Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 7 giờ sáng ngày 29-9, mưa lũ tại miền núi phía Bắc đã làm 41 người chết; 5 người mất tích và 61 người bị thương.

Trong đó, Bắc Giang: 9 người; Lạng Sơn: 10 người; Sơn La: 16 người; Quảng Ninh: 5 người; Vĩnh Phúc: 1 người.

Cùng với số người thiệt mạng hiện nay có 5 người mất tích (Sơn La: 3, Lạng Sơn: 1, Lào Cai:1) do lũ cuốn. Số người bị thương: 61 người (Bắc Giang: 23; Lạng Sơn: 8; Sơn La: 24, Quảng Ninh 6) chủ yếu do lốc và sạt lở đất làm đổ nhà.

Về giao thông, thủy lợi: Các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng đất đá: 1.147.170 m3; 1339 ngôi nhà bị sập, đổ trôi; 10.351 nhà cửa bị ngập, hư hại; 19.532 ha lúa, bị hư hại.

Ước tính thiệt hại về vật chất của đợt mưa lũ này 1.036 tỉ đồng (Bắc Giang: 506 tỉ đồng; Sơn La: 201,6 tỉ đồng; Quảng Ninh: 287 tỉ đồng; Lạng Sơn: 36,6 tỉ đồng, Bắc Kạn: 5,3 tỉ đồng.

Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ nhân dân vùng bị nạn

Trước tình hình mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Giang yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ; thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết, bị thiệt hại.

Ngày 28-9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) và Đình Lập, Lục Bình (Lạng Sơn); Thứ trưởng Đào Xuân Học, Phó ban Thường trực đã chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Sơn La.

Bộ Công an đã thành lập 4 đoàn công tác thuộc Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Kỹ thuật đến các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh để tổ chức cứu trợ nhân dân vùng bị ngập lụt. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp cho các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn với số tiền là 400 triệu đồng và 1.000 thùng đồ dùng gia đình. Tổng số hàng hoá và tiền trị giá ước tính 1 tỉ đồng.

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã đến huyện Bắc Yên, huyện bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Sơn La, giúp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả bão số 6. Đoàn đã thăm hỏi, động viên và giúp đỡ mỗi gia đình có người bị chết 1 triệu đồng.

Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã cử nhiều đoàn công tác đến 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang ứng phó mưa lũ. Đơn vị Tây Sơn còn dùng ô tô, xuồng máy đưa, đón hàng nghìn lượt người dân thoát ra khỏi các vùng lũ và ngập úng. Đoàn Sao vàng huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ, gần 100 lượt phương tiện , sử dụng 2.000 bao tải dứa, 1.000 cọc tre bảo vệ an toàn cho các đoạn đê xung yếu nhất của 2 huyện Lạng Giang, Lục Ngạn (Bắc Giang).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có điện thăm hỏi đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ và quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người bị thiệt mạng 2 triệu đồng, mỗi người bị thương 1 triệu đồng với tổng số tiền 110 triệu. Dự kiến sẽ phân bổ 1,5 tỉ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do lũ để khắc phục hậu quả: 4 tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh mỗi tỉnh 300 triệu; 2 tỉnh Bắc Cạn và Yên Bái mỗi tỉnh 150 triệu đồng.

Tỉnh Bắc Giang: Bắc Giang là tỉnh thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ này: gần 11.570 ha lúa, hoa màu và 290 ha cây ăn quả bị thiệt hại; gần 600 nhà bị sập và bị lũ cuốn. Hiện nay, tỉnh tập trung cứu trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Bước đầu quyết định hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi; trợ cấp 3 triệu đồng/hộ gia đình có người bị chết do mưa lũ; 500.000 đồng/người bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ mỳ tôm, nước khoáng, quần áo cho nhân dân vùng lũ.

Công an Bắc Giang và lực lượng quân đội đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ, 2.560 dân quân tại chỗ, 220 thanh niên xung phong, 8 xuồng máy, 6 xe tải phối hợp với các huyện tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo vệ an toàn các tuyến đê, hồ lớn. Huyện Sơn Động trích ngân sách 150 triệu đồng, 2 tấn gạo, 500 thùng mỳ tôm hỗ trợ các gia đình bị nạn. Huyện Lục Ngạn xuất 15.000 gói mỳ tôm, 1.800 chai nước cho các hộ dân; hỗ trợ mỗ gia đình có người chết 3 triệu đồng và huy động tất cả cán bộ công chức làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Huyện Yên Dũng huy động hơn 200 bao tải cát và hàng trăm người chống tràn đê tại xã Tân liễu.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện, thị xã, duy trì đủ con số, phương tiện sẵn sàng sàng ứng cứu, bảo đảm trực 24/24 giờ không để bất ngờ xảy ra. Lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với các lực lượng địa phương di dời 49 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, tổ chức dựng nhà bạt để bà con tránh lũ an toàn.

Tỉnh Lạng Sơn: Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cứu trợ 200 thùng hàng gồm chăn, màn, quần áo, bộ đồ nấu ăn. Sở Y tế Lạng Sơn cũng đã đưa hơn 1 tấn hoá chất đến các điểm ngập lụt xử lý nước sinh hoạt và tẩy uế môi trường. Hiện nay, nhiều trường học ở vùng cao vẫn bị cô lập, học sinh phải nghỉ học. Toàn tỉnh còn 30 xã do sạt lở đường nên vẫn bị cô lập. Ủy ban nhân dân tỉnh đã trao 300 thùng mỳ tôm cho nhân dân vùng ngập lụt quanh thành phố. Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu nghị cử 20 cán bộ, chiến sỹ và 2 ô tô phối hợp với các lực lượng địa phương di dời 30 người và 28 hộ dân ở khu vực vườn Sái đến nơi an toàn.

Tỉnh Quảng Ninh: Tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người chết và cứu chữa người bị thương, đã chuyển mỳ ăn liền, nước uống và nhiều cơ số thuốc cho nhân dân vùng lụt. Hiện nay điện lưới ở huyện Tiên Yên vẫn chưa khắc phục được. Đoạn đường giao thông từ Tiên Yên về Hạ Long đã thông. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động tối đa lực lượng của tỉnh Ban chỉ huy quân sự các huyện cùng hàng trăm dân quân tự vệ, 3 xe lội nước và 5 xuồng máy, di dời dân đến nơi an toàn và chở lương thực, thuốc men đến cứu trợ đồng bào vùng lũ. Huyện Ba Chẽ đã điều động 3 xe lội nước của Lữ đoàn Hải quân 147 (đóng tại thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng) ra ứng cứu, đồng thời chuyển 160.000 gói mỳ ăn liền; 22.000 chai nước uống và nhiều cơ số thuốc cho nhân dân vùng bị nạn. Huyện Tiên Yên đã cấp 8.000 gói my ăn liền cho nhân vùng bị lụt.

Tỉnh Sơn La: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động gần 300 cán bộ chiến sỹ, hơn 1.000 dân quân, 11 xe ô tô, 1 xuồng, 50 nhà bạt, giúp người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Tỉnh Sơn La đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 2 triệu đồng/người và người bị thương từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Hỗ trợ các gia đình có người bị nạn khắc phục hậu quả với tổng số tiền là 478 triệu đồng cùng gạo, mỳ tôm, hàng hóa, nước uống cho các huyện Mai Sơn, Bắc Yên và thị xã Sơn La. Các huyện đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các huyện để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các tuyến giao thông chính đến nay đã cơ bản thông xe.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La, tất cả các tuyến giao thông trên quốc lộ 6, quốc lộ 37, quốc lộ 4G; các tuyến tỉnh 106, 207,101 đã thông tuyến, Ngành giao thông vận tải tỉnh đang tập trung xe, máy, nhân lực sửa chữa các điểm sạt lở, nhất là các đoạn đường đang có nguy cơ lở đất tại các đèo Chiềng Đông, Sơn La, Chiềng Pấc, Pha Đin, Chẹn, Cao Phạ.

Tỉnh Lào Cai đã sơ tán 1.000 hộ dân ở ven sông, suối, chân núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ra khỏi vùng nguy hiểm và thành lập các đoàn công tác kiểm tra thiệt hại khắc phục hậu quả tại các xã Trịnh Tường (Bát Xát) và tuyến đường A Mú Sung, Ngải Thầu (Sa Pa)

Tại Hải Phòng, mưa lớn làm 2000 ha lúa mùa, 1.500 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng. Nông dân Hải Phòng đang tập trung khơi thông dòng chảy, chống úng cứu lúa.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nước đang lên nhanh. Các tỉnh trong vùng đang đầu tư hàng chục tỉ đồng để gia cố đê, kè, cống chủ động chống lũ./.