Tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử
TCCS - Những năm qua, việc chuẩn bị tốt kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử đã được tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai có hiệu quả. Qua đó, tạo lập và khai thác tốt dữ liệu để tạo ra giá trị mới; xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ và mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển.
Những kết quả đạt được trong chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh Quảng Ninh thời gian qua
Nhằm triển khai chuyển đổi số theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định: “Tiếp tục thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, nhất là nhận thức của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số, xây dựng dữ liệu là giải pháp đột phá, quan trọng hàng đầu; xây dựng cơ sở dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên mới, là khâu then chốt của chuyển đổi số toàn diện ở tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân, cộng đồng doanh nghiệp về yêu cầu, nhu cầu, lợi ích của chuyển đổi số toàn diện; triệt để ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh một cách hiệu quả, thực chất và an toàn”(1). Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ được tỉnh tập trung thực hiện để xây dựng tỉnh trở thành đô thị hiện đại là phát triển dữ liệu, xây dựng dữ liệu phục vụ chính quyền số, dữ liệu phục vụ kinh tế số và dữ liệu phục vụ xã hội số; tập trung chuyển đổi số cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt cải cách hành chính hiệu quả hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm thực hiện thành công chính quyền đô thị trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của các cấp chính quyền”. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp tỉnh đạt trên 90%; trong đó, cấp xã đạt tỷ lệ trên 85%, cấp huyện đạt tỷ lệ trên 90%, cấp tỉnh đạt tỷ lệ trên 95%. 100% số thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được thiết lập, niêm yết, công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Trên 74% số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa theo quy trình 5 bước, từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh là địa phương có tỷ lệ số hóa toàn trình cao nhất cả nước theo công cụ đánh giá tự động theo thời gian thực của Văn phòng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện việc kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm khai thác được 20/20 trường thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ cán bộ trong việc không sử dụng sổ hộ khẩu giấy. Thực hiện tốt công tác quản lý hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh với 239 điểm cầu từ tỉnh đến 100% đơn vị cấp xã, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí. Năm 2023, chất lượng đường truyền trực tuyến cho 478 cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh và từ tỉnh đến địa phương đều được bảo đảm. 100% công việc ở cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử (đặc biệt là trình ký văn bản điện tử, thực hiện các chức năng xử lý nội bộ, trừ văn bản mật và một số loại văn bản đặc thù). 100% số trường từ tiểu học đến trung học phổ thông triển khai học bạ điện tử; 100% số cơ sở y tế ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, điều hành và quản lý dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số và trả cho người dân trên môi trường số(2)…
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận “một cửa” hiện đại cấp xã đã triển khai thực hiện thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt từ ngày 1-7-2023, đặc biệt là đã thực hiện thu phí trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến; bố trí cán bộ thu phí, lệ phí, phối hợp với các nhà mạng và các đơn vị có liên quan hỗ trợ, hướng dẫn người dân ưu tiên thực hiện nghĩa vụ tài chính qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2023, tỉnh thu được 13,5 tỷ đồng phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 12,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 91%); cấp huyện thu được 9,3 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 9,0 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 96,6%), cấp xã thu được 8,4 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính, trong đó thu qua các hình thức không dùng tiền mặt là 4,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,6%)(3).
Có thể nói, những kết quả đạt được trong chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua ở tỉnh Quảng Ninh chính là cơ sở, điều kiện để cấp ủy, chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, quá trình này cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Một số mục tiêu thành phần liên quan đến công tác chuyển đổi số chưa bảo đảm tiến độ. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang, thiết bị hiện có của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng tốt để triển khai nhiệm vụ. Hệ thống “một cửa” điện tử của tỉnh hoạt động cơ bản ổn định, tuy nhiên do khối lượng dữ liệu phát sinh tăng gấp nhiều lần, số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia khai thác hệ thống tăng trong khi hệ thống chưa được nâng cấp nên đôi khi tốc độ xử lý còn chậm, xảy ra sự cố lỗi… Việc nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng như yêu cầu đổi mới bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” theo các quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018 và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngày 8-4-2020, của Chính phủ, Quyết định số 468/QĐ-TTg, ngày 27-3-2021, của Thủ tướng Chính, Thông tư số 01/2023/TT-VPCP, ngày 5-4-2023, của Văn phòng Chính phủ. Trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, một số đơn vị, địa phương giải quyết thủ tục hành chính vẫn để chậm, muộn, quá hạn. Năm 2023, tổng số hồ sơ giải quyết quá hạn của 3 cấp là 2.950 hồ sơ (cấp tỉnh là 343 hồ sơ, cấp huyện là 1.874 hồ sơ, cấp xã là 733 hồ sơ); trong đó, quá hạn đã giải quyết là 2.738 hồ sơ, đang giải quyết quá hạn là 212 hồ sơ(4).
Một số giải pháp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh Quảng Ninh thời gian tới
Trong thời gian tới, để không ngừng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh, cần chú trọng thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về tầm quan trọng của việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung rà soát các quy chế, quy định; thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật bảo đảm thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải cách hành chính,...
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 124/NQ-HĐND, ngày 4-11-2022, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Ba là, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 24-6-2022 một cách thực chất, hiệu quả; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, ngày 31-10-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh, về việc quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính. Áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020 trong các cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân về cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Bốn là, hoàn thành cơ sở dữ liệu các ngành và bảo đảm kết nối, chia sẻ đồng bộ, liên thông dữ liệu trong toàn tỉnh; đồng thời, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Chính phủ và Trung ương. Thực hiện công khai thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, địa phương; thường xuyên chuẩn hóa dữ liệu về đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh, bảo đảm thông tin chính xác, đúng - đủ - sạch - sống. Triển khai hệ thống quản lý trường học trực tuyến tích hợp tuyển sinh liên thông đầu cấp trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành việc xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu, nền tảng tích hợp để kết nối liên thông dữ liệu y tế tại các cơ sở y tế nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình khám, chữa bệnh và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định trong ngành y tế. Triển khai các mô hình, giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung, ứng dụng công nghệ số phục vụ quản lý khách du lịch, quản lý tuyến, điểm, khu du lịch… nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường... trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Nghiên cứu số hóa và công khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch các địa phương dưới nhiều hình thức bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người dân, doanh nghiệp./.
-----------------------------------
(1) Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
(2), (3) Xem: Báo cáo số 280-BC/BCSĐ, ngày 28-3-2024, của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
(4) Xem: Báo cáo số 368-BC/BCSĐ, của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ngày 21-4-2024, về tình hình, kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Tỉnh Quảng Ninh chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số  (10/12/2024)
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Ninh  (10/12/2024)
Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới - Thực trạng và giải pháp  (10/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản: Kinh nghiệm của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)  (09/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm