệ số.  

Xây dựng khung pháp lý liên quan: Một phần quan trọng của chiến lược này là hệ thống pháp lý bảo vệ di sản văn hóa, bao gồm luật lệ và quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ và duy trì các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ví dụ điển hình là bảo tồn và quảng bá văn hóa Ainu, ngôn ngữ và văn hóa của người bản địa Ainu ở Hokkaido. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các chính sách để hồi sinh và truyền bá ngôn ngữ này, đồng thời tạo ra các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa nhằm tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng​ (Jennifer Teeter and Takayuki Okazaki, 2011)​.

Các hoạt động xúc tiến thương mại: Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng đẩy mạnh xúc tiến du lịch di sản thông qua các địa điểm nổi tiếng như Kyoto và Nara, nơi có nhiều di sản thế giới UNESCO. Việc kết hợp giữa bảo tồn di sản và du lịch đã mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các khu vực này, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa quan trọng​.

Phát triển các công nghệ số: Nhật Bản cũng áp dụng công nghệ số trong quá trình bảo tồn và quản lý di sản văn hóa. Các bảo tàng và di sản sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để tạo ra những trải nghiệm mới và hấp dẫn cho du khách, nâng cao sự tương tác và thu hút thêm du khách quốc tế.

Nhận thấy, Nhật Bản đã dần xây dựng và đang phát triển một mô hình kinh tế di sản bền vững, kết hợp bảo tồn di sản với phát triển ngành du lịch và ứng dụng công nghệ, tạo nhiều việc làm giá trị, gia tăng nguồn thu nhập và duy trì các giá trị văn hóa quý báu của di sản quốc gia cho các thế hệ tương lai.

Tình hình thực tiễn phát triển kinh tế di sản tại Việt Nam

 Bối cảnh chung xu hướng phát triển

Trên thế giới

Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu luôn dẫn đầu xu hướng trong nghiên cứu sáng tạo và áp dụng công nghệ cùng với sự phát triển và đổi mới không ngừng từ các công ty lớn như Google, Apple và Amazon. Chuyển đổi số là xu hướng mạnh mẽ và tất yếu ở các nước phát triển, áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data và Internet of Things trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ. Chính phủ ở các quốc gia này cũng tạo điều kiện cung cấp các dự án tài trợ lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo điều kiện nâng cao nền kinh tế số trên khắp thị trường. Cùng với đó, các quốc gia khác, đặc biệt là các nước tại châu Á cũng thu hút sự quan tâm của thị trường tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo của CNVH , đặc biệt là những giá trị di sản đặc thù.

Việt Nam

Tại Việt Nam, nhằm bắt kịp xu hướng thế giới, chính phủ và các tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Lĩnh vực công nghệ số năm 2022 là một điểm sáng của nền kinh tế, với doanh thu ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp trong ngành vượt qua con số 70.000 và kim ngạch xuất khẩu của ngành ước tính đạt 136 tỷ USD (Bộ Thông tin và Truyền thông, Diễn đàn Made in Vietnam 2022). Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và doanh nghiệp, đồng thời đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin với sự phát triển mạnh mẽ của hơn 62.000 công ty công nghệ như FPT, Viettel, VNG,...

Kinh tế di sản tại Việt Nam

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số của ngành văn hoá thể thao & du lịch và triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là các lĩnh vực trong ngành CNVH đã có những điểm nhân nhất định nhờ những hiệu ứng tích cực từ quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa và di sản với những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn mang lại những thay đổi tích cực trong  khai thác và quảng bá văn hóa, di sản Việt Nam ra thế giới.

Trong lĩnh vực di sản, ngày 02-12-2021, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và quảng bá di sản, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, chương trình còn bảo đảm tích hợp vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, nhằm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội và cộng đồng mọi lúc, mọi nơi.

Trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, phát triển kinh tế di sản trong thời đại chuyển đổi số đang được chú trọng đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Các thành tựu khoa học kỹ thuật đã góp phần tăng tính tương tác của các di sản văn hoá, di tích lịch sử, khiến chúng trở nên cuốn hút, hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế. Sự phát triển kinh tế di sản được phối hợp hài hoà với phát triển của nhiều ngành CNVH đầy tiềm năng và đã tạo điểm nhấn nhất định tại mỗi vùng miền.

