Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh hiện nay

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh
12:11, ngày 07-12-2024

Hiện nay, các di sản thiên nhiên và văn hóa của Quảng Ninh đã và đang được bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị qua con đường du lịch để phát triển kinh tế di sản. Trong loại hình kinh tế đặc biệt này, các di sản như Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử và văn hóa trở thành các nguyên liệu” đặc hữu cho công nghiệp du lịch của tỉnh. Những di sản này, khi được phát triển thành các dịch vụ và sản phẩm du lịch đặc trưng, trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc thù trong tiến trình hội nhập. Phát triển kinh tế di sản qua du lịch là một xu thế tất yếu, tạo ra lợi thế cho Quảng Ninh.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển kinh tế dựa trên khai thác giá trị di sản đã trở thành một xu hướng quan trọng trên thế giới. Đối với Quảng Ninh - một tỉnh giàu tiềm năng về di sản văn hóa và thiên nhiên, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức cấp thiết.

Quảng Ninh sở hữu một hệ thống di sản đa dạng và phong phú, trong đó nổi bật là Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - một trong những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng như Khu di tích và danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu, cùng với các lễ hội truyền thống và các làng nghề độc đáo. Những di sản này không chỉ mang giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước tiến đáng kể trong việc khai thác giá trị di sản để phát triển kinh tế, đặc biệt là thông qua hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Một trong những nguyên nhân chính là việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực này còn chưa đồng bộ và toàn diện.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch bền vững. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực di sản và du lịch trên thế giới. Những công nghệ này có tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn di sản, cải thiện trải nghiệm du khách và tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã có một số nỗ lực trong việc số hóa dữ liệu di sản, xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh và áp dụng công nghệ trong bảo tồn di tích, nhưng những ứng dụng này còn manh mún, thiếu tính hệ thống và chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ hiện đại.

Từ những phân tích trên, có thể thấy việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh là một yêu cầu cấp thiết.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Khái niệm và đặc điểm của kinh tế di sản

Kinh tế di sản là một khái niệm tương đối mới, xuất hiện trong bối cảnh các quốc gia và địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn về giá trị kinh tế tiềm tàng của các di sản văn hóa và thiên nhiên. Theo định nghĩa của UNESCO, kinh tế di sản bao gồm “các hoạt động kinh tế dựa trên việc sử dụng di sản văn hóa và thiên nhiên như một nguồn lực để tạo ra giá trị và lợi ích kinh tế”. Vì vậy, có thể hiểu kinh tế di sản là mô hình kinh tế dựa trên việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên để tạo ra lợi ích kinh tế, đồng thời đảm bảo bảo tồn và phát triển bền vững các di sản. Đối với Quảng Ninh, kinh tế di sản chủ yếu được phát triển thông qua hoạt động du lịch, trong đó các di sản trở thành “nguyên liệu” đặc hữu cho ngành công nghiệp không khói này.

Đặc điểm nổi bật của kinh tế di sản bao gồm:

Tính bền vững: Kinh tế di sản đặt mục tiêu phát triển kinh tế song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho các thế hệ tương lai.

Tính địa phương: Mỗi di sản mang đặc trưng riêng của một địa phương, tạo nên sự độc đáo và không thể sao chép.

Tính đa ngành: Kinh tế di sản liên quan đến nhiều lĩnh vực như du lịch, văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học, v.v..

Tính cộng đồng: Sự tham gia của cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì các hoạt động kinh tế di sản.

2.2. Vai trò của khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học - công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế di sản. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực di sản và du lịch trên thế giới. Các công nghệ mới mang lại nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị di sản. Cụ thể:

Khoa học, công nghệ giúp bảo tồn và phục hồi di sản: Công nghệ quét 3D và in 3D giúp tạo ra bản sao chính xác của các di tích, hiện vật để phục vụ nghiên cứu và trưng bày mà không làm ảnh hưởng đến bản gốc. Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) hỗ trợ phân tích và dự đoán các nguy cơ đe dọa di sản, từ đó đưa ra các biện pháp bảo vệ kịp thời. Công nghệ nano và vật liệu mới giúp bảo quản và phục hồi các di tích, cổ vật một cách hiệu quả hơn.

Khoa học, công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm du khách: Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cho phép du khách tương tác với di sản một cách sống động và đa chiều hơn. Việc ứng dụng di động tích hợp AI có thể cung cấp thông tin cá nhân hóa và hướng dẫn thông minh cho du khách. Bên cạnh đó, Internet vạn vật (IoT) còn góp phần tối ưu hóa quản lý luồng du khách, giảm thiểu tác động tiêu cực lên di sản.

Khoa học, công nghệ giúp quản lý và phát triển bền vững: Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng về bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Blockchain có thể được sử dụng để đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong quản lý di sản và các sản phẩm liên quan. Công nghệ viễn thám và GIS hỗ trợ giám sát và quản lý các di sản trên diện rộng, đặc biệt là các di sản thiên nhiên.

2.3. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế di sản trên thế giới

Trên thế giới, nhiều quốc gia và địa phương đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế di sản. Một số xu hướng nổi bật bao gồm:

Du lịch thông minh: Các điểm đến du lịch di sản đang áp dụng các giải pháp công nghệ toàn diện để nâng cao trải nghiệm du khách và quản lý bền vững. Ví dụ, thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) đã triển khai hệ thống cảm biến IoT để giám sát lưu lượng du khách tại các điểm di sản, giúp điều tiết số lượng người vào thăm quan hợp lý .

Bảo tàng số: Nhiều bảo tàng lớn trên thế giới như Louvre (Pháp) hay British Museum (Anh) đã số hóa bộ sưu tập và cung cấp trải nghiệm tham quan ảo, mở rộng khả năng tiếp cận di sản văn hóa cho công chúng toàn cầu.

Bảo tồn di sản kỹ thuật số: UNESCO đã khởi xướng chương trình “Memory of the World” nhằm bảo tồn các di sản tư liệu quan trọng dưới dạng kỹ thuật số, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của chúng trước các mối đe dọa như xung đột, thiên tai hay sự xuống cấp tự nhiên.

3. Thực trạng ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc trong việc lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền công nhận giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu số hóa dữ liệu liên quan đến di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện dự án “Số hóa các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” theo Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Dự án này cũng đã thiết lập được hệ thống phần mềm phục vụ quảng bá, tuyên truyền, khai thác dữ liệu về hệ thống di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh, phục vụ các đối tượng nghiên cứu, khách du lịch và người dân… (2) Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chỉ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, đánh giá, xác định sức tải du lịch khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long phục vụ quản lý và phát triển du lịch bền vững”. Nhiệm vụ đã ứng dụng phần mềm Kiran do tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) thực hiện để đánh giá sức tải xã hội, sức tải môi trường cho di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Kết quả tính toán là cơ sở quan trọng trong việc triển khai các giải pháp mà trọng tâm là mở thêm tuyến để giảm tải cho thời gian cao điểm của khu di sản Vịnh Hạ Long. (3) Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ “Chuyển đổi số quy trình quản lý và mô hình hóa một số kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ” theo Quyết định số 1805/QĐ-UBND ngày 20/6/2024 của UBND tỉnh. Nhiệm vụ sẽ thực hiện mô hình hóa một số công trình di sản văn hóa bằng công nghệ 3D, công nghệ photogrammetry, công nghệ VR, AR đối với bảo tồn lễ hội Đình - Miếu Cái Chiên, hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan tại quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Hệ thống dữ liệu số này cung cấp thông tin chi tiết về đặc điểm, giá trị và lịch sử của các di sản, tạo công cụ hỗ trợ cho quản lý và phát triển du lịch. Tuy nhiên, hệ thống này chưa được khai thác triệt để và tích hợp giữa các đơn vị còn lỏng lẻo. Một số ứng dụng di động đã được phát triển, cung cấp các thông tin cần thiết cho du khách như điểm đến, di tích và dịch vụ du lịch, nhưng các ứng dụng này còn thiếu tính tương tác thông minh như gợi ý lộ trình, dịch vụ đặt trước và phiên bản đa ngôn ngữ. Quảng Ninh cũng đã thử nghiệm sử dụng công nghệ quét 3D cho một số di tích lịch sử quan trọng. Công nghệ này hỗ trợ bảo tồn và nghiên cứu di sản, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi do chi phí cao và cần có nhân lực chuyên môn. Việc sử dụng Drone và ảnh vệ tinh giúp giám sát các khu vực di sản như Vịnh Hạ Long và phát hiện kịp thời những tác động tiêu cực từ môi trường. Tuy nhiên, sự ứng dụng này chưa được thực hiện thường xuyên và thiếu hệ thống phân tích dữ liệu hiệu quả, gây khó khăn trong quản lý. Các giải pháp như hệ thống bán vé điện tử và kiểm soát an ninh tự động đã được đưa vào một số khu di tích. Điều này góp phần cải thiện trải nghiệm của du khách. Một số nỗ lực trong việc số hóa và lưu trữ thông tin về các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội và nghề truyền thống đã được tiến hành, nhưng chưa hệ thống và toàn diện, gây hạn chế trong việc phổ biến và khai thác.

Tóm lại, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh đã có một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn, cần có chiến lược rõ ràng, sự đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra hệ sinh thái số vững mạnh cho lĩnh vực di sản và du lịch của tỉnh.

4. Cơ hội và thách thức trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh

4.1. Cơ hội trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản có thể mở ra nhiều cơ hội lớn cho Quảng Ninh, đặc biệt là những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Thứ nhất, khoa học - công nghệ có khả năng nâng cao giá trị kinh tế của các di sản văn hóa và thiên nhiên. Công nghệ số, đặc biệt là thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), cho phép tái hiện một cách sống động các địa danh nổi tiếng cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Điều này không chỉ giúp du khách có thể khám phá di sản một cách toàn diện và sinh động hơn mà còn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu, từ đó tạo ra nguồn thu kinh tế ổn định cho địa phương.

Thứ hai, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có thể cải thiện đáng kể kinh nghiệm của du khách. Các ứng dụng di động thông minh có thể cung cấp thông tin tức thời về các điểm du lịch, hướng dẫn lộ trình, giới thiệu các dịch vụ ẩm thực, lưu trú, mua sắm,... Tất cả những điều này nâng cao sự hài lòng của du khách và tạo dựng hình ảnh điểm đến văn minh, hiện đại.

Thứ ba, khoa học - công nghệ hỗ trợ bảo tồn và quản lý hiệu quả các di sản. Việc áp dụng công nghệ định vị GPS, Drone, và các cảm biến thông minh giúp theo dõi và quản lý chặt chẽ tình trạng di sản, phát hiện kịp thời các nguy cơ xâm hại và suy thoái. Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu, đưa ra các dự báo, lập kế hoạch bảo tồn dài hạn một cách khoa học và hiệu quả.

Cuối cùng, ứng dụng khoa học - công nghệ góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới mẻ và độc đáo, tăng cường khả năng cạnh tranh của Quảng Ninh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

4.2. Thách thức trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh cũng đối mặt với không ít thách thức cần vượt qua.

Thách thức đầu tiên là vấn đề về cơ sở hạ tầng công nghệ. Việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng công nghệ đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn lực tài chính của địa phương còn hạn chế. Thiếu hụt trang thiết bị công nghệ tiên tiến cũng như những khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng làm cản trở quá trình thực thi và mở rộng ứng dụng công nghệ.

Thứ hai, nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ còn hạn chế. Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch di sản, cần đội ngũ nhân lực có trình độ cao, am hiểu sâu về công nghệ lẫn văn hóa. Tuy nhiên, phần lớn nguồn nhân lực hiện nay còn thiếu về cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là sự gắn kết giữa các chuyên gia công nghệ và những cán bộ văn hóa truyền thống chưa thật sự chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các rào cản về nhận thức cộng đồng và sự chậm đổi mới của cơ quan quản lý cũng là một thách thức lớn. Nhận thức của cộng đồng địa phương về ý nghĩa và lợi ích của việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào bảo tồn và phát triển di sản còn hạn chế, dẫn đến thiếu sự tham gia tích cực. Mặt khác, quy trình quản lý nhà nước đối với di sản có xu hướng bảo thủ, làm chậm trễ quá trình thay đổi và áp dụng cái mới.

Cuối cùng, vấn đề bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư trong quá trình số hóa di sản cũng cần được quan tâm. Những thông tin thu thập từ di sản có thể chứa đựng dữ liệu nhạy cảm, đòi hỏi sự quản lý và bảo vệ chặt chẽ để tránh các nguy cơ rủi ro về an ninh thông tin.

5. Giải pháp cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ: Một trong những điều kiện tiên quyết để ứng dụng công nghệ thành công là phải có một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ. Quảng Ninh cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng Internet tốc độ cao, hệ thống máy chủ, và các thiết bị công nghệ tối tân phục vụ số hóa di sản văn hóa và thiên nhiên của tỉnh. Việc triển khai các trung tâm dữ liệu lớn, hệ thống điện toán đám mây sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các ứng dụng công nghệ về quản lý và bảo tồn di sản.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Nguồn nhân lực có chất lượng là yếu tố then chốt trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ. Quảng Ninh nên tập trung xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo chuyên biệt về khoa học - công nghệ đối với các cán bộ quản lý di sản và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các khóa học chuyên sâu về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, và phân tích dữ liệu lớn cần được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh mở các ngành đào tạo về công nghệ thông tin và du lịch thông minh, nhằm tạo ra lớp nhân lực trẻ, năng động và sáng tạo cho thị trường lao động.

Xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý: Để tạo ra một môi trường thuận lợi cho ứng dụng khoa học - công nghệ, Quảng Ninh cần xây dựng một khung chính sách quản lý rõ ràng, minh bạch và linh hoạt. Các chính sách này cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ di sản. Việc đưa ra các ưu đãi về thuế, vay vốn ưu đãi cho các dự án công nghệ số trong bảo tồn và quảng bá di sản cũng là những bước đi chiến lược cần thiết. Cần có cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ hiệu quả của các chính sách này, nhằm kịp thời điều chỉnh và cải tiến phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của tỉnh.

Thúc đẩy hợp tác công - tư trong ứng dụng công nghệ: Khuyến khích và thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong việc ứng dụng công nghệ vào phát triển di sản là một giải pháp khả thi. Nhà nước cần đóng vai trò hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp công nghệ với các đơn vị quản lý di sản để cùng phát triển các dự án công nghệ thông minh. Điều này không chỉ giúp giảm tải áp lực tài chính cho địa phương mà còn thu hút được sự sáng tạo và nguồn lực từ khu vực tư nhân. Các dự án thử nghiệm công nghệ, như các ứng dụng thực tế ảo, quản lý di sản bằng công nghệ IoT (Internet of Things), cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bên liên quan để đạt hiệu quả tối ưu.

Tăng cường quản lý và bảo mật thông tin: Vấn đề bảo mật thông tin và quản lý dữ liệu số hóa là yếu tố then chốt cần chú ý khi triển khai công nghệ trong lĩnh vực di sản. Quảng Ninh cần xây dựng các hệ thống bảo mật tiên tiến, quy trình quản lý chặt chẽ, bảo vệ dữ liệu di sản khỏi các nguy cơ bị xâm nhập và tấn công mạng. Việc thiết lập các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư, xử lý thông tin nhạy cảm cũng cần được thực hiện song song với các dự án công nghệ.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, những giải pháp trên đây không chỉ là hướng đi cần thiết mà còn là động lực thúc đẩy Quảng Ninh vươn lên trở thành hình mẫu tiêu biểu trong việc kết hợp khoa học - công nghệ với phát triển kinh tế di sản. Việc thực hiện nghiêm túc và kiên trì các giải pháp nêu trên sẽ góp phần đưa nền kinh tế di sản của Quảng Ninh phát triển bền vững, nâng cao vị thế của di sản trên bản đồ du lịch thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vietnamnet. (2024, October 19). Quảng Ninh: Khoa học - công nghệ là giải pháp phát triển kinh tế xã hội bền vững. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/quang-ninh-khoa-hoc-cong-nghe-la-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ben-vung-2289085.html

2. Diễn đàn Doanh nghiệp. (2024). Quảng Ninh ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển bền vững. Diễn đàn Doanh nghiệp. https://diendandoanhnghiep.vn/quang-ninh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-phat-trien-ben-vung-10043851.html

3. Vietnamnet. (2023, December 3). Khoa học và công nghệ: Động lực phát triển của Quảng Ninh. Vietnamnet.

https://vietnamnet.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-luc-phat-trien-cua-quang-ninh-801000.html

4. Vietnamnet. (2024, September 20). Khoa học - công nghệ: Đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội Quảng Ninh. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/khoa-hoc-cong-nghe-don-bay-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-quang-ninh-2221125.html

5. Tạp chí khoa học Hạ Long. (2023.May 18.). Những vấn đề lí luận về phát triển kinh tế di sản ở Việt Nam hiện nay. https://tailieu.vn/doc/nhung-van-de-li-luan-ve-phat-trien-kinh-te-di-san-o-viet-nam-hien-nay-2730323.html

6. Việt Nam hội nhập. (2024). Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Thành tựu, hạn chế và giải pháp tháo gỡ. Việt Nam hội nhập. https://vietnamhoinhap.vn/vi/ung-dung-khoa-hoc---cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep--thanh-tuu--han-che-va-giai-phap-thao-go-41176.htm

7. Schwab, K. (2018). *Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nxb. Chính trị Quốc gia.

8. Nguyễn Thị Hồng Hải, & Nguyễn Thị Thanh Thủy. (2015). Quản lý nguồn nhân lực khu vực công - lí luận và kinh nghiệm một số quốc gia. Nxb. Chính trị Quốc gia.

9. Thành ủy Hà Nội. (2016). *Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội. Nxb. Chính trị Quốc gia.

10. Throsby, D. (2012). Heritage economics: A conceptual framework. In G. A. Licciardi (Ed.), The Economics of Uniqueness: Historic Cities and Cultural Heritage Assets as Public Goods* (pp. 75-106). World Bank