Quảng Ninh: Đổi mới tư duy và hành động để phát triển bền vững kinh tế - xã hội
TCCS - Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong gần 40 năm đổi mới đất nước, tỉnh Quảng Ninh với vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng với nhiều kinh nghiệm, cách làm hay. Những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của sự nỗ lực đổi mới tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh.
Quá trình đổi mới tư duy, hành động để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh thời gian qua
Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững manh nha trong cả quá trình sản xuất xã hội và bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Chính vì thế, năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Ri-ô đơ Gia-nê-rô đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Theo đó, ba trụ cột phát triển bền vững được xác định là: Thứ nhất, bền vững về mặt kinh tế, hay phát triển kinh tế bền vững là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng; Thứ hai, bền vững về mặt xã hội là công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh; Thứ ba, bền vững về sinh thái môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống(1).
Phát triển kinh tế bền vững gắn chặt với xây dựng môi trường sống tự nhiên hài hòa, thân thiện với con người; giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường; quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo được; từng bước thực hiện “tăng trưởng xanh”, phát triển kinh tế các-bon thấp; phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường cho thế hệ hôm nay và cho thế hệ mai sau; chủ động phòng, chống, hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng; phát triển kinh tế, phát triển xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu...
Nhận thức rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực cụ thể hóa thành quan điểm, định hướng về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nhanh chóng khôi phục đúng thời điểm, phục hồi hiệu quả ngành du lịch, dịch vụ trên cơ sở thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ở mức hai con số trong nhiều năm qua.
Về cải cách hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính một cách toàn diện trên 6 nội dung, gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đến nay, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh được xây dựng, áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến huyện được thành lập với nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, được trang bị đầy đủ, đồng bộ các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm công nghệ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, bảo đảm thuận tiện trong quá trình giao dịch cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn, tạo sự thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp 1.712/1.832 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 1.387 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 75%, tương ứng với 100% TTHC đủ điều kiện; tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt tỷ lệ 70%; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 1.222 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%.
Quá trình chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh” được bắt đầu từ đổi mới tư duy. Một mặt, tỉnh Quảng Ninh vẫn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, duy trì sinh kế bền vững cho hàng vạn thợ mỏ, sự phát triển ổn định của nhiều doanh nghiệp. Mặt khác, khơi dậy mạnh mẽ những tiềm năng chuyển thành động năng mới, thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân từ thành thị đến nông thôn, nâng trình độ của lực lượng sản xuất lên một tầm cao mới, tạo sự phát triển nhanh và bền vững dựa trên các lĩnh vực không thâm dụng tài nguyên và hài hòa, bồi đắp môi trường. Cũng theo hướng này, quá trình chuyển từ “nâu” sang “xanh” ngày càng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn; giữa phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển.
Nhờ đổi mới tư duy, nhận thức, tỉnh Quảng Ninh bứt phá đi lên khá toàn diện, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 3 năm (2020 - 2022) đạt 156.263 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 117.807 tỷ đồng, chiếm 75,4%, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2022 của tỉnh đạt hơn 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước và cao nhất ở khu vực phía Bắc. Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Một số giải pháp
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tầm nhìn phát triển đến năm 2030 và năm 2045 cho tỉnh Quảng Ninh là: Đến năm 2030, xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tỉnh cần chủ động đổi mới tư duy về phát triển địa phương trong bối cảnh mới. Nhận thức rộng sâu, toàn diện, cụ thể điều kiện, đặc điểm, điểm mạnh, điểm yếu và các mâu thuẫn chủ yếu, những thách thức đặt ra đối với địa phương, từ đó kịp thời có giải pháp phù hợp đưa quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ngày càng bền vững và lan tỏa rộng hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Thứ hai, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm. Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, nhất là lao động giữ vị trí then chốt, lao động kỹ thuật số chất lượng cao, vừa là đột phá, động lực, vừa là tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong đó, cần chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh.
Thứ ba, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái. Thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế còn dư địa phát triển lớn; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), nâng cao hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.
Thứ tư, chất lượng tăng trưởng kinh tế là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương. Đây là vấn đề đòi hỏi phải có sự chuyển biến đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo, các ngành và doanh nghiệp.
Thứ năm, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từng bước hướng đến phát triển kinh tế số. Cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ đơn thuần là việc thu hẹp ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp nặng, nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến tinh, năng lượng sạch và dịch vụ, đặc biệt là thương mại và du lịch, mà còn cần tập trung vào quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả những nguồn lực kinh tế, tập trung nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào đa ngành nghề, lĩnh vực, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số và xây dựng đô thị thông minh./.
----------------
(1) Vũ Văn Hiền: Phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, ngày 3-1-2014, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/25248/phat-trien-ben-vung-o-viet-nam.aspx
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng - Kinh nghiệm từ Quảng Ninh  (10/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử  (10/12/2024)
Tỉnh Quảng Ninh chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số  (10/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm