Định vị kinh tế di sản trong cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ninh

Nguyễn Đức Kha
Tạp chí Cộng sản
12:44, ngày 07-12-2024
Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai chiến lược phát triển chuyển dịch từ ”nâu” sang ”xanh”, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thật sự là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với nhiều giải pháp tổng thể, toàn diện. Trong bối cảnh đó, vai trò của kinh tế di sản ngày càng được nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện và có vai trò xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

1. Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, khai thác các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển ngày càng được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm.

Theo Công ước Di sản thế giới, di sản văn hóa là các di tích: Các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hội họa, các yếu tố hay các cấu trúc có tính chất khảo cổ học, ký tự, nhà ở trong hang đá và các công trình có sự kết hợp giữa công trình xây dựng tách biệt hay liên kết lại với nhau mà do kiến trúc của chúng, do tính đồng nhất hoặc vị trí trong cảnh quan, có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học; các di chỉ: Các tác phẩm do con người tạo nên hoặc các tác phẩm có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo và các khu vực trong đó có các di chỉ khảo cổ có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học; di sản hỗn hợp hay còn gọi là di sản kép, miêu tả các mối quan hệ tương hỗ nổi bật giữa văn hóa và thiên nhiên của một số khu di sản. Một địa danh được công nhận là di sản thế giới hỗn hợp phải thỏa mãn ít nhất là một tiêu chí về di sản văn hóa và một tiêu chí về di sản thiên nhiên.

Mỗi di sản văn hóa mang trong nó các nhóm giá trị đa dạng; có thể được phân tách thành các yếu tố cấu thành, như: Giá trị thẩm mỹ: các điểm di sản văn hóa có vẻ đẹp theo những chuẩn mực cơ bản. Giá trị thẩm mỹ của điểm di sản có thể là về bố cục không gian, về đặc điểm môi trường xung quanh; Giá trị biểu tượng: một điểm di sản có thể truyền đạt ý nghĩa và thông tin về tính độc đáo văn hóa của cộng đồng dân cư xung quanh, có ý nghĩa quan trọng với hoạt động giáo dục và truyền bá tri thức về cộng đồng dân cư địa phương; Giá trị tâm linh: có vai trò quan trọng trong quan niệm, ý thức tâm linh của cộng đồng dân cư xung quanh và của du khách; Giá trị xã hội, giá trị xã hội của di sản có thể được phản ánh theo cách nó góp phần vào sự ổn định xã hội và sự gắn kết trong cộng đồng; Giá trị lịch sử: có tầm quan trọng về mặt lịch sử, gắn liền với hoặc có quan hệ của địa điểm với lịch sử của dân tộc, của địa phương; Giá trị độc đáo: một địa danh di sản có thể được đánh giá vì giá trị riêng của nó, vì nó là có thật, và vì nó là duy nhất; Giá trị khoa học: di sản có thể quan trọng đối với nội dung khoa học, là nguồn hoặc đối tượng cho nghiên cứu học thuật.

Mỗi di sản đều mang trong nó các nhóm giá trị đa dạng như phân tích, tuy rằng với mỗi di sản cụ thể, các giá trị nêu trên có mức độ biểu hiện khác nhau, di sản này giá trị thẩm mỹ biểu hiện trội hơn, di sản khác có thể trội hơn lại là giá trị tâm linh, giá trị lịch sử,… Tổng thể các giá trị của di sản có thể mang đến giá trị kinh tế, hay nói cách khác, di sản văn hoá có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của các di sản không thể hiện trên thị trường thông qua quan hệ mua bán thông thường, mà nó thường thể hiện ngầm, ẩn hoặc gián tiếp qua các giá trị khác. Vì vậy, trong phát triển kinh tế di sản phải nhận thức và hành động không chỉ theo các quy luật thị trường thông thường như đầu tư, doanh thu và lợi nhuận.

Trong thực tiễn, khi khai thác giá trị kinh tế của di sản thường xuất hiện hai tình huống không mong muốn, hoặc là khai thác quá mức di sản, bỏ qua hay xem nhẹ các yêu cầu về bảo tồn di sản, làm cho di sản xuống cấp, bị huỷ hoại, mất đi các giá trị văn hoá vốn có hoặc là quá cứng nhắc trong việc tiếp cận khai thác di sản, dẫn đến đầu tư không hiệu quả. Rõ ràng, phát triển kinh tế di sản cần phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác di sản. Nếu như bảo tồn di sản văn hoá nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư để bảo vệ, giữ gìn, khôi phục và quản lý di sản là chủ yếu, việc phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì kinh tế di sản lại phải nhấn mạnh đến khai thác giá trị kinh tế, tính đến hiệu quả đầu tư nhưng không có nghĩa là không quan tâm, không coi trọng việc bảo tồn di sản. Phải bảo tồn, giữ gìn được di sản thì mới có nền tảng để tiếp tục phát triển kinh tế di sản.

Như vậy, có thể thấy kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, yếu tố cốt lõi của kinh tế học di sản là vốn văn hoá. Xét cho cùng, các di sản là một phần của văn hoá. Và kinh tế di sản là loại hình kinh tế phát triển bằng vốn văn hoá, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và đầu tư lâu dài trong khi doanh thu, lợi nhuận không thể thu được ngay, tuy nhiên, nếu làm tốt thì càng về sau doanh thu, lợi nhuận càng tăng, di sản như “con gà đẻ trứng vàng”. Phát triển kinh tế di sản cần cách tiếp cận khoa học, liên ngành, không thể nóng vội, mà phải kiên trì, nghiêm túc, cân nhắc toàn diện trên cơ sở khoa học và có định hướng lâu dài.

2. Quảng Ninh là một địa phương được ví như ”Việt Nam thu nhỏ”, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương quốc tế; là tỉnh duy nhất trong cả nước vừa có đường biên giới trên bộ (119 km), vừa có đường biên giới trên biển (191 km) với Trung Quốc, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, thương mại, du lịch, dịch vụ, logistic, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, lâm nghiệp… Quảng Ninh có hơn 2.000 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước), 6.000 km² mặt biển, hàng trăm km² bãi triều, eo vịnh và đường ven biển trải dài hơn 250 km; trong đó, 775 hòn đảo trong vùng lõi của vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế di sản.

Quảng Ninh là một tỉnh có truyền thống lịch sử cách mạng, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi tiếp cận sớm với sản xuất công nghiệp, văn hóa phong phú, đặc sắc, kết hợp giữa văn hóa địa phương và văn hóa các vùng miền. Trong quá trình phát triển, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi đã có sự giao thoa, tiếp biến, ảnh hưởng lẫn nhau, làm giàu bản sắc văn hóa Quảng Ninh. Con người Quảng Ninh luôn có ý chí cách mạng, năng động, sáng tạo, có đầy đủ các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều di tích lịch sử lớn, có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Khu di tích danh thắng Yên Tử, hệ thống di tích Nhà Trần, khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, quần thể di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên là những di tích nổi bật của tỉnh.

Về di sản văn hoá, bên cạnh 2 di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ và then Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Quảng Ninh còn có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất đặc sắc; gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái, Hát nhà tơ hát - múa cửa đình, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cọ của người Sán Dìu, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội Xuống đồng. Trong số 12 di sản phi vật thể quốc gia của Quảng Ninh có 8 di sản thuộc loại hình lễ hội là Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội Xuống đồng. Đây là 8 trong tổng số 80 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, các lễ hội lớn được diễn ra trong nhiều ngày, đặc biệt lại có những lễ hội mang tính hội vùng, thường cuốn hút du khách nhiều địa phương tham gia. Nhiều lễ hội có những nghi thức độc đáo như tục rước người sống tại Lễ hội Tiên công hay tục rước Ông Voi thực chất là con lợn tại Lễ hội đình Trà Cổ.

Các lễ hội đều tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu lao động, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, ước nguyện về những vụ mùa bội thu. Trong khi đó, Lễ hội Quan Lạn và Lễ hội Bạch Đằng lại tái hiện những truyền thống lịch sử đánh giặc giữ nước. Đặc biệt, Lễ hội Bạch Đằng thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc khi được người dân địa phương gọi là lễ "Giỗ trận Bạch Đằng" trong đó có nghi thức cầu siêu cho cả những vong hồn tử trận ở bên kia chiến tuyến. Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội đình Đầm Hà gắn liền với diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát múa cửa đình, cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sự giao thoa, dung hợp văn hóa vùng miền trong các lễ hội ở Quảng Ninh khá đậm nét. Trong khi lễ hội ở vùng biển luôn gắn liền với các nghi lễ thả thuyền rồng và hội thi bơi chải thì Lễ hội Bàn Vương ở Ba Chẽ cũng có hội bơi thuyền, tái hiện hành trình vượt biển tìm vùng đất mới của tổ tiên người Dao. Lễ hội miếu Ông và miếu Bà thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian mẫu Thượng Ngàn hòa hợp với tín ngưỡng thờ cúng nhân vật lịch sử. Lễ hội truyền thống chính là dịp để con người giải tỏa, tự thể hiện mình, đồng thời giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm và khát vọng cao đẹp. Các lễ hội, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự phong phú, đa dạng trong văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là tiềm năng, nguồn lực quan trọng để khai thác phát triển kinh tế di sản, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

3. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, khai thác tiềm năng của các di sản thiên nhiên và di sản văn hoá, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tìm tòi, thực thi nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị với mô hình quản lý mới gắn trách nhiệm trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long. Các di tích quốc gia đặc biệt và các di tích khác của tỉnh được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị gắn với phát triển du lịch.