Ở các địa phương, nhiều thành phố lớn đã và đang triển khai những dự án tham quan, triển lãm văn hoá nghệ thuật, di tích lịch sử tích hợp công nghệ số với những đặc thù. Tiêu biểu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, trung tâm hoạt động văn hoá nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội, rất nhiều những sự kiện, chương trình đã được ứng dụng những công nghệ số hoá tân tiến nhất (thực tế ảo AR, VR, công nghệ số hoá quét laser 3D,...), hay ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long…, đem đến trải nghiệm chân thực cho du khách. Bên cạnh đó, những dịch vụ như hệ thống thuyết minh tự động, quét mã QR-code cũng đã rất thành công trong việc tối ưu hoá quy trình và trải nghiệm của người tham quan, góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hoá trong cộng đồng. Tại Quảng Nam, khu di tích Mỹ Sơn cung cấp cho du khách một trải nghiệm trực tuyến thông qua hệ thống công nghệ Metaverse, bao gồm ba nền tảng: không gian trải nghiệm VR 360, Metaverse Spy, và Map 3D. Các loại công nghệ này cho phép du khách trải nghiệm, tham quan trực tuyến mọi vị trí trong khu di tích này thông qua các thiết bị điện tử, cung cấp một góc nhìn sinh động, trực quan nhất.“Mọi người sẽ đến Mỹ Sơn trực tiếp hoặc thông qua nền tảng công nghệ, không chỉ giúp giới thiệu được Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn mà còn mang lại những lợi ích kinh tế trong quá trình thực hiện nền kinh tế số” - Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam). Tỉnh Thanh Hóa đã tích hợp thực tế ảo với các video clip 360 độ và đồ họa 3D vào ứng dụng trên điện thoại thông minh, làm cho các địa điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh và thành Nhà Hồ trở nên sống động và hấp dẫn hơn. Còn Tỉnh Bình Định đã triển khai ứng dụng quét mã QR code, số hóa tư liệu hiện vật bảo tàng bằng phần mềm 3D và trưng bày ảo tại bảo tàng Bình Định và bảo tàng Quang Trung. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cũng triển khai hệ thống QR code hỗ trợ thuyết minh tại 7 cụm tháp Chăm, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu thông tin và nghe thuyết minh về nền văn minh Chăm Pa.

Mặc dù được đánh giá đang có nhiều tiềm năng phát triển và có những bước tiến nhất định, song việc nâng cao kinh tế di sản trong thời đại chuyển đổi số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, các phần mềm phát triển hiện tại là chưa đủ để đáp ứng tình hình thực tế, nhu cầu của người dân cũng như du khách trong và ngoài nước; các ứng dụng công nghệ áp dụng chưa đồng nhất, chưa được phân cấp quản lý, khai thác.

Một số bài học cho Việt Nam phát triển kinh tế di sản trong giai đoạn tới

Tầm nhìn chiến lược và các chính sách tổng thể liên quan phát triển kinh tế di sản

Thực tiễn, trên thế giới, các quốc gia thành công trong phát triển kinh tế di sản chính là có cách tiếp cận sáng tạo với tư duy tổng thể phát triển lĩnh vực này kết nối với các lĩnh vực khác liên quan đến công nghiệp vắn hoá. Để phát triển thành công kinh tế di sản trong thời đại chuyển đổi số, cần phải có tầm nhìn, các chính sách chiến lược đặc thù tại từng quốc gia để từ đó đảm bảo liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, đáp ứng hiệu quả các dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi. Cụ thể, triển khai toàn diện việc số hóa di sản đến các đơn vị trong ngành, chú trọng các đơn vị trong khối văn hóa di sản của mỗi địa phương. Thực ban hành các quy chuẩn chuẩn hóa dữ liệu để các đơn vị kịp thời nắm bắt, triển khai một cách hiệu quả. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hoá cần được thực hiện bài bản, kèm theo những yêu cầu, tiêu chuẩn đồng bộ, từ đó đảm bảo chất lượng và tính thống nhất của các quy trình số hoá di sản trên quy mô quốc gia.     

Khung khổ pháp lý

Để số hóa thành công di sản cần triển khai quy chuẩn chuẩn hóa dữ liệu di sản, từ đó các tổ chức văn hóa và du lịch có thể tích hợp hệ thống dữ liệu và phối hợp hiệu quả trong quản lý​. Tại Việt Nam, khung pháp lý và các tiêu chuẩn chuẩn hóa về dữ liệu di sản cần được ban hành và áp dụng đồng bộ nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai số hóa.

Chủ động, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế di sản

Tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế di sản để học hỏi kinh nghiệm và nhận được hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Ngoài ra cũng có thể tạo ra các chương trình hợp tác với các thành phố, địa phương trên thế giới nhằm giao lưu văn hóa và quảng bá di sản trên phạm vi quốc tế.

Khuyến khích sự tham gia và phối hợp của chính phủ, chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp địa phương

Tạo điều kiện cho cộng đồng và các doanh nghiệp địa phương tham gia vào việc bảo tồn và phát triển di sản thông qua các dự án khởi nghiệp về công nghệ số, du lịch thông minh hay các hoạt động quảng bá di sản. Cùng với đó,  các dự án cần phát triển nhiều việc làm và thu nhập giá trị cho người dấn, các nhà sáng tạo,...Hơn nữa, cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương trong việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến di sản để tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Tăng cường đào tạo, phát triển kỹ năng chuyên môn cho lực lượng lao động

 Để phát triển kinh tế sáng toạ, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, đủ năng lực để vận hành và phát triển các ứng dụng công nghệ, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp với các xu hướng mới trên thế giới. Đổi mới tư duy đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về vai trò, định hướng bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hoá. Đồng thời, cách tiếp cận phát triển kinh tế di sản cần song hành phát triển đội ngũ sáng tạo gồm các nghệ sỹ, các nhà sáng tạo, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một nguồn lực rất quan trọng nhằm phát triển công nghiệp văn hoá - một lĩnh vực sáng tạo của nền kinh tế. Việt Nam cần chú trọng đào tạo nhân lực sáng tạo và kỹ thuật số, không chỉ trong việc vận hành hệ thống mà còn phát triển các sản phẩm văn hóa, từ đó thúc đẩy công nghiệp văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng

Cùng với đó, đồng thời phát triển những biện pháp hỗ trợ kỹ thuật phù hợp trong công tác sắp xếp, phân loại, bảo vệ cơ sở dữ liệu, đặc biệt các biện pháp khắc phục trong những trường hợp rủi ro. Đây là những nguồn lực lưu trữ có giá trị bền vững.

Phát triển hạ tầng công nghệ số tại các địa điểm du lịch trọng điểm

Đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng công nghệ tại các khu di tích và địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam ở Hà Nội, Huế, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh,... và các làng nghề truyền thống. Qua đó, tạo điều kiện cho khách du lịch có thể trải nghiệm các công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các ứng dụng số hóa khác. Tại Việt Nam, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ số ở các địa điểm du lịch như Hà Nội, Huế, và các làng nghề truyền thống là cần thiết để tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các công nghệ tiên tiến như VR, AR.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, việc kết hợp di sản văn hóa với nền kinh tế số đã trở thành một xu hướng tất yếu. Các quốc gia đã và đang tận dụng công nghệ để không chỉ bảo tồn mà còn phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế và hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Các phân tích điển hình từ các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng việc số hóa di sản văn hóa có thể mang lại những lợi ích to lớn. Công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, và các nền tảng số khác đã giúp nâng cao trải nghiệm của du khách, đồng thời tạo ra các kênh mới để quảng bá và tương tác với công chúng. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn mang lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm và tăng cường giao lưu văn hóa. Tại Việt Nam, việc phát triển kinh tế di sản trong thời đại chuyển đổi số cũng đang được chú trọng. Các dự án số hóa di sản, tích hợp công nghệ vào hoạt động tham quan và bảo tồn đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, như vấn đề kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực và bảo đảm an toàn thông tin.

Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế di sản trong thời đại kỹ thuật số, cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ Nhà nước, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự đổi mới, cập nhật kịp thời trong áp dụng công nghệ. Chỉ khi đó, di sản văn hóa mới có thể phát huy hết tiềm năng, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa cho các thế hệ tương lai. Chính sự kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số không chỉ mở ra những cơ hội mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn tạo ra những động lực mới cho sự phát triển kinh tế. Bài viết này có cách tiếp cận riêng, những kinh nghiệm cho Việt Nam, và những đề xuất cụ thể để có thể áp dụng vào bối cảnh đặc thù phát triển công nghệ, từ đó phát triển nền kinh tế di sản bền vững./.