Trên thực tế, để phát triển bền vững kinh tế của tỉnh thì cần phải xây dựng được những trụ cột kinh tế chính và từ đó sẽ phát triển toàn diện. Nhắc tới Quảng Ninh là nhắc tới du lịch và có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch. Nhưng đến nay, những đóng góp của du lịch cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng đó, chưa mang tính động lực cho sự phát triển của tỉnh. Mặc dù là tỉnh có hệ thống các di sản (bao gồm cả di sản thiên nhiên và di sản văn hoá) rất phong phú, đa dạng, có di sản nổi tiếng thế giới, được UNESCO vinh danh nhưng việc khai thác giá trị kinh tế của di sản, phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh còn rất khiêm tốn, đóng góp của kinh tế di sản cho phát triển của tỉnh còn hạn chế. Khai thác giá trị kinh tế của di sản mới chủ yếu ở tầng bề mặt, cho phát triển du lịch là chính. Việc khai thác cũng tập trung nhiều vào thế mạnh của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, di sản văn hoá hầu như chưa được quan tâm, đầu tư, khai thác. Nhìn chung, kinh tế di sản chưa được nhận thức đúng vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định chiến lược phát triển của tỉnh là tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa); phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, cần một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay Quảng Ninh đã tiếp cận ngưỡng đầu của sự khan hiếm tài nguyên hữu hạn, đang bắt đầu đối mặt với những thách thức bởi sự khan hiếm tài nguyên đất, sự biến đổi không tích cực của môi trường với phát triển của nhiều ngành, nghề kinh tế, những yếu tố trước đây vốn là lợi thế nay đã suy giảm. Quảng Ninh không phải là địa phương có lợi thế trong việc phát triển các khu công nghiệp vì quỹ đất và đặc điểm mặt bằng không thật sự thuận lợi. Môi trường Quảng Ninh đang có biến đổi theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, kinh tế nông - lâm nghiệp. So với các địa phương trong nước và quốc tế, nhiều lợi thế trước đây của Quảng Ninh đã dần bị thu ngắn khoảng cách. Cùng với đó là vấn đề phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn các di sản, di tích, kiến trúc văn hóa, lịch sử... Trong bối cảnh đó, phát triển mạnh kinh tế di sản, để kinh tế di sản có một vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, là một giải pháp quan trọng. Theo đó, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức về kinh tế di sản, vai trò, vị trí của kinh tế di sản trong điều kiện cụ thể của tỉnh Quảng Ninh – địa phương giàu tiềm năng để phát triển kinh tế di sản. Kinh tế di sản là một cách tiếp cận mới đối với di sản văn hoá, là khai thác vốn văn hoá để phát triển kinh tế, là sự lồng ghép của văn hoá trong kinh tế. Đây là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và đầu tư lâu dài và cần cách tiếp cận khoa học, liên ngành, cân nhắc toàn diện để cân đối giữa khai thác và bảo tồn di sản văn hoá. Kinh tế di sản hướng đến nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, trong bối cảnh các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Quảng Ninh gây ra thì lựa chọn phát triển kinh tế di sản là hết sức cần thiết và phù hợp với chiến lược chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh. Nhận thức về sự cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế di sản phải được quán triệt trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp để biến thành chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, đồng thời, cũng cần phổ biến trong trong xã hội, đến với người dân, doanh nghiệp để tích cực hưởng ứng.

Hai là, rà soát, đánh giá hệ thống di sản của tỉnh để xây dựng phương án khai thác phù hợp. Như đã phân tích, hệ thống di sản của Quảng Ninh rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, mỗi một di sản lại đang tồn tại trong các tình huống khác nhau. Vì vậy, các ban, ngành chức năng của tỉnh cần tiến hành rà soát, lập danh mục hệ thống di sản, điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng của mỗi di sản, từ đó, đề xuất phương án khai thác, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo phù hợp. Tiếp theo là lượng giá trị kinh tế của mỗi di sản văn hóa, như là một cách tiếp cận để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, theo hướng bảo tồn di sản trở thành động lực kinh tế, tạo ra việc làm và là một điểm nhấn văn hóa độc đáo trong phát triển. Xây dựng các dự án đầu tư nhằm bảo tồn và lồng ghép di sản vào các chiến lược phát triển. Đầu tư vào việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ hướng tới bảo đảm giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, mà còn giúp cải thiện điều kiện kinh tế cho cộng đồng địa phương.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế di sản. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên di sản văn hoá, di sản thiên nhiên gắn với phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao để phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững, ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, chất lượng và hiệu quả vươn tầm đẳng cấp quốc tế, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy vai trò các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số của tỉnh trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị di sản kỳ quan thiên nhiên và văn hoá./